Vào cái ngày mà Man City công bố báo cáo tài chính đưa họ có vẻ rất thiếu khả quan so với các tiêu chuẩn do Luật tài chính công bằng được Chủ tịch UEFA Michel Platini đề xuất, họ đè bẹp Tottenham Hotspur 5-1, trong một trận đấu mà HLV Tim Sherwood của đối thủ đã phải thừa nhận rằng "trình độ Man City bỏ xa chúng tôi hàng dặm".
Gã "trọc phú" lại có quyền ồn ào?
Theo báo cáo mà tờ Telegraph tiết lộ, Man City đã lỗ tổng cộng 150 triệu bảng qua hai mùa 2011-2012 và 2012-2013, trong khi đó, các hóa đơn cho thấy quỹ lương của đội bóng đã tăng 32 triệu bảng thành 233 triệu mùa này. Trong khi đó, UEFA quy định rằng trong 3 mùa liên tiếp từ 2011-2014, các CLB châu Âu không được phép lỗ lũy kế nhiều hơn 37 triệu bảng.
Chi phí của Man City thì vẫn tăng từng ngày, thậm chí từng phút. Cứ mỗi phút trôi đi là Man City đã phải chi 443 bảng cho đội ngũ nhân viên lên đến 449 người, trong khi mùa 2011-2012, con số ấy chỉ là 384 bảng.
Man City đang hướng tới sự thành công |
Tính từ năm 2008 tới giờ, họ đã tiêu 610 triệu bảng để mua cầu thủ, trong khi chỉ thu về 112 triệu từ bán cầu thủ, "lãng phí" số một Premier League nếu chỉ tính trong 5 năm qua. Nếu tính riêng trong lịch sử giải Ngoại hạng, thì họ chỉ xếp sau Chelsea, đội tiêu tiền số một trong lịch sử Premier League, với gần 1 tỷ bảng bỏ ra để chiêu mộ tân binh.
Nhưng Tottenham thật ra không thua kém quá xa đối thủ của mình về khoản tiêu tiền: Mùa này, họ đã chi hơn 100 triệu bảng, nhiều nhất Premier league, và tính từ năm 2003 tới nay, đội bóng này đã tiêu gần nửa tỷ bảng, nhiều chỉ kém 4 ông lớn Chelsea, Man City, Liverpool và Man United mà thôi.
Nhưng dù tiêu pha phóng tay đến vậy, họ vẫn không thể vượt qua được cái bóng của Arsenal, một trong những đội thành công với chính sách tiết kiệm tiêu biểu ở Premier League. Rất ít tân binh Tottenham mua về tỏa sáng.
Sự bất công của lịch sử
Liverpool, đội bóng tiêu pha nhiều thứ ba trong lịch sử Premier League (chỉ kém Chelsea và Man City), cũng hoang phí hơn ta tưởng, với 650 triệu bảng đã bỏ ra, nhưng nên nhớ rằng lần gần nhất họ vô địch cách đây đã hơn hai thập kỷ. Chúng ta hẳn còn nhớ Lữ đoàn đỏ đã phung phí đến 35 triệu bảng cho bản hợp đồng vô dụng Andy Carroll như thế nào.
Nhưng điều vô lý là những đội bóng như Liverpool hay Tottenham không bị dè bỉu về truyền thống rằng họ là trọc phú, rằng họ dùng tiền mua thành công. Những lời ấy lại được để dành cho Man City, Chelsea, chỉ vì họ... đã từng thành công. Chelsea thật ra đã mất đến 2 mùa để thực sự được coi là ông lớn của bóng đá Anh, với cá tính và một bản lĩnh rõ ràng. Man City thậm chí còn lâu hơn thế, và cho đến thời điểm này, họ thực sự đã xây dựng được một đội bóng ấn tượng: Có cá tính, phong cách và cả sự lôi cuốn.
Nếu tìm hiểu một chút, chúng ta sẽ biết rằng Man City có một lịch sử còn dày hơn cả... Liverpool, đội bóng đã tồn tại 121 năm. Man City có tuổi đời 134 năm, và nên nhớ rằng họ cũng là một trong những nhà vô địch FA Cup đầu tiên trong lịch sử, với chức vô địch vào năm 1904. Năm 1934, họ thậm chí còn lập kỷ lục về số khán giả ở một trận sân nhà trong lịch sử bóng đá Anh, với gần 85.000 người đến sân Maine Road xem họ gặp Stoke City ở vòng 6 FA Cup. 3 năm sau, họ giành chức VĐQG Anh lần đầu tiên trong lịch sử.
Nghĩa là Man City không hề thiếu truyền thống như ta tưởng. Chỉ khác là truyền thống của họ đã bị "vùi lấp" quá lâu. Trong một thời gian dài, họ không giành được chiếc Cúp nào, và thế là người ta cho rằng Man City xuất hiện từ hư vô, và chỉ có mỗi tiền để tự hào.
Một đội bóng bị coi là "trọc phú" khác, Chelsea, đã có tuổi đời là 108 năm (thành lập năm 1905), đã giành đến 7 chức vô địch FA Cup, và cũng có một lịch sử đáng tự hào.
Man City cũng có một lịch sử
Man City và Chelsea đều có một lá cờ đáng tự hào và một truyền thống không thể coi thường, nhưng chỉ cần vài năm chi tiêu bạo, là họ bị gán cho cái danh trọc phú. Trong khi trong nhiều năm, Barcelona, Real Madrid, Liverpool... phung phí rất nhiều tiền, thì không ai trách họ cả.
Chiến thắng trước Tottenham, một đội cũng bạo chi không kém mùa bóng vừa qua, cho thấy rằng chuyện Man City chi tiêu bao nhiêu không phải là vấn đề. Điều quan trọng nhất là họ đã tiêu đúng hay chưa.
Sergio Aguero, chân sút số một của đội vài năm qua, đến Etihad với giá 38 triệu bảng mùa 2011-2012, là một khoản đầu tư cực kỳ xứng đáng: Đó là một tiền đạo phi thường, và một cầu thủ chuyên nghiệp mẫu mực. Anh chắc chắn là khoản đầu tư tốt hơn hẳn Andy Carroll, được Liverpool đưa về trong cùng mùa Hè với giá 35 triệu bảng.
Giờ thì với Aguero và rất nhiều cầu thủ mới đã phát huy giá trị của mình mùa Hè này, Man City đã là một đội bóng tuyệt vời: Có tinh thần tấn công, cuốn hút, và đầy tự hào. Giờ thì họ đã ở ngôi đầu, và làm tắt những lời gièm pha rằng một đội bóng như thế không thể đứng đầu được nữa.
Và giờ thì lịch sử của Man City đang có quyền lên tiếng, dù giấy mực đã thừa nhận nó từ lâu: Đây là đội bóng có lịch sử 134 năm, và vô khối sự tự hào, lẫn truân chuyên. Tiền chỉ là phương tiện để chúng ta nhắc lại điều đó mà thôi.
theo khám phá
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan: