Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd của Sir Alex đã lùi sâu vào dĩ vãng!

Thứ Ba 02/09/2014 21:43(GMT+7)

 Không quá khi gọi đây là một kỳ chuyển nhượng “điên rồ” của MU. Đã bao lâu rồi ta mới thấy họ mua sắm mạnh tay, dồn dập, vồn vã như vậy? Có thể là chưa bao giờ.

Đó là cách người chủ mới mua sắm nguyên liệu để xây lại một ngôi nhà đã tồn tại hơn 26 năm, vẫn trên mảnh đất ấy nhưng sẽ là một công trình khác, tính cách khác. Cuộc đại phẫu mà người MU hằng chờ đợi hóa ra lại đến quá bất ngờ với chính những người hâm mộ Quỷ đỏ.

MU cũng là “gã nhà giàu”

MU giàu, MU danh tiếng, MU không thiếu tiền, chính Sir Alex liên tục khẳng định điều đó để trấn an những ai lo ngại về khả năng mua bán của câu lạc bộ. Nhưng rồi, hết mùa này đến mùa khác, Man Utd rất chắt chiu khi “đi chợ”, cực kỳ hiếm khi sở hữu được những ngôi sao lớn, và thường mau chóng bị đánh bại khi vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ chịu chơi. Đỉnh cao năm 1999 đến từ lứa cầu thủ xuất chúng tự đào tạo, còn nòng cốt của MU 2008 lại là những hợp đồng góp nhặt qua nhiều năm, trong đó nhân tố chủ đạo Ronaldo đi lên từ một tài năng trẻ tiềm năng với giá chỉ 12 triệu bảng. Sir Alex vẫn tiếp tục chơi trò chơi thiên tài của ông khi giúp MU liên tục cạnh tranh trực tiếp ngôi vô địch Premier League, có lúc lên ngôi, trước những kình địch vượt xa về lực lượng như Man City hay là Chelsea.

Manchester United giờ đây đã không còn dè dặt trong khoản thực hiện bom tấn
Manchester United giờ đây đã không còn dè dặt trong khoản thực hiện bom tấn

Đế chế huy hoàng dừng lại khi Sir Alex dừng lại, mọi thứ rối tung sau lưng ông, và cuối cùng thì người ta đã thấy MU phải tiêu tiền đúng với vị thế của họ, như những đội bóng hàng đầu khác, thậm chí còn “điên cuồng” hơn, bởi họ đã lún quá sâu trong nỗ lực đi tiếp con đường của Sir Alex. Có nằm mơ, cách đây vài tháng, cũng chẳng cổ động viên MU nào nghĩ đến việc Di Maria hay Radamel Falcao lại khoác chiếc áo Quỷ đỏ trên mình. Ca thán về những vị trí yếu, nói đi nói lại những ao ước về sự bổ sung đã là thói quen của Manucians rồi, nếu mùa hè có trôi qua mà đội hình không mấy xáo trộn, chắc họ cũng thấy khá bình thường. Thời Sir Alex, nếu chỉ có Herrera với Luke Shaw đến thôi thì chắc MU đã khóa sổ, mà đối chiếu với sự sa sút và tăm tối hiện tại thì mua được những người ấy cũng đã là thành công.

MU đã chi hơn 150 triệu bảng chưa tính thương vụ mượn người kiểu lách luật của Falcao, con số này rất khủng khiếp, làm nhiều người nghĩ đó là Real Madrid hay Barcelona mới phải. Trong lúc các đại gia xứ sương mù như Man City và Chelsea đang đi vào ổn định, chỉ mua thêm những người hợp lý, không còn mấy bom tấn, thì MU mới bắt đầu “tung hoành”, như để bù cho những năm tiết kiệm, những năm nhìn kẻ khác ôm tiền mua danh hiệu. Họ phá sâu kỷ lục chuyển nhượng của câu lạc bộ, và trái lại cũng dứt khoát đẩy đi những cái tên không đủ xuất sắc hoặc không phù hợp, điều cũng rất bị hạn chế khi Sir Alex còn ở đây.

Có chút gì đã mất

Được hậu thuẫn về tiền bạc, Van Gaal có vẻ muốn “thay xác” cho Quỷ đỏ một cách toàn diện. Những trận đấu Premier League tệ hại sau khi đá giao hữu rất thành công đã khiến ông nhận ra giải đấu này nghiệt ngã đến thế nào. Danh tiếng của Van Gaal, tham vọng của Van Gaal, nó cần được hỗ trợ ngay lập tức, con đường sẽ ngắn hơn nếu có thể thanh lọc đội hình, câu lạc bộ dám chi thì Van Gaal cũng chẳng ngần ngại đưa ra những yêu cầu, và đa số đã được đáp ứng.

Nếu là Sir Alex, ông sẽ tìm cách sử dụng Kagawa bằng được, có không được thì cũng níu thêm thời gian như một sự dự phòng, khi tố chất của anh là có. Nếu là Sir Alex, ông sẽ chẳng mua Juan Mata khi đã có Kagawa, ông sẽ tìm mua những vị trí khác. Nếu là Sir Alex, có lẽ sẽ vẫn có Di Maria nhưng sẽ không có Falcao, ông sẽ chẳng đẩy đi Chicharito và Welbeck, hàng công với ông thế vẫn là được. Tất nhiên là Sir Alex hơi kỳ quặc, hơi bảo thủ, hay chính xác thì ông có niềm tin tuyệt đối vào cầu thủ, vào khả năng xoay chuyển tình thế của chính mình, ông truyền cho họ tư tưởng, ông buộc họ phải đá như một đội bóng đẳng cấp cao, cho dù khi tách ra, họ thua “người ta” nhiều lắm.

Bây giờ nhìn lại, bóng dáng những “đứa con Old Trafford” đã heo hút dần. Sẽ không có sự ưu ái nào nữa, Welbeck đã đi, Cleverley cũng bị xem như người thừa, Evans phong độ xuống thấp, Januzaj đứng trước sự cạnh tranh lớn từ Di Maria. MU đã phải viện nhiều hơn đến những nguồn lực bên ngoài, những “sao mai” có tiềm năng chẳng còn nhiều đất sống, nếu non nớt và chậm phát triển, sẽ chẳng ai cố gắng dìu dắt họ vì họ mang dòng máu “Quỷ con” nữa. Họ sẽ bị đào thải, sẽ bị xô về những đội bóng khác, hoặc bị giam cầm trên ghế dự bị. Người giỏi hơn sẽ đá, sẽ được mua mới, MU kiểu Sir Alex chính thức sẽ không còn.

Cũng đành vậy, khi tất cả đều chạy đua vũ trang không ngừng nghỉ, cứ mong chờ ở sự tỏa sáng của những viên ngọc thô hay sự thăng hoa của những cầu thủ trung bình thì thật khó lòng so bì được, nó cần cả may mắn lẫn cái duyên. Lấy đâu ra nhiều “thế hệ vàng 1992”, lấy đâu ra nhiều CR7? Nếu nhiều thì họ đã chẳng còn là đặc biệt, chẳng còn là huyền thoại. Vấn đề lúc này với MU, đó là Van Gaal có tận dụng được hết những gì ông có hay không, mua sắm hàng loạt như thế nghĩa là cũng cần thời gian để lắp ghép, để xây dựng. MU có lẽ sẽ lột xác, sẽ lại là Quỷ, nhưng chớ vội nói sớm, còn nếu mọi chuyện suôn sẻ, một Quỷ đỏ rất mới sẽ xuất hiện, Quỷ đỏ của Van Gaal.

Theo Bongda

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X