Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

"M.U cần gấp GĐTT, hơn là HLV mới"

Thứ Bảy 26/04/2014 07:25(GMT+7)

Mô hình “manager” tại M.U cũng như bóng đá Anh bị xem là lỗi thời, sau khi Sir Alex ra đi và người kế nhiệm David Moyes thất bại nặng nề. M.U cần thay đổi, trước nhất là kiếm tìm một giám đốc thể thao.

CHỈ CÓ MỘT FERGUSON

Alex Ferguson cầm quân ở M.U 27 năm, ông thuộc thế hệ cũ và tư duy cũ trong bóng đá Anh tô đậm vai trò của manager (nhà quản lý, kiêm luôn vai trò huấn luyện, chuyển nhượng và phát triển bóng đá trẻ) thay vì chỉ lo huấn luyện (coach) như ở các nền bóng đá khác.

 

Ferguson thành công vang dội ở M.U là ngoại lệ, nhờ mối quan hệ rộng và uy tín với nhiều tay cò hàng đầu (ví dụ Pini Zahavi). Nhờ đó, ông mua được Cristiano Ronaldo với giá hợp lý, rồi bán cho Real với giá kỷ lục. Rất nhiều phi vụ mua cầu thủ khác của M.U cũng rất thành công như Cantona, Evra, Ferdinand, Keane, Van Nistelrooy... Bên cạnh đó cũng có nhiều vụ thất bại (Veron, Poborsky, Djemba-Djemba, Kleberson)... Vụ mua cầu thủ Bebe của BĐN, Ferguson còn không hề xem anh ta thi đấu mà vẫn chi 7 triệu bảng nên thất bại nặng nề.

Ferguson rất giỏi nhưng ôm đồm quá nhiều việc nên có lúc thất bại chuyển nhượng là đương nhiên, chỉ vì ông dẫn dắt thành công M.U nên những sai lầm chuyển nhượng bị lờ đi. M.U có hệ thống scout (tìm kiếm tài năng) khắp thế giới nhưng không có một người am tường theo dõi, quyết định mua người. Vai trò đó thuộc về giám đốc thể thao. Nhân vật này phải đi nhiều, trong khi Ferguson không thể nay đây mai đó vì còn bận huấn luyện.

Thời trước, bóng đá Anh chủ yếu mua cầu thủ trong biên giới Anh nên Ferguson thuận tiện theo dõi các mục tiêu cần mua. Giờ, Premier League là một giải vô địch thế giới thu nhỏ ở cấp CLB với nguồn cầu thủ đa quốc tịch (Man City có đến 15 quốc tịch khác nhau). HLV, vì thế, rất cần một người hỗ trợ về chuyên môn.

BÓNG ĐÁ ANH THAY ĐỔI

Nhân vật cần phải có ấy là Giám đốc thể thao (GĐTT). Tottenham, đội xếp trên M.U, có nhân vật này, Chelsea và Man City cũng vậy. Liverpool không có song có hẳn một hội đồng chuyển nhượng, tương tự như West Brom hay Crystal Palace.

Trừ nước Anh, các quốc gia khác rất đề cao vai trò GĐTT. Bayern thành công vượt bậc trong năm 2013 một phần không nhỏ nhờ GĐTT Matthias Sammer. Guardiola, Klopp, Ancelotti, Conte, De Boer hay Simeone cũng ca ngợi vai trò của GĐTT đã giúp họ quán xuyến khối công việc khổng lồ về chuyên môn.

Còn M.U dưới thời David Moyes? HLV này phải đi Bordeaux (Pháp), Moenchengladbach (Đức), Cagliari (Italia) xem giò cẳng cầu thủ, hoặc xuất hiện ở các trận đấu của U-18 và U-21 M.U. Phần việc đó thuộc về GĐTT, chứ không phải GĐĐH Woodward. Ông này mua về Fellaini thất bại lớn, bỏ ra 62 triệu USD mua Juan Mata cũng hớ to, trong khi những mục tiêu lớn Fabregas, Alcantara và nhiều người khác lại không đến.

M.U không còn “người ngoại lệ” Ferguson và bóng đá hiện đại cũng đã thay đổi hẳn. Arsenal sau khi David Dein ra đi năm 2007 đã không giành được thêm danh hiệu nào. Bóng đá Anh đang bắt đầu chuộng mô hình GĐTT chuyên lo chuyển nhượng, bổ nhiệm HLV và phát triển bóng đá trẻ. HLV có thể ra đi nhưng GĐTT sẽ ở lại lâu dài vì là đại diện cho định hướng xuyên suốt của CLB.  Cây bút nổi tiếng Gabi Marcotti kết luận: “Man United cần gấp GĐTT, hơn cả tìm HLV mới”.

Ed Woodward tích cực, nhưng...
Xuất thân là kế toán, sau là chuyên gia tài chính giúp gia đình Glazer mua M.U năm 2005, Woodward leo dần lên từng bậc trong bộ máy lãnh đạo M.U. Woodward thay David Gill ngồi ghế CEO và kiêm luôn việc chuyển nhượng. Tuy nhiên ông này chỉ giỏi ký HĐ tài trợ nhưng liên tục thất bại trong các vụ mua sắm cầu thủ.

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X