- Điểm tin Bongda24h tối 14/7: Pogba úp mở khả năng trở lại M.U
- NÓNG: Pogba và Ibrahimovic bị lộ ăn tối cùng nhà hàng
- Đội hình sao “khủng” Premier League có tổng giá trị tương đương … Paul Pogba
(Bongda24h) - Rất nhiều người đã giật mình khi nghe tin Manchester United sẵn sàng chi 100 triệu bảng cho Pogba. Các chuyên gia kinh tế bóng đá cho rằng việc này là hồi chuông để người Anh tính lại cách tiêu tiền.
Theo thống kê trong bốn mùa gần nhất, sức mua cầu thủ của các CLB tại Premier League ngày một tăng lên. Tổng số tiền các CLB tại Premier League chi trong kỳ chuyển nhượng hè 2012 là 411,6 triệu bảng, đến năm 2013 là 566,6 triệu bảng. Và cứ thế, con số này tăng chóng mặt trong hai năm 2014 và 2015 với con số lần lượt là 793,7 cùng 814 triệu bảng.
Việc M.U sẵn sàng chi 100 triệu bảng cho Pogba đang gây tranh cãi. |
Trong cả kỳ chuyển nhượng hè 2015, Premier League chỉ chứng kiến 5 vụ chuyển nhượng có giá trị từ 30 triệu bảng trở lên. Nhưng chỉ vài tuần trong mùa hè 2016, người ta được chứng kiến 4 bản hợp đồng có giá trị từ 30 triệu bảng trở lên.
Chắc chắn mọi thứ chưa dừng ở đó khi thị trường chuyển nhượng (TTCN) hè 2016 còn hơn một tháng nữa mới đóng cửa (31/8). Các chuyên gia dự đoán tổng giá trị chuyển nhượng hè 2016 tại Premier League sẽ vượt mốc 1 tỉ bảng.
Bom tấn từ đâu ra?
Khoản tiền 8 tỉ bảng từ tiền bản quyền truyền hình chia đều cho các đội bóng tại Premier League trong ba năm tới là đảm bảo thứ nhất để các câu lạc bộ mạnh tay chi tiền trên TTCN. Điều này khiến các đội bóng tại Anh nắm giữ ưu thế rất lớn khi họ không ngại chi mạnh tay trong các vụ chuyển nhượng.
Trong số 20 CLB bóng đá giàu nhất thế giới theo hãng kiểm toán Deloitte có đến 9 cái tên đến từ nước Anh. Theo danh sách 50 CLB thể thao giàu nhất thế giới do Forbes công bố, cả 5 đội bóng thuộc hàng đại gia tại xứ sở sương mù gồm M.U, Man City, Chelsea, Arsenal và Liverpool đều góp mặt.
Những đội bóng không thuộc Anh lọt vào top 50 chỉ có Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich. Điều đó cho thấy sự khác biệt quá lớn của những đội bóng tại Premier League so với phần còn lại ở châu Âu. Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi "bom tấn" liên tục xuất hiện tại xứ sở sương mù.
Hồi đầu tháng, Daily Mail từng tiết lộ thông tin gây sốc. Đó là việc Udinese từ chối lời đề nghị 9,2 triệu bảng cho Piotr Zielinski của Liverpool. Đặc biệt ở chỗ chính người của Udinese thừa nhận nếu Napoli đưa ra giá đó mà không phải Liverpool, họ sẽ gật đầu ngay.
Điều đó nói lên gì? Rõ ràng các CLB tại châu Âu biết người Anh không thiếu tiền và không ngại chi tiền. Thế nên chẳng tội gì không "làm giá". Rất nhiều thương vụ "bom tấn" tại Anh giá trị chuyển nhượng khác xa so với giá trị thực. Thử hỏi nếu ra châu Âu, giá trị của Benteke có xứng với mức giá 32,5 triệu bảng mà Liverpool chi ra cho tiền đạo này?
Benteke liệu có thực sự xứng đáng với cái giá 32,5 triệu bảng? |
Mamadi Fofana, người đại diện mang quốc tịch Pháp có trụ sở tại Anh thừa nhận: "Nếu tôi đề nghị một câu lạc bộ Pháp về cầu thủ nào đó đến Italia, CLB Pháp biết rằng người Italia không giàu như người Anh nên họ sẽ nói rằng chỉ cần trả tiền đúng giá trị, cầu thủ đó sẽ ra đi".
"Thế nhưng khi tôi nói cầu thủ này sẽ chuyển tới Anh, họ sẽ đề nghị tăng giá. Nghe thật ngớ ngẩn phải không. Thực tế là giá cầu thủ tại Anh không phụ thuộc vào giá trị của cầu thủ đó mà phụ thuộc vào câu lạc bộ hỏi mua".
Ngay cả đội bóng hạng trung tại Anh như Bournemouth cũng chi ra 15 triệu bảng cho cầu thủ mới chỉ ở dạng tiềm năng là Jordon Ibe, Burnley đã từ chối lời đề nghị 15 triệu bảng cho cầu thủ chẳng mấy tên tuổi Michael Keane. Các CLB châu Âu nhìn vào đó và nói: Thật điên rồ!
Khi Pogba rời Man Utd ba năm trước, tiền vệ người Pháp được đánh giá chẳng kém Jordon Ibe hiện giờ là bao. Thế mà Real Madrid còn không chấp nhận trả cái giá chỉ... 100.000 bảng để sở hữu cầu thủ này.
Vấn đề là các CLB tại Premier League chỉ quan tâm đến những cầu thủ có tên tuổi dùng để làm thương hiệu, chứ ít khi chịu tiết kiệm để mua những cầu thủ tiềm năng.
Tất nhiên những cầu thủ ngôi sao sẽ là đích ngắm của nhiều câu lạc bộ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá bị đẩy lên cao hơn so với thực tế. Tiêu biểu là trường hợp của Chelsea. Lẽ ra họ có thể chiêu mộ N'Golo Kante khi chỉ phải bỏ ra 20 triệu bảng phí giải phóng hợp đồng.
Nhưng sự góp mặt của một CLB đến từ Trung Quốc, những đích đến tin đồn như Arsenal hay Real Madrid khiến The Blues chấp nhận trả 29 triệu bảng để có được cái gật đầu của Leicester, nghĩa là 9 triệu bảng đã bị ... vứt không.
Chẳng ngạc nhiên khi người ta đánh giá chất lượng đội hình của các CLB tại Premier League chỉ là... con hổ giấy. Đằng sau vẻ hào nhoáng của những bản hợp đồng tiền tấn là không ít những cầu thủ mà giá trị thực tế lệch rất nhiều so với giá trị chuyển nhượng.
Như Đạt
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan: