Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Arsenal: Thắng kiểu ấy thì có gì vui?

Thứ Năm 23/10/2014 12:54(GMT+7)

Sau 88 phút chơi một thứ bóng đá không thể nhạt nhoà hơn, Arsenal đã may mắn thoát chết bằng 2 bàn thắng muộn để nhấn chìm đội xứng đáng thắng hơn, Anderlecht, ngay trên sân nhà Constant Vanden Stock Stadium của họ.

Kieran Gibbs và Lukas Podolski đã biến không khí khán đài sân vận động của Anderlecht từ vô cùng sôi động, náo nhiệt, trở thành một không khí trầm lắng, ngạc nhiên, sốc và đương nhiên là không thể thiếu đi được những tiếng la ó, huýt sáo. CĐV trên 4 khán đài Constant Vanden Stock không chỉ la ó cầu thủ Arsenal vì một chiến thắng có quá nhiều dấu ấn của sự may mắn, mà còn để thể hiện sự phẫn nộ với các cầu thủ đội nhà vì đã không thể hoàn thành một nhiệm vụ mà đã tưởng chừng nằm gọn trong lòng bàn tay. Bàn thắng ở phút thứ 71 của Andy Najar mang tới hi vọng về 3 điểm đầu tiên cho Anderlecht sau 8 trận Champions League chỉ biết đến hoà và thua, ấy vậy mà...


Cuộc chiến nóng bỏng giữa Najar và Wilshere ở khu vực giữa sân
Tiền vệ vô danh Najar làm khổ phòng tuyến từ xa của Arsenal

Thế nhưng chiến thắng theo cách ấy thì có gì để mà vui và tự hào, bởi lẽ đây không thể coi là một món quà hoàn hảo cho sinh nhật lần thứ 65 của Giáo sư Arsene Wenger. Trước một đội chiếu dưới, mà Pháo thủ phải vất vả tới nhường ấy, dốc sức tới nhường ấy và quá khó khăn để có thể giành 3 điểm mà theo giới mộ điệu là nằm hoàn toàn gọn trong túi họ trước khi 90 phút tại Bỉ bắt đầu. Và hơn nữa, có thể nhìn nhận chiến thắng này đến từ cả sự may mắn, và cả việc HLV Besnik Hasi đã tính toàn sai trong những phút cuối cùng chứ chẳng phải Pháo thủ tài giỏi gì cho cam. Phút 83, Hasi rút tiền đạo Cyriac ra để thay thế vào đó là Matias Suarez. Đó không phải một sự thay đội quá tệ, nhưng thực sự việc cho Praet rời sân ở phút 88 để Dendoncker thế chỗ thì lại là một quyết định không thể hiểu nổi.

Trong suốt chiều dài thời gian của trận đấu, Praet chính là một trong những mũi nhọn nguy hiểm nhất bên phía đội chủ nhà, bên cạnh Cyriac và Najar. Số 10 của đội bóng Bỉ là một trong những mối đe doạ tiềm tàng nhất cho khung thành của Martinez ở 1/3 sân cuối cùng, với điểm mạnh không thể chối bỏ là khả năng cầm bóng, giữ bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu cực tốt, dù anh là một cầu thủ có thiên hướng chơi nửa biên nửa trung lộ. Mất đi Praet trên sân, Anderlecht không có ai cầm bóng tốt, qua đó đi lạc hướng khỏi chiến thuật đã tự mình xây dựng lên trước đó, là chuyền qua lại theo ô vuông và không để Pháo thủ có cơ hội tiếp cận khung thành. Đành rằng Leander Dendoncker là một tiền vệ có thiên hướng chơi phòng ngự, nhưng lúc đó lại là thời điểm đội chủ nhà cần một nhạc trưởng và một cầu thủ có khả năng tiến hành những tình huống phản công, chứ không phải một mẫu tiền vệ chuyên đánh chặn. Thêm vào đó, Dendoncker mãi tới phút 88 mới nhập trận, tức là anh chưa kịp quen với mặt sân và bóng thì đã phải đối mặt với những đợt tấn công ồ ạt của Arsenal; đồng nghĩa với việc Hasi rút Praet ra chẳng khác gì một động thái ép các học trò của ông rơi vào cảnh chấp người. Bàn thua là điều tất yếu.

Bàn mở tỉ số của Najar
Najar không cao nhưng vẫn đủ sức đánh đầu tung lưới Pháo thủ

Sự thay đổi người thứ 2 của Anderlecht đã tự cướp đi của họ 3 điểm, chứ chẳng phải là Arsenal đã vùng lên mạnh mẽ và khi bàn theo cách "điều gì đến cũng phải đến". Thêm vào đó, làm sao Wenger có thể kê cao gối mà ngủ trong bối cảnh hàng phòng ngự của ông có những thời điểm nhất định thi đấu với một hiệu suất cực tồi. Trong tứ Monreal - Mertesacker - Gibbs - Chambers, không một ai có một ngày thi đấu thành công. Monreal thì miễn bàn, anh là điểm đen của hàng phòng ngự Pháo thủ trong cả trận; tuy vậy cũng khó có thể trách giận hậu vệ người TBN khi sở trường của anh là hậu vệ trái chứ đâu phải trung vệ. Trong suốt cả trận, Monreal phải chạy theo Cyriac và Najar một cách cực kì vất vả mà không tìm được ra cách khắc chế bộ đội của Anderlecht một cách hợp lý. Không dừng lại ở đó, hậu vệ mang áo số 18 phải nhận thẻ vàng từ quá sớm (phút thứ 8), dẫn đến việc lửa tranh chấp trong những pha xáp lá cà 1-1 của Monreal giảm đi đáng kể và hầu như là vô hại. 

Đội trưởng Per Mertesacker cũng đáng bị lên án, khi anh đã hoàn toàn biến mất trong tình huống Najar lập công, dẫn đến việc dù có cả Chambers và Flamini ở đó, tiền vệ của Anderlecht vẫn dứt diểm cực thoải mái. Lỗi lầm tương tự được bộ đôi trung vệ của Pháo thủ mắc phải trong tình huống ở phút 79, quá may cho Arsenal là tình huống dứt điểm cuối cùng của Anthony Vanden Borre trong pha bóng đó lại đi đập xà ngang; nếu không Wenger đã phải đón sinh nhật bằng một trận thua sấp mặt của các học trò. Anderlecht tấn công không nhiều, nhưng mỗi khi tấn công lại nhanh và dồn dập, trong khi điểm yếu nhất của Mertesacker lại là tốc độ. Ở hai hành lang cánh, Chambers liên tục bị vượt qua; còn Kieran Gibbs lại quá ham tấn công, dẫn đến việc liên tiếp bị hở ra khoảng trống ở đằng sau lưng. Chính Gibbs là người đã bỏ mặc cho Dennis Praet băng lên chuyền vào trong ở tư thế thoải mái trong bàn thắng mở tỉ số của đội chủ nhà. Lại nói tới Praet, trận này với kĩ thuật và tốc độ đáng nể, anh đã ép hàng thủ của Arsenal không ít phen phải rối tung và xứng đáng nhận được những lời ngợi ca. Câu hỏi đặt ra: trước trận đấu có ai biết Praet là ai? Không. Hàng thủ Arsenal không thể kèm nổi một cái tên vô danh tại một đội bóng thuộc tầm hạng 2 của châu lục.

Kieran Gibbs khơi nguồn màn lội ngược dòng điên rồ của Arsenal
Dù ghi bàn nhưng Gibbs đã có một ngày phòng thủ cực tệ khi để Praet thoải mái hoạt động

Arsenal phải đợi tới các phút 89 và 90 mới có thể ghi được bàn thắng, bởi lẽ họ quá kém cỏi trong những tình huống cố đinh, các pha bóng hoàn toàn có thể tạo nên bước ngoặt của một trận đấu. Trong rất nhiều tình huống đá phạt của Pháo thủ, họ không thể để lại bất kì điều gì ngoài ánh nhìn bất lực theo những pha phá bóng của hậu vệ Anderlecht. Mertesacker chơi đầu tốt, nhưng anh lại chỉ phát huy được phẩm chất này trong những pha... phòng ngự, chứ không phải tấn công. Chỉ duy nhất một lần hậu vệ người Đức dứt điểm được bằng đầu ở phút 37, nhưng tình huống cũng hoàn toàn vô hại. Kể cả khi những Chamberlain hay Podolski vào sân, tình hình này cũng không thể được cải thiện. Giờ đây người ta mới thấy được vai trò của nhạc trưởng Ozil với Pháo thủ là lớn như thế nào. Ít nhất với số 11 trên sân, Wenger có quyền hi vọng vào những tình huống cố định. Còn trong trận đêm qua, mỗi lần được hưởng phạt là một làn Arsenal ngán ngẩm chờ... bị phản công mà không làm nổi điều gì khác.

Đành rằng lúc này tấm vé đi tiếp đã nằm gọn trong túi Wenger cùng các học trò, đành rằng họ vừa có 3 điểm với những tình huống thay người, những pha trở tay quá khôn khéo của Giáo sư, tuy vậy Pháo thủ vẫn còn trăm mối bận tâm. Bản thân Giáo sư cũng chẳng hoàn hảo, khi tới phút 75 ông mới nghĩ ra cách để đảo ngược tình thế. Có thể thấy chính Wenger cũng thay người theo kiểu bị động chứ chẳng theo cách chủ động của một đội bóng chiếu trên.

Cứ đá thế này, một mùa giải vứt đi lại đang hiển hiện trước mắt Pháo thủ.

Xem lại trận Anderlecht 1-2 Arsenal

Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.



Thành Nguyễn 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X