Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Trước trận Monaco vs Dortmund: Khi đồng tiền phủ che sự nhân đạo của UEFA

Thứ Tư 19/04/2017 14:56(GMT+7)

“Chúng tôi không phải động vật, chúng tôi cũng là con người cơ mà.” – Tiếng nói đầy chua xót của những người Dortmund. Nỗi buồn thất trận trước Monaco ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2016/17 có đáng là bao so với cách đối xử thiếu nhân văn của UEFA dành cho họ, giờ có thể gọi là những “nạn nhân của khủng bố”.

Kết quả 2-3 không thực sự phản ánh đúng thất bại tương đối dễ dàng của Dortmund trước Monaco. 2/3 bàn thua của đội bóng vùng Ruhr chỉ đến từ những sai lầm sơ đẳng của từng cá nhân. Thậm chí ngay pha mở tỷ số trong thế việt vị của Mbappe, các cầu thủ chủ nhà cũng chẳng có nổi phản ứng với quyết định của trọng tài. Rõ ràng, cú sốc cả về thể chất và tinh thần chỉ trước đó chưa đầy 24h khiến người Dortmund lấy đâu ra tâm trạng để đi đá bóng, kể cả có là trận đấu quan trọng tầm tứ kết Champions League đi chăng nữa.

Du am vu khung bo tran Dortmund vs Monaco Khi dong tien phu che su nhan dao cua UEFA hinh anh
"Mạnh mẽ lên, chúng tôi ở bên cậu!" - Cầu thủ Dortmund cổ vũ tinh thần hậu vệ Marc Bartra, người phải nhập viện vì chấn thương sau vụ đánh bom xe bus

“Họ không hề hỏi han ý kiến chúng tôi. Tất cả những gì Dortmund nhận được là mẩu tin nhắn văn bản gửi từ tận Thụy Sỹ, thông báo rằng quyết định đã được đưa ra. Vậy đó, ngay sau vụ đánh bom, mối bận tâm duy nhất của họ khi nào trận đấu sẽ diễn ra, trong bối cảnh chúng tôi vừa thoát ra khỏi cái xe bus đó còn Marc Bartra phải nhập viện cấp cứu.”

“UEFA đối xử với chúng tôi như những thứ vô tri vô giác, còn biến cố vừa xong coi như chỉ là một lon bia ném lên cửa kính xe bus vậy. Chúng tôi cũng là con người, cần đủ thời gian lấy lại tinh thần hơn là vỏn vẹn có 22 tiếng đồng hồ. Làm ơn, lần tới hãy cố gắng hỏi trước một câu rằng chúng tôi đã thực sự sẵn sàng hay chưa.”

Giọng nói đắng ngắt của Thomas Tuchel. Cái cớ của ông không đủ để phủ nhận chiến thắng xứng đáng của Monaco nhưng đổi lại là sự đồng cảm của cả cộng đồng nhân loại, đồng nghĩa với búa rìu chỉ trích nhắm vào UEFA. Như người tiền nhiệm Jurgen Klopp sau khi chứng kiến vẻ mặt và đôi mắt thất thần của một số học trò cũ qua TV, chua xót mỉa mai: “Ai ấn định thời gian đá lại sớm đến như vậy cũng phải thôi, ông ta đâu ngồi trên xe bus lúc đó mà tưởng tượng nổi cảnh kinh khủng ra làm sao.”

Ana Carbajosa đáp chuyến bay xuống thành phố Dortmund ít giờ sau vụ tấn công khủng bố. Theo chia sẻ của nữ phóng viên chiến trường nhiều năm công tác trong cuộc xung đột Israel – Palestine, các cầu thủ dường như suy sụp tinh thần nặng nề và không hề có tâm trạng ra sân thi đấu, bất chấp những cố gắng tự động viên lẫn nhau. Đây đã không còn vấn đề nằm trong khuôn khổ bóng đá, khi chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng phải lên tiếng thể hiện sự bất bình với cách làm việc thiếu tình người của UEFA.

UEFA
Vì lợi ích kinh tế, UEFA có cách hành xử bị chỉ trích "vô nhân đạo" đối với Dortmund

Thực tế cũng không phải UEFA tự mình ra quyết định nhưng rõ ràng đối với họ, lực lượng cảnh sát và các cơ quan an ninh có thẩm quyền là đủ để thông qua. Mang tiếng chủ nhà hay nhân vật chính của bữa tiệc bóng đá được cả Châu Âu đợi chờ, Dortmund trớ trêu là những người biết lịch đá lại sau cùng: “18h45 ngày hôm sau” đi kèm với lý do “bắt buộc sớm nhất có thể” – Tuchel thuật lại mẩu tin nhắn của UEFA. Dường như mọi thứ UEFA làm chỉ mang tính chất thủ tục lấy lệ, qua đó nhanh chóng phục vụ cho cái lợi của riêng họ.

UEFA ra sức biện minh, phớt lờ dư luận về yêu cầu hoãn trận đấu lâu hơn. Bản thân phía Dortmund cũng không muốn dông dài cho phức tạp thêm giai đoạn cuối mùa cam go của họ, nhưng hy vọng chỉ lùi lại thêm 2 ngày đá trùng với vòng tứ kết Europa League sau cùng cũng bị dập tắt.

Những hợp đồng tài trợ và truyền hình buộc trận đấu không thể trì hoãn quá 24 tiếng đồng hồ. Vì đồng tiền và những lợi ích kinh tế, UEFA không thể vi phạm cam kết với các đối tác trên khắp thế giới. 1,18 tỷ bảng Anh tiền bản quyền Champions League thật đáng để họ sẵn sàng cưỡng ép các cầu thủ Dortmund ra sân chơi bóng khi chỉ vừa mới thoát lưỡi hái tử thần tối hôm trước.

Sự vô lương tâm của UEFA thậm chí còn được ủng hộ bởi FIFA. Vẫn cái khẩu hiệu cũ rích và sáo rỗng “Đứng lên ngay hoặc bọn tội phạm sẽ chiến thắng”, quan chức cấp cao Helmut Spahn có lẽ còn khiến người ta bàng hoàng hơn cả vụ tấn công khủng bố vừa rồi với quan điểm xanh rờn: Chưa có người chết thì cứ đá! – Phát ngôn xứng đáng ăn gạch đá đến từ Giám đốc phụ trách an ninh mới được bổ nhiệm của FIFA.

MU
Man Utd từng bị ép thi đấu trở lại chỉ 13 ngày sau thảm họa Munich 1958

Ấy vậy mà Spahn vẫn nhầm to, chính UEFA từng có tiền lệ cho chuyện này. Năm 1985, trận chung kết cúp C1 giữa Juventus và Liverpool vẫn diễn ra như dự kiến ngay sau khi 39 cái xác được dọn dẹp xong xuôi trên hai góc khán đài Heysel. Gốc rễ thảm họa cũng bắt nguồn từ sự tắc trách của UEFA khi họ bỏ ngoài tai những báo cáo về chất lượng yếu kém của SVĐ thủ đô Bỉ. Châu Phi sau đó 25 năm, CAN 2010 đi theo lịch trình bất chấp vụ xả súng khủng bố khiến 3 thành viên ĐTQG Togo thiệt mạng.

Trên hết, vụ cưỡng ép cầu thủ thi đấu bất chấp bất ổn tâm lý lần này của UEFA gợi nhớ nhiều nhất về thảm họa Munich 1958. Hai trận đấu bị hoãn là quá đủ với giới cầm quyền, và Man Utd buộc phải trở lại Old Trafford tiếp đón Sheffield Wednesday ở FA Cup chỉ sau 13 ngày tang tóc. Nhiều năm sau khi tách biệt khỏi bóng đá thì Bill Foulkes và Harry Gregg, hai trong số những cầu thủ sống sót, thuật lại rằng họ như phát điên trong ngày tái xuất sân cỏ. Chấn thương tâm lý sau sang chấn khiến hai cựu Quỷ Đỏ ám ảnh nặng nề bởi vụ tai nạn máy bay thảm khốc cùng sự trống vắng của 8 người đồng đội đã khuất.

Các cầu thủ Dortmund thậm chí đã có thể coi là nạn nhân của một vụ tấn công khủng bố. Có lẽ, âm thanh của vụ nổ vẫn còn văng vẳng trong màng nhĩ và những hình ảnh kinh dị đọng nguyên trên võng mạc, ngay cả giấc ngủ giờ cũng là điều khó khăn đối với họ.

Sahin
Tiền vệ Nuri Sahin chưa hết bàng hoàng ngay cả sau khi kết thúc trận Dortmund vs Monaco, có biểu hiện của triệu chứng rối loạn tâm lý sau sang chấn 

Đơn cử như trải lòng về triệu chứng tâm lý mới phát tiết của Nuri Sahin, tiếng đạn bom và nét mặt thất kinh của các đồng đội dường như đã choán hết tâm trí anh, khiến tiền vệ người Thổ Nhĩ Kỳ chẳng buồn dành tâm trạng cho thất bại trước Monaco. “Tôi như vô cảm với bóng đá. Chỉ khi về tới nhà thấy vợ và con trai đang đứng chờ ở cửa, tôi mới tỉnh ngộ ra mình đã may mắn ra sao.”

Cái mà Sahin, Tuchel hay bất cứ ai ngồi trên chiếc xe bus tối 11/4 đó cần từ UEFA là những chuyên gia điều trị tâm lý, là thời gian đủ để phục hồi tinh thần, chứ không phải lời yêu cầu lạnh lùng xách giày ra đá bóng. Không ai có thể trách móc được sự “thiếu chuyên nghiệp” của Dortmund hay UEFA trong hoàn cảnh này.

“Còn nhiều điều khác quan trọng hơn bóng đá trên thế giới này.” – Lời nói phản ánh của Sahin không hiểu đã đủ sức nặng để cảnh tỉnh UEFA hay chưa nhưng có lẽ, đã đến lúc lương tâm của họ không thể để tiền bạc vật chất tiếp tục lấn át, đã đến lúc họ phải vượt qua nỗi ám ảnh đáng sợ với môn thể thao vua để mà biết coi trọng hơn những giá trị con người.

Gia Khoa (Theo Thể Thao Việt Nam)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X