Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Hàng công Barca: Làm ơn, đừng đốn gãy chân Messi...

Thứ Tư 05/12/2012 14:22(GMT+7)

Muốn Messi không tỏa sáng chỉ có cách khiến anh không thể thi đấu. Mà muốn Messi không thể thi đấu thì phải làm cho anh chấn thương thật nặng. Phải chăng đây là cách duy nhất khiến Messi không thể phá kỉ lục của Gerd Mueller?

Thiên tài nào chấn thương cũng... "đứt"

Ngày 21/11/1999, cả thế giới bóng đá bàng hoàng khi chứng kiến hình ảnh Ronaldo đổ gục xuống sân và kêu gào trong đau đớn trong trận đấu giữa Inter và Lecce. Chấn thương đầu gối khủng khiếp ấy đã tàn phá đôi chân siêu hạng của một thiên tài bóng đá. Ronaldo trở lại ở năm 2002, rực sáng ở World Cup cùng Brazil và có 4 mùa bóng thành công cùng Real Madrid. Nhưng anh không bao giờ tìm lại phong độ đỉnh cao như thời điểm anh chưa dính chấn thương trong màu áo Barcelona và Inter.

Cú đạp thẳng vào cổ chân Messi của Ujfalusi hồi năm 2010
Cú đạp thẳng vào cổ chân Messi của Ujfalusi hồi năm 2010

Quay ngược thời gian vào ngày 17/8/1995, người hâm mộ bóng đá ngậm ngùi khi biết tin Marco van Basten chính thức chia tay sân cỏ sau khi thất bại trong nỗ lực hồi phục chấn thương mắt cá. Thêm một tượng đài bóng đá bị chấn thương quật ngã. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều những ngôi sao khác phải “về hưu non” khi bất lực trước những chấn thương khủng khiếp gặp phải.

Từ Ronaldo, van Basten và rất nhiều danh thủ khác lại ngẫm đến Messi. Lịch sử không cản được bước Messi. Những cột mốc không thể ngăn anh đi vào ngôi nhà những huyền thoại. Messi ra sân, ghi bàn, những bàn thắng của anh đến một cách đều đặn hơn. Dễ dàng có, khó khăn có, anh luôn biết cách để đưa được trái bóng vào mành lưới đối phương. 84 bàn (83 bàn) trong năm 2012 quả là kỳ tích. Lúc này, người ta cũng nói cản bước Messi là điều không thể. Nhưng ai biết được, tai họa vẫn có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Chỉ có thể chặn Messi bằng những... cái rìu

Ronaldo và van Basten đều dính chấn thương nặng khi chơi bóng ở Serie A. Trong một giải đấu đề cao tính phòng ngự luôn có rất nhiều những hậu vệ quái kiệt. Họ có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí là đá rất rắn để ngăn cản đối phương tiếp cận khung thành đội nhà. Messi đã may mắn vì chưa thử sức ở giải đấu này. So với Premier League và Serie A, Liga được đánh giá là giải đấu "lành" nhất. Ở Liga, những cú tắc bóng thô bạo, những pha đá rắn trên mức cần thiết xuất hiện với tần suất ít hơn nên nguy cơ chấn thương của Messi và những ngôi sao khác cũng được hạn chế đáng kể.

Không ít con tim đã nhói đau khi chứng kiến Ujfalusi đạp thẳng gầm giày vào cổ chân của Messi trong trận đấu giữa Barca và Atletico hồi năm 2010. Khi tất cả các chuyên gia đều dự đoán Messi sẽ phải dưỡng thương một thời gian dài thì hai tuần sau, họ lại thấy anh ra sân với những bước chạy thoăn thoắt. Sự dẻo dai đến kì lạ ấy đã khiến Messi thoát hiểm từ cú vào bóng theo kiểu triệt hạ đối phương ấy. Rất may cho nhiều ngôi sao ở Liga là giải đấu này lại có quá ít những "đao phủ" như Ujfalusi, Pepe hay David Navarro, người vừa "đánh kín" Ronaldo rách mắt trong trận đấu giữa Levante và Real.

Nói như thế không có nghĩa là Messi sẽ an toàn. Công việc của một hậu vệ là cản đối phương ghi bàn. Trong trường hợp đá đẹp không cản được thì anh ta buộc phải đá rắn. Đó là chưa kể những cái đầu sẽ "nóng" lên rất nhiều mỗi khi bị Messi xâu kim hay vặn sườn. Và khi đã không kiềm chế được, chỉ cần một pha vào bóng ác ý cũng có thể khiến sự nghiệp của đối phương "vỡ vụn" vì chấn thương.

Messi đã thoát nạn sau cú vào bóng triệt hạ của Ujfalusi nhưng nên nhớ, may mắn không thể lúc nào cũng song hành. Hãy coi chừng, những "cái rìu" có thể sẽ khiến thế giới bóng đá mất đi một thiên tài thực sự

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X