Thứ Hai, 23/12/2024 Mới nhất
Zalo

ASEAN Super League: Liệu có khả thi?

Thứ Ba 27/10/2015 11:50(GMT+7)

(Bongda24h.vn) – Mới đây thì ASEAN Super League, giải đấu dành cho các CLB trong khu vực Đông Nam Á, đã được AFF thông qua và dự kiến sẽ tổ chức từ tháng 8/2016. Tuy nhiên tính khả thi của giải đấu này hiện vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Sau nhiều lần trì hoãn và bàn bạc thì cuối cùng Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cũng quyết định tổ chức ASEAN Super League (ASL) vào năm tới. Đây sẽ là một giải đấu ưu tiên tạo ra sân chơi cho các cầu thủ trẻ thể hiện mình, đồng thời thu lại một nguồn tiền bản quyền truyền hình béo bở. Đông Nam Á dù là vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng các cổ động viên lại rất cuồng nhiệt môn thể thao vua này. Bằng chứng là tiền bản quyền truyền hình mỗi năm mà giải ngoại hạng Anh thu về từ 6 quốc gia hàng đầu khu vực này lên tới 207,5 triệu bảng Anh trong 3 mùa giải từ 2016-2019. Trong đó, Thái Lan nổi bật nhất với 68,3 triệu bảng, con số ngang bằng với cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhiều hơn tổng số tiền thu được từ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Trung Á cộng lại. Đứng sau đó lần lượt là Singapore (63,4 triệu bảng), Malaysia (42,7 triệu bảng), Indonesia (17,1 triệu bảng), Myanmar (8,5 triệu bảng) và Việt Nam (7,5 triệu bảng).

ASEAN Super League Lieu co kha thi hinh anh
Tính khả thi ở ASEAN Super League bị bỏ ngỏ

Doanh thu truyền hình mà giải ngoại hạng Anh thu về từ ngoại quốc mỗi năm cũng “chỉ” rơi vào khoảng 743 triệu bảng/năm. Điều đó cho thấy Đông Nam Á chiếm 28% doanh thu truyền hình ngoại quốc của giải đấu hấp dẫn nhất thế giới này. Vì thế mà các nhà tổ chức ASEAN Super League đã rất khôn ngoan khi đánh vào tính thương mại, coi nó như là yếu tố chính để các đội bóng tham dự. Hơn nữa, với yêu cầu rằng các CLB phải cử một đội hình hai để dự ASL nhằm tránh gây ra những vấn đề về phong độ của chính họ tại giải quốc nội, các đội bóng có thể sử dụng đội trẻ của họ để tham dự, tăng cường cơ hội cọ xát và thi đấu cho họ. Với mục tiêu mùa giải đầu tiên sẽ có 12 đội bóng tham dự đến từ 6 quốc gia, các đội bóng thi đấu vòng tròn 2 lượt, thì mỗi cầu thủ trẻ sẽ có thêm tối đa 22 trận đấu nữa mỗi mùa. Tất nhiên đây là một cơ hội đáng kể.

ASEAN Super League: Cơ hội của HAGL
Hôm nay, AFF đã chính thức quyết định tổ chức ASEAN Super League từ năm 2016. Một giải đấu được coi là chất lượng nhất của bóng đá Đông Nam Á từ trước tới nay....

 

Tuy nhiên cơ cấu của ASL vẫn còn nhiều bất cập mà vì thế hiện tại vẫn chưa có đội bóng nào tỏ ra quá mặn mà với giải đấu này. Thứ nhất là ở xung đột giữa 2 lợi ích chính mà giải đấu này mang lại: Thương mại và bóng đá trẻ. Vì các đội bóng tham dự sẽ cử những cầu thủ trẻ đi thi đấu, nhưng liệu họ có mang những cầu thủ xuất sắc nhất của đội theo bởi dẫu sao thì giải quốc nội vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, các cầu thủ U23 khó lòng tham dự giải đấu này bởi nòng cốt của rất nhiều CLB trong và ngoài nước hiện nay đều có những cầu thủ U23 mà nếu đưa họ đi thi đấu, sức mạnh của đội chính tại giải quốc nội sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Vì thế mà các đội bóng có thể sẽ phải cử lứa U21 hay thậm chí là U19 đi tham dự. Nhưng điều đó sẽ làm giảm chất lượng chuyên môn của giải đấu, đồng thời rất khó để giải thu về số tiền bản quyền truyền hình một cách tương xứng.

Vấn đề thứ hai lại nằm ở quy định chặt chẽ mà ASL đòi hỏi ở các đội bóng tham dự. Họ yêu cầu các đội bóng cần phải có một khoản ngân sách có thể lên tới 5 triệu USD, tức là hơn 100 tỷ đồng, con số mà không nhiều đội bóng Đông Nam Á có thể xoay sở được. Quan trọng hơn là ASL bắt buộc các đội bóng phải cam kết thi đấu trong vòng 5 năm, để tránh tình trạng bỏ giải giữa chừng, vừa gây mất uy tín vừa có thể làm hỏng cả giải đấu. Cũng vì tính khả thi chưa cao mà các CLB đang do dự trước khi ký hợp đồng tới 5 năm. Chẳng may có biến gì xảy ra mà không đáp ứng được hợp đồng, các đội bóng sẽ phải đền bù rất nặng và đây là một rủi ro đáng xem xét.

ASEAN Super League cua AFF Hoang Anh Gia Lai khong man ma hinh anh 2
Ngay cả HAGL cũng chưa quá mặn mà với ASEAN Super League

Malaysia, Singapore và Philippines chính là những quốc gia ủng hộ mạnh nhất ý tưởng này bởi đó là những nước có ĐTQG mạnh nhưng lứa trẻ không gây được nhiều sự chú ý. Vì thế mà họ muốn tạo sân chơi cho các cầu thủ trẻ hay nhất của họ phát triển hơn. Hơn nữa đó cũng là những quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh. Malaysia có thể sẽ cử Johor Darul Takzim FC và Selangor FA tham dự. Philippines cũng lên kế hoạch dự giải với Ceres FC và Global FC. Trong khi đó đội LionsXI của Singapore, vốn là U23 nước này đang thi đấu tại Malaysian League, gần như chắc chắn tham dự. Số còn lại đều đang rất do dự, Australia có thể sẽ từ chối bởi họ không ủng hộ ý tưởng này từ đầu. Thái Lan cũng chưa có động tĩnh gì bởi họ đang có một hệ thống đa dạng, tạo nhiều sân chơi cho các cầu thủ trẻ trong nước. Hơn nữa thì họ cũng dự định mở những giải vô địch cho các đội trẻ trong thời gian tới. Về phía Việt Nam, có lẽ ngoài Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng có nhiều điều kiện để tham dự hơn cả, thì không có đội bóng nào mặn mà. Becamex Bình Dương từng đánh tiếng rằng họ quan tâm đến ASL, nhưng vì lứa trẻ của đội bóng này không quá nổi tiếng nên khó lòng thu hút được sự chú ý của dư luận.

Chung quy lại thì vấn đề vẫn nằm ở khả năng marketing của những lãnh đạo giải đấu này cao đến đâu bởi sân chơi trẻ có thể sẽ không nhận được sự hưởng ứng của dư luận. Chẳng nói đâu xa, AFF cũng từng tổ chức một giải đấu tương tự như ASEAN Super League, đó là ASEAN Club Championship (ACC), diễn ra vào năm 2003. Khi đó HAGL đại diện cho Việt Nam cùng 10 đội bóng khác dự giải, nhưng cuối cùng đã không gây được tiếng vang nào và giải đấu này phải chấm dứt ngay ở mùa đầu tiên. Có lẽ đến giờ chẳng ai còn nhớ đến nó nữa. Tất nhiên là ASL được tổ chức theo dạng đấu vòng tròn, vì thế sẽ khác biệt hơn so với ACC, nhưng dẫu sao thì AFF vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu như muốn các đội bóng khác hứng thú tham dự.

Hàn Phi

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X