Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt: Nhiều người tự coi mình là "thánh"

Thứ Tư 07/11/2012 17:01(GMT+7)

Bóng đá ta quả là không ít ông “thánh”, ông “tướng”. Phải chăng đấy cũng là sản phẩm của kiểu làm bóng đá nặng về hưởng thụ, coi trọng vật chất mà lãng quên những giá trị tốt đẹp khác?

1. Như chúng tôi từng thể hiện quan điểm về trường hợp Việt Thắng, với phong độ nhợt nhạt và thái độ vô lối, anh không có quyền để “thánh tướng” như thế. Thậm chí, sau một mùa giải phong độ bê bết ở B.BD, chỉ ghi nổi 2 bàn khi Thanh Hóa mượn, thì lẽ ra BHL phải cân nhắc có nên tập trung Việt Thắng hay không.

Lâu nay, có một tiền lệ rất dở khi tập trung các ĐTQG là các cầu thủ có nhiều lần khoác áo ĐTQG dường như luôn được ưu ái đặt sẵn vị trí. Đấy là điều bất công cho nhiều cầu thủ có phong độ tốt, khao khát được cống hiến nhưng không được tạo cơ hội. Ví dụ Tăng Tuấn, anh hoàn toàn xứng đáng hơn Việt Thắng, khi ghi đến 7 bàn cho B.BD ở mùa bóng 2012. Rõ ràng, Tuấn xứng đáng hơn Thắng chứ?

Bầu Thụy bỏ bóng đá, tin chắc bóng đá nội chẳng ảnh hưởng gì, có khi chưa hẳn bất lợi cho bóng đá Sài Gòn trong cuộc chấn hưng. Ảnh: VSI
Bầu Thụy bỏ bóng đá, tin chắc bóng đá nội chẳng ảnh hưởng gì, có khi chưa hẳn bất lợi cho bóng đá Sài Gòn trong cuộc chấn hưng

Giờ đây, khi Việt Thắng bị trả về mới nảy sinh thêm chuyện ngay buổi tối kết thúc VFF Cup 2012, Thắng xin phép các trợ lý ở ĐT Việt Nam để về quê mà không được chấp nhận, nhưng đã rời ĐT chỉ bằng một tin nhắn xin phép HLV Phan Thanh Hùng. Nếu ngay sự việc đó, BHL đưa ra mức kỷ luật, kể cả trả về, thì sẽ nhận được đồng thuận rất cao.

Lâu nay, một bộ phận ngôi sao sân cỏ ở ta thường tự cho mình có quyền đòi hỏi những yêu sách, đặc quyền, đặc lợi ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG. Sự cố Việt Thắng lần này chỉ là thiểu số, trong vô số những hành động “ông trời con” làm bất bình dư luận, của một bộ phận ngôi sao bóng đá nội. Cầu thủ ta ngày càng sung túc, nhưng sự cống hiến cho CLB và cho xã hội rất mờ nhạt, không tương xứng với những gì được nhận.

2. Nhìn đi nhìn lại những bức hình cận cảnh bầu Thụy hôm Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp 3/11, thật phân vân không biết liệu bóng đá TP.HCM, và cả sự nghiệp phát triển bóng đá chuyên nghiệp nước nhà có hy vọng gì vào những người như bầu Thụy.

Thực tế thì bầu Thụy cũng đã chứng minh chưa xứng đáng để tin là ông hết mình vì bóng đá, từ kết quả chứng minh ở bóng đá Hà Tĩnh, Quảng Nam, TP.HCM. Bóng đá cần sự chung tay của nhiều thành phần, trong đó vai trò của các doanh nhân là cốt tử. Dù thế, không có nghĩa là các ông bầu cậy mình có tiền, được phép coi đội bóng như “mớ rau”, muốn làm và phát ngôn gì cũng được.

Những người hâm mộ bóng đá Sài Gòn chân chính chắc hẳn luôn thon thót sợ ngày nào đó bầu Thụy “nổi hứng” mà bỏ bóng đá TP.HCM. Ngày đó có thể đến bất cứ lúc nào, căn cứ vào tính khí thất thường của bầu Thụy, vì thực tế là tần số ông dọa bỏ bóng đá khá nhiều lần. Đấy là chưa kể những động thái phản ứng thiếu tôn trọng người khác, như coi thường khán giả, phỉ báng trọng tài trong quá trình diễn ra giải, đe dọa bỏ bóng đá…

Dĩ nhiên, sự “thánh tướng” của một số ông bầu cũng xuất phát từ sự dung dưỡng của những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực. Như trường hợp bầu Thụy phản đối mắng mỏ trọng tài hôm SG.XT gặp SHB.ĐN trên sân Thống Nhất, ban Kỷ luật không thể xử vì bầu Thụy chẳng đăng ký chức danh nào trong đội bóng. Những người có trách nhiệm với nền bóng đá nội lâu nay thường lấy lý do làm căng với các ông bầu, sợ họ bỏ bóng đá.

Bóng đá chuyên nghiệp cần những ông bầu đam mê bóng đá đích thực, có tâm với bóng đá và trên cả, có văn hóa. Còn không, thì chỉ làm cho sự khủng hoảng tồi tệ thêm. Bầu Thụy bỏ bóng đá, tin chắc bóng đá nội chẳng ảnh hưởng gì, có khi chưa hẳn bất lợi cho bóng đá Sài Gòn trong cuộc chấn hưng. Cũng như vắng Việt Thắng, có khi ĐT sẽ mạnh và trong lành hơn.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X