Khác với những mùa giải về trước, logo V-League 2018 tương đối đơn điệu và không ăn nhập với hình ảnh giải đấu. Và mới đây người ta đã phát hiện ra nó khá giống với chữ ký của vị chủ tịch VPF, ông Trần Anh Tú.
Lên nhậm chức tại VPF thay thế các ông Võ Quốc Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF) và ông Cao Văn Chóng (nguyên Tổng giám đốc VPF), tân chủ tịch Trần Anh Tú (bầu Tú) đã nhanh chóng tạo sự thay đổi bằng việc đưa ra tên gọi và logo nhận diện cho giải VĐQG V-League 2018.
Theo đó, tên đầy đủ của V.League 2018 sẽ là Giải bóng đá vô địch Quốc gia – Nuti Cafe 2018. Bên cạnh đó, logo của giải cũng được thiết kế phá cách, khác hẳn những mẫu logo truyền thống được sử dụng ở nhiều mùa giải trước đó, khi được chia thành hai phần rõ ràng. Phía trên là logo giải cách điệu, ở dưới là tên sản phẩm Nuti Cafe.
Logo V-League 2018 và chữ ký của bầu Tú có những điểm tương đồng |
Theo cách giải thích của VPF thì logo chính thức của mùa giải năm nay sẽ là sự cách điệu của hình tượng chim Lạc Hồng, tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Hình ảnh chim Lạc Hồng cũng là biểu tượng của sự trường tồn, bền vững, khao khát vươn đến đỉnh cao, đến gần hơn với người yêu bóng đá nước nhà.
Bên cạnh đó theo lời ban tổ chức giải, hình ảnh logo V-League 2018 còn khiến người ta liên tưởng đến 3 miền Bắc - Trung - Nam thống nhất cùng tham dự sân chơi V-League 2018. Chữ V - Victory - Việt Nam cũng được lồng ghép vào logo như thông điệp ủng hộ các đội tuyển Việt Nam chiến thắng trong năm 2018.
Lý giải của BTC giải là vậy, tuy nhiên chỉ có điều, với những đường nét đơn giản như vậy, người ta cũng rất khó hình dung thấy được hình ảnh chú chim Lạc quen thuộc, gần gũi với mọi người dân Việt Nam, qua những nét khắc họa trên nền những chiếc trống đồng Đông Sơn thời kỳ khai thiên, lập địa, hay liên tưởng tới 3 miền Bắc - Trung – Nam như những gì VPF tuyên bố.
Nhìn chung, việc có bộ nhận dạng thương hiệu cùng logo giải đấu khá đẹp mắt được VPF đánh giá là sự chuẩn bị nghiêm túc, sự trau chuốt, đầu tư của BTC về khâu hình ảnh V-League 2018, hạng đấu cao nhất Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là bước đi tiên phong để đưa bóng đá Việt Nam tiến dần tới sự chuyên nghiệp, hiện đại.
Tuy nhiên đối với NHM, không khó để nhận ra rằng biểu tượng V-League 2018 có nhiều điểm khá giống với chữ ký của ‘tổng tư lệnh’ VPF, ông Trần Anh Tú. Chỉ cần một thao tác đơn giản là sử dụng các phần mềm đồ họa chỉnh sửa ảnh để tẩy đi những nét phụ thì có thể thấy chữ ký của ông chủ tịch VPF kiêm trưởng BTC giải giống đến 75% so với logo V-League 2018.
Ông Trần Anh Tú (phải) đang là tâm điểm chú ý sau những lùm xùm trong thời gian qua |
Trước sự tương đồng này, chắc hẳn nhiều người sẽ không thể không đặt ra câu hỏi là liệu đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay đứng sau đó là một nguyên nhân khác mà người hâm mộ vẫn chưa được biết. Việc NHM có quyền nghi ngờ là chuyện hoàn toàn có cơ sở, khi mà sự thay đổi logo ở mùa bóng này không thực sự ăn nhập với giải đấu, hay ít nhất là liên quan tới quyền lợi của nhà tài trợ.
Chứng kiến sự thay đổi logo giải đấu ở mùa giải năm nay, một chuyên gia trong ngành truyền thông cũng nhận xét đây là lần đầu tiên thương hiệu nhà tài trợ không nổi bật trên logo một giải đấu lớn như V-League.
Kể từ khi giải V-League chính thức được mở ra vào năm 2000, tính tới nay đã có tất cả 8 nhà tài trợ chính song hành cùng giải đấu. Trong đó, ngân hàng Eximbank ‘gắn bó’ với V-League lâu nhất trong 4 mùa bóng từ 2011 tới 2014. Các nhà tài trợ như Sting, Number One, Eurowindows, Kinh Đô,… dù chỉ gắn bó một năm hợp đồng nhưng họ cũng cố gắng lồng ghép thương hiệu một cách nổi bật nhất trong logo V-League. Chỉ riêng trường hợp của Nutifood là ngoại lệ.
Dưới góc nhìn của mình, vị chuyên gia này nhận định logo ở mùa giải năm nay không mang nhiều ý nghĩa liên quan đến bóng đá (trừ hình ảnh quả bóng nhỏ xíu), lại không thể hiện màu sắc chủ đạo của thương hiệu nhà tài trợ, chưa kể không xuất hiện "vai kề vai" với danh xưng nhà tài trợ như trong suốt 17 mùa giải đã qua.
Logo V-League ở các năm trước đó đều chủ yếu làm nổi bật nhà tài trợ giải |
Ngoài ra, cũng cần kể đến phần lớn nội dung đoạn phim quảng cáo cho giải cũng không có bất cứ chi tiết nào liên quan đến đơn vị tài trợ, phải đến cuối đoạn phim, BTC mới ghép logo Nuti Cafe không mấy nổi bật bên cạnh logo giải. Điều này khiến những người làm truyền thông khá bất ngờ bởi đơn giản đơn vị tài trợ cho V-League nhận luôn phần thiết kế logo giải đấu để cố gắng lồng ghép và quảng bá thương hiệu của mình tới người hâm mộ.
Trước những nghi ngờ của giới truyền thông và dư luận, NHM, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPF đã lên tiếng cho biết sẽ sớm đưa ra câu trả lời ở lần gặp báo chí tới đây. Song liệu bầu Tú có đưa ra lý giải thấu tình, đạt lý ở chuyện này thì đó lại là một vấn đề khác mà Bongda24h sẽ cố gắng truyền tải những thông tin nhanh nhất tới bạn đọc, người hâm mộ.
Mạnh Cường (Bóng đá 24h)
Mâu thuẫn giữa hai ông bầu của làng bóng đá và futsal Việt Nam đang là câu chuyện nóng trong những ngày qua. Và đâu là nguyên nhân khiến bầu Đức lại ghét bầu...
Có thể bạn quan tâm
- ĐT Việt Nam đã có mặt tại Jordan sau cuộc ‘hành xác’ kéo dài 16 tiếng
- HLV Hàn Quốc nói gì sau thất bại bất ngờ trước ĐT U19 Việt Nam?
- HLV U19 Việt Nam tự tin vô địch sau khi đánh bại FC Seoul
- Tuấn Anh chấn thương, Hải Phòng bị tuýt còi chuyện mặt sân
- Góc khuất: Vì sao bầu Đức lại cực lực phản đối bầu Tú nắm ghế VFF?