Trong một năm qua, khi cả ĐTQG lẫn ĐT U23 Việt Nam sa sút về mặt thành tích và kết quả thi đấu, NHM bóng đá nước nhà chỉ biết nhớ về những thành tựu đã đi vào lịch sử trong giai đoạn 2018-2022. Trong thời gian qua, có lẽ đã có những khán giả từng sử dụng những thiết bị như máy tính, điện thoại, TV… để tìm lại những hình ảnh ghi lại thời kỳ hoàng kim của bóng đá Việt Nam.
Những khán giả ấy ước rằng mình sẽ một lần nữa sống trong bầu không khí thăng hoa ấy. 2018-2022 là một trong những quãng thời gian thành công nhất trong lịch sử túc cầu ở dải đất hình chữ S. Quãng thời gian này bắt đầu từ kỳ tích của ĐT U23 Việt Nam trên đất Thường Châu, tại giải U23 châu Á 2018.
6 năm sau, bóng đá Việt Nam trải qua những biến động. Kết quả thi đấu bị giảm sút. Một lần nữa, giải đấu này lại được coi là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam, được kỳ vọng sẽ có thể vực dậy niềm tin nơi NHM nước nhà.
Bối cảnh hiện tại
Trong tháng 4 này, U23 Việt Nam hành quân tới Qatar để dự giải U23 châu Á khi sự thất vọng của CĐV bóng đá ở dải đất hình chữ S đã chạm đáy. Sau 2 lần liên tiếp giành HCV SEA Games (2019 và 2022) và 1 lần lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại Asiad (2018), các chiến binh sao vàng chỉ giành HCĐ ở SEA Games 2023 cũng như phải chia tay Asiad 2023 từ vòng bảng.
Trong khi đó, ĐTQG thua 10/14 trận dưới thời HLV Philippe Troussier. Đầu năm 2024, tuyển Việt Nam phải trải qua cảm giác là tập thể bị loại sớm nhất và lần đầu tiên phải chia tay Asian Cup ở vòng bảng sau 3 trận toàn thua. Ở 2 lần dự giải trước đó, các chiến binh sao vàng đều góp mặt ở vòng tứ kết.
Trong hơn 1 năm qua, ĐT Việt Nam cũng tụt 20 bậc trên BXH FIFA (từ hạng 95 xuống hạng 115). Trong trận đấu cuối cùng của mình trên cương vị HLV trưởng tuyển Việt Nam (thua Indonesia 0-3 tối 26/3 tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026), HLV Troussier phải hứng chịu những tấm banner chỉ trích ông và cả những tiếng hô: “Troussier về nước!”, “Troussier out” trên chính sân nhà Mỹ Đình.
CĐV Việt Nam giương cao khẩu hiệu phản đối HLV Troussier |
Ngay trong đêm cùng ngày, LĐBĐ Việt Nam (VFF) thông báo đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với nhà cầm quân người Pháp, sớm hơn 2 năm so với giao kèo ban đầu.
Quãng thời gian HLV Troussier gắn bó với bóng đá Việt Nam cũng khép lại khi loạt trận FIFA Days tháng 3/2024 kết thúc. Giải đấu tiếp theo là VCK U23 châu Á 2024. U23 Việt Nam bước vào giải đấu này, với bối cảnh hệt như 6 năm trước.
Hoài niệm về ký ức Thường Châu tuyết trắng
Thực tế, trong 1 năm trước khi U23 Việt Nam lập kỳ tích với việc lọt vào chung kết giải U23 châu Á 2018, bóng đá nước nhà vẫn có những điểm sáng. Năm 2017 chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có 6 ĐT (ĐTQG nam, U23 nam, ĐTQG nữ, U19 nữ, U19 nam và futsal nam) giành quyền vào chơi tại các giải đấu cấp châu lục.
Ngoài ra còn là lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại một kỳ World Cup sân cỏ 11 người (U20 World Cup). Cũng trong năm 2017, ĐTQG nam có lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng loại Asian Cup và trở lại giải đấu này sau hơn 10 năm vắng mặt. Ở lần dự giải trước (2007), tuyển Việt Nam có suất vào thi đấu vì là 1 trong 4 đội đồng chủ nhà, cùng với Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Trong khi đó, ĐTQG nữ cũng mang lại niềm vui khi giành HCV SEA Games 29. Dẫu vậy, vết đen tại V.League và kỳ SEA Games năm ấy (của ĐT U22 nam) đã phá hỏng tất cả.
Ở vòng 6 giải VĐQG, do bức xúc với quyết định thổi penalty ở phút 82 của trọng tài Nguyễn Trọng Thư các cầu thủ Long An tạo ra vụ bê bối khi không thi đấu mà chỉ có mặt trên sân cho đúng luật, để mặc cho đối thủ TP.HCM ghi bàn và không có bất kỳ hành động phòng ngự nào. Trước đó, thủ môn Nguyễn Minh Nhựt còn quay hẳn người lại và không bắt phạt đền.
Trận đấu giữa TP.HCM và Long An trên sân Thống Nhất kết thúc với kịch bản của một trò hề. Sau đó, hàng loạt đơn vị truyền thông quốc tế như ESPN, The Sun, Goal, Eurosport…
Thủ môn Minh Nhựt và đội trưởng Huỳnh Quang Thanh lãnh án treo giò 2 năm. Cựu chủ tịch Võ Thành Nhiệm và HLV trưởng Ngô Quang Sang bị phạt 3 năm. CLB Long An bị phạt hành chính 100 triệu đồng. GĐKT Huỳnh Ngọc San và chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm cũng xin từ chức.
Tới SEA Games 29, U22 Việt Nam thua trắng 0-3 trước đại kình địch Thái Lan và phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng bảng. Sau thất bại trong tư thế cúi đầu trên đất Malaysia, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng xin thôi việc.
HLV Nguyễn Hữu Thắng |
5 tháng sau, khi niềm tin của NHM dành cho bóng đá Việt Nam tưởng như đã chạm đáy, U23 Việt Nam viết nên trang sử vàng tại giải U23 châu Á 2018. Đó là những tháng ngày mà các khán giả nước nhà sống trong những giọt nước mắt hạnh phúc, những cung bậc cảm xúc không thể quên và cả những lần “đi bão” từ cuối giờ chiều ngày hôm nay tới tận rạng sáng ngày hôm sau.
Đó là quãng thời gian mà các công ty, các cơ quan đoàn thể, các trường học sẵn sàng cho nhân viên và học sinh, sinh viên nghỉ làm, nghỉ học để cùng nhau cổ vũ cho những học trò của HLV Park Hang Seo.
U23 Việt Nam 2018 Thường Châu |
Khi trở về từ Trung Quốc, các tuyển thủ U23 Việt Nam được chào đón như những người hùng. NHM đổ xô ra những cung đường nơi chiếc xe bus diễu hành của ĐT đi qua và hò reo ăn mừng.
Câu chuyện cổ tích của U23 Việt Nam năm 2018 mở ra thời kỳ trên cả thành công cho bóng đá nước nhà. Sau giải đấu ấy, HLV Park và các học trò tạo nên hàng loạt dấu ấn như: lọt top 4 Asiad 18, vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi, lọt top 8 Asian Cup 2019, có lần đầu tiên xuất hiện ở vòng loại 3 World Cup và đoạt HCV SEA Games 2 kỳ liên tiếp.
Trở lại thời điểm hiện tại, U23 châu Á lại trở thành giải đấu chất chứa những niềm hy vọng còn sót lại của NHM bóng đá Việt Nam…
Trọng trách trên vai đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn
"Tôi hiểu được tầm quan trọng ở giải U23 châu Á và hình dung được khó khăn mình phải đối diện. Chúng ta phải đối đầu với đối thủ mạnh ở châu lục. Chỉ có một lần đặc biệt ở Thường Châu năm 2018, U23 Việt Nam từng làm nên kỳ tích. Chúng tôi lấy điều đó làm động lực và cố gắng phấn đấu vươn tới thành tích cao", HLV Hoàng Anh Tuấn phát biểu trước ngày cùng toàn đội lên đường sang Qatar.
Sâu thẳm trong trái tim và tâm trí của các thành viên tuyển U23 Việt Nam, tất cả đều đang khao khát sẽ lọt vào bán kết giải U23 châu Á 2024, dù các chiến binh sao vàng chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng. Bởi giải đấu này cũng là vòng loại Olympic Paris 2024, giải đấu mà bóng đá Việt Nam chưa từng được tham dự trong lịch sử. 3 đội nhất, nhì, ba sẽ giành vé tới thẳng nước Pháp. Đội thua trận tranh HCĐ sẽ thi đấu trận play-off với đại diện châu Phi để lấy vé vớt.
Người thuyền trưởng của hành trình này là HLV Hoàng Anh Tuấn, người từng có những thành công với các ĐT trẻ Việt Nam. Năm 2016, ông Tuấn giúp U19 Việt Nam giành quyền dự U20 World Cup 2017. 7 năm sau, HLV Hoàng Anh Tuấn có danh hiệu đầu tiên trong quãng thời gian làm công tác đào tạo trẻ khi đội U23 vô địch giải U23 Đông Nam Á 2023. Đây cũng là điểm sáng hiếm hoi của làng túc cầu nước nhà trong một năm qua.
Giờ đây, sau sự ra đi trong nỗi buồn của HLV Troussier, HLV Hoàng Anh Tuấn đang gánh trên vai trọng trách vực dậy niềm tin của NHM bóng đá Việt Nam với thử thách là VCK U23 châu Á 2024.
Như thể đã được số phận sắp đặt, sau 6 năm, VCK U23 châu Á lại trở thành niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam…
Có thể bạn quan tâm
- Nhận định U23 Iraq vs U23 Thái Lan (22h30 ngày 16/4): Thử thách với 'Voi chiến'
- Lộ diện ban cán sự của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2024
- Địa chấn xuất hiện ngay trận mở màn VCK U23 châu Á 2024
- Trọng tài Qatar điều khiển trận ra quân của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á
- HLV Hoàng Anh Tuấn nhắn nhủ điều đặc biệt đến NHM trước thềm VCK U23 châu Á