Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Từ câu chuyện của U16 đến bóng đá Nữ…

Thứ Tư 03/08/2016 16:16(GMT+7)

Tối qua, ĐT Nữ Việt Nam đã có trận đấu nghẹt thở với Myanmar. May mà chúng ta chiến thắng nhưng tựu trung lại vấn đề của các cô gái đá bóng cũng giống đội tuyển U16 cách đây chưa lâu.

Mạnh hơn hẳn nhưng suýt thua

Nếu ai chứng kiến hiệp 1 giữa ĐT Nữ Việt Nam và Myanmar thì đều tin thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ dễ dàng giành chiến thắng. Chúng ta dồn ép đối thủ suốt 45 phút đầu tiên, tạo ra cả tá cơ hội nguy hiểm và 2 bàn thắng đến như là một thành quả tất yếu. Thậm chí nếu Tuyết Dung và các đồng đội có duyên hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể ghi thêm bàn thắng. Việc các cô gái áo đỏ lấn lướt đối thủ không quá bất ngờ vì chúng ta sở hữu nhiều cầu thủ kinh nghiệm hơn còn đội chủ nhà đang tiến hành trẻ hóa lực lượng. Thế nhưng mọi thứ chỉ ổn trong hiệp đầu tiên, tất cả đều xoay 180 độ trong phần thời gian còn lại của trận đấu.

Nữ Việt Nam 3-3 (pen 5-4) Nữ Myanmar: Siêu nghẹt thở, siêu kịch tính
(Bongda24h.vn) - Khởi đầu trận đấu như mơ, dẫn trước tới 2-0 sau hiệp 1 nhưng sự cổ vũ cuồng nhiệt của 3 vạn khán giả trên sân khiến ĐT Nữ Việt Nam trùng xuống...

Đặc biệt vào hiệp 2, Myanmar không còn gì để mất nên buộc phải dồn lên. Dù vậy bài đánh chính của đội bạn chỉ là rót bóng bổng vào cầu may. Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi 3 vạn khán giả trên sân Mandalar Thiri hò reo cực kỳ cuồng nhiệt. Để rồi các cô gái của chúng ta bắt đầu lúng túng và mắc sai sót. Lần lượt các bàn thắng của Win Theingi Tun và May Thu Kyaw đến từ các pha bóng hết sức đơn giản. Trong số này thì bàn thứ 2 của Myanmar là do sai lầm của thủ môn Kiều Trinh, người được coi là thủ thành số 1 Đông Nam Á nhiều năm nay. Đương nhiên vấn đề nằm ở tâm lý trước sức ép khủng khiếp trên khán đài.

Tu cau chuyen cua U16 den bong da Nu… hinh anh
ĐT Nữ Việt Nam suýt thua dù dẫn trước tới 2 bàn

Đi vào lối mòn của U16

Phải nói rằng ĐT Nữ Việt Nam có trận bán kết với Myanmar gần như tái hiện lại hình ảnh của U16 Việt Nam trước đó chưa lâu. Cũng dẫn trước 2 bàn cách biệt nhưng tâm lý kém khiến chúng ta bị gỡ hòa 3-3 rồi dẫn sang loạt đá luân lưu 11m. May là thầy trò HLV Mai Đức Chung là đội thắng trên loạt đấu súng chứ không phải nhận kết cục đau đớn như đoàn quân trẻ của ông Đinh Thế Nam. Nhưng hai trận đấu đã nói lên điểm yếu cần phải khắc phục càng nhanh càng tốt của bóng đá Việt Nam dù đó là những trận mà chúng ta chơi hay hơn đối thủ. Ai cũng có thể nhận ra là vấn đề về tâm lý và phần nào đó là bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ áo đỏ, kể cả nam lẫn nữ.

HLV Đinh Thế Nam: Thất bại là bài học cho các cầu thủ U16 Việt Nam
HLV Đinh Thế Nam thừa nhận thất bại trước U16 Australia là kết quả nghiệt ngã nhưng đó là bài học tốt cho U16 Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đội vẫn cần cải...

Sự khiếm khuyết trong quá trình đào tạo

Bóng đá Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, nhất là công tác đào tạo cầu thủ. Chúng ta đã bắt đầu hướng đến những giá trị cơ bản. Nhưng nói gì thì nói, môn thể thao vua của Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu tiên trên con đường chuyên nghiệp mà thôi. Vẫn còn có quá nhiều thứ thiếu sót, cần khắc phục. Bài học từ U16 và hôm qua là ĐT Nữ Việt Nam lại đưa những người làm bóng đá sang một hướng rẽ mới. Đào tạo không chỉ là kỹ năng, tư duy hay chiến thuật mà còn phải trang bị cả về tâm lý và bản lĩnh thi đấu nữa.

Tu cau chuyen cua U16 den bong da Nu… hinh anh 2
U16 Việt Nam thua Australia ở chung kết dù chơi hay hơn

Học viện đầu tiên là HAGL chỉ quan tâm đến kỹ thuật, tới Viettel đã tập trung hơn đến thể lực và tư duy chơi bóng, PVF là chuyên môn hóa vị trí, nhận thức chiến thuật. Nhưng như đã nói, chưa có lò nào hay địa phương nào chú ý đến vấn đề tâm lý và bản lĩnh thi đấu cả. Nên nhớ, lứa U16 của ông Đinh Thế Nam được trang bị tất cả về kỹ năng. Nhìn cái cách mà Khắc Khiêm, Hữu Thắng giành chiến thắng trước các cầu thủ to cao của Australia tại vòng bảng ít nhiều phấn khởi. Nhưng như đã nói tâm lý chính là nguyên nhân khiến chúng ta thất bại trong lần tái đấu ở chung kết. Hầu hết các cầu thủ Việt hiện nay đều lúng túng, hay mắc sai sót khi gặp sức ép lớn, nhất là trong các trận quan trọng. Điều này cần phải được bổ sung vào các giáo án ngay và luôn trong thời gian tới.

Kết lại

Trên thế giới, khâu tâm lý được trang bị khi các cầu thủ còn trong học viện. Khi bước lên sân chơi chuyên nghiệp thì đội nào cũng có bác sĩ tâm lý trong cabin huấn luyện. Nhưng điều đó ở Việt Nam là một thứ gì đó vô cùng xa lạ và chưa từng xuất hiện, kể cả ĐTQG. Sự việc ĐT Nữ Việt Nam, U16, trước đó là U23 ở chung kết SEA Games 2009, ĐTVN tại Tiger Cup 1998… quá đủ bài học rồi. Chúng ta cần bổ sung thêm rèn tâm lý, bản lĩnh cho các cầu thủ trước khi bước ra sân chơi quan trọng để tránh những cú ngã đau đớn ở thời điểm quyết định trong quá khứ.
 


Doãn Công


Báo bóng đá 24h cung cấp và dự đoán bóng đá.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X