Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

V-League 2014: Cả làng dối nhau

Thứ Bảy 23/08/2014 07:48(GMT+7)

 HLV xuất sắc nhất V-League 2014 là ông Nguyễn Thanh Sơn, dù cả làng đều biết HLV thực sự của B.Bình Dương là ông Lê Thụy Hải. Câu chuyện đấy na ná như việc người ta dựng ông Koji lên làm trưởng giải, dù thực tế chẳng ai hiểu ông Koji làm gì?

Cả làng dối nhau

HLV Nguyễn Thanh Sơn (B.Bình Dương) được BTC V-League bầu là HLV xuất sắc nhất mùa giải, đấy là phần thưởng có gì đấy khá gượng ép, vì nói tới B.Bình Dương, người ta nói ngay ông Lê Thụy Hải mới là người quyết định về mặt chuyên môn, mới là HLV thực sự.

Sở dĩ ông Hải không được đăng ký với chức danh HLV, mà phải được “lách” với chức danh GĐKT bởi ông Hải không bằng cấp theo như quy định của V-League (phải tốt nghiệp Đại học hoặc có chứng chỉ A HLV do AFC cấp).

Ông Nguyễn Thanh Sơn (trái) nhận giải HLV xuất sắc nhất mùa bóng, dù có khi nhiều người theo dõi V-League còn không biết ông là ai
Ông Nguyễn Thanh Sơn (trái) nhận giải HLV xuất sắc nhất mùa bóng
dù có khi nhiều người theo dõi V-League còn không biết ông là ai

Nhìn lại toàn bộ hành trình của đội bóng đất Thủ Dầu tại V-League 2014, ông Hải xứng đáng được xem là HLV giỏi nhất. Ông Hải đến Bình Dương sau vòng 5, lúc đó đội này mới có 1 điểm, nhưng đá xong 22 trận, B.Bình Dương được 49 điểm, dẫn đầu V-League. Giải thưởng đấy nếu đã không trao cho ông Hải, cũng không nên gượng ép nhét vào tay người khác, bởi HLV Nguyễn Thanh Sơn dù mang danh HLV trưởng, nhưng công việc thực tế của vị HLV này chỉ là trợ lý.

Ông Sơn đâu được phép sắp xếp đội hình B.Bình Dương khi ra sân, cũng đâu được quyền điều chỉnh lối chơi của đội bóng đất Thủ Dầu mà xứng với danh hiệu HLV xuất sắc nhất? – Mà nói dại, nếu không phải ông Hải điều chỉnh, công việc điều chỉnh nhân sự và lối chơi của B.Bình Dương rơi vào tay ông Nguyễn Thanh Sơn thì cũng chưa biết đội bóng đất Thủ Dầu có được như ngày hôm nay hay không?

Trao danh hiệu cho một trợ lý, điều đó không chỉ khiến người nhận không thoải mái, mà có khi làm cho những HLV giỏi thực sự dạng Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng), Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T) hay Mai Đức Chung (Thanh Hóa) cảm thấy măc cảm, vì phải xếp dưới người vốn không phải là dân chuyên môn có đẳng cấp.

Trào lưu người làm HLV không có thực quyền (về chuyên môn), trong khi người có quyền lại không trực tiếp đăng ký chức danh HLV dường như đang phổ biến trong bóng đá Việt Nam. Ở ĐT Long An chẳng hạn, Ngô Quang Sang được đăng ký là HLV, nhưng thật ra ông Sang không có quyền chỉ đạo.

Từ HLV không có thực quyền đến ông trưởng giải – bình phong

Một trong những tiêu chí để VPF và BTC giải đặt ra bằng cấp cho các HLV khi hành nghề ở V-League là chuẩn hóa kiến thức của đội ngũ huấn luyện, cả về kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức sư phạm (mỗi HLV cũng có vai trò như một người thầy). Một mục đích khác với quy định về bằng cấp có lẽ cũng là nhằm từng bước nâng chất đội ngũ làm công tác chuyên môn trong nước, nâng cấp cách hành xử của người làm nghề.

Người được đào tạo bài bản thì ngoài khả năng chuyên môn, thường cũng hành xử đúng mực hơn dân tay ngang. Ví như chuyện của HLV Lê Thụy Hải, không ai chê chuyên môn của ông này, nhưng ông Hải nhiều lúc phát ngôn không giống ai, không giống với cái tuổi thất thập của ông. Giả sử ông Hải được đào tạo có lớp có lang, có khi ông sẽ khéo hơn trong đối nhân xử thế.

Đã đặt ra tiêu chuẩn, nhưng lại tạo kẽ hở cho người tham gia cuộc chơi lách luật thì quy định của VFF, VPF và BTC giải coi như mất tác dụng. Vậy với thực tế hiện nay, còn cần quy định HLV bắt buộc phải có bằng cấp để làm gì? Đấy là một bất cập, nó giống như chuyện BTC cứ trước mỗi mùa bóng lại bắt các đội ký cam kết chống tiêu cực, nhưng tự thân mỗi CLB có tìm cách chống hay không thì đố ai biết được!

Chuyện ông Nguyễn Thanh Sơn làm HLV thay ông Lê Thụy Hải rồi gượng ép nhận danh hiệu HLV xuất sắc nhất năm cũng giống chuyện ông Tanaka Koji ngồi ghế trưởng giải, nhưng ông Koji chưa chắc có thực quyền và cũng chưa chắc có trọng lượng trong từng lời nói.

Khổ cho một giải đấu mà ở đấy cả làng đang tìm cách dối nhau, cơ quan điều hành cố dựng một ông trưởng giải ngoại lên làm bình phong, tránh bão dư luận khi gặp sự cố, trong khi bản thân từng đội bóng học theo để lách luật, rồi trêu ngươi chính các quy định của người tổ chức giải đấu. Cái nguy hiểm ở chỗ người lớn mà còn không sòng phẳng thì lấy gì để nói được lớp hậu bối!
  
Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X