Thứ Ba, 31/12/2024 Mới nhất
Zalo

VPF đại cải tổ: Xin đừng là "bình mới rượu cũ"

Thứ Sáu 30/10/2015 09:49(GMT+7)

Mới đây, ông Cao Văn Chóng đã được bổ nhiệm lên thay thế ông Phạm Ngọc Viễn ở vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF. Một cuộc “lột xác” nơi thượng tầng liệu có giúp V-League 2016 thật sự đi lên hay không?

Ngay khi mùa giải 2015 kết thúc, ông Phạm Ngọc Viễn xin thôi làm nhiệm vụ TGĐ VPF để nhường cho 1 người trẻ, tài năng hơn. Và sự lựa chọn ông Cao Văn Chóng cũng là khả dĩ nhất vào lúc này. Nguyên GĐĐH Bình Dương có thể coi là người “kiếm tiền” giỏi nhất V-League trong 10 năm qua, minh chứng là đội bóng đất Thủ gần như là mô hình CLB đáng mơ ước của mọi đội bóng Việt Nam trong suốt những năm qua. Ngay trong buổi đầu họp báo giới thiệu tân TGĐ mới, VPF đã đưa tham vọng cực lớn – thu về 131,5 tỷ đồng ở V-League 2016, trong đó riêng bản quyền truyền hình có thể lên đến 30 tỷ đồng. Đó là mục tiêu lớn nhưng hoàn toàn khả thi với khả năng làm kinh doanh rất tốt của tân TGĐ mới. Tài chính là quan trọng thế nhưng những vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam vào lúc này thì chưa chắc đã giải quyết được bằng tiền.

VPF bổ nhiệm tân TGĐ, dự kiến V-League 2016 thu về 130 tỷ đồng
Chiều nay tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra phiên họp lần thứ 4 nhiệm kỳ 2014-2017 của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF. Phiên họp lần này tổng...

Ngay sau khi nhậm chức, tân TGĐ VPF Cao Văn Chóng đã có quyết định là đưa toàn bộ “phái đoàn” 40 người của VPF sang Hàn Quốc học tập mô hình làm bóng đá của K-League. Thêm 1 ý tưởng tốt (dù tốn kém) bởi phái đoàn gồm các thành viên CLB, BTC, các đài truyền hình sẽ học tập được nhiều điều bổ ích. Thế nhưng vấn đề ở chỗ các giải quốc tế rất khác với thực tiễn tại Việt Nam. Thực tế 1 năm về trước cũng đã có phái đoàn VPF sang Nhật Bản học tập mô hình làm bóng đá nhưng cũng không áp dụng được gì. Bây giờ cách làm tương tự e rằng khó lòng mang lại hiệu quả. Ngoài những ý tưởng trên, tân TGĐ mới khẳng định muốn hướng tới một V-League trong sạch, hấp dẫn, không tiêu cực. Đó là điều ai cũng mong muốn từ rất nhiều năm trước chứ không phải bây giờ. Nhưng từ kế hoạch đến thực tế là cả một chặng đường rất dài mà chẳng dễ thực hiện.

VPF bo nhiem tan TGD Cao Van Chong de dieu hanh V-League 2016 hinh anh
V-League đang tồn tại quá nhiều vấn nạn sân cỏ

Với bóng đá Việt Nam chưa nói đến việc tăng tính hấp dẫn, chỉ cần loại bỏ được bạo lực đã là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. “Tính nhà võ”, bệnh thành tích đã ăn sâu và nhận thức của từng cầu thủ. Thậm chí nhiều cầu thủ đã hình thành thói quen ra sân chỉ để ngăn cản đối thủ bằng cách phạm lỗi, bởi khi thể hình, thể lực kém, kỹ thuật không bằng ai thì phạm lỗi là cách duy nhất ngăn cản đối thủ. Thực tế thì cuộc cách mạng bóng đá không bạo lực đã được làm rất quyết liệt từ khi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lên nhậm chức. Những án phạt cực nặng cho Đình Đồng, Ngọc Hải đã được đưa ra nhưng rồi cuối cùng thì sao? Bạo lực ngày càng tăng, số ca chấn thương kinh hoàng thậm chí còn nhiều hơn. Những ngày này thì dư luận đang bức xúc với án kỷ luật “điên rồ” dành cho Quế Ngọc Hải. Tính răn đe chưa thấy đấu, chỉ biết rằng Ngọc Hải trở thành 1 nạn nhân khác đứng trước nguy cơ giải nghệ bên cạnh Anh Khoa.

Một cụm từ khác mà tân TGĐ VPF Cao Văn Chóng cũng khiến NHM vui mừng là hướng tới bóng đá sạch, khi các trận đấu vô tư thì ắt sẽ kéo được khán giả đến sân. Điều này hoàn toàn đúng bởi bao năm qua V-League luôn sống trong ngờ vực về những lùm xùm, tiêu cực nhưng lại không được làm đến nơi, đến chốn. Mùa giải trước, biết là các trận đấu của Cần Thơ, HAGL “bất thường” thì BTC phải vào cuộc nhưng rút cục thì chẳng có cuộc điều tra nào được mở ra. VFF, VPF khẳng định các trận đấu cuối mùa của Cần Thơ, HAGL trong sạch mà NHM ngao ngáo đến tận cổ, còn Đồng Nai chỉ còn biết ngậm ngùi xuống hạng vì “thấp cổ bé họng” không biết kêu ai. Nói ra để thấy mục tiêu làm bóng đá sạch ở V-League 2016 còn khó hơn rất nhiều những nhiệm vụ kể trên.

VPF bo nhiem tan TGD Cao Van Chong de dieu hanh V-League 2016 hinh anh 2
Rất nhiều trận đấu tại V-League chỉ là những trận cầu thủ tục

Bên cạnh vấn nạn “xin cho” điểm giữa các đội thì chuyện tiêu cực là chủ đề không bao giờ nguội của các giải bóng đá. Bây giờ bán độ cả đội dễ bị phát hiện nhưng từng cầu thủ tự “bán thân cho quỷ” thì lại quá dễ dàng và bí mật. Chỉ cần những cú click chuột đơn giản là các cầu thủ có thể tự làm kèo độ trận đấu, hướng kết quả trận đấu theo ý mình muốn. Án phạt treo giò vĩnh viễn của VFF trước đây dù được coi là nặng nhất trong lịch sử nhưng chẳng khiến các cầu thủ run sợ. Bằng chứng là sau khi 9 cầu thủ Ninh Bình bán độ không lâu tới lượt 6 cầu thủ Đồng Nai dính vào tiêu cực. Một trong những nguyên nhân lớn là việc cầu thủ hiện nay không được giáo dục tới nơi tới chốn. Nhiều cầu thủ vẫn có suy nghĩ nông cạn rằng “làm độ” 1 trận bóng kiếm khoản tiền lớn rồi sau đó nghỉ thi đấu là vừa.

Bán độ, tiêu cực, nạn xin cho điểm chung quy lại cũng vẫn là những vấn nạn lớn nhất cần giải quyết ở V-League 2016 sắp tới. Nếu chỉ những án phạt như thời gian qua là không đủ mà vị tân TGĐ VPF phải cùng các cộng sự giải quyết vấn đề từ gốc. Đó là trách nhiệm quản lý của từng CLB phải được nâng lên. Là tăng ý nghĩa của các trận đấu, tăng đội xuống hạng, lên hạng, tăng giải thưởng cho nhóm các đội dẫn đầu thay vì xuất hiện 80% số trận bị coi là “vô thưởng, vô phạt” như những mùa giải trước. Nếu giảm được số trận cầu thủ tục thì chắc chắn những vấn nạn như xin điểm, tiêu cực sẽ giảm thiểu đáng kể, các đội thi đấu quyết tâm hơn, tất nhiên là giải đấu cũng sẽ hấp dẫn hơn.

Doãn Công

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X