Brazil: Điệu samba chinh phục cả thế giới

Tác giả CG - Thứ Sáu 03/07/2020 19:00(GMT+7)

Zalo

Tất cả danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Brazil đến văn hóa bóng đá toàn cầu có lẽ khởi đầu từ World Cup 1970 - giải đấu được phát sóng trên truyền hình có màu và Selecao lên ngôi vô địch - và mấu chốt quan trọng đã xảy ra trước đó không lâu. Đã từng thề rằng không bao giờ khoác áo Brazil nhưng Pele đã trở lại. Trong bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung, một vài quyết định đôi khi có thể thay đổi cả lịch sử.

Sự thống trị toàn cầu của Brazil có lẽ đã bắt đầu từ lâu nhưng phải đến năm 1970 - với màn trình diễn xuất sắc của Pele - tầm ảnh hưởng của Selecao mới thực sự lan rộng mọi ngóc ngách. Và sau đó, nhờ những Socrates, Rivaldo, Ronaldinho, Ronaldo,… Brazil thực sự trở thành một đất nước mà mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay tới bóng đá.
 
Brazil Điệu samba chinh phục cả thế giới hình ảnh
Pele rất cương quyết. Đó là thời điểm tháng 7 năm 1966 và giấc mơ của người Brazil đã chấm dứt. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đã đưa ra quyết định: ông không bao giờ muốn tham dự một kỳ World Cup nào nữa.
 
Là nhà vô địch ở 2 kỳ World Cup 1958 và 1962, thời điểm ấy ông mới chỉ 25 tuổi nhưng đã cảm thấy quá đủ. Pele chỉ góp mặt trong 2 trận đấu vòng bảng ở World Cup 1962 tại Chile trước khi dính chấn thương và bỏ lỡ phần còn lại trong hình đến ngôi vương của Selecao. 4 năm sau, World Cup là ký ức đau buồn khi ông dính chấn thương trong 2 trận đấu với Bulgaria và Bồ Đào Nha cùng trên sân Goodison Park. Pele bất lực nhìn Brazil bị loại ngay từ vòng bảng.
 
Mẫu số chung của các trường hợp này rất rõ ràng: các trọng tài châu Âu không hề có động thái bảo vệ, do đó Pele không sẵn sàng mạo hiểm sức khỏe của mình cho một kỳ World Cup nào nữa. “Tôi đã quyết định không bao giờ thi đấu cho Brazil nữa”, sau này ông tiết lộ trên FourFourTwo. Pele không muốn tham dự Mexico 70.
 
Đó đã có thể là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên vì không chỉ Pele rời đội tuyển mà Garrincha cũng vậy. Bộ đôi này đã giúp Selecao 2 lần trở thành nhà vô địch thế giới sau thất bại đáng xấu hổ ngay trên sân nhà trước Uruguay vào năm 1950 - trận đấu còn được biết đến với cái tên “Maracanazo”. Đội bóng áo trắng đã bị chỉ trích vì để thua Uruguay 1-2 dù trước đó họ đã ghi 21 bàn chỉ trong 5 trận đấu.
 
Một tờ báo Brazil khi ấy khẳng định đội bóng bị “thiếu phẩm chất và tâm lý mang tính biểu tượng”. Vì thế, họ đã quyết định thiết kế lại trang phục, sử dụng màu trên cờ tổ quốc và một trong những bộ trang phục thi đấu mang tính biểu tượng nhất lịch sử bóng đá ra đời - chiếc áo màu vàng sống động.
 
Tuy nhiên phải mất đến 20 năm nữa, khán giả mới có thể tận hưởng toàn bộ màu sắc rực rỡ của bộ trang phục qua truyền hình. Khi đó, truyền hình vẫn là đen trắng và chỉ một vài trận đấu nhất định của World Cup 1958 tại Thụy Điển mới được phát trực tiếp. 4 năm sau ở Chile, không trận đấu nào được phát trực tiếp - các cảnh quay được chuyển từ Nam Mỹ và chỉ phát sóng cho khán giả Anh 2 ngày sau.
 
Khi ấy xét tới tất cả thành công của họ, có lẽ tầm ảnh hưởng toàn cầu của Selecao vẫn chưa đạt đến đỉnh. Có thể việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu sự nghiệp của Pele tại các kỳ World Cup kết thúc sau vòng chung kết năm 1966. Nhiều lời mời gọi, lôi kéo ông trở lại đội tuyển đều không thành công. Nhưng khi năm 1970 đang đến gần, ông đã mủi lòng.

Brazil Điệu samba chinh phục cả thế giới hình ảnh
Đội hình Brazil vô địch World Cup 1958.
 
Pele nói: “Tôi quyết định tham dự vì tôi đạt phong độ tốt tại Santos. Tôi muốn chấm dứt suy nghĩ rằng tôi không thể thi đấu ở World Cup mà không bị đau”. Quyết định của một huyền thoại đã thay đổi mọi thứ. Brazil có siêu sao bóng đá toàn cầu đầu tiên - người đã bắt đầu nổi tiếng vào năm 1958 khi mới 17 tuổi và tỏa sáng ở mọi nơi ông đến. 
 
“Ở Chile, chúng tôi đến rạp chiếu phim và cậu ấy phải đội mũ để không bị nhận ra. Bộ phim được chiếu và chúng tôi đang ngồi xem thoải mái thì một người bên cạnh chúng tôi lấy máy ghi âm ra và hỏi ‘Này Pele, anh thích bộ phim này chứ?’. Thế là cậu ấy trở lại ngay khách sạn”, Pepe - đồng đội của Pele ở 2 kỳ World Cup 1958 và 1962 - chia sẻ.
 
Nhưng ngay cả khi có lại Pele trong đội hình, thảm họa suýt chút nữa đã xảy ra với Brazil trước thềm vòng chung kết năm 1970. Sự hỗn loạn dưới thời HLV Joao Saldanha đã khiến Selecao để thua Argentina trong một trận giao hữu vào tháng 3. Hậu vệ Roberto Perfumo của Argentina gọi họ là “Brazil đáng thương nhất tôi từng đối đầu”.
 
Khi HLV Yustrich của Flamengo chỉ trích đội bóng nặng nề, Saldanha đã cầm theo một khẩu súng đến khách sạn ở Rio nơi Yustrich đang sống. Rất may là khi ấy Yustrich không có mặt ở đó và Saldanha bị thay thế bởi nhà cầm quân 38 tuổi Mario Zagallo - nhà vô địch World Cup 2 lần trên cương vị cầu thủ.
 
Và sự xuất hiện của Zagallo chính là mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh. Dưới sự dẫn dắt của ông, Brazil từ một tập thể gây thất vọng cùng cực vào tháng 3 nhưng đến tháng 6 năm 1970, họ đã trở thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. 
 
Với việc các trận đấu được phát trực tiếp và thậm chí là mới lạ trên TV màu, thế giới đã phải há hốc miệng khi theo dõi Selecao thi đấu theo cách chưa đội bóng nào từng làm trước đây với mũi nhọn Pele đang ở đỉnh cao phong độ. Bàn thắng của Carlos Alberto trong trận chung kết với Italy vẫn là biểu tượng của sự hoàn hảo trong bóng đá, một minh chứng mẫu mực về nét đẹp của môn thể thao vua, một ví dụ không thể tuyệt vời hơn cho khái niệm “O Jogo Bonito”.

Brazil Điệu samba chinh phục cả thế giới hình ảnh
Pele và vinh quang ở World Cup 1970.
 
Trên khắp thế giới, các cổ động viên bóng đá đang bắt đầu phải lòng Brazil. Và từ thời điểm ấy, tình cảm đó đã kéo dài 50 năm qua nhiều thế hệ Selecao như đội hình vĩ đại năm 1982 - với thủ lĩnh Socrates - cho đến các chức vô địch World Cup 1994 và 2002.
 
Tất cả mọi thứ về Brazil dường như đều độc nhất. Kỹ thuật - truyền thống trải qua nhiều thế hệ từ Jairzinho đến Neymar. Quyết tâm chơi tấn công gần như liều lĩnh - bạn cần các hậu vệ cánh làm gì nữa khi có thể sử dụng Cafu và các đồng đội là những cầu thủ chạy cánh hỗ trợ? Khả năng tạo ra đột biến cũng là một thứ vũ khí, ví dụ như cú sút phạt nổi tiếng của Roberto Carlos vào lưới đội tuyển Pháp ở giải giao hữu Tournoi de France năm 1997.
 
Ngay cả việc sử dụng tên thì họ cũng từ chối làm theo quy ước: tại sao phải dùng cái họ dài dằng dặc trong khi có thể dùng tên? Dù vậy, Ronaldo là một cái tên phổ biến ở Brazil và có thể gây bối rối: khi đất nước có quá nhiều Ronaldo vào năm 1994, họ gọi người đầu tiên là Ronaldao (Ronaldo lớn) và người thứ hai là Ronaldinho (Ronaldo nhỏ). Khi có người thứ ba, Ronaldinho lại được đổi thành Ronaldo để nhường lại cho… Ronaldinho tiếp theo.

Brazil Điệu samba chinh phục cả thế giới hình ảnh
Socrates - thủ lĩnh của Brazil ở World Cup 1982, một trong những đội bóng có lối chơi đẹp nhất lịch sử các VCK World Cup.
 
Và nếu cái tên trở nên nhàm chán thì biệt danh lại được sử dụng. Đó là lý do chúng ta có Tostao (Đồng xu nhỏ), Dunga (từ tiếng Bồ Đào Nha của nhân vật Dopey trong “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”) hay Zico bắt nguồn từ cái tên Arthur (đây là một câu chuyện dài). Trong khi đó, “Pele” hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong tiếng Bồ Đào Nha và chỉ là biệt danh thứ ba của huyền thoại người Brazil - đầu tiên ông được gọi là Dico, sau đó là Gasolina.
 
Đến nay, Brazil không chỉ là đội vô địch World Cup nhiều lần nhất mà cả 5 lần lên ngôi của họ đều không phải trên sân nhà. Trong số 7 đội tuyển còn lại đã ít nhất 1 lần nâng cúp, 6 trong số đó đều từng có lợi thế sân nhà (Tây Ban Nha là ngoại lệ).
 
Sự vĩ đại của Selecao không chỉ ở khía cạnh tập thể. Kể từ năm 1995 khi Quả bóng vàng mở rộng cho cả các cầu thủ ngoài châu Âu, không quốc gia nào có nhiều hơn 2 chủ nhân của giải thưởng này trừ Brazil (với Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho và Kaka). Bọn họ đều đã từng giành danh hiệu này trong một năm không có World Cup, điều đó cho thấy sự thống trị không chỉ ở cấp đội tuyển mà cả ở CLB. 

Brazil Điệu samba chinh phục cả thế giới hình ảnh
Và một điều đáng nói, họ đều đã ghi những bàn thắng mang tính biểu tượng. Pha đi bóng của Ronaldo ở Compostela, cú xe đạp chổng ngược của Rivaldo trước Valencia, pha chích mũi giày của Ronaldinho trên sân Stamford Bridge hay pha bóng lướt đi thanh thoát của Kaka trên sân Old Trafford đều là những bàn thắng kinh điển.
 
Tất cả danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Brazil đến văn hóa bóng đá toàn cầu có lẽ khởi đầu từ World Cup 1970 - giải đấu được phát sóng trên truyền hình có màu và Selecao lên ngôi vô địch - và mấu chốt quan trọng đã xảy ra trước đó không lâu. Đã từng thề rằng không bao giờ khoác áo Brazil nhưng Pele đã trở lại. 
 
Trong bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung, một vài quyết định đôi khi có thể thay đổi cả lịch sử.
 
Dịch từ bài viết “Why The World Loves Brazil” của tác giả Chris Flanagan trên FourFourTwo.

CG
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow