Chỉ còn 3 tuần nữa Premier League sẽ chính thức trở lại. Với nhiều người hâm mộ Manchester United, họ đang có chung một tâm trạng lo lắng trước những động thái có phần chậm chạp của thượng tầng CLB trong việc chiêu mộ tân binh ở thị trường chuyển nhượng mùa hè 2025. Thế nhưng liệu nhận định này có chính xác?
![]() |
Sau hơn 1 tháng tích cực đàm phán, đã chính thức cập bến Old Trafford với mức giá 65 triệu bảng + 6 triệu bảng phụ phí. Thương vụ chỉ được hoàn tất sau khi Man Utd đưa ra lời đề nghị chuyển nhượng thứ 3, bất chấp việc Mbeumo chỉ còn 1 năm hợp đồng với Brentford và bản thân cầu thủ tấn công người Pháp “toàn tâm toàn ý” muốn trở thành một phần của dự án tái thiết dưới triều đại Ruben Amorim.
Sở dĩ Brentford có thể tự tin “ép giá” đối thủ ở thương vụ Mbeumo bởi đại diện thành London hiểu rằng Man Utd không có nhiều sự lựa chọn trên thị trường chuyển nhượng, trong bối cảnh sức hút của CLB đã chạm đáy sau mùa giải 2024/2025 cực kỳ tệ hại. Man Utd chỉ về đích ở vị trí thứ 15 chung cuộc tại Premier League và lần đầu tiên sau 11 năm phải làm khán giả tại đấu trường cúp Châu Âu. Không chỉ gặp khủng hoảng về mặt thành tích, tình hình nội bộ của CLB cũng “rối như canh hẹ” với mâu thuẫn khó có thể hàn gắn giữa HLV trưởng và một nhóm cầu thủ từng được kỳ vọng cao.
![]() |
Thương vụ chiêu mộ Bryan Mbeumo của Man Utd kéo dài hơn dự kiến |
Cũng bởi vậy, nhiều ngôi sao lớn không còn coi Man Utd là điểm đến lý tưởng để phát triển sự nghiệp. Viktor Gyokeres là một ví dụ tiêu biểu. Quỷ đỏ từng theo đuổi chân sút người Thụy Điển suốt một quãng thời gian dài. Họ có lợi thế bởi mối quan hệ thân thiết giữa HLV Amorim và Gyokeres khi cả hai còn làm việc chung tại Sporting Lisbon.
Thế nhưng, sau cùng tiền đạo 27 tuổi đã lên tiếng từ chối cơ hội ra nhập Man Utd để chuyển sang đầu quân cho Arsenal bởi Gyokeres muốn được thi đấu trong một tập thể đủ sức cạnh tranh những danh hiệu cao quý, điều mà Man Utd ở thời điểm hiện tại đơn giản là không thể đáp ứng. Trước Gyokeres, một vài cầu thủ chất lượng như Jonathan Tah, Jonathan David và Liam Delap cũng từng từ chối chuyển đến Man Utd.
Nói như vậy không có nghĩa những tân binh đắt đỏ như Matheus Cunha và Mbeumo chỉ là những bản hợp đồng mua sắm trong hoảng loạn, hay còn gọi với danh xưng quen thuộc là “Panic buy”. Bộ đôi này đã tiêu tốn khoảng 133 triệu bảng ngân sách chuyển nhượng của Man Utd, nhưng những gì họ làm được ở mùa giải vừa qua được đánh giá rất cao.
Ở vị trí hộ công, Cunha là nhân tố quan trọng bậc nhất ở chiến dịch trụ hạng của Wolves tại Premier League 2024/2025 với 15 bàn thắng và 6 kiến tạo. Trong khi đó, Mbeumo lại trải qua mùa giải bùng nổ nhất trong sự nghiệp với việc ghi tới 20 bàn thắng và 7 kiến tạo, đồng thời kết hợp cùng Yoane Wissa để trở thành cặp song sát đáng sợ trong màu áo Brentford.
![]() |
Chính sách chuyển nhượng của Man Utd thay đổi với việc chiêu mộ các cầu thủ thi đấu tốt tại EPL |
Về cơ bản, cả Cunha lẫn Mbeumo không đến từ những CLB danh tiếng, không sở hữu bản CV hoành tráng của một ngôi sao đẳng cấp, thậm chí giá trị chuyển nhượng của họ cũng khá đắt đỏ. Thế nhưng, với việc đã quen thuộc nhịp độ thi đấu tại Premier League, cả hai chắc chắn sẽ trở thành mảnh ghép đáng kỳ vọng trên hàng công của Man Utd ở mùa giải mới. Điều này khiến chúng ta gợi nhớ về hình ảnh của Liverpool của 10 năm về trước.
Thời điểm Jurgen Klopp tiếp quản chiếc ghế nóng tại Anfield từ Brendan Rodgers vào tháng 10/2015, Lữ đoàn đỏ vẫn còn đang chìm sâu trong khủng hoảng. Và để tái thiết lại đội hình khi sức hút của CLB chạm đáy, chiến lược gia người Đức buộc lòng phải chiêu mộ những cầu thủ đang thi đấu tại các CLB trung bình tại Premier League. Từ Andrew Robertson, Georginio Wijnaldum, Sadio Mane và sau này ngay cả “bom tấn” Virgil van Dijk cũng chuyển đến từ một đội bóng thường xuyên làm bạn với cuộc chiến trụ hạng là Southampton.
Từ một đế chế lụi tàn, Liverpool đã lột xác để trở thành một siêu cường của bóng đá Anh. Đó chính xác là con đường mà Man Utd nên học hỏi. Hoặc chí ít, sau quá nhiều bài học thấm thía từ thất bại chuyển nhượng trong quá khứ, thượng tầng Man Utd cũng đã rút ra bài học cho riêng mình. Antony, Rasmus Hojlund và Joshua Zirkzee đều chuyển đến từ các giải đấu bên ngoài lãnh thổ nước Anh và hòa nhập cực chậm với nhịp độ thi đấu tại Premier League. Thay vì tiếp tục “đặt cược” vận mệnh CLB vào những cầu thủ kiểu như vậy, BLĐ Man Utd lựa chọn chiêu mộ những cái tên đã khẳng định được giá trị ở đấu trường cao nhất nước Anh.
Tuy vậy, điểm cộng lớn nhất với Man Utd ở phiên chợ hè 2025 không đến từ chiều mua, mà lại đến từ chiều bán cầu thủ. Họ vừa đẩy thành công Marcus Rashford sang Barcelona theo dạng cho mượn, đồng thời đang cùng Juventus hoàn tất những thủ tục cuối cùng ở thương vụ Jadon Sancho. Về cơ bản, Man Utd thu hồi rất ít tiền từ cả hai thương vụ này, nếu không muốn nói là chấp nhận thua lỗ nặng nề. Với Sancho là 22 triệu bảng (đã bao gồm 5 triệu bảng được chi trả từ Chelsea do vi phạm hợp đồng), còn với Rashford đơn thuần chỉ là một thương vụ cho mượn không yêu cầu phí chuyển nhượng.
Tuy vậy, sự ra đi của cặp đôi nổi loạn này sẽ giúp Quỷ đỏ tiết kiệm được 25 triệu bảng tiền lương, tương đương 13,4% tổng quỹ lương toàn đội. Đó rõ ràng là hướng đi bắt buộc ở thời điểm hiện tại, bởi rất nhiều đội bóng lớn khác cũng đang loay hoay trong việc thanh lý những cầu thủ hưởng lương cao. Juventus thậm chí tính đến chuyện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Dusan Vlahovic nếu không tìm được đối tác sẵn sàng chi tiền.
![]() |
Chia tay được bộ đôi Sancho và Rashford là thành công lớn với Quỷ đỏ trong mùa hè 2025 |
Giữa bối cảnh HLV Amorim đang muốn dọn dẹp tàn dư, sự ra đi của những nhân tố nằm ngoài kế hoạch là chìa khóa để mở ra cánh cửa chiêu mộ thêm tân binh. Sau Rashford và Sancho, một vài cái tên khác như Tyrell Malacia, Antony và Alejandro Garnacho cũng đang bị gây sức ép buộc phải tìm bến đỗ mới.
Kể từ khi Sir Alex Ferguson rời đi vào mùa hè 2013, Man Utd từng bước đánh mất đi vị thế của một đội bóng lớn trên bản đồ bóng đá thế giới. Và đôi khi, những nỗ lực tái thiết không được tính toán kỹ lưỡng hoặc được đưa ra từ một kế hoạch thiếu chiều sâu, chỉ khiến Quỷ đỏ ngày càng mắc kẹt hơn trong vũng lầy do chính họ tạo ra. Để giải quyết triệt để căn bệnh trầm kha ấy, Man Utd cần thêm thời gian và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Người hâm mộ không thể yêu cầu HLV Amorim ngay lập tức đem lại thành công cho đội bóng. Và với đống đổ nát từ thời Erik ten Hag để lại, Man Utd cần ít nhất 2-3 mùa giải nữa để hoàn tất công cuộc tái thiết.
Với việc vắng mặt tại cúp Châu Âu mùa giải tới, số trận đấu của Man Utd cũng sẽ giảm khoảng 20-25%. Điều này giải thích cho câu hỏi vì sao HLV Amorim không mua sắm rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng bởi thực chất ông chỉ cần sở hữu trong tay 22-23 cầu thủ. Đây rõ ràng là lúc Man Utd hướng đến chất lượng hơn số lượng.
Sau một mùa giải đầy thất vọng và chấn thương, Mason Mount đang sẵn sàng cho một chương mới cùng Manchester United. Tiền vệ người Anh tự tin cạnh tranh sòng phẳng vị trí số 10 trong hệ thống 3-4-3 của huấn luyện viên Ruben Amorim, bất chấp sự xuất hiện của những tân binh đắt giá như Matheus Cunha và Bryan Mbeumo.