Garra Charrúa và triết lý bóng đá Uruguay (P2)

Tác giả LX - Thứ Tư 30/09/2020 21:12(GMT+7)

Zalo

Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi cho đến khi người đàn ông mang tên Oscar Tabarez sẵn sàng cho sứ mệnh khôi phục hình ảnh đích thực của Garra Charrúa. Kể từ khi tiếp quản ĐTQG vào năm 2006, HLV Oscar Tabarez đã quyết định đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc đào tạo các cầu thủ trẻ phát triển kỹ năng một cách toàn diện.

Phần 1: 

Phần 2:

World Cup 1954, thành công của Uruguay bị chặn đứng bởi người Hungary với một thứ bóng đá mới mẻ dần tạo được ảnh hưởng trên toàn thế giới. Đây chính là thời điểm mà người Uruguay thậm chí còn không nhận ra rằng họ sắp trải qua bước ngoặt trong vận mệnh bóng đá, khi kỷ nguyên huy hoàng của họ sắp kết thúc và thậm chí chẳng thể giành được vé tham dự VCK World Cup 1958 ở Thụy Điển. 
 
Nỗi ám ảnh của ĐT Uruguay về những thành công trong quá khứ đã phần nào khiến cho nền bóng đá nước này không còn đủ tập trung vào tương lai để rồi dẫn đến sự suy thoái cũng như việc triết lý Garra Charrúa trở nên sai lệch.
 
Trên thực tế, từ một quốc gia phát triển mạnh mẽ trong các thập niên trước với hệ thống dân chủ hiện đại, giáo dục cộng đồng và phúc lợi xã hội ổn định, Uruguay sau chiến thắng tại World Cup 1954 đã dần trở nên trì trệ cả về kinh tế lẫn chính trị. Những giai đoạn suy thoái kinh khủng liên tục xảy ra trong hai thập niên đã khiến cho quốc gia nhỏ bé này không thể tránh khỏi cuộc đảo chính quân sự năm 1973. Hệ quả là thành tích trên sân cỏ của ĐT Uruguay cũng theo đó mà trở nên nhạt nhòa. Sau khi trải qua một giải đấu bạc nhược vào năm 1974, Uruguay thậm chí đã phải vắng mặt ở World Cup cho tới tận năm 1986.      
 
“Cách người Uruguay chiến đấu không hề giống bất kỳ nơi nào trên đời. Nó bắt nguồn từ cảm giác thấp kém, luôn khao khát khẳng định để chứng minh và thể hiện văn hóa của mình như một câu chuyện thành công. Ở mọi giải đấu mà ĐTQG tham dự, người Uruguay đều cho thấy quyết tâm vô cùng mạnh mẽ, trong mọi khoảnh khắc”, Eduardo Galeano.
 
Thứ vũ khí tinh thần của ĐT Uruguay trong giai đoạn khủng hoảng đã biến thành thứ gì đó cực kỳ hoài nghi. Thiếu đi động lực để giành thành tích, sự cân bằng giữa tính nghệ thuật và thể chất trong bóng đá Uruguay ngày càng trở nên sai lệch. World Cup năm 1986, thay vì tập trung thể hiện một lối chơi dựa trên nền tảng kỹ thuật, đội bóng từng hai lần vô địch thế giới lại mang đến bộ mặt xù xì và khắc khổ. Sự tự tin ngày càng trở thành điều xa xỉ khi mà Uruguay đã ở quá xa thời kỳ vàng son của mình. Đỉnh điểm là trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng, Jose Batista bên phía Uruguay đã có tình huống tắc bóng với Gordon Strachan của Scotland và phải nhận thẻ đỏ trực tiếp chỉ sau 56 giây kể từ lúc khai cuộc, một nỗi nhục quốc gia. 
 
Trước đó, La Celeste đã bị sỉ nhục bởi trận thua tan nát 1-6 trước Đan Mạch. Ngay từ giữa hiệp một, Miguel Bossio đã phải rời sân do chơi xấu. Chỉ còn mười người trên sân, Uruguay chẳng thể nào chống đỡ được các đợt lên bóng của Đan Mạch và chấp nhận để cho đối thủ Bắc Âu vùi dập đến không thương tiếc. Thành tích bết bát này khiến La Celeste ít nhất phải giành được một trận hòa trước Scotland để đi tiếp. Hệ quả là bất kỳ sự cân bằng nào trong triết lý chơi bóng của người Uruguay cũng đều bị loại bỏ để nhường chỗ cho mục đích tối thượng cuối cùng, nhất là khi tấm thẻ đỏ ngớ ngẩn của Batista diễn ra ngay thời điểm trận đấu vừa mới diễn ra.
 
Khoảng thời gian còn lại trên sân giống như một bài tập về thể chất với các kỹ năng đánh nguội, phạm lỗi, giết thời gian… cùng rất nhiều thứ nghệ thuật đen tối khác. Tiền đạo Graeme Sharp bên phía Scotland nhớ lại: “Họ nhổ nước bọt từ đằng sau vào đầu chúng tôi, giật tóc rồi sử dụng ngón tay để chơi xấu bằng mọi cách”. Những gì mà ĐT Uruguay thể hiện thậm chí đã mang đến một diện mạo mới cho bóng đá, một bộ mặt xấu xí đến tột cùng. Thậm chí, FIFA còn cảnh báo sẽ loại Uruguay khỏi các giải đấu quốc tế nếu như họ tiếp tục trình diễn lối chơi quá tiêu cực như vậy.
 
Với nhiều người Uruguay, giành được trận hòa 0-0 và đạt mục đích giống như một thành tựu, một điều gì đấy xứng đáng được khen ngợi. Thay vì gièm pha, các CĐV của La Celeste ăn mừng chiến công này. Tuy nhiên, thế giới thì nghĩ khác. Thật không thể tin nổi một đội bóng từng khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc bởi phong cách bóng đá tinh tế và điệu đà trong nhiều thập kỷ trước đến bây giờ lại “biến chất” hoàn toàn.

Enzo Francescoli: Hoang tu bong da Nam My2
Enzo Francescoli: Hoàng tử bóng đá Nam Mỹ
Vô hình chung, Garra Charrúa ngày càng trở nên bạo lực và hiếu chiến, làm mất đi tất cả những phẩm chất kỹ thuật mà một số cầu thủ Uruguay vẫn còn sở hữu. Enzo Francescoli, một tiền vệ tấn công mang trong mình phong cách chơi bóng cực kỳ sang trọng và tinh tế, chính là cầu thủ duy nhất trong đội hình La Celeste vẫn còn cố gắng trung thành với khía cạnh từng làm nên linh hồn của bóng đá Uruguay. Số phận của một tài năng lớn như vậy, đương nhiên sẽ không bao giờ có thể phát tiết hết khả năng của bản thân trong môi trường ĐTQG, thời điểm mà nền bóng đá Uruguay chìm sâu vào giai đoạn tăm tối nhất.
 
Không chịu chấp nhận những lời chỉ trích, HLV Uruguay, Omar Borras thậm chí đã gọi trọng tài là “kẻ giết người”, thậm chí còn tuyên bố: “Tôi không biết họ phàn nàn và bàn tán về điều gì. Chúng tôi đã chơi một trận fair play”. Cách giải thích này có nghĩa là phong cách của Uruguay không phải sự kết hợp giữa kỹ thuật và tinh thần chiến đấu hung hăng. Đó là sự cân bằng mà họ không thể đạt được vào thời điểm bấy giờ. Hệ quả là Uruguay đã bị loại bởi Argentina ở ngay vòng tiếp theo một cách hoàn toàn xứng đáng.
 
Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi cho đến khi người đàn ông mang tên Oscar Tabarez sẵn sàng cho sứ mệnh khôi phục hình ảnh đích thực của Garra Charrúa. Kể từ khi tiếp quản ĐTQG vào năm 2006, HLV Oscar Tabarez đã quyết định đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc đào tạo các cầu thủ trẻ phát triển kỹ năng một cách toàn diện. Bên cạnh đó, ông cũng nỗ lực thúc đẩy khai thác khía cạnh nghệ thuật của triết lý Garra Charrúa bằng việc thường xuyên sử dụng trên sân những cầu thủ kỹ thuật và sáng tạo.

Garra Charrúa và triết lý bóng đá Uruguay (P2) hình ảnh gốc 5
 
Hệ quả, bóng đá Uruguay dần dần đổi thay, tạo ra được một thế hệ cầu thủ trẻ năng động và chơi bóng cân bằng trước khi bị lôi kéo ra nước ngoài bởi những bản hợp đồng hấp dẫn. Tư duy Garra Charrúa đã định hình một tinh thần đoàn kết đáng nể khi mà các ngôi sao trở về từ nước ngoài khoác lên mình màu áo xanh nhạt của ĐTQG. “Chúng tôi muốn định hình tính cách của đội bóng này. ĐT Uruguay không thể chỉ sống mãi với những vinh quang từ trong quá khứ”, Oscar Tabarez cho biết.
 
Ở một góc độ nào đó, tư duy của vị chiến lược gia này chính là cách giải thích hiện đại hơn về triết lý Garra Charrua. Để rồi sự kết hợp giữa “lụa và thép” đến từ những Diego Godin, Edison Cavani, Luis Suarez hay đặc biệt là Diego Forlan đã đưa Uruguay vào tới bán kết World Cup 2010. “Sự hòa hợp, sự đoàn kết và thống nhất chính là thứ vũ khí hiệu quả nhất cho phép Uruguay đương đầu với bất kỳ đối thủ nào”.

Luis Suarez - Edinson Cavani: Nhung ga tho san
Luis Suarez - Edinson Cavani: Những gã thợ săn

Thêm một lần nữa, người ta lại tìm thấy triết lý Garra Charrúa theo đúng nghĩa, thứ bóng đá từng mang Uruguay đến ngai vàng thế giới. Đó chính là sự pha trộn giữa phẩm chất kỹ thuật cá nhân cùng ý chí chiến đấu được tôi luyện trên những con phố hay những khu ổ chuột. Minh chứng rõ nét nhất, không gì khác chính là tình huống cản bóng bằng tay của Luis Suarez trong trận tứ kết gặp Ghana. Mặc dù phải nhận thẻ đỏ rời sân nhưng chân sút bên phía Uruguay cuôi cùng vẫn trở thành người hùng dân tộc bởi chính nhờ sự hy sinh của anh mà La Celeste mới có thể giành được chiến thắng chung cuộc.
Suarez, cũng giống như Varela trước đây, chính là hiện thân của tinh thần dân tộc.

Người Uruguay chẳng thể nào lên án những tấm gương điển hình cho tính cách bóng đá của họ như vậy. Tại VCK World Cup 2014, Suarez tái hiện bản chất ranh ma của mình bằng tình huống “bỏ bóng cắn người” với trung vệ Giorgio Chiellini bên phía Italia. Tất nhiên, điều ấy chẳng còn quá quan trọng khi mà Uruguay vẫn đạt được mục đích cuối cùng là vượt qua bảng tử thần để vào vòng trong. 
 
Đó luôn luôn là bản chất của Garra Charrúa, một sự pha trộn hoàn hảo giữa bóng đá nghệ thuật và những tiểu xảo không giới hạn nhằm đạt được mục đích cuối cùng, là chiến thắng. Khi thứ triết lý này tìm thấy sự cân bằng tuyệt đối, Uruguay sẽ lập tức trở thành một đội bóng cực kỳ khó bị khuất phục đồng thời có khả năng vượt qua cả những giới hạn tự nhiên thông thường.        
      
 LX Dịch từ These football times
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow