Ký ức CH Séc Euro 2004: Những ngày người Bohemia khuynh đảo Châu Âu (P1)

Tác giả CG - Thứ Ba 27/02/2018 17:05(GMT+7)

Zalo
1. Những giai đoạn đỉnh cao của các đội tuyển quốc gia thường không diễn ra liên tục, và điều đó khiến chúng trở nên đáng nhớ. Cộng hoà Séc, một quốc gia được thành lập sau sự tan rã của Tiệp Khắc năm 1993, không thực sự là một ông lớn ở châu Âu. Nhưng tại Euro 2004, họ trở thành “ngựa ô” với một dàn sao và dừng bước một cách đầy tiếc nuối. Một trong những đội bóng xuất sắc nhất lịch sử giải đấu đã không thể đi trọn vẹn hành trình của mình.
Ky uc CH Sec Euro 2004: Nhung ngay nguoi Bohemia khuynh dao Chau Au
Ký ức CH Séc Euro 2004: Những ngày người Bohemia khuynh đảo Châu Âu
Đội tuyển Tiệp Khắc cũ đã có cả một chặng đường dài gắn liền với lịch sử môn thể thao này. Đội bóng ấy đã suýt chút nữa vô địch kỳ World Cup thứ 2 (năm 1934). Họ trở lại trận chung kết một lần nữa vào năm 1962, lần này là thất bại trước đội tuyển Brazil ở Chile. Giai đoạn giữa kỷ 20 là một thời kỳ rực rỡ của bóng đá Séc và thậm chí huyền thoại Josef Masopust là chủ nhân của Quả bóng vàng 1962. Tuy nhiên phải mất 14 năm sau ngày đó, họ mới có danh hiệu lớn đầu tiên với chức vô địch Euro 1976 sau chiến thắng trước Tây Đức ở Nam Tư.
 
Mặc dù chỉ chợt loé lên rồi vụt tắt, thế nhưng đội tuyển Cộng hoà Séc năm 2004 đã làm sống lại tinh thần những bậc tiền bối của họ. Một trong những đội chơi tấn công hay nhất thập kỷ, sức mạnh tập thể cùng tài năng của các cá nhân được kết hợp lại đủ sức giúp họ vượt qua bất cứ đối thủ nào. Và đội bóng ấy thi đấu dưới sự dẫn dắt của Karel Brückner. Ngày giải đấu khởi tranh, bản thành tích của ông không có quá nhiều điều đáng chú ý. Thế nhưng sau khi rời Bồ Đào Nha vào tháng 7 năm ấy, ông đã khiến cả thế giới phải nhớ đến mình.
 
Với Brückner – một nhà cầm quân mang phong cách truyền thống – nhiệm vụ là phát huy hết tất cả khả năng cầu thủ mà ông có trong tay. Nằm ở một bảng đấu gồm Đức, Hà Lan và Latvia, ông phải đối mặt với một thử thách đầy gian nan. Nhưng giống như thói quen của mình, ông đã gạt bỏ toàn bộ sự sợ hãi về một bảng đấu bị xem là “tử thần”.
 
Cac cau thu CH Sec an mung man loi nguoc dong kinh dien truoc Ha Lan
Các cầu thủ CH Séc ăn mừng màn lội ngược dòng kinh điển trước Hà Lan
2. Điểm mạnh nhất của đội tuyển Séc nằm ở hàng tiền vệ. Họ vận hành với sơ đồ chiến thuật 4-4-2 kim cương chủ yếu nhờ sự cơ động, linh hoạt và những kỹ năng thiên bẩm của các cá nhân trong đội hình. Tomáš Galásek đóng vai trò mỏ neo, một chốt chặn trước hàng phòng ngự để đảm bảo cho các ngôi sao tấn công phía trên thoải mái tung hoành. Dù không nổi bật như nhiều đồng đội khác nhưng anh là một nhân vật chủ chốt trong kế hoạch thi triển lối chơi của Brückner. Tomáš Galásek là người giúp đội bóng giữ được sự cân bằng.
 
Và công việc thầm lặng của Galásek như đã nói là để giúp hàng tấn công toả sáng trong đó có bộ ba Tomáš Rosický, Karel Poborský và Pavel Nedvěd – người được xem là tiền vệ xuất sắc nhất thế giới thời điểm đó. Chẳng cần phải giới thiệu nhiều về bộ ba này nữa khi phẩm chất cá nhân của từng người đã giúp đội bóng ấy thi đấu quá hiệu quả. Rosický điều khiển trận đấu bằng đôi chân khéo léo của mình. Một cầu thủ ngoan cường và hết mình, anh sẽ luôn cống hiến hết sức chừng nào còn bước trên sân.
 
Poborský cũng như vậy. Sau quãng thời gian không mấy ấn tượng ở Manchester United giữa thập niên 90, anh đã hồi sinh sự nghiệp của mình và trở thành một mối đe doạ ở hành lang cánh với bất cứ đối thủ nào. 
 
Tuy nhiên, ngôi sao sáng nhất trong tập thể ấy phải là Nedvěd. La Furia Ceca (Cơn cuồng nộ nước Séc) – như biệt danh mà ở Ý người ta đặt cho anh – là siêu sao ở Serie A từ thủ đô Roma với Lazio cho tới thành Turin cùng Juventus. Sau khi giành Quả bóng vàng 2003, anh đến Euro 2004 với những sự kỳ vọng lớn lao và chính sự tài hoa của Nedvěd đã giúp đội tuyển Séc có một điểm tựa. Xuất phát từ cánh trái, anh đi bóng, ngoặt bóng, có mặt ở khắp nơi trên sân, lui về phòng ngự khi cần thiết và tham gia tấn công với những cú chạy phi mã. Thất bại trong trận chung kết năm 1996 thật khó để nuốt trôi, bởi vậy Euro 2004 có thể xem là cơ hội cuối cùng để anh có thể phục hận và giành lấy vinh quang cùng màu áo tuyển.
 
Đội tuyển Cộng hoà Séc tràn đầy tự tin bước vào giải đấu. Đoàn quân của Brückner đã thống trị vòng loại theo cách không thể chê vào đâu được, họ thắng 7/8 trận và hoà 1. Tại vòng chung kết, họ nằm ở bảng đấu có lẽ là khó nhằn nhất. Tuy nhiên có một chút lợi thế khi trận ra quân Séc chỉ phải gặp đội yếu nhất bảng là Latvia, nơi những sự mạo hiểm và biến đổi khôn lường của Brückner – điều sẽ được thể hiện suốt cả giải – lần đầu được trình diễn với cả thế giới.
 
Cộng hoà Séc kết thúc hiệp 1 trận đầu tiên với 1 bàn thua khi cầu thủ Latvia ghi bàn ở phút bù giờ. Sau đó, một vài sự thay đổi quan trọng và những điều chỉnh về chiến thuật đưa người Séc trở lại. Với sơ đồ 4-4-2 kim cương thời điểm đầu tiên, huấn luyện viên Brückner thực hiện hai sự thay người đáng chú ý.
 
CH Sec voi the he vang tai Euro 2004
CH Séc với thế hệ vàng tại Euro 2004
Đầu tiên là việc tung tiền đạo Marek Heinz vào sân, hậu vệ cánh phải Zdeněk Grygera buộc phải hy sinh để tăng cường khả năng tấn công. Sự thay đổi thứ hai diễn ra vài phút sau đó, tiền vệ phòng ngự Galásek nhường chỗ cho tiền vệ cánh Vladimír Šmicer. Đội bóng lúc này thi đấu với sơ đồ 4-4-2 đôi lúc chuyển thành 4-3-3 và có những khi là 3-4-2-1. Nhiệm vụ tổng tấn công được đặt ra và Séc ghi 2 bàn trong 20 phút cuối của trận đấu.
 
Milan Baroš – người xuất phát cao nhất trên hàng công – ghi bàn thắng cân bằng tỷ số với một cú dứt điểm gọn gàng trong vòng cấm sau một pha đi bóng khuấy đảo bên cánh phải của Poborský – người trước đó đã bỏ lỡ hàng loạt cơ hội trước khi tung ra quả tạt khó chịu. Và bàn thắng quyết định đem về chiến thắng đến từ cầu thủ dự bị Heinz khi anh lợi dụng sự lộn xộn từ hàng phòng ngự Latvia để tung cú sút về phía góc cao khung thành.
 
Một màn trình với tốc độ và cường độ cao mà Séc thể hiện đã đem về chiến thắng – một điều rất quan trọng khi khởi đầu giải đấu. Nhưng bấy nhiêu đó chưa thể nào lột tả hết thái độ, sự khát khao và bền bỉ của các học trò huấn luyện viên Brückner.

(Còn tiếp)
 
Một bài viết của CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Đằng sau sự gục ngã của Arsenal ở mùa giải 2024/25

Đến hẹn lại lên, Arsenal luôn khởi đầu mùa giải với sự hứng khởi cùng ước mơ lớn lao về những danh hiệu cao quý. Thế nhưng, khi mùa giải sắp hạ màn, Pháo thủ thành London luôn khiến người hâm mộ của họ phải thất vọng, dù bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Inter Milan: Chạy theo giấc mơ từ Istanbul tới Munich

Thêm một lần nữa, tài năng của Simeone Inzaghi lại đưa Inter Milan lọt vào đến trận chung kết Champions League. Bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi buồn trong đêm Istanbul cách đây hai năm, đã đến lúc đội bóng chủ sân Giuseppe Meazza viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình.

Chelsea và bài toán hóc búa mang tên kinh nghiệm

Enzo Maresca, một HLV chưa có nhiều kinh nghiệm đang dẫn dắt một tập thể trẻ trung được gây dựng bởi một ban lãnh đạo cũng mới mẻ không kém. Trớ trêu thay, kinh nghiệm chính là thứ ông đang nhắc đến nhiều nhất thời điểm này.

X
top-arrow