Đội tuyển Pháp và Thụy Sĩ đã đưa chúng ta đi một chuyến tàu lượn về cảm xúc cực kỳ nghẹt thở. Không có gì là chắc chắn trong suốt 90 phút chính thức (và 30 phút hiệp phụ). Khi những lợi thế lớn tưởng như đã được thiết lập thì nó có thể bị sụp đổ bởi ý chí của đối phương.
Ảnh: Getty Images
“Anéantis” (tạm dịch là “Bị hủy diệt”) là tiêu đề chính mà tờ L’Equipe đã sử dụng cho trang bìa số báo ra ngày hôm nay. Pháp không bị hủy diệt theo kiểu tỷ số như một set trong quần vợt mà họ bị hủy diệt vì chính sự phung phí thời cơ cũng như chuệch choạc trong phòng ngự. Không có cơ hội làm lại cho thầy trò Didier Deschamps vì đây đã là vòng đấu loại trực tiếp. Tờ So Foot có bài viết với nhan đề “Khi huyền thoại về hàng phòng ngự vững chắc sụp đổ”, điều đó như nói lên tất cả.
Về lý thuyết Pháp vẫn là một tập thể rất mạnh. Ngôi sao của Les Bleus trải dài ở cả ba tuyến. Trên băng ghế huấn luyện vẫn là vị HLV đã đưa họ giành chức vô địch thế giới, một người quá hiểu bóng đá Pháp và thừa năng lực lãnh đạo bên trong con người mình. Đó là chưa kể so với kỳ World Cup 3 năm trước, Pháp có thêm sự phục vụ của Karim Benzema. Nhưng vì thế, cách mà Pháp bị Thụy Sĩ loại mới khiến người hâm mộ của họ cay đắng.
Trong cuốn “Zonal Marking, From Ajax to Zidane, The Making of Modern Soccer”, tác giả Michael Cox viết thế này: “Nếu những HLV Hà Lan thuyết giảng về triết lý của họ, các HLV Italy là những chiến thuật gia cẩn trọng thì các HLV Pháp tự do hơn. Họ không phải những nhà tư tưởng. Thay vào đó họ có tâm lý của những HLV trẻ. Họ tin rằng nhiệm vụ cơ bản của mình là chỉ dẫn các cầu thủ và giúp họ phát huy hết tiềm năng”.
Về cơ bản đây là hình mẫu chung cho các HLV người Pháp thành công. Aime Jacquet và Roger Lemerre, hai người giúp Les Bleus lần lượt vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, là những mẫu HLV như thế. Gerard Houllier là một cựu giáo viên. Arsene Wenger thì khỏi phải nói, ông đúng chất là một người thầy với các cầu thủ dù ông cũng là người tạo cuộc cách mạng về lối chơi cho Arsenal sau khi gia nhập đội bóng vào năm 1996. “Điều đầu tiên và quan trọng nhất, tôi là một nhà giáo dục”, cựu HLV trưởng Arsenal từng chia sẻ như thế.
Sau này, Zinedine Zidane cũng nổi tiếng vì khả năng quản trị và lãnh đạo, thứ được xem là nền tảng giúp ông thiết lập nên kỷ nguyên rực rỡ ở Real Madrid, chứ không phải một tư tưởng chiến thuật cách tân nào đó. Deschamps cũng như thế, ông là một nhà lãnh đạo bẩm sinh: là đội trưởng Nantes khi mới 19 tuổi, trở thành đội trưởng trẻ nhất lịch sử nâng cúp vô địch Champions League khi mới 24 tuổi.
Nhưng có vẻ như, vì những lý do nào đó, mọi thứ ở giải đấu năm nay vượt tầm kiểm soát của Deschamps. Trước thềm Euro 2020, nội bộ đội tuyển Pháp khiến đại chúng xôn xao vì mâu thuẫn giữa Kylian Mbappe và Olivier Giroud. Mbappe cũng không cần che giấu điều đó khi khẳng định “chúng tôi sẽ cố gắng không làm to chuyện”.
Lenglet không thể kèm được Seferovic trong bàn thua đầu tiên. Ảnh: UEFA EURO 2020
Trước trận đấu, truyền thông Pháp đưa tin về việc đội tuyển của họ lo lắng khi các cầu thủ không ngủ đủ giấc mà dành thời gian xem phim, xem bóng rổ hoặc chơi điện tử. Việc ngủ đủ giấc đóng vai trò then chốt trong việc hồi phục thể trạng, bổ sung năng lượng, tái tạo lại cơ thể và tế bào não, qua đó giảm thiểu nguy cơ chấn thương và duy trì phong độ.
Nhưng đây thực sự là vấn đề của Les Bleus. Philippe Tournon, cựu nhân viên báo chí của đội tuyển Pháp chia sẻ: “Bạn không thể nào kiểm soát được việc các cầu thủ có online hay không, làm sao mà đi hết phòng này đến phòng khác để xem đèn còn sáng hay không được. Đó là một phần câu chuyện của đội tuyển Pháp.
Trước đây, chúng tôi chỉ nói với nhân viên khách sạn là: ‘đến 10 giờ tối thì không để họ nhận cuộc gọi nào nữa’ và chúng tôi chắc chắn các cầu thủ đã ngủ. Nhưng bây giờ mỗi người có một đến hai chiếc điện thoại, một máy tính bảng, máy tính cá nhân, quán bar thì mở suốt cả cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi không làm gì được”.
Rồi bước vào trận đấu, Deschamps đột nhiên phải thay đổi hệ thống của Pháp từ 4-2-3-1 vốn đang vận hành ổn định sang hệ thống 3 trung vệ. Các khán giả có lẽ cũng phải thắc mắc vì sao đột nhiên ông phải “nghĩ nhiều” đến như thế. Dù việc hai hậu vệ trái Lucas Hernandez hay Lucas Digne dính chấn thương có thể là một phần lý do đi chăng nữa thì ít nhất trong tay Deschamps vẫn còn đủ lực lượng để ông duy trì sự ổn định khi đối thủ của họ là Thụy Sĩ, đối thủ mà nhận xét bằng tất cả sự tôn trọng thì vẫn là dưới cơ so với Pháp.
Mbappe rời Euro 2020 mà không ghi được bàn thắng nào. Ảnh: UEFA EURO 2020
Deschamps chơi canh bạc với hệ thống mới, và đặt niềm tin vào Clement Lenglet, một cầu thủ vốn nổi tiếng vì sự thiếu ổn định. Và ông đã phải trả giá khi Lenglet hoàn toàn bất lực trong bàn thua đầu tiên. Deschamps điều chỉnh sơ đồ sau 35 phút đầu tiên và ngay sau hiệp 1, trung vệ của Barcelona được rút ra khỏi sân.
Tất cả kết hợp lại thành kết quả đã có trên sân Arena Națională. Với lực lượng này, đáng lẽ Pháp sẽ phải tiến xa hơn nữa thay vì dừng bước ở vòng 16 đội trước Thụy Sĩ. Đáng tiếc cho Paul Pogba khi anh đã có một giải đấu ấn tượng, thậm chí có thể anh là cầu thủ xuất sắc nhất của Les Bleus ở Euro 2020. Chúng ta không chỉ nói về siêu phẩm của anh vào lưới Thụy Sĩ mà tổng hòa các màn trình diễn chỉ có thể miêu tả bằng từ đẳng cấp, dù điều nghiệt ngã là chính pha mất bóng của tiền vệ đang khoác áo Manchester United mở ra bàn gỡ hòa 3-3 cho Thụy Sĩ.
Karim Benzema đã có sự trở lại ấn tượng, dù anh phải mất một khoảng thời gian để hòa nhập với các đồng đội. Còn với Kylian Mbappe, phải thừa nhận một ngôi sao như tiền đạo của PSG mà không ghi được bàn thắng nào là một nỗi thất vọng, dù sự hiện diện của anh buộc Thụy Sĩ luôn phải đặt trong trạng thái dè chừng.
Pháp đã nói lời tạ từ với Euro năm nay và họ chỉ có thể tự trách chính mình vì điều đó.
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.
Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.
Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.