Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Cầu thủ Việt trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt: Bao giờ cho đến ngày xưa

Chủ Nhật 09/12/2012 14:37(GMT+7)

“Giá mà thời gian lùi lại thêm 2, 3 năm như trước nhỉ, giờ em đâu đến nỗi thế này”, cựu tuyển thủ U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam, Châu Phong Hòa, vừa ngấu nghiến đĩa cơm sườn ở quán café, vừa nói. Hòa là điển hình cho một số không ít cầu thủ đang sống cầm hơi qua ngày và chờ thời!

“Nếu như cách đây vài năm, những cầu thủ gắn mác tuyển thủ QG như em cũng có giá chuyển nhượng đến 5, 7 tỷ đồng chứ chẳng chơi. Giờ nền kinh tế lạm phát đã đành, VFF lại muốn gia tăng tuổi cống hiến, phục vụ đến 25 tuổi, thật khó quá”, một ý kiến khác của người đương thời, một “thương hiệu” của SLNA đang thuộc biên chế các ĐTQG, từng chia sẻ với TT&VH.

Từng có giá trị chuyển nhượng lên tới hàng tỷ đồng, nhưng giờ Châu Phong Hoà đang ở tình cảnh
Từng có giá trị chuyển nhượng lên tới hàng tỷ đồng, nhưng giờ Châu Phong Hoà đang ở tình cảnh

2 hoàn cảnh không giống nhau, nhưng cùng một suy nghĩ. Họ muốn tìm về ngày xưa, một để tìm lại giá trị cũ và sửa sai, một thể hiện sự tiếc nuối và mơ ước. Rất chính đáng! Người nghe tưởng như rất xa, nhưng trên thực tế, chỉ là 2, 3 năm về trước. Bằng cách nào và ra làm sao, chỉ sau 2, 3 năm, nền bóng đá Việt lại đi xuống một cách thê thảm đến thế?!

Quả thật là nhìn Phong Hòa, cầu thủ từng có giá chuyển nhượng tiền tỷ (thực tế là tổng số tiền các bản hợp đồng của cầu thủ người Đồng Tháp không dưới 4 tỷ đồng), không ai nghĩ đời bóng banh lại xuống cấp như vậy. Nhưng, Hòa có thể là biểu hiện, thậm chí là bằng chứng thuyết phục nhất nói lên bản chất nền bóng đá chuyên nghiệp bong bóng và giờ nó đang xì hơi.

“Tôi chơi quá và giờ phải lĩnh hậu quả. Muốn làm người lương thiện sao khó quá”, Châu Phong Hòa phát biểu. Thực tế là sau khi bị V.NB thanh lý hợp đồng, Hòa gần như kiệt quệ. “Tôi “tu” từ dạo đó và cố gắng làm lại, nhưng báo chí cứ nhắc, khiến các đội bóng mà tôi từng thử việc cứ đề phòng. Đó là lý do tôi vẫn thất nghiệp cho đến thời điểm này”, vẫn lời cầu thủ người Đồng Tháp.

Phong Hòa chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp có nguy cơ ra đứng đường, trước và sau khi mùa bóng 2013 khởi tranh. Thậm chí nhiều người “thuần tính” hơn Hòa, cũng đang phải chịu hệ lụy của cung cách làm bóng đá không giống ai các ông bầu, thích thì chơi không thích thì nghỉ. Họ là những đương kim và cựu tuyển thủ QG.

“Bể quá hả anh? Các đội bóng của bầu Kiên đã đành, đến K.KH cũng tính đến chuyện chuyển giao, giải tán đội bóng thì còn có thể tin vào ai nữa. Trước đây em cứ nghĩ, bóng đá Việt Nam cấp CLB tạm thời gặp khó khăn, nhưng không biết rằng cuộc khủng hoảng lại diễn ra trên diện rộng và sâu như bây giờ”, Nhất Nguyên, cựu cầu thủ Lâm Đồng và Cần Thơ chia sẻ.

Sau khi thử việc tại vài CLB ở giải hạng Nhất và không được giữ lại, phần vì không “biết điều”, phần vì đội bóng đang có nguy cơ giải thể (ví như Vũng Tàu), Nhất Nguyên có đủ những kinh nghiệm xương máu. Giờ, người đàn ông đã là chồng, là cha của 2 đứa con nhỏ, chiều chiều xách giầy đi đá phủi và gần như quên mọi ý niệm về bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.

Những người như Phong Hòa, Nhất Nguyên hay người trẻ phát biểu ở đầu bài viết này không thiếu và không hiếm. Vấn đề là tại sao và như thế nào, những người điều hành nền bóng đã lại để xảy ra tình huống như hiện tại. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từng là mơ ước, từng là đích phấn đấu của một thế hệ người trẻ, giờ là nỗi thất vọng. Vậy bậc phụ huynh nào dám cho con cháu tập bóng đá?

VFF đã gần như khoán trắng cho doanh nghiệp, từ khâu đào tạo trẻ cho đến các hạng mục đầu tư đội một, đá V-League hoặc giải hạng Nhất. Mô hình bóng đá doanh nghiệp là tối ưu, nhưng không phải đội bóng nào cũng là HA.GL. Nếu không ngăn được cuộc khủng hoảng cấp CLB cho đến các cấp độ ĐTQG, bóng đá Việt Nam còn đi xuống nữa.

Khi bong bóng vỡ, đừng hỏi tại sao ngày càng có nhiều cầu thủ Việt ra đường!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X