Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Cục diện bảng C trước lượt trận cuối: Liệu có xảy ra trò "bốc thăm may mắn"

Thứ Ba 24/06/2014 15:21(GMT+7)

Đánh giá tổng thể 8 bảng đấu sau hai lượt trận đầu tiên thì bảng C dù quy tụ toàn những đội tuyển không được đánh giá cao nhưng hứa hẹn là bảng đấu kịch tính nhất, tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường ở lượt trận cuối diễn ra vào đêm nay. Cụ thể khi mà ngoài Colombia đã chắc chắc vượt qua vòng bảng thì cả Bờ Biển Ngà, Nhật, lẫn Hy Lạp đều còn nguyên cơ hội đi tiếp và cánh cửa dành cho mỗi đội đều không hề nhỏ. Trong số những kịch bản có thể xảy ra ở bảng này thì có một tình huống thú vị và hay ho nhất khi FIFA sẽ phải dùng đến biện pháp cuối cùng để phân định thứ hạng. Đó là bốc thăm may mắn. Vậy thì hãy thử cùng phân tích và nhận định về kịch bản này.

Sau hai lượt trận đầu tiên, Colombia đã thể hiện đúng tư cách đội hạt giống của bảng khi giành trọn vẹn 6 điểm với phong độ cực kỳ thuyết phục (thắng Hy Lạp 3-0 và Bờ Biển Ngà 2-1) và sớm giành quyền lọt vào vòng 1/8. Colombia đang được kỳ vọng sẽ là chú ngựa ô của giải đấu. Trong khi đó, Nhật Bản để lại nỗi thất vọng lớn nhất. Trước giải, họ hùng hồn đặt mục tiêu lọt vào tứ kết chứ không đơn giản chỉ là vượt qua vòng bảng thế nhưng Nhật đã thua đau Bờ Biển Ngà và hoà thất vọng Hy Lạp bất chấp được chơi hơn người trong gần 2/3 thời gian thi đấu.

Đại diện của châu Phi vẫn phần nào chứng tỏ được năng lực, trình độ của mình dựa trên dàn cầu thủ thiện chiến, nhiều năm thi đấu tại châu Âu còn phong cách thực dụng của Hy Lạp được hình thành từ thời "Thánh" Otto Rehhagel mà từng giúp họ viết nên câu chuyện thần thoại ở Euro 2014 rõ ràng đã quá lỗi thời, cũ kỹ từ cách tổ chức cho đến nhân sự. Tuy nhiên, với việc cầm chân được Nhật Bản trong thế dưới cơ (nếu họ biết chắt chiu cơ hội và thủ môn Nhật không có vài pha cứu thua xuất thần thì chưa biết chừng Hy Lạp đã giành chiến thắng), đội tuyển đến từ xứ sở các vị thần có quyền tin vào khả năng đánh bại Bờ Biển Ngà và chờ đợi kết quả tốt lành từ cặp đấu còn lại để ghi tên mình vào vòng đấu sau một cách ngoạn mục. Do đó, cơ hội giành tấm vé còn lại của bảng C vẫn chia đều cho cả 3 và Bờ Biển Ngà chưa chắc đã chiếm lợi thế lớn nhất dù đang có trong tay số điểm lớn nhất. Dưới đây là thứ hạng hiện tại của các đội tại bảng C:

  TrậnThắngHoàThuaBàn thắngBàn thuaHiệu sốĐiểm
1 Colombia22005146
2 Bờ Biển Ngà21013303
3 Nhật Bản201112-11
4 Hy Lạp201103-31

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào phân tích một kịch bản mà bắt buộc FIFA sẽ phải sử dụng đến lá thăm may rủi để lựa chọn do không thể xác định nổi đội nào đứng trên theo các quy tắc thông thường. Hẳn tất cả đều biết ở World Cup 2014 lần này, FIFA coi hiệu số bàn thắng - bại là tiêu chí đầu tiên được xét đến trong trường hợp có từ 2 đội trở lên trong bảng đấu có cùng điểm số. Tiếp đến là tiêu chí "số bàn thắng ghi được" sẽ được tính tới rồi mới đến thành tích đối đầu trực tiếp giữa các đội có liên quan (ở vài kỳ World Cup trước đó cũng như những VCK Euro vừa qua thì đây mới là tiêu chí đầu tiên được sử dụng khi các đội bằng điểm). Nếu như mọi chỉ số vừa được nêu trên vẫn ở trạng thái cân bằng thì không còn cách nào khác, FIFA sẽ buộc phải dùng trò "bốc thăm may mắn" để xác định đại diện thứ 2 của bảng C góp mặt ở vòng 1/8.

Xét theo tình hình hiện tại của bảng C và lịch thi đấu lượt cuối (Nhật - Colombia, Hy Lạp - Bờ Biển Ngà) thì hoàn toàn có thể xảy ra tình huống như sau: Đó là Nhật Bản sẽ thắng Colombia và Hy Lạp sẽ đánh bại Bờ Biển Ngà với các tỷ số làm sao để cả hai đội cân bằng về mọi chỉ số. Chắng hạn, Nhật thắng Colombia 2-1 và Hy Lạp thắng Bờ Biển Ngà 3-0 (hoặc các khả năng khác như 3-2 và 4-1,....). Khi đó, hai đội cùng sở hữu 4 điểm (tất nhiên sẽ xếp trên Bờ Biển Ngà chỉ có 3 điểm), cùng hiệu số bàn thắng bại (3-3) và chắc chắn tương đồng luôn về số bàn thắng ghi được. Ở trận đối đầu trực tiếp, hai đội đã tạo ra trận hoà không bàn thăng. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, FIFA sẽ phải dùng đến lá thăm để chọn ra đội đi tiếp. Thực ra, ở VCK World Cup 1970, FIFA đã một lần phải xài biện pháp thuần tuý may mắn này khi Liên Xô cũ và Mexico có cùng điểm số, cùng hiệu số và hoà ở trận đối đầu trực tiếp nên FIFA buộc phải bốc thăm chọn đội nhất bảng và may mắn thuộc về Liên Xô cũ. Tuy nhiên, lần đó, FIFA chưa cài thêm tiêu chí "số bàn thắng ghi được", bằng không Liên Xô đã đứng đầu luôn mà khỏi phải trải qua giây phút hồi hộp xem lá thăm được rút ra bởi họ ghi nhiều bàn hơn đối thủ.

Rõ ràng, kịch bản vừa được đề cập tới hay ho và thú vị hơn nhiều mà ai dám bảo chỉ là viễn tưởng. Chưa cần bàn đến thực tế trái bóng tròn luôn tiềm ẩn những bất ngờ, kịch tính khó có thể nghĩ tới và chuyện gì cũng có thể xảy ra trong môn thể thao Vua thì khả năng Nhật Bản và Hy Lạp tạo ra những thắng lợi không quá đậm (2-1, 3-0) rất khả thi. Thứ nhất, Colombia đã giành quyền đi tiếp, thậm chí gần như chắc chắn bảo vệ được ngôi đầu (Colombia sẽ chỉ mất ngôi đầu nếu như thua Nhật với cách biệt từ 3 bàn trở lên và đồng thời Bờ Biển Ngà thắng Hy Lạp cũng với cách biệt từ ba bàn trở lên) nên chẳng có bất cứ lý do gi để họ bung hết sức ở cuộc tiếp đón Nhật Bản. Bất chấp Colombia được quyền chọn đối thủ (do bảng C sẽ diễn ra sau bảng D) nhưng nhìn sang bảng bên kia thì có chăng Colombia chỉ muốn xếp thứ hai trong trường hợp Costa Rica đứng nhất bảng D (không thua Anh hoặc thua tối thiểu và Italia thắng tối thiểu). Xét cho cùng, dù Costa Rica để lại ấn tượng mạnh song cũng chỉ là dạng "hiện tượng" giống Colombia mà thôi nên đương nhiên, dễ đối phó hơn nhiều so với chạm trán một trong hai ông lớn "già dơ" hơn: Italia hoặc Uruguay, đặc biệt ở vòng knock-out. Do đó, khả năng Colombia "thả" Nhật Bản là rất lớn (chỉ là ở mức độ nào mà thôi) hay nhẹ nhàng hơn là Colombia sẽ chỉ sử dụng các cầu thủ dự bị đồng nghĩa cơ hội giành chiến thắng của các "chiên binh Samurai" tăng lên đáng kể. Tóm lại, trong mọi hoàn cảnh, kể cả không thể được gặp Costa Rica thì hiển nhiên Colombia muốn đảm bảo thể lực tối đa cho dàn trụ cột, tránh chấn thương để còn chiến ở vòng sau.

Thứ hai, Hy Lạp quá hiểu cần phải thắng Bờ Biển Ngà càng đậm càng tốt nếu muốn đi tiếp chứ không thể thoả mãn sau khi mở tỷ số trước hoặc thắng tối thiểu rồi chọn giải pháp cố thủ bảo toàn thành quả bởi ở trận đấu còn lại, chỉ cần Nhật thắng tối thiểu Colombia là mọi công sức của Hy Lạp sẽ đổ hết xuống sông xuống biển. Do đó, Hy Lạp cần phải chọn lối chơi tấn công tổng lực và không được phép dừng lại, trừ phi có tin vui bay về từ trận còn lại. Bờ Biển Ngà mà bị thủng lưới trước thì kiểu gì cũng phải dồn lên hòng gỡ hoà và như thế, càng có nguy dơ dính bẫy "phản công" vốn là sở trường của người Hy Lạp. Do đó, trong một ngày đẹp trời, ĐT đến từ xứ sở các vị thần biết đâu sẽ tạo ra một thắng lợi 3-0 hoặc hơn. Còn người hâm mộ dĩ nhiên chờ đợi các đội trong nỗ lực giành giật sự sống để chơi hết mình nhằm tạo ra những trận cầu rực lửa và nếu xảy ra thêm màn "bốc thăm may mắn" thì càng thú vị chứ sao.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X