Kể từ vòng knout-out, Arsenal không để lọt lưới bất cứ bàn thua nào, cho đến trước đêm chung kết. Và cái tên gây bất ngờ nhất chính là Philippe Senderos, người chỉ được xem là phương án dự phòng cho Sol Campbell trước khi mùa giải bắt đầu, nhưng đã kết hợp tuyệt vời với Kolo Toure để trở thành cặp trung vệ đáng xem nhất Champions League mùa đó với 8 trận liên tiếp giữ sạch lưới. Nên nhớ rằng Senderos khi ấy mới 21 tuổi !
Điều mà Arsene Wenger tiếc nuối nhất!
HLV Arsene Wenger từng thổ lộ trước truyền thông khi chia tay Arsenal vào mùa hè 2018, về tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông đó chính là không thể cùng Pháo thủ nâng cao chức vô địch Champions League 2006 ngay tại quê nhà. Và xét cho cùng, cũng đâu phải mình ông tiếc nuối. Tin tưởng rằng tất cả 18 cầu thủ Arsenal có mặt tại Stade de France hôm đó và hàng triệu các Gooners cũng có chung suy nghĩ như vậy.
Thất bại tại Stade de France là tiếc nuối lớn nhất của HLV Arsene Wenger tại Arsenal.
Trong trận đấu ấy, nếu Arsenal không sớm mất người ngay từ phút 18, nếu đội trưởng Thierry Henry không quá vô duyên với những pha dứt điểm sở trường của mình, thì có lẽ Giáo sư đã có được danh hiệu mà trong suốt cả sự nghiệp ông không thể chạm tay tới. Đó là một Arsenal hùng mạnh, đoàn kết nhất trong lịch sử CLB, chẳng kém gì so với ký ức “The Invincibles” 2 năm trước đó. Ngay cả khi thua thiệt nhân sự, Pháo thủ cũng chơi sòng phẳng với Barcelona của Frank Rijkaard. Thậm chí còn có bàn thắng dẫn trước của Sol Campbell từ một tình huống cố định. Dẫu biết rằng trong bóng đá, chữ nếu thường chỉ mang đến cảm xúc đắng cay, tiếc nuối…
Arsenal của 2006 – Kẻ về nhì vĩ đại
Để rồi mãi sau này, người ta chỉ nhớ đến thất bại cay đắng của Arsenal trong đêm Stade de France đó mà quên mất rằng dù là “kẻ về nhì” nhưng các cầu thủ áo đỏ trắng cũng có cho mình chặng đường tiến đến trận chung kết đáng tự hào. Arsenal của Arsene Wenger năm ấy đã đánh bại cả hai ứng cử viên sáng giá bậc nhất cho chức vô địch là Real Madrid và Juventus.
Liệu có mấy ai tưởng tượng được với một hàng thủ chắp vá với Emmanuel Eboue ở cánh phải, Mathieu Flamini bị kéo về đá trái sở trường ở cánh đối diện, bộ đôi trung vệ Kolo Toure và Philippe Senderos lại có thể đứng vững trước sức mạnh cường đại của dải ngân hà Galacticos 1.0 cùng những siêu sao tấn công nổi tiếng bậc nhất lịch sử như Zinedine Zidane, David Beckham, Ronaldo và Raul Gonzalez. Arsenal đã giữ sạch lưới trong cả hai lượt trận đi và về, giành chiến thắng với tổng tỉ số 1-0 chung cuộc. Pháo thủ cũng làm điều tương tự với thắng lợi 2-0 trước đại diện thành Turin dù đứng trước họ là Pavel Nedved, David Trezeguet hay Zlatan Ibrahimovic.
Senderos đã chơi tuyệt hay để đưa Arsenal đến với trận chung kết Champions League 2006.
Kể từ vòng knout-out, Arsenal không để lọt lưới bất cứ bàn thua nào, cho đến trước đêm chung kết. Và cái tên gây bất ngờ nhất chính là Philippe Senderos, người chỉ được xem là phương án dự phòng cho Sol Campbell trước khi mùa giải bắt đầu, nhưng đã kết hợp tuyệt vời với Kolo Toure để trở thành cặp trung vệ đáng xem nhất Champions League mùa đó với 8 trận liên tiếp giữ sạch lưới. Nên nhớ rằng Senderos khi ấy mới 21 tuổi!
Tiềm năng phát triển của trung vệ trẻ người Thụy Sĩ là không phải bàn cãi. Đối với các Gooners, nhiều người đã cảm thấy phấn khích khi Senderos “bắt chết” Ruud van Nistelrooy trong cả 120 phút ở trận chung kết FA Cup 2005, trận đấu mà Arsenal đã chiến thắng Manchester Unted trên chấm 11m.
Senderos là một cầu thủ rất thông minh và ham học hỏi, người có thể nói được 6 thứ tiếng khác nhau. Còn nhớ thời điểm Cesc Fabregas mới chân ướt, chân ráo đến Anh chơi bóng, chính HLV Arsene Wenger đã “ghép phòng” hai cậu thiếu niên này, vì ông biết tài phiên dịch của Senderos chắc chắn sẽ giúp Fabregas sớm hòa nhập. Để rồi đến mãi sau này, khi đã là đội trưởng của Arsenal, là nhà vô địch World Cup, vô địch Euro, nhưng mỗi khi nhắc đến cậu bạn trắng trẻo, hồng hào như con gái (theo lời kể của Cesc), cùng quả đầu húi cua và cao gần 1,9m, Fabregas luôn thấy cảm kích, biết ơn rất nhiều.
Fabregas từng rất biết ơn Senderos đã giúp anh trong quãng thời gian đầu tại Arsenal.
Arsenal giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21 là một thế lực đáng sợ tại Premier League. Cùng với Man Utd, cả hai đội bóng đã tạo nên một cuộc ganh đua danh hiệu hấp dẫn bậc nhất xứ sở sương mù. Nói về sự máu lửa trong mỗi lần đối đầu, hãy cứ nhìn sự thù địch mà Roy Keane và Patrick Vieira dành cho nhau thì rõ. Để trở thành một phần của tập thể ấy, chắc chắn bạn phải là những cầu thủ có tài năng thực sự.
Còn với Senderos thì sao ? Trong một lần được phỏng vấn trên Instagram với nhà báo người Italia - Nicolo Schira, Senderos lúc đó đã treo giày nhưng vẫn không giấu được sự tự hào khi được hỏi về chuyện cũ: “Tôi khi ấy còn rất trẻ, đang chơi cho Servette và được cả Real Madrid lẫn Man Utd dành sự quan tâm. Tôi cũng đã đến Bayern Munich hai lần để nói chuyện với Ottmar Hitzfeld, nhưng rồi chỉ thực sự bị ấn tượng bởi Arsene Wenger. Ông ấy đã đến tận Geneva để thuyết phục tôi gia nhập Arsenal. Wenger đã nói chuyện nhiều về bóng đá chứ không phải về tiền bạc, ông ấy có một kế hoạch cho tôi. Ông ấy ngay lập tức khiến tôi cảm thấy mình là một cầu thủ quan trọng, mặc dù tôi mới 18 tuổi. Sau đó, tôi đi xem một trận đấu ở Highbury, và đã bị mê hoặc. Đó là lý do tại sao tôi chọn Arsenal”.
Còn khi được hỏi về mùa giải đáng nhớ nhất trong sự nghiệp, Senderos hào hứng nói rằng: “Đó chắc chắn là mùa giải 2005/2006. Bất ngờ sau một buổi tập, sếp gọi tôi vào văn phòng và nói rằng tôi sẽ trở thành đối tác chính với Kolo Toure, sau khi Sol dính chấn thương. Tôi rất bất ngờ vì niềm tin của ông ấy dành cho mình lại lớn đến vậy. Cảm giác được thi đấu tại Champions League với các đàn anh khiến tôi phấn khích. Mùa giải trước đó, tôi được đá 1 trận với Bayern Munich và chúng tôi thắng 1-0. Nhưng mùa 2005/2006 thì quả thực khác biệt. Chỉ tiếc rằng…”
Mùa hè 2006, Senderos góp mặt trong đội hình chính của ĐT Thụy Sĩ tại World Cup 2006 với thành tích không hề tệ khi vượt qua vòng bảng. Trở về Arsenal, Senderos được trao chiếc áo số 6, chiếc áo gắn liền với tên tuổi của trung vệ kỳ cựu Tony Adams, như một điều khích lệ đối với cầu thủ sinh năm 1985. Tuy nhiên với sự xuất hiện của William Gallas sau sự ra đi đầy tai tiếng của Ashley Cole đã thay đổi tất cả mọi thứ.
Senderos cảm thấy vai trò của mình bị đóng băng trong mùa giải 2006/2007, đá chính vỏn vẹn 6 trong 14 trận đầu tiên của CLB, chỉ thực sự được ra sân khi nào Gallas hoặc Toure dính chấn thương. Mùa giải tiếp theo, tình cảnh này tiếp tục lặp lại cho đến tận năm mới. Kể từ tháng 1/2008, Senderos đã ra sân tổng cộng 14 trận trong suốt chặng đường còn lại của mùa giải, Arsenal khi ấy chỉ thua duy nhất một lần. Đó chính là trận đấu lượt về Tứ kết Champions League trước Liverpool tại Anfield, nơi Arsenal đã thất bại với tỉ số 2-4, mà chính Senderos là người mắc sai lầm trực tiếp ở 2 bàn thua đầu tiên vì lỗi vị trí kèm người.
Những sai lầm tại Anfield đã phá hỏng sự nghiệp của Senderos tại Arsenal.
Trong bóng đá, có những cầu thủ mất đi cả sự nghiệp chỉ vì một vài khoảnh khắc. Martin Palermo từng ghi hơn 250 bàn thắng trong sự nghiệp, nhưng nhiều người chỉ nhớ đến tiền đạo Argentina vì sút trượt 3 quả penalty trong một trận đấu. Hay chuyện chẳng một Liverpuldian nào muốn nhắc đến cái tên Loris Karius sau cái đêm kinh hoàng tại Kiev, dù trước đó thủ thành người Đức là chốt chặn quan trọng của The Kop trên đường tiến vào trận chung kết Champions League 2018. Ngay cả với một trung vệ đẳng cấp thế giới như Nemanja Vidic, người đã giành tới 5 chức vô địch Premier League cùng Man Utd, thì đôi khi vẫn có vài người châm trọc muốn biết liệu Vidic có “nhớ” Fernando Torres hay không?
Là một tiền vệ hoặc tiền đạo, bạn sẽ có nhiều khoảnh khắc ấn tượng để sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, đối với trung vệ, chỉ cần một thoáng mất tập trung là toàn đội có thể đối mặt với bàn thua. Vậy nên, khi làm nhiệm vụ phòng ngự, bạn không được phép chơi tồi. Một chiến lược gia kỳ cựu như Louis Van Gaal từng nói: “Ai đó đã nói thủ môn là 50% sức mạnh đội bóng, là gương mặt dễ bị đem ra đấu tố nhất trong một trận bóng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhất là dưới lăng kính chuyên môn, trung vệ mới là những người “khổ tâm” nhất. Bởi họ đâu có phút nào thảnh thơi, nhàn rỗi như giới so găng. Luôn phải tập trung, luôn trong tình trạng sẵn sàng đón nhận một đợt lên bóng nào đó từ đối thủ.”
Senderos có một vài tố chất để phát triển thành một trung vệ xuất sắc, thế nhưng điểm yếu chí mạng của trung vệ người Thụy Sĩ lại là tâm lý. Một cầu thủ chơi ở trung tâm hàng phòng ngự, là chốt chặn sống còn đứng trước thủ môn, lại mắc vấn đề về tâm lý, nghe thì có vẻ nực cười, nhưng đó lại là sự thật. Gallas từng tiết lộ trước truyền thông rằng, “cậu em” này từng sợ hãi đến toát mồ hôi hột mỗi lần phải chạm trán với Didier Drogba. Hay như việc Senderos từng căng thẳng đến mức nôn ra sân Bernabeu khi chứng kiến áp lực từ trận đấu sinh tử ấy. Điểm yếu này của Senderos không bộc lộ khi chơi bóng trong tập thể “The Invincibles”, thế nhưng trước một Arsenal đầy non trẻ ở thời điểm chuyển giao lực lượng, những sai lầm dần trở nên rõ ràng hơn.
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Senderos đến ở cuối mùa giải 2007/2008, khi anh quyết định chuyển Italia chơi bóng theo tiếng gọi của AC Milan theo dạng cho mượn, thay vì tiếp tục hoàn thiện kỹ năng tại Emirates. Vào thời điểm ấy, người ta gọi sự ra đi này là “hiệu ứng CLB lớn”. Sức hấp dẫn của nửa đỏ đen thành Milan đã khiến Arsenal mất đi cả Flamini lẫn Senderos, điều tương tự cũng đến với trường hợp của Alexander Hleb (chuyển đến Barcelona).
Một vấn đề khá rõ ràng, nếu những thiếu niên 16,17 tuổi sẵn sàng bỏ quê hương, thậm chí ngay cả ở những nơi có sẵn lò đào tạo như Barcelona để tiến thân ra nước ngoài thì làm cách nào HLV Arsene Wenger có thể chắc chắn họ sẽ trung thành và chiến đấu hết mình với ông, với CLB hoặc điều gì khác? Ông tin rằng tình yêu với bóng đá sẽ gắn kết họ với nhau khi họ trưởng thành, nhưng ông cũng quên rằng có rất ít người có thể yêu bóng đá từ sâu thẳm tâm can.
Milan của thời điểm 2008 vẫn là một đế chế với chất lượng nhân sự đồng đều cả ba tuyến. Và nơi đó không có chỗ cho Senderos. Vỏn vẹn 14 trận đấu trong cả mùa giải 2008/2009, kém cả lão tướng Paolo Maldini khi ấy đã 40 tuổi, tình cảnh thậm chí còn tệ hơn cả thời còn khoác áo Arsenal. Trở về trong thất bại, Senderos cũng đánh mất luôn phong độ từng làm khổ hàng công của Real và Juventus. Thêm một lần tu nghiệp ở Everton, Senderos chính thức rời Arsenal ở mùa hè 2010 theo dạng CNTD.
Kể từ đấy, sự nghiệp của Senderos cũng chìm dần. Dù là trong màu áo Fulham, Valencia hay Aston Villa, người ta cũng không bao giờ nhắc đến cầu thủ này như một phần quan trọng của tập thể. Tiếp tục đầu quân cho Grasshoppers, Rangers, Houston Dynamo, trước khi kết thúc sự nghiệp vào năm 2019 trong màu áo Chiasso – một đội bóng ít tên tuổi tại quê nhà.
Thất bại của Senderos cũng là thất bại của HLV Arsene Wenger về một “The Invincibles” mới.
Trong bóng đá, những cầu thủ như Senderos thì nhiều lắm, có thể kể cả ngày không hết. Họ thường có khởi đầu rất tốt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không thể phát triển sự nghiệp theo cách mà người ta kỳ vọng.
Thất bại của Senderos cũng chính là thất bại của HLV Arsene Wenger. Giáo sư từng muốn muốn tạo dựng lên một thế hệ “The Invincibles” thứ 2 sau thời của Henry, nhưng giấc mộng đó đã vỡ vụn giữa thời đại kim tiền, nơi mà tình yêu và sự nhiệt thành là không đủ để đưa tập thể đỏ trắng đến với thành công.
Và hôm nay, niềm tiếc nuối mang tên Senderos của Arsenal tròn 36 tuổi!
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.