Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Community Shield 2014: Niềm kiêu hãnh của người Anh nằm ở đâu?

Thứ Hai 11/08/2014 15:54(GMT+7)

 Ai vẫn biết Premier League ngày càng bị ngoại binh xâm lấn, khiến đất sống dành cho cầu thủ gốc Anh ngày càng bị thu hẹp song những chuyên gia bóng đá tại xứ sương mù hẳn không khỏi đau lòng khi nhìn vào trận đấu báo hiệu một mùa giải mới vào đêm qua.

Giống như biết bao các quốc gia khác, trận đầu tiên của mùa giải mới bao giờ chẳng là màn chạm trán giữa nhà ĐKVĐ và đội đoạt cúp QG (ở Anh thì cúp QG lấy tên là cúp FA, giải đấu lâu đời nhất hành tinh). Tuy nhiên, người Anh với niềm tự hào cao độ của đất nước luôn tự xưng là cái nôi sản sinh môn thể thao Vua luôn có cách làm cho trận đấu đó trở nên khác biệt. Chẳng hạn trong khi nước nào cũng dùng cái tên gọi "Siêu cúp QG" thì người Anh lại gọi trận đấu này bằng cái tên Commnunity Shield (hiểu theo nghĩa đen là cúp cộng đồng và tên gọi trước đó là Charity Shield dịch sang tiếng Việt đại loại là cúp từ thiện. Thực ra, người Anh sử dụng hai từ này nhằm đề cao tính chất vui vẻ, nhân văn cao cả, hướng đến cộng đồng chứ không còn mang tính ăn thua thông thường như một cách quảng bá cho bóng đá xứ sở sương mù). Ngoài ra, trong trận đấu, mỗi đội được quyền thay đến 6 cầu thủ hệt như quy định dành cho một trận giao hữu quốc tế chính thống (giữa các ĐTQG với nhau) chứ đâu có tuân theo thể lệ chung "thay tối đa 3 người" dành cho một trận thuộc giải chính thức được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới bấy lâu nay. Thử hỏi, nếu không đặt nặng yếu tố "giải trí" của trận đấu thì chẳng đời nào lại để cho các CLB thay người thoải mái như thế.

Chỉ có 3 cầu thủ người Anh được ra sân ngay từ đầu ở trận tranh Commnunity Shield 2014 và tất cả đều thuộc biên chế đội giành cúp Arsenal
Chỉ có 3 cầu thủ người Anh được ra sân ngay từ đầu ở trận tranh Commnunity Shield 2014
và tất cả đều thuộc biên chế đội giành cúp Arsenal

Chỉ có điều, xét trên khía cạnh phô diễn sức mạnh của làng bóng đá nước nhà thì thậm chí trận tranh Commnunity Shield mùa này còn là nỗi hổ thẹn của người Anh bởi đơn giản, trong số 22 cầu thủ ra sân ngay từ đầu, chỉ có đúng 3 người mang quốc tịch Anh và đều thuộc biên chế Arsenal gồm Kieran Gibbs, Calum Chambers ở hàng thủ còn Jack Wilshere đá tiền vệ trung tâm. Như thế, nhà ĐKVĐ Premier League đã không điền tên bất cứ cầu thủ bản địa nào vào danh sách xuất phát dù đăng ký tới 4 người cho trận này gồm thủ thành Joe Hart, hậu vệ Richards, tiền vệ James Milner và tiền đạo Scot Sinclair. Thay vào đó, đội hình Man xanh được khoác lên người bộ áo "Liên hợp quốc" khi quy tụ các cầu thủ đến từ Argentina, Pháp, Bỉ, Serbia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà, Montenegro và Bosnia. Phải đến hiệp 2, tình hình mới khả quan hơn khi Man City đưa vào sân 3 người (Richards, Milner, Sinclair) và Arsenal cũng cho Chamberlain nhập cuộc (Chambers và Gibbs chơi trọn vẹn 90 phút còn Wilshere ra nghỉ ở phút 70). Còn nhớ năm ngoái, có tới 10 người Anh, tức gần một nửa quân số trên sân hiện diện ở đội hình xuất phát của trận tranh Community Shield giữa Man United với Wigan (mỗi bên góp 5 người). Xa xôi hơn, năm kia, ít ra cũng có đến hẳn ... 4 cầu thủ Anh quốc chính hiệu đá chính ngay từ đầu khi Man City thắng Chelsea 3-2 để bước lên bục vinh quang.

Thực ra, những ai am hiểu Premier League đều biết rằng, từ lâu chất Anh rất mờ nhạt ở Arsenal và Man City. Dưới triều đại Arsene Wenger, "Pháo thủ" thành London theo đuổi phong cách La-tinh vốn không phải đặc trưng của bóng đá Anh (thiên nhiều về sức mạnh, sử dụng nhiều các bài tạt cánh đánh đầu) nên các cầu thủ gốc Anh bị yếu thế là lẽ tất yếu. Thêm vào đó, trước kia, Wenger toàn áp dụng chính sách "chi tiêu tiết kiệm" (hai mùa gần đây, Arsenal mới chịu chơi hơn) mà từ xưa đến nay, bao giờ giá cả cầu thủ người Anh toàn bị đội lên một cách khó hiểu và thường đắt đỏ hơn so với mặt bằng chung. Do đó, bảo sao, vị "Giáo sư" đáng kính chẳng quan tâm nhiều đến thị trường cầu thủ nội địa vì với bộ óc tính toán chi li siêu việt của mình, Wenger quá hiểu cùng một khoản tiền, ông hoàn toàn có thể đưa về đội bóng những cầu thủ ngoại quốc có chất lượng trội hơn hẳn. Trong khi kể từ ngày rơi vào tay các ông chủ Ả Rập, dựa trên nguồn lực vô tận được cung cấp, Man City hầu như chỉ bận tâm đến việc liệu có thuyết phục nổi sao nào chịu tới Etihad mà không chú ý nhiều đến gốc gác. Hãy lưu ý rằng, cho đến tận thời điểm này, dù vị thế được cải thiện đáng kể nhờ những danh hiệu giành được nhưng Man City vẫn chưa phải là điểm đến mơ ước với các ngôi sao sân cỏ nên hốt được ai là "đại thiếu gia" lập tức hốt ngay để bổ sung cho đội hình chứ Man xanh chưa thể đạt tới tầm vóc như Barcelona, Real Madrid (tức là đủ sức mua bất cứ cầu thủ nào lọt vào tầm ngắm), mặc cho xét về tiềm lực tài chính, Man City đâu thua kém.

Thế là, do những điều kiện cả khách quan lẫn chủ quản mà Arsenal hay Man City trở thành đội bóng "hợp chủng quốc" trong lòng xứ sở sương mù. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Chelsea, thậm chí đến mùa tới hứa hẹn còn "khủng khiếp" hơn hai địch thủ cạnh tranh nhiều bởi sau khi chia tay Lampard và Ashley Cole cũng như đón về tới 4 ngoại binh (Costa, Fabregas, Filipe Luis và người cũ Drogha) thì hiện, trong thành phần đội 1 The Blues còn đúng hai cầu thủ mang quốc tịch Anh (cặp trung vệ Cahill - Terry). Vì thế, đừng quá ngạc nhiên nếu thời gian tới, Chelsea đưa ra sân đội hình không có một cầu thủ người Anh nào. Hiện tại, trong nhóm đại gia thì may ra, chỉ còn Man Utd và Liverpool vẫn ít nhiều giữ được chất Anh. Họ cũng chính là hai đội đóng góp nhiều tuyển thủ nhất cho Tam sư ở VCK World Cup 2014 vừa rồi, bất chấp Man Utd chỉ đứng thứ 7 chung cuộc mùa vừa rồi, thành tích tồi tệ nhất trong kỷ nguyên Premier League. Không những vậy, những Rooney, Luke Shaw, Welbeck, Smalling, Phil Jones, Ashley Young (Man Utd) hay Gerrard, Henderson, Daniel Sturridge, Sterling, Adam Lallana, Glen Johnson (Liverpool) còn được xem là trụ cột quan trọng của đội chứ không phải chỉ là diện "dự bị hạng sang" như Chamberlain, Milner, Richards. Một số khác đang phải đối diện với nguy cơ mất chỗ đứng ở mùa tới như Joe Hart, thủ thành được thừa nhận số 1 nước Anh, hiện phấp phỏng âu lo sau khi Man City mua Caballero, học trò cũ của Pellegrini ở Malaga. Hay trung vệ John Terry dù vẫn đang đeo băng thủ quân Chelsea nhưng do tuổi cao sức yếu nên không dễ ra sân liên tục.

Trong quá khứ, Arsenal cũng từng tham gia vào một trận tranh Community Shield (2005) mà chỉ có 3 cầu thủ người Anh đá chính gồm Frank Lampard và John Terry bên phía Chelsea và Ashley Cole của Pháo thủ. Thậm chí, hồi tháng 2/2005, lần đầu tiên trong lịch sử Arsenal, họ đăng ký đội hình gồm toàn cầu thủ ngoại (16 người) trong trận đấu với Crystal Palace do Sol Campbell và Ashley Cole dính chấn thương gồm 6 người Pháp, 3 người TBN, 2 người Hà Lan, 1 người Cameroon, 1 người Đức, 1 người Bờ Biển Ngà, 1 người Brazil và 1 người Thụy Sĩ. Không còn nghi ngờ gì, bóng đá Anh quốc sẽ chẳng thể mơ đến sự hồi sinh mạnh mẽ như bóng đá Đức (mất khoảng 10 năm, phát triển lại từ đống tro tàn, Đức đã lại giành chức VĐTG và với thực lực hiện tại, Mannschaft sẽ còn chinh phục được nhiều đỉnh cao mới) hoặc ít ra, trở lại với vị thế như thập niên 90 của thế kỷ trước khi ĐT Anh luôn được đánh giá cao ở các giải đấu lớn nếu như cơ hội ra sân dành cho các cầu thủ Anh, đặc biệt là lớp trẻ, chẳng những không được mở rộng mà còn ngày càng thu hẹp. Đã tới lúc, các quan chức của Liên đoàn bóng đá Anh cần xem xét nghiêm túc và tìm ra giải pháp cho vấn đề nhức nhối này mà hẳn đã làm họ đau đầu trong nhiều năm qua (nhưng lại không có được phương án xử lý thích hợp).

Phải chăng họ cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn cái gọi là nguyên tắc "home-grown players" đã được áp dụng từ mấy mùa gần đây (tức là trong 25 cầu thủ được đăng ký thi đấu ở đấu trường Premier League vào đầu mỗi mùa giải, phải có tối thiểu 8 cầu thủ trải qua trên 3 năm chơi bóng, khoác áo những CLB thuộc Anh hoặc xứ Wales lúc chưa tròn 21 tuổi). Tuy nhiên, do không giới hạn quốc tịch nên rất có thể, số cầu thủ người Anh trong nhóm này không chiếm tỷ lệ đông đảo. Rõ ràng, một quy định "cởi mở" như vậy sẽ không mang lại tác dụng quá lớn như mong muốn cho sự phát triển của các cầu thủ bản địa. Thay vào đó, FA hãy chỉ yêu cầu mỗi đội tham dự Premier League phải bắt buộc sở hữu bao nhiêu cầu thủ Anh trong đội hình cũng như trợ giúp các CLB trong khoản đào tạo tài năng bản địa, tạo cho các cầu thủ trẻ người Anh nhiều cơ hội thi thố hơn ở các giải trẻ có quy mô. Chỉ có những giải pháp quyết liệt và mạnh tay thì may ra, bức tranh chung của bóng đá bản địa mới có cơ hội khởi sắc.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X