Sau 6 năm thống trị bóng đá thế giới, cuối cùng Tây Ban Nha cũng gục ngã, giống như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Thất bại trước Chile cách đây 2 ngày không đơn thuần chỉ là một trận thua theo cách thông thường mà còn là lời khằng định về sự lụi tàn của đế chế La Roja. Và bây giờ, câu hỏi được đặt ra là liệu người Tây Ban Nha có dám từ bỏ lối chơi tiki-taka sở trường hay không?
Sự sụp đổ tất yếu
Quãng thời gian Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới với hàng loạt các danh hiệu lớn, từ Euro 2008 đến World Cup 2010 và Euro 2012, họ đã trình diễn một lối chơi tiki-taka cực kỳ thuyết phục dựa trên nền tảng sự thành công của nhiều cầu thủ trong đội hình Barcelona. Khi đó, đội bóng xứ Catalonia cũng đang ở trong giai đoạn hưng thịnh nhất dưới sự dẫn dắt của HLV Pep Guardiola với 2 lần đăng quang tại Champions League vào các năm 2009 và 2011. Nhưng rồi, chu kỳ thành công của lối chơi tiki-taka cũng dần dần đi đến “điểm giới hạn” của nó. Vài năm trở lại đây, người ta đã chứng kiến Barca liên tục bị các đối thủ đánh bại theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là hệ thống phòng ngự “xe bus” của Chelsea vào năm 2012. Sau đó đúng 1 năm, đến lượt Bayern Munich hạ gục đội bóng chủ sân Nou Camp tới 7-0 sau 2 lượt trận tại bán kết Champions League nhờ lối chơi phản công trực diện đầy hiệu quả. Và ở mùa giải vừa rồi, cả thế giới lại được chứng kiến một Atletico Madrid sử dụng chiến thuật “counter-pressing” mạnh mẽ đến thế nào để chấm dứt những nỗ lực của thầy trò HLV Martino ngay từ tứ kết. Tiếp tục nhìn sang một đội bóng lớn khác, đó là Bayern dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, một người cũng “thấm nhuần” tư tưởng tiki-taka sau những năm tháng “mãn nhãn” thành công ở sân Nou Camp. Mùa giải vừa rồi, không thể phủ nhận rằng Hùm xám đã trình diễn một lối chơi hết sức đẹp mắt và hiệu quả tại Bundesliga để rồi giành chức vô địch sớm tới 7 vòng đấu, ngay từ thời điểm tháng Ba. Nhưng rồi, mọi hy vọng của nhà ĐKVĐ bỗng dưng sụp đổ một cách “phũ phàng” ngay sau khi Bayern thảm bại trước Real tại bán kết Champions League, với tỷ số chung cuộc 2 lượt trận là… 5-0. Cũng giống như “người hàng xóm” Atletico, đội bóng của Carlo Ancelotti đã chơi “counter-pressing” một cách hoàn hảo. Rõ ràng, nhìn từ cấp độ CLB cho đến ĐTQG, người ta cũng nhận ra rằng đã đến lúc, tiki-taka phải thoái trào để nhường chỗ cho những sự cách tân mới mẻ về mặt chiến thuật. Sau trận thua của Tây Ban Nha trước Hà Lan, có thể nhiều người bảo thủ vẫn còn bao biện rằng nhà ĐKVĐ thế giới chưa sẵn sàng cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, hoặc đổ lỗi cho sự sai lầm của HLV Vicente Del Bosque… Nhưng rồi, tất cả sự thật đã được “phơi bày” ở trận thua 0-2 trước Chile mới đây. Nguyên nhân không phải chỉ nằm ở những đôi chân đã mỏi mệt và không còn động lực chiến đấu. Sâu xa hơn, đó là một sự sụp đổ của tiki-taka, một sự sụp đổ tất yếu giống như quy luật của cuộc sống vậy. Người Tây Ban Nha có dám thay đổi? Đằng sau thất bại ở kỳ World Cup 2014 lần này, vẫn phải thừa nhận rằng bóng đá Tây Ban Nha dù ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn sở hữu rất nhiều tài năng xuất chúng. Nhưng điều quan trọng là La Roja có dám thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện để “tự cứu mình” hay không mà thôi… Cả Xavi lẫn Alonso đều cho thấy gánh nặng tuổi tác sau những trận đấu vừa qua tại World Cup. Bên cạnh đó, sự sa sút phong độ của Ramos, Pique, Casillas, Busquest… cũng là lý do khiến thầy trò Del Bosque thất bại. Có điều, trong bối cảnh một loạt các “công thần” đi xuống như vậy, cũng chưa ai dám trao niềm tin cho thế hệ trẻ của Tây Ban Nha cả. Bằng chứng là Koke chỉ xuất hiện trong ít phút ở 2 trận gặp Hà Lan và Chile trong khi những cái tên đầy hy vọng như Isco, Carvajal, Inigo Martinez… thì thậm chí còn không được triệu tập. Thực tế đã chỉ ra rằng đã đến lúc Tây Ban Nha cần phải thay đổi, khi mà lối chơi tiki-taka của họ không còn “hợp thời” nữa. Với ý định xây dựng một hàng tấn công xoay quanh trung phong cắm Diego Costa, đương nhiên HLV Del Bosque không thể sử dụng lối đá ban bật nhỏ và bắt tiền đạo gốc Brazil này di chuyển như Pedro hay Fabregas được. Costa là Costa, anh cần những pha bóng trực diện và tốc độ hơn, từ những Koke, Juanfran hay Villa cũng được. Đối với hàng phòng ngự, chẳng có lý do gì khi cứ mãi đặt niềm tin vào một “vị thánh” đã “hết phép” như Iker Casillas. Chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa, De Gea chắc chắn trẻ trung hơn, khao khát hơn và cũng xứng đáng hơn hẳn. Nếu như La Roja vẫn còn muốn tiến lên, hãy trao niềm tin cho thủ thành của Man Utd. Đó mới là tương lai của bóng đá Tây Ban Nha, một đội ngũ trẻ trung, giàu khát vọng, có đầy đủ sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Quan trọng hơn, họ sẵn sàng từ bỏ tiki-taka khi cần thiết. Kết luận Ở những góc nhìn khác, có thể vẫn còn rất nhiều người khẳng định rằng “tiki-taka” không hề “chết” sau biết bao năm tháng thống trị bóng đá thế giới. Điều này hoàn toàn đúng, bởi một lối chơi lừng danh đến như vậy thì phải xứng đáng liệt vào hàng “bất tử” chứ không thể bỗng dưng biến mất được… Nhưng bóng đá cũng giống như cuộc đời, có thăng có trầm, dù bản thân có là ai, cũng không tránh khỏi những thời điểm vấp ngã, xuống dốc. Và Tây Ban Nha, rồi Barca hay tiki-taka cũng như vậy. Sau quãng thời gian khiến cả thế giới phải “cúi đầu” trong suốt những năm qua, đã đến lúc người hâm mộ La Roja phải chấp nhận thực tế rằng, đội bóng của họ không thể tiếp tục thành công mãi được nữa. Tây Ban Nha cần phải thay đổi, cần phải tự tìm đường “giải thoát” mình khỏi những “huyễn hoặc” từ thành công của quá khứ. Vì thế, hãy tin rằng, dù vẫn còn “rất yêu” tiki-taka nhưng “Bò tót” vẫn sẽ sớm chấp nhận từ bỏ lối chơi đầy mê hoặc này. NAM ANHCó thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Những câu nói truyền động lực của các siêu sao làng túc cầu
Những câu nói truyền động lực của các siêu sao làng túc cầu
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 2/1/2023: Thái Lan vs Campuchia
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 2/1/2023: Thái Lan vs Campuchia
Những sự kiện thể thao thế giới đáng chú ý nhất 2022
Những sự kiện thể thao thế giới đáng chú ý nhất 2022
Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất AFF Cup 2020
Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất AFF Cup 2020
Học viện HAGL JMG dừng hoạt động: Dấu chấm hết cho một tham vọng lớn
Học viện HAGL JMG dừng hoạt động: Dấu chấm hết cho một tham vọng lớn
Nhiệt huyết tuổi 18
Nhiệt huyết tuổi 18
Tương lai nào cho Mbappe?
Tương lai nào cho Mbappe?
Neymar gia hạn với PSG: Đừng để thời gian bên nhau là thói quen
Neymar gia hạn với PSG: Đừng để thời gian bên nhau là thói quen
Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp
Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp
HLV Lê Thụy Hải và câu nói "sấm truyền" về lứa cầu thủ HAGL
HLV Lê Thụy Hải và câu nói "sấm truyền" về lứa cầu thủ HAGL