Vua giải trẻ
Trong lịch sử các VCK U23 châu Á, U23 Uzbekistan là đội giàu thành tích thứ hai, chỉ sau U23 Hàn Quốc. U23 Uzbekistan đã có 3 lần vào bán kết và 2 lần góp mặt ở trận đấu cuối cùng. Tính từ năm 2018, U23 Uzbekistan đã góp mặt ở 3 trận bán kết liên tiếp.
Ở các cấp độ trẻ hơn, U23 Uzbekistan cũng có thành tích không hề tệ. U16 Uzbekistan vô địch châu Á năm 2010 và về nhì ở giải đấu hai năm sau đó. U19 Uzbekistan giành HCB U19 châu Á 2008 cùng hai lần vào bán kết ở các năm 2012 và 2014. U20 Uzbekistan cũng có 4 lần góp mặt tại U20 World Cup trong lịch sử ở các năm 2003, 2009, 2013 và 2015.
U23 Uzbekistan có lần thứ hai vào chung kết U23 châu Á |
"Xưng hùng xưng bá" ở các giải U, nhưng ĐTQG Uzbekistan vẫn đang rất chật vật để có thể vươn lên nhóm dẫn đầu của bóng đá châu lục. Đại diện Trung Á hiện đang xếp thứ 83 trên BXH FIFA (thấp hơn cả ĐT Trung Quốc). Khoảng cách trình độ giữa ĐT Uzbekistan với nhóm tinh hoa của châu lục (Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia...) vẫn còn khá xa.
Thước đo chính xác nhất cho sức mạnh của một ĐTQG chính là thành tích tại Asian Cup cũng như vòng loại World Cup. Với ĐT Uzbekistan, thành tích tốt nhất của đội bóng này là vị trí thứ 4 tại Asian Cup 2011 và hai lần góp mặt ở trận play-off khu vực châu Á ở các năm 2006 và 2014.
ĐT Uzbekistan vẫn chưa thể vươn lên nhóm dẫn đầu của châu lục |
Gần nhất, ĐT Uzbekistan dừng bước ở vòng loại 2 World Cup 2022. Đứng nhì bảng đấu có sự góp mặt của ĐT Saudi Arabia không phải thành tích quá tệ của đội bóng này, nhưng thất bại khó hiểu trước Palestine ngay ở trận đấu đầu tiên vẫn khiến người hâm mộ Uzbekistan thất vọng mỗi khi nhắc lại.
Đi tìm nguyên do
Việc những cầu thủ thi đấu ấn tượng ở các cấp độ trẻ nhưng chật vật ở các ĐTQG không phải chuyện hiếm. Vấn đề ở ĐT Uzbekistan cũng tương tự, khi những nhân tố tỏa sáng rực rỡ tại U23 châu Á 2018 chưa thể cạnh tranh được vị trí tại ĐTQG. Một vài cái tên hiếm hoi cạnh tranh được vị trí tại ĐTQG chỉ có Otabek Shukurov, Dostonbek Khamdamov hay Odiljon Hamrobekov.
Shuurov là cầu thủ hiếm hoi vô địch U23 châu Á 2018 trở thành trụ cột ở ĐTQG Uzbekistan |
U23 châu Á chưa phải thước đo thật sự chính xác cho sự phát triển của một nền bóng đá. Vì suy cho cùng, đây vẫn chỉ là giải đấu trẻ nơi tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Việc các nền bóng đá mạnh cử các đội U21, thậm chí nhỏ tuổi hơn dự U23 châu Á không phải chuyện hiếm. Ngay cả Uzbekistan cũng chỉ cử đội U21 tham gia giải đấu năm nay.
CLB cũng khá e dè khi chấp nhận để những cầu thủ tốt nhất của mình dự U23 châu Á vì nỗi lo chấn thương. Không khó hiểu khi Takefusa Kubo, Ritsu Doan hay Lee Kang In vắng mặt ở giải đấu cách đây 2 năm. Chỉ khi nào các đội bóng muốn cạnh tranh vé đi Olympic, những con người ưu tú nhất mới được triệu tập (như U23 Nhật Bản năm 2016).
U23 Nhật Bản ít khi cử đội hình mạnh nhất dự U23 châu Á |
Chất lượng giải VĐQG Uzbekistan cũng ảnh hưởng ít nhiều tới thành tích đội tuyển, nhất là khi phần lớn cầu thủ của đội bóng này đang thi đấu trong nước. Nếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar hay Iran đều rất thành công khi đưa những tài năng trẻ của mình sang châu Âu "tu nghiệp" thì Uzbekistan chưa thể làm điều đó. Mới chỉ có Shomurodov (AS Roma, Italia) hay phần nào đó là Shukurov (Sharja, UAE) là thành công khi thi đấu ở nước ngoài.
Có thể thấy, việc đào tạo trẻ là điều cần thiết với mọi nền bóng đá. Tuy nhiên, thành tích tốt ở các giải trẻ không đảm bảo điều tương tự ở các cấp độ đội tuyển cao hơn. U23 Uzbekistan vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn thay thế đàn anh ở ĐTQG hay xa hơn là nâng tầm đội bóng Trung Á này.
Có thể bạn quan tâm
- Cầu thủ U23 Nhật Bản thất vọng sau trận thua U23 Uzbekistan
- Video tổng hợp: U23 Uzbekistan 2-0 U23 Nhật Bản (Bán kết U23 châu Á 2022)
- Video tổng hợp: U23 Australia 0-2 U23 Saudi Arabia (Bán kết U23 châu Á 2022)
- U23 Việt Nam gặp sự cố khi trở về
- Trực tiếp bóng đá VTV6 Uzbekistan vs Nhật Bản U23 Châu Á 2022 hôm nay