Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Sau 15 năm, V-League ngày càng đậm chất nghiệp dư

Thứ Năm 08/09/2016 19:37(GMT+7)

V-League 2016 một lần nữa xác lập dấu mốc tồi tệ của giải đấu cao nhất Việt Nam khi chạm đáy sâu hơn qua từng năm.

Ai vô địch cũng chẳng quan trọng

Trước vòng đấu thứ 24, cuộc đua vô địch của V-League trở lên nóng hơn bao giờ hết khi có tới 5 đội bóng vẫn cạnh tranh quyết liệt là Hải Phòng, Than Quảng Ninh, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và FLC Thanh Hóa. Người ta tạm quên đi những scandal liên tiếp từ đầu giải như công tác trọng tài, bạo lực sân cỏ hay những khán đài hỗn loạn để tập trung theo dõi cuộc tranh vương đầy gay cấn.

Thế nhưng, vào đúng lúc niềm tin bắt đầu nhen nhóm trở lại, thì thứ bóng đá ở V-League luôn rất biết cách bóp nghẹt chút hy vọng đó, như thói quen thường thấy họ vẫn làm. Vấn nạn trọng tài những tưởng đã tạm ngủ yên sau 1,2 vòng đấu vừa qua thì nay lại trỗi dậy một cách nhức nhối ở vòng 24 trong trận đấu giữa Hải Phòng và QNK Quảng Nam.

Trong một trận cầu có tính chất quyết định đến ngôi vô địch, các vị vua áo đen đã có một tình huống bắt việt vị “tưởng tượng” mà có nằm mơ các cầu thủ cũng không thể hiểu nổi. Hậu quả là Quảng Nam bị cướp trắng 1 bàn thắng và thua sát nút với tỷ số 1-2. Ba điểm có được giúp Hải Phòng trở lại mạnh mẽ hơn trong cuộc đua vô địch còn ông Hoàng Văn Phúc của đội khách sau trận cũng chỉ biết im lặng vì... sự đã rồi.

Sau 15 nam, V-League ngay cang dam chat nghiep du hinh anh
Pha bắt việt vị khó tin của trọng tài Việt Nam

Tuy nhiên, đó chưa phải là “trò hề” đáng xem nhất ở vòng 24 bởi danh hiệu số một thuộc về trận đấu được xem như “chung kết” giữa FLC Thanh Hóa và Than Quảng Ninh. Chơi hơn 2 người trong 15 phút cuối trận, các cầu thủ đất mỏ khi ấy dẫn 2-1 và thường xuyên có những tình huống dẫn bóng như đi bộ trước khung thành đối phương.

Tuy nhiên, lần lượt Nghiêm Xuân Tú rồi ngoại binh Dyachenko đều tung ra những cú dứt điểm cực khó hiểu như thể họ sợ ghi thêm bàn vào lưới Thanh Hóa. Đỉnh điểm của trận đấu đến ở những phút cuối khi trong một pha phất bóng lên rất đơn giản, thủ môn Tuấn Linh bắt bóng rất nhẹ nhàng nhưng rồi lại để bóng tuột ra một cách không thể khó hiểu hơn. Trái bóng rơi ra đúng chân tiền đạo Thanh Hóa và tỷ số được cân bằng 2-2. Sau trận đấu, đội trưởng của Than Quảng Ninh ôm mặt khóc trên sân nhưng có lẽ lúc này chẳng khán giả nào còn tin anh nữa.

Sau 15 nam, V-League ngay cang dam chat nghiep du hinh anh 2
Không thể tin nổi đây là thủ môn được gọi lên ĐTQG

Than Quảng Ninh từng thể hiện rằng họ xứng đáng vô địch khi cho thấy phần nào tư tưởng làm bóng đá tử tế. Chủ tịch CLB và HLV Phan Thanh Hùng cũng đã dần tạo dựng được niềm tin nơi NHM sau những gì họ thể hiện. Thế nhưng chứng kiến những gì đội bóng này làm trước FLC Thanh Hóa, có lẽ họ không nên trở thành đại diện của bóng đá Việt Nam ở Châu lục năm tới.

Ở một diễn biến khác, hai người anh em là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng đều giành chiến thắng để vươn lên áp sát ngôi đầu với lần lượt 44 và 43 điểm. Tuy nhiên, đã từ lâu trong mắt NHM thì những đội bóng như 2 cái tên vừa nêu và QNK Quảng Nam hay Sài Gòn FC (tiền thân là Hà Nội FC) có thi đấu ra sao cũng không quan trọng. Thậm chí, nếu họ có vô địch cũng khó nhận được sự kính nể từ các đối thủ cũng như khán giả bởi sự thiếu minh bạch.

Không phải đến bây giờ, những trận đấu qua lại của 4 CLB nói trên mới bị đặt dấu hỏi nhưng khi mà một trong số họ đang chạy đua để vô địch thì điều đó lại khiến người xem càng ngán ngẩm hơn. Suốt nhiều năm qua, VFF đã chẳng thể giải quyết nổi mối nghi vấn về việc bầu Hiển “bằng cách nào đó” sở hữu nhiều đội bóng trong cùng một giải đấu, để rồi vấn nạn này ngày càng hủy hoại V-League.

Cuối cùng, Hải Phòng có lẽ là đội bóng phần nào xứng đáng lên ngôi nhất so với những cái tên kể trên. Họ đã có một giai đoạn lượt đi rất ấn tượng khi cầu thủ và HLV đều thể hiện nỗ lực và quyết tâm thật sự.

Sau 15 nam, V-League ngay cang dam chat nghiep du hinh anh 3
Hải Phòng phần nào cho thấy họ xứng đáng vô địch

Thế nhưng, xét về lâu dài thì việc Hải Phòng lên ngôi cũng chẳng có lợi cho bóng đá nước nhà. Họ đúng nghĩa là một hiện tượng đột biến thay vì một CLB có tầm vóc với một chính sách làm bóng đá căn bản. Hơn nữa, Hải Phòng càng không phải Bình Dương nên khó trông mong họ làm nên điều gì đáng kể ở AFC Champions League năm sau.         

Tóm lại, V-League mùa giải năm nay thật sự không có đội bóng nào xứng đáng vô địch. Mà nếu có thì cũng chẳng ai buồn quan tâm bởi niềm tin của NHM với giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam đã thực sự không còn. Qua từng năm, không chỉ V-League mà cả những người trong cuộc của nó cũng cho thấy chất nghiệp dư ngày càng rõ rệt.

Chuyên nghiệp mãi chỉ là ảo tưởng

Bóng đá Việt Nam đã khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp đến nay được 16 năm. Tuy nhiên, định nghĩa chuyên nghiệp thật sự vẫn mãi chỉ là trên danh nghĩa. Năm 2010, một chuyên gia gạo cội gắn liền với sân cỏ nước nhà là ông Nguyễn Văn Vinh đã phải thốt lên rằng cầu thủ Việt Nam chỉ là những người nghiệp dư đang nhận lương cao ngất ngưởng. Mà đã là nghiệp dư thì chỉ nên coi bóng đá như công việc bán thời gian và nhẫn lương thưởng đãi ngộ vừa phải mà thôi.

Chẳng thế mà đối thủ “ngang tầm” của các ĐT Việt Nam nhiều năm nay vẫn là những sinh viên đại học đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cách đây chưa lâu, U23 Việt Nam thậm chí còn bị đội hạng 4 Nhật Bản, vốn tập hợp của nhiều người lao động đá bóng bán chuyên, vùi dập với tỷ số 4-0.

Không chỉ trong khía cạnh chuyên môn, từ trong tiềm thức và thể hiện qua cách hành xử của cầu thủ Việt Nam cũng rất bản năng. Ngay sau sự cố trên sân Thanh Hóa vừa rồi, thay vì biết lỗi và cúi đầu thì một số cầu thủ Than Quảng Ninh như Nghiêm Xuân Tú hay Mạc Hồng Quân đã viết những dòng trạng thái đầy bực tức với khán giả theo kiểu “không xem thì đi chỗ khác”.

Sau 15 nam, V-League ngay cang dam chat nghiep du hinh anh 4
Ông Vinh cho rằng chỉ nên xem cầu thủ Việt Nam là nghiệp dư

Đây gần như là điều tối kỵ với cầu thủ nước ngoài bởi họ thường cân nhắc khá kỹ khi phát ngôn trước công chúng. Những gì cầu thủ định nói sẽ phải qua sự kiểm soát của CLB bởi nó còn ảnh hưởng đến cả tập thể. Hẳn chúng ta còn nhớ trận thua tan nát 1-7 của Brazil trước người Đức, những David Luiz hay Oscar khi ấy còn phải hứng chịu chỉ trích gay gắt của cả dân tộc nhưng họ chỉ dám cúi đầu xin lỗi mà thôi.

Đó là còn chưa kể tới cấp cao hơn là bộ máy quản lý của VFF và VPF. Nhiều năm qua, họ vẫn loay hoay trong việc ổn định V-League để rồi mùa giải năm sau lại tệ hơn mùa giải trước. Những sân bóng vắng tanh khán giả giờ đã thành thương hiệu. Nếu nhìn sang Thái League, người ta sẽ hiểu rằng đơn giản chúng ta chỉ các họ ở công tác quy hoạch, tổ chức chứ không hẳn đã là góc độ đầu tư tiền bạc.

Từng tự xưng là giải đấu số một Đông Nam Á, giờ đây V-League còn lại gì ngoài sự xuống cấp và nghiệp dư?

Tường Minh

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X