Từng tự tin tuyên bố trước mùa giải sẽ vào Top 3 ngay lượt đi, nhưng Toshiya Miura đã thấy rõ sự khác biệt trong trận Thanh Hóa 1-0 TPHCM mới đây.
Tất nhiên, thất bại tối thiểu trước ứng viên vô địch ngay trên sân khách, thực chất không phải kết quả gì đó quá nghiêm trọng. Dù vậy, đây chính là sự khác biệt giữa ứng cử viên thực sự, so với một “ứng viên Top 3” tự phong – TP HCM của Toshiya Miura.
Đình Tùng ghi bàn duy nhất trong trận Thanh Hóa 1-0 TPHCM |
Bước vào mùa bóng thứ 2 của mình, quyền Chủ tịch Lê Công Vinh đã thực sự được trao quyền hành để làm mọi điều mình muốn. Những tân binh được chiêu mộ (thực tế là toàn bộ đội hình), ông thầy cũ tiếng tăm cũng được mời về, cựu tiền đạo ĐT Việt Nam thực hiện mọi chuyện rất gọn gàng và ấn tượng. Đến nỗi, tân HLV Miura cũng “thấm nhuần” tư tưởng và tự tin tuyên bố, Top 3 sẽ là của TP HCM, ngay lượt đi này.
Có một sự trùng hợp “không hề nhẹ” giữa ông thầy Nhật Bản so với lời phát biểu của nhân vật đình đám mới đây, HLV Jose Mourinho. Sau thất bại trước Sevilla tại Champions League, HLV Bồ Đào Nha có chia sẻ đại khái rằng, ông không có thứ gọi là “di sản”, là “tính kế thừa” trong đội bóng, bởi vậy làm đến mức này là thành công lắm rồi.
“Các anh hãy nhìn xem trong năm qua có bao nhiêu cầu thủ M.U phải rời đội bóng? Vị trí họ đảm nhiệm, cách họ thi đấu, và nếu mà họ được ra sân ấy” – Người đặc biệt gắt gỏng. Cùng với đó, ông đem về 7-8 tân binh khủng trong 2 mùa chuyển nhượng, với mục tiêu thay máu đội hình (nhưng vẫn chưa đâu vào đâu).
Trở lại với trường hợp của Toshiya Miura và TP HCM, nếu bỏ qua sự khác biệt dễ nhận thấy giữa 2 nền bóng đá, thì tình thế của Miura so với Mourinho cũng khá tương đồng. Trước mùa giải này, HLV người Nhật được giao cho quản lý một đội bóng hoàn toàn mới, với tổng cộng… 15 cầu thủ được đưa về. Và nếu chiếu theo lời tuyên bố của thuyền trưởng Man United, “di sản” mà TP HCM để lại là con số không.
Trong số đó, có những cái tên rất đáng chú ý như Trần Phi Sơn, Đỗ Văn Thuận, Vũ Ngọc Thịnh – toàn những trụ cột hay nhất nhì ở đội bóng cũ, bên cạnh 2 ngoại binh Gustavo và Paulo Tavares. Nhưng trong trận Thanh Hóa 1-0 TP HCM mới đây, những cầu thủ này làm gì cho đội nhà? Câu trả lời, đáng tiếc, cũng là con số không.
Dàn sao của Miura gây thất vọng trong trận Thanh Hóa 1-0 TPHCM |
Hãy nhìn Phi Sơn, cầu thủ nối bật nhất của TP HCM trong trận này. Chính xác thì anh chỉ thể hiện được khả năng của mình trong hiệp 1, trước khi chìm nghỉm (như mọi cầu thủ khác) ở nửa sau trận đấu. Nhưng nhìn cái cách mà Phi Sơn cố gắng, mới thấy lối chơi của đội bóng phía Nam, hay cụ thể là chiến thuật mà Toshiya Miura áp dụng, thảm hại làm sao.
Lép vế so với đội chủ nhà trong những phút đầu, các cầu thủ TP HCM đã tìm đến phương án tấn công để trả đũa. Nhưng họ chẳng có bất kỳ bài vở nào ngoại trừ đưa bóng để “Ronaldo xứ Nghệ” tự biên tự diễn phía trên. Thậm chí, đến cơ hội nguy hiểm nhất của đội khách (Gustavo đánh đầu ra ngoài khung thành), cũng từ đôi chân của số 10 kiến tạo.
Và hãy nhìn sang FLC Thanh Hóa để thấy sự khác biệt. 2 tân binh của họ, Vũ Minh Tuấn và tiền vệ Nhật Bản Karube cũng thi đấu không mấy nổi bật. Nhưng thực tế, đó mới là… điều tốt, bởi đội bóng xứ Thanh vốn có một bộ khung vững chắc trong vài mùa giải qua, và họ không “đánh bài” với việc đặt toàn bộ niềm tin vào các tân binh.
Đội trưởng Pape Omar, người rất dễ nhận thấy bởi thể hình “cao-to-đen” trên sân, thực tế đã làm nhiều hơn là chỉ tận dụng lợi thế của mình. Nhiều lần trong trận này, đội trưởng của CLB Thanh Hóa lùi xuống tận giữa sân để làm bóng, trong đó có pha phối hợp dẫn đến bàn thắng hụt của Minh Tuấn (việt vị). Trong hiệp 2, cũng là anh mở ra cơ hội từ một pha phản công, sau đó kết thúc bằng cú sút (rất đáng tiếc) lên trời.
Đây là chiến thuật tốt nhất (và duy nhất) của Miura trong trận này |
Đó mới là sức mạnh, đó mới là khoảng cách giữa 2 đội bóng, chứ không phải bàn thắng duy nhất của Hoàng Đình Tùng trong trận FLC Thanh Hóa 1-0 TPHCM. Hãy đặt câu hỏi, liệu các cầu thủ đội khách có thể tạo ra những pha phối hợp như vậy? Thực tế, họ đều là những tân binh chân ướt chân ráo đến đội bóng mới, đến với ông thầy cũng mới nốt, và có thể đá nhuần nhuyễn với nhau mới là chuyện lạ.
Nói thêm về tính kế thừa, đội hình xuất phát ngày hôm nay của TP HCM có… 8/11 cầu thủ là mới được đem về, ngoại trừ 3 cái tên ở hàng thủ Âu Văn Hoàn, Trương Đình Luật và Đặng Văn Robert. Và nói thêm về tính kế thừa, cầu thủ “kỳ cựu” nhất trong số này, Âu Văn Hoàn đã ở đội bóng được “những” 2 năm (2016), còn lại đều đến từ 2017.
Thậm chí, danh sách tân binh có thể còn dài hơn nữa, nếu trung vệ Vũ Ngọc Thịnh (đến từ Hải Phòng) không dính chấn thương. Nhìn vào điều đó, rất khó để Miura tạo được bất kỳ sự khác biệt nào, bởi chính ông cũng còn loay hoay với sơ đồ nhân sự.
Bên kia chiến tuyến, Mihail Marian cũng những tân binh của mình góp mặt trong trận này. Nhưng khi thấy Vũ Minh Tuấn không hiệu quả, ông cho cầu thủ này ra nghỉ (thay bằng Lê Quốc Phương). Đến hiệp 2 khi nhận thấy Quốc Phương không ấn tượng, thay nốt. Hoàng Đình Tùng, người được đưa vào sân thế chỗ Lê Văn Thắng, là người ghi bàn duy nhất trận đấu – sau khi anh hạ gục cầu thủ “kỳ cựu” nhất bên phía HCM là Âu Văn Hoàn.
Top 3? Không dễ xơi đâu, Miura! |
Đó là bài vở, đó là chiến thuật, điều Mihail làm được còn Miura thì không. Phương án A không hiệu quả, lập tức có chiến thuật khác thay thế. Bên cạnh đó, HLV Romania gây ấn tượng với sự tin tưởng dành cho Bùi Tiến Dũng, người có pha kiến tạo ở trận này. Thủ môn 21 tuổi là tương lai của CLB lẫn ĐT quốc gia. Với thâm niên đào tạo trẻ, HLV này biết làm thế nào để xây đội bóng từ nền móng, sử dụng nguồn nội lực vốn có.
Còn Miura thì không, ông chắc chắn không hề có phương án B, C bởi một lẽ đơn giản: ông còn… chẳng biết phương án A là gì, chiến thuật nào của mình là tốt nhất. Vì thế, chẳng có bất kỳ điều gì được ông thầy người Nhật tạo ra để hy vọng vào một sự thay đổi, ngoại trừ cầu mong Trần Phi Sơn tỏa sáng.
Tất nhiên, nói một cách công bằng, Thanh Hóa đã tạo dựng vị thế của họ được nhiều mùa giải, trong khi TP HCM dù sao cũng chỉ là một đội bóng mới. Những thành công ngày nay của các đại gia tại V-League, đó hoàn toàn có thể là điều TP HCM đạt được trong tương lai.
Nhưng đó là câu chuyện phía trước, tính bằng năm chứ không phải ở vòng đấu đầu tiên Miura ra trận. Tiền quan trọng đấy, nhưng cần phải có thời gian để đạt hiệu quả. Và có lẽ, TP HCM nên khiêm tốn hơn với những phát biểu của mình, thay vì vỗ ngực lọt vào Top 3 ngay lượt đi mùa giải này.
Tỷ số chung cuộc: Thanh Hóa 1-0 TPHCM
Ghi bàn: Hoàng Đình Tùng (70’)
Video tổng hợp Thanh Hóa 1-0 TPHCM
Thấy gì qua trận đấu đáng chú ý Thanh Hóa 1-0 TPHCM?
Trên sân nhà, đoàn quân của Mihail Marian đã giành được 3 điểm đầu tiên mùa giải. Dưới đây là những điều rút ra sau trận Thanh Hóa 1-0 TPHCM.
Trên sân nhà, đoàn quân của Mihail Marian đã giành được 3 điểm đầu tiên mùa giải. Dưới đây là những điều rút ra sau trận Thanh Hóa 1-0 TPHCM.
Có thể bạn quan tâm
- Thấy gì qua trận đấu đáng chú ý Thanh Hóa 1-0 TPHCM?
- Kết quả Thanh Hóa vs TPHCM trận đấu vòng 2 V-League 2018 chiều nay 18/3
- Sài Gòn 1-2 Quảng Ninh (KT): Đội bóng vùng Mỏ thắng ngược nơi đất khách
- Thanh Hóa 1-0 TPHCM (KT): Bùi Tiến Dũng kiến tạo, chủ nhà vùi xác thầy trò Miura
- SLNA 0-1 Khánh Hòa (KT): CLB xứ Nghệ lại ôm hận trước đội bóng phố biển