Thứ Bảy, 17/05/2025
Zalo

Đỗ Anh Văn và câu chuyện về giấc mơ của trợ lý ngôn ngữ ĐT Việt Nam

Thứ Sáu 10/01/2025 16:00(GMT+7)

Từ cậu sinh viên vô danh tìm được niềm đam mê của cuộc đời sau chiến tích tại VCK U23 châu Á 2018 của ĐT U23 Việt Nam, Đỗ Anh Văn giờ đã cùng ĐTQG trở thành nhà vô địch Đông Nam Á.
Đỗ Anh Văn và câu chuyện về giấc mơ của trợ lý ngôn ngữ ĐT Việt Nam 1
Đỗ Anh Văn (Áo xanh thẫm cạnh HLV Kim Sang Sik)

Với các ĐTQG có HLV ngoại quốc như ĐT Việt Nam, trợ lý ngôn ngữ là vị trí hết sức quan trọng. Đây là nhân tố giúp HLV trưởng Kim Sang Sik truyền tải mọi ý đồ, chỉ đạo về chiến thuật, tinh thần, triết lý chơi bóng và phong cách làm việc của mình tới các cầu thủ. Dẫu vậy, vị trí này lại không nhận được nhiều sự quan tâm như HLV trưởng và các cầu thủ.

Tuy nhiên, ở ĐT Việt Nam lúc này, có một câu chuyện thú vị và mang tính truyền cảm hứng về trợ lý ngôn ngữ Đỗ Anh Văn.

Khi HLV Kim Sang Sik ký hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ĐT Việt Nam cần một trợ lý ngôn ngữ. Lê Huy Khoa và Vũ Anh Thắng, những trợ lý ngôn ngữ từng làm việc với HLV Park Hang Seo – người đồng hương của ông Kim – tại ĐT Việt Nam được liên hệ. Đây là hai ứng viên sáng giá, ngoài việc thông thạo Hàn ngữ, họ còn có kiến thức về bóng đá, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc ở môi trường bóng đá Việt Nam nói chung và ĐT Việt Nam nói riêng. Song, cả hai người đàn ông này đều được cho là đã từ chối lời mời của VFF vì bận công việc cá nhân.

Lúc bấy giờ, Đỗ Anh Văn – cái tên xa lạ với người hâm mộ Việt Nam – trở thành ứng viên tiếp theo. HLV Kim Sang Sik được cho là đã đích thân phỏng vấn và cảm thấy hài lòng với năng lực chuyên môn của Anh Văn.

Đỗ Anh Văn và câu chuyện về giấc mơ của trợ lý ngôn ngữ ĐT Việt Nam 2
Đỗ Anh Văn và HLV Kim Sang Sik

Với các trợ lý ngôn ngữ khác, họ đã có nền tảng ngoại ngữ sẵn và có kinh nghiệm làm việc trước khi đến với bóng đá như một cái duyên. Nói cách khác, việc trở thành trợ lý ngôn ngữ bóng đá không phải ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp và nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, Anh Văn khác hoàn toàn.

“Xin chào, tôi là Đỗ Anh Văn, sinh viên người Việt Nam của đại học Honam (Gwangju, Hàn Quốc). Tôi đang theo học nhiều lĩnh vực liên quan tới bóng đá như marketing bóng đá, ngoại ngữ bóng đá và cả kiến thức về môn thể thao này”, Anh Văn chia sẻ với trang web của Trung tâm văn hóa Đông Nam Á tại Busan, Hàn Quốc; khi còn là sinh viên năm 3 của đại học Honam. “Theo tôi tìm hiểu, các trường đại học ở Việt Nam không có khoa bóng đá. Năm 2018, ĐT U23 Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, lọt vào chung kết giải U23 châu Á. Sau khi xem trận đấu đó, tôi có ước mơ làm việc tại VFF. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc học bóng đá và quyết định tới Hàn Quốc để du học từ thời điểm đó”.

Trước khi chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng mà chiến tích Thường Châu của thầy trò HLV Park Hang Seo năm nào mang lại, Anh Văn là một cậu học sinh chưa tìm ra định hướng tương lai cũng như nguyện vọng nghề nghiệp khi chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng sau khi được truyền cảm hứng từ hành trình kỳ diệu năm ấy của U23 Việt Nam, Anh Văn hiểu rằng: bóng đá là ước mơ của cuộc đời mình. Thậm chí, có lẽ do hâm mộ HLV Park, mà ngoài tình yêu với môn thể thao vua nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, chàng trai 9x này còn cảm thấy hứng thú với việc học tiếng Hàn.

Đỗ Anh Văn và câu chuyện về giấc mơ của trợ lý ngôn ngữ ĐT Việt Nam 3
U23 Việt Nam 2018 Thường Châu truyền cảm hứng cho Anh Văn

Bóng đá và Hàn ngữ là hai yếu tố trở thành bước ngoặt, thay đổi cả cuộc đời của Anh Văn. Sau một thời gian theo đuổi con đường mình đã chọn, Văn có cơ hội theo đuổi đam mê khi có thời gian làm phiên dịch cho Nguyễn Văn Toàn tại CLB Seoul E-Land. Song, có lẽ công việc này chưa làm anh cảm thấy thỏa mãn với hoài bão của một người thanh niên trẻ.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến bóng đá tại Hàn Quốc, rồi mới về nước. Ước mơ của tôi là đóng góp vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam”, Anh Văn cho hay.

Ở thời điểm đó, chàng sinh viên của đại học Honam có lẽ chẳng nghĩ chỉ vài năm sau, mình sẽ trở thành trợ lý ngôn ngữ tại ĐTQG. Lúc bấy giờ, vị trí này của tuyển Việt Nam được đảm nhận bởi anh Vũ Anh Thắng và ông Lê Huy Khoa. Sau đó, Philippe Troussier – một HLV người Pháp thạo tiếng Anh – tới làm việc tại ĐT Việt Nam. 

Tới khi HLV Kim Sang Sik nhậm chức, ước mơ ngày nào của cậu học sinh vô danh trở thành hiện thực. Từ cậu nhóc phát cuồng vì chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 qua TV, như bao người hâm mộ khác, Anh Văn giờ đã trở thành cánh tay phải của HLV Kim Sang Sik trên hành trình vô địch ASEAN Cup 2024 của ĐTQG. Từ cậu trai chỉ được nhìn các tuyển thủ Việt Nam qua màn hình TV, Anh Văn giờ đã đeo trên cổ huy chương của nhà vô địch Đông Nam Á, được nâng cúp trên đất Thái Lan, được người hâm mộ chào đón như những người hùng khi về nước. Lần trở về này, có lẽ rất khác so với lần anh trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học tại Hàn Quốc.

co_hoi_xoay_tua_cua_hlv_kim_sang_sik
 

Những giấc mơ, những khát khao và cả những niềm đam mê trong trẻo, ngây thơ của cậu học sinh Anh Văn năm nào với bóng đá, với Hàn ngữ đã giúp anh có ngày hôm nay. “Giúp bóng đá Việt Nam phát triển”, như chính lời anh nói, là một khái niệm “đao to búa lớn”; song, chức vô địch ASEAN Cup 2024 có công lớn của Văn. Anh chính là cầu nối giữa HLV Kim Sang Sik và các cầu thủ. Anh Văn có thể chưa giúp bóng đá Việt Nam phát triển, nhưng anh đã góp sức vào thành công của ĐTQG.

Đây sẽ là khởi đầu hoàn hảo cho ước mơ phát triển bóng đá Việt Nam của Anh Văn. 

Có thể bạn quan tâm

Pro Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Pro Chiến thắng tại El Clasico: Bản tóm gọn hoàn hảo về Barcelona mùa này

Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Barca sống mà không cần đồng hồ

Barca "sống mà không cần đồng hồ"

Tôi có một người bạn không đeo đồng hồ. Có một thời gian, anh ấy thường nhét vào túi quần một chiếc điện thoại cũ, nhỏ với màn hình đen trắng và dùng sim trả trước không Internet. Giống như loại mà dân buôn “mai thúy” hay dùng để cuộc gọi không bị lần ra, hoặc cũng giống loại mà nhà phê bình phim Carlos Boyero hay dùng. Anh ấy thường chậm hơn mọi xu hướng, nhưng luôn là người mở đầu cho làn sóng tiếp theo.

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Phút 95, Martin Ødegaard thoát xuống đối mặt thủ môn. Khán giả Arsenal bên khán đài Anfield Road đồng loạt chồm tới, nín thở chờ đợi. Ở đâu đó trên cái dàn bình luận bất tử nơi chín tầng mây, cố BLV Brian Moore chắc đang hắng giọng: “Mọi thứ giờ đều có thể xảy ra!”

Xem thêm
top-arrow
X