Thứ Ba, 31/12/2024 Mới nhất
Zalo

Đội hình thất vọng nhất Premier League 2013-2014

Thứ Ba 29/04/2014 17:20(GMT+7)

Vậy là, một mùa bóng nữa tại giải Ngoại hạng Anh sắp sửa trôi qua. Bên cạnh những gương mặt xuất sắc, đóng góp nhiều vào thành tích của đội bóng thì còn đó không ít cái tên để lại nỗi thất vọng vô bờ khi thể hiện phong độ nghèo nàn, trình diễn nhạt nhoà, bất chấp xét về mặt năng lực, trình độ hay kinh nghiệm chinh chiến chẳng thua kém ai. Dưới đây là 11 cầu thủ tệ nhất Premier League mùa này

Thủ môn: Maarten Stekelenburg (Fulham)

Từng là thủ thành số 1 ĐTQG Hà Lan và nhiều năm thi đấu đỉnh cao ở CLB Ajax Amsterdam (Hà Lan) rồi AS Roma (Italia) nên Stekelenburg khá tự tin sẽ chinh phục thành công Premier League, tiếp bước tiền bối vĩ đại Edwin Van der Sar sau bản hợp đồng gia nhập Fulham hồi mùa hè (sự trùng hợp khá thú vị: Van der Sar cũng từng tạo được tiếng tăm ở ... Fulham trước khi đầu quân và toả sáng ở Man Utd). Song Stekelenburg lại thi đấu rất tồi và gần như chẳng thể làm gợi nhớ chút nào hình ảnh của Van der Sar ở đội bóng thành London. Ngoại trừ khoảng hơn 1 tháng đầu mùa phải nghỉ do chấn thương, còn lại Stekelenburg đều hoàn toàn sung sức ra sân thi đấu nhưng anh không hề tạo dựng được sự an tâm cho khung gỗ Fulham. Tất nhiên, sẽ không hoàn toàn công bằng nếu đổ hết trách nhiệm lên đầu Stekelenburg song rõ ràng, anh chỉ còn là cái bóng mờ chính mình. Trong 21 lần được ra sân mùa này, Stekelenburg để thủng lưới tới 48 lần và đúng 3 trận giữ sạch lưới còn Fulham đang đối diện với nguy cơ rớt hạng khi hiện chỉ đứng thứ 19 trên BXH. Cực chẳng đã, kể từ ngày 15/3, thủ môn 32 tuổi này chính thức bị gạch tên khỏi đội hình xuất phát và phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị.

 

Hậu vệ

Matt Lowton (Aston Villa): Gia nhập Aston Villa vào năm 2012 từ đội bóng hạng Nhất Sheffield United, hậu vệ sinh năm 1989 mau chóng trở thành chủ lực nơi hàng thủ đội bóng tuy nhiên bước sang mùa giải năm nay, Lowton có dấu hiệu thụt lùi. Không những vậy, Lowton còn thể hiện thái độ "bất cần đời" khi thường xuyên bỏ tập hoặc đến muộn cũng như không tuân lệnh "thượng cấp" (HLV trưởng). Thế là, Lowton dần bị người thầy Paul Lambert bỏ rơi. Nếu không kịp thức tỉnh thì có lẽ, sự nghiệp chớm nở của Lowton sẽ mau chóng tàn lụi.


 

Fernando Amorebieta (Fulham): Là một cầu thủ đã thành danh và chơi bóng nhiều năm trong màu áo Bilbao ở La Liga, Amorebieta có đủ cơ sở để thành công ở Premier League ở tuổi 29. Cách đây vài hôm, Amorebieta cũng trở thành cầu thủ người Venezuela đầu tiên ghi bàn ở Premier League trong trận hoà Hull City 2-2 nhưng đó chỉ là khoảnh khắc loé sáng hiếm hoi của anh trong năm đầu thi đấu tại Anh. Amorebieta chơi rất phập phù, thường xuyên mắc sai lầm và khiến Fulham "phát ốm" vì cái bệnh "đãng trí", hay mất tập trung trên sân cỏ dù đảm nhận vị trí trung vệ vốn đòi hỏi sự tập trung luôn ở mức cao độ. Bởi thế, dù được ra sân không ít (hơn 20 trận) nhưng chưa bao giờ Amorebieta được xem là chốt chặn đáng tin cậy.


 

Modibo Diakite (Sunderland): "Mèo đen" từng rất hí hửng khi chiêu mộ được Diakite từ Lazio mà chẳng tốn một xu vào mùa hè năm ngoái. Thời điểm đó, trình độ của cầu thủ người Pháp gốc Senegal phần nào được khẳng định qua những năm tháng tung hoành ở Italia nhưng rốt cục, Diakite chẳng thể hoà nhập nổi với Premier League, mặc cho những cầu thủ gốc Phi vốn dĩ có rất nhiều điều kiện để thành công ở đây nhờ vào nền tảng thể lực sung mãn và lối chơi dũng mãnh. Ngay cả người đại diện của Diakite cũng phải lên tiếng thừa nhận việc chuyển sang Sunderland là một sai lầm lớn. Hệ quả tất yếu, vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Đông, Sunderland đã cho Fiorentina mượn Diakite đến hết mùa và khả năng cầu thủ này quay về nước Anh là cực thấp bởi Sunderland sẵn sàng nhượng lại Diakite cho Fiorentina với mức giá hữu nghị.

 

Aly Cissokho (Liverpool): Mùa này, Liverpool đã trình làng một tập thể mạnh, đoàn kết và đa phần các cầu thủ đều luôn thể hiện hơn 100 % khả năng và phong độ, kể cả thuộc diện trẻ trung chưa trưởng thành. Thế nhưng, vẫn tồn tại vài gương mặt "lạc loài" mà nổi bật nhất là Aly Cissokho. Cần nhớ rằng, vài năm trước, lúc còn khoác áo Lyon, Cissokho được xem là một trong những hậu vệ trái triển vọng nhất châu Âu nhưng thay vì, không ngừng đưa sự nghiệp lên những nấc thang mới thì Cissokho bị chững lại và giờ chỉ còn là một cầu thủ làng nhàng, hết tiềm năng phát triển ở độ tuổi 26. Được đưa về sân Anfield hồi đầu mùa nhằm tăng cường nhân sự cho vị trí hậu vệ trái đang thiếu người, Cissokho đứng trước cơ hội vực dậy tên tuổi nhưng cuối cùng, anh đã không nắm bắt được nó. Hoàn toàn mờ nhạt khi được ra sân thi đấu, Cissokho mau chóng trở thành "dự bị chiến lược" cho đàn em Jon Flanagan, gương mặt trẻ bùng nổ dữ dội ngay trong mùa đầu tiên được chơi bóng thường xuyên tại Premier League (cần nhớ mùa trước,  Flanagan không được thi đấu một phút nào ở Premier League trong thành phần Liverpool). Với cái đà này, nghe chừng, Cissokho sẽ phải trở lại Valencia sau khi thoả thuận cho mượn chấm dứt vào cuối mùa chứ chẳng đời nào The Kop chịu bỏ tiền ra mua đứt dù họ vẫn thiếu hậu vệ trái chính hiệu.

 

Tiền vệ

Erik Lamela (Tottenham): Gây ấn tượng cực mạnh ở AS Roma mùa trước, tiền vệ trẻ người Argentina được Spurs đem về bằng mức phí chuyển nhượng khủng khiếp (trên 30 triệu bảng) và trao cho chiếc áo số 11 danh giá (tất nhiên, chẳng ai để một cầu thủ dự bị khoác áo số 11) nhưng Lamela đã chẳng thể đền đáp lại sự tin tưởng đó, dù chỉ một phần nhỏ. Chính sự mờ nhạt của Lamela đã làm những quan chức của Tottenham bị chê "không biết tiêu tiền" và "vung vãi lung tung" đúng kiểu "trưởng giả học làm sang" trên TTCN sau khi nhận được một mớ to đùng từ thương vụ bán Gareth Bale cho Real (gần 100 triệu bảng). Dưới triều đại Andre Villas-Boas, Lamela chơi rất tồi dù được ra sân không ít, khiến nhà cầm quân người BĐN cũng phải bực mình. Đáng buồn hơn cho Lamela, từ đầu năm đến nay, anh dính phải chấn thương lưng và đến giờ vẫn chưa bình phục nên chưa thể có cơ hội chứng tỏ mình với HLV mới Tim Sherwood. Dù sao, Lamela còn trẻ và hẳn sẽ được trao thêm thời gian để khẳng định mình ở thành London, nhất là khi Tottenham thừa hiểu bán Lamela vào lúc này khác gì chấp nhận lỗ nặng.

erik lamela
 

Marouane Fellaini (Manchester United): Là bản hợp đồng duy nhất của David Moyes trong 10 tháng cầm quyền ngắn ngủi ở Old Trafford và được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng nhiều khả năng, tiền vệ người Bỉ sẽ phải tiếp bước ông thầy "cuốn gói" khỏi Man Utd vào cuối mùa giải này bởi đơn giản, Fellaini là một thảm họa đúng nghĩa. Không phủ nhận, Man Utd đã phải trả quá nhiều tiền cho Fellaini (27 triệu bảng), vượt xa giá trị thực nhưng nếu tiền vệ 26 tuổi này giữ nguyên được phong độ như đã từng thể hiện ở Everton, đặc biệt trong mùa cuối cùng sát cánh với Moyes ở Nửa xanh vùng Merseyside thì tin chắc Man Utd sẽ chẳng có lý do gì để tiếc nuối. Đằng này, phong độ của Fellaini gần như lao dốc theo chiều thẳng đứng. Kể ra, có vài trận đấu, Fellaini đã thể hiện đúng hình ảnh đích thực nhưng chừng đó là quá ít ỏi, nhất là khi ai cũng biết Man Utd quá thiếu thốn nhân lực ở vị trí tiền vệ trung tâm đồng nghĩa Fellaini chỉ cần trình diễn được bằng 50% so với lúc khoác áo Everton thôi thì anh đã chẳng rơi vào đội hình này và người thầy đáng kính David Moyes chưa chắc đã phải ra đi cay đắng như thế.

fellaini
 

Kim Kallstrom (Arsenal): Giới chuyên môn tại đảo quốc sương mù đã phải "mắt chữ O, mồm chữ A" khi chứng kiến Wenger đem về Kim Kallstrom trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa rồi dù ai cũng biết, Arsenal cần một tiền đạo hơn một tiền vệ, thậm chí lại còn đang dư thừa nhân lực ở tuyến giữa. Kallstrom cũng chẳng phải tên tuổi gì đình đám. Chưa dừng lại ở đó, ngay sau buổi lễ ra mắt, tuyển thủ quốc gia Thuỵ Điển được khẳng định dính phải chấn thương khá nghiêm trọng và Wenger cũng thừa nhận biết thừa tình trạng của Kallstrom nhưng vẫn quyết định mượn anh từ Spartak Moscow. Quả thật, đó là quyết định không thể hiểu nổi của một nhà cầm quân lão luyện vốn rất khôn ngoan và lọc lõi trên TTCN. Thế là, phải đến cuối tháng 3, Kallstrom mới có thể ra sân thi đấu cho Arsenal (vào sân thay người ở trận hoà Swansea) và kể từ đó, anh cũng chỉ xuất hiện thêm hai lần nữa nên tất nhiên chẳng thể tạo được một ấn tượng nào. Chính bản hợp đồng Kallstrom đã khiến Wenger phải chịu không ít điều tiếng, nhất là khi Arsenal đã dần bị gạch tên khỏi cuộc đua đến ngôi vô địch dù có thời điểm, họ được đánh giá rất cao bởi với dư luận, chẳng đội bóng nào có tham vọng vô địch lại hành động "vớ vẩn" trên TTCN như Arsenal.

Kim Kallstrom
 

Tiền đạo

Andreas Cornelius (Cardiff City): Nhằm tăng cường lực lượng hướng đến mục tiêu trụ lại Premier League sau khi thăng hạng, đội bóng xứ Wales đã chấp nhận chi ra số tiền kỷ lục trong lịch sử CLB (8 triệu bảng) để mang về "Vua phá lưới" giải VĐQG Đan Mạch và góp công lớn giúp FC Copenhagen đoạt chức vô địch. Nhưng rốt cục, Cornelius lại trở thành bản hợp đồng thảm hại và thất bại bậc nhất Premier League mùa này. Cornelius chỉ trụ lại ở Cardiff đúng nửa đầu mùa giải và phải ra đi (trở lại đội bóng cũ) do chơi quá tệ. Tổng cộng, Cornelius chỉ ra sân đúng 8 trận mà chỉ toàn vào sân thay người và không ghi nổi 1 bàn nào còn Cardiff đang là đội có nguy cơ rớt hạng cao nhất. Theo một vài nguồn tin thì thực ra, giá trị của Cornelius lúc được Cardiff chiêu mộ chỉ rơi vào khoảng .... 500.000 bảng mà thôi.

 

Ricky van Wolfswinkel (Norwich City): Xét về "sơ yếu lý lịch" trước khi gia nhập Norwich City trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2013 thì Wolfswinkel có lẽ chẳng thua kém bao nhiêu so với Cornelius. Chân sút người Hà Lan là tay săn bàn hàng đầu của Sporting Lisbon và giải VĐQG Bồ Đào Nha (có trình độ cao hơn hẳn giải Đan Mạch) trong hai mùa giải liên tiếp. Thậm chí, Norwich được cho đã khá may mắn khi mua được Wolfswinkel vì có rất nhiều CLB tên tuổi cũng tăm tia tiền đạo này. Song niềm vui mau chóng chuyển thành nỗi thất vọng bởi Wolfswinkel hoàn toàn mờ nhạt. Cho đến nay, Wolfswinkel mới đóng góp duy nhất 1 bàn cho Norwich (được thực hiện ngay trong ngày khai mạc mùa giải) và những chú chim Hoàng yến đang phải đối diện với khả năng tụt hạng bởi hai vòng còn lại, phải chạm trán hai tên tuổi lớn Chelsea và Arsenal nên cơ hội thoát khỏi nhóm cuối bảng là cực thấp.

 

Darren Bent (Fulham): Chưa hẳn là tiền đạo hàng đầu Premier League nhưng năng lực của Bent cũng không tồi, nhất là khi với những tố chất điển hình của một cầu thủ người Anh, Bent không mấy khó khăn có được chỗ đứng ở Premier League, đặc biệt ở những CLB trung bình. Bằng chứng, sau hơn 10 năm lăn lộn ở giải Ngoại hạng, Bent đã kinh qua 4-5 CLB và tổng chi phí chuyển nhượng đã lên đến hơn 50 triệu bảng. Bản thân Bent cũng đã có gia tài trên 130 bàn thắng, một con số không nhỏ song vấn đề của chân sút 30 tuổi này nằm ở chỗ anh rất thiếu ổn định (có mùa ở Sunderland, anh ghi được đến 24 bàn nhưng vài mùa khác, không ghi được trên 10 bàn). Càng lớn tuổi, Bent càng phập phù và đến mùa này, thì trở nên quá tầm thường ở Fulham theo bản hợp đồng cho mượn từ Aston Villa. Ở một đội bóng mà trụ hạng là mục tiêu duy nhất thì hiển nhiên, cơ hội của Bent rất nhiều nhưng anh đã không tận dụng được để rồi đến giờ, không còn cạnh tranh nổi vị trí ở đội hình với Cauley Woodrow, đàn em mới 19 tuổi. Quả là một mùa giải đáng quên với Bent song chẳng loại trừ khả năng, mùa tới Bent sẽ tìm lại phong độ và lại hot như ngày nào.

 

Bảo Phương


 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X