Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Những định luật kỳ lạ của World Cup: Điềm báo nào cho trận chung kết sắp tới?

Thứ Sáu 11/07/2014 15:54(GMT+7)

 Hiện giờ, giải bóng đá lớn nhất hành tinh đang tồn tại không ít thực tế, câu chuyện khó có thể tìm ra lý giải chính xác nhất. Có thể đó là lời nguyền hoặc đơn giản chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng nó vẫn hiện hữu như sự thách đố, rào cản cho bất cứ đội tuyển nào có liên quan trong giấc mơ chinh phục chiếc cúp vàng danh giá. Hai gương mặt ưu tú nhất, Argentina và Đức đang chuẩn bi tích cực cho trận chiến cuối cùng tại World Cup 2014. Vào thời điểm này, chắc chắn Mannschaft được đánh giá cao hơn hẳn. Tuy nhiên, nên cạnh việc chưa từng có đại diện nào của châu Âu đăng quang ở khu vực châu Mỹ thì còn hiện diện không ít định luật vô cùng thú vị và khó hiểu khác mà khiến cán cân lại lệch về phía Argentina. Nào cũng khám phá

Sự chênh lệch về số lần vô địch giữa châu Âu và Nam Mỹ (hoặc ngược lại) không bao giờ quá 1

Ai cũng biết, kể từ ngày ra đời cho đến nay, trải qua 20 kỳ World Cup, chiếc cúp vàng luôn chỉ nằm trong cuộc giành giật giữa đội tuyển đến từ hai khu vực này. Các khu vực khác, kể cả có gây được ấn tượng đến mấy thì giỏi lắm cũng chỉ đủ sức lọt vào đến bán kết chứ chưa bao giờ đi xa hơn, nói gì đến có cơ hội chạm lấy danh hiệu cao quý nhất làng túc cầu giáo. Song, chưa bao giờ, cách biệt giữa hai khu vực về số lần vô địch lớn hơn 1. Hiên giờ, châu Âu đang tạm dẫn Nam Mỹ với tỷ số 10-9. Do đó, từ đây, đã có thể tạm kết luận dung nhan nhà vô địch sắp tới.

Các cầu thủ Đức đã có một chiến thắng trên cả mong đợi trước Brazil
Lịch sử đang chống lại người Đức

Đội vô địch hoặc thắng Đức hoặc vượt qua đội đã đánh bại Đức

Thực ra, "chân lý" này hoàn toàn có cơ sở của nó. Dù mới chỉ 3 lần đoạt ngôi quán quân World Cup (kém Italia và Brazil) và tham dự 18/20 kỳ World Cup (duy nhất Brazil chưa vắng mặt ở bất cứ kỳ World Cup nào) nhưng nếu đánh giá tổng thể thì không còn nghi ngờ gì, Đức mới chính là ĐT giàu truyền thống nhất giải đấu. Này nhé, tính cho đến nay, họ đã 13 lần có mặt ở bán kết, nhiều hơn bất cứ một đội nào và 8 lần lọt vào chung kết (một kỷ lục khác). Như thế, không có gì ngạc nhiên khi đội tuyển nào muốn vô địch thì nhiều khả năng, sẽ phải bước qua xác ĐT Đức hay kẻ đã loại Mannschaft ra khỏi cuộc chơi ở một kỳ World Cup.

Chỉ tính từ World Cup 1998 tới nay, thì nhà vô địch nào cũng phải dính dáng đến "cỗ xe tăng". Năm 1998, Pháp đã vượt qua Croatia ở bán kết rồi sau đó đánh bại Brazil ở chung kết để lần đầu đăng quang mà Croatia chính là đội đã xuất sắc thắng Đức đến 3-0 ở tứ kết. Năm 2002 thì quá rõ ràng bởi Brazil đã thắng Đức ở chung kết. 4 năm sau, Đức là nước đăng cai VCK World Cup và đã thua tức tưởi Italia 0-2 nhờ hai pha lập công vào những phút cuối cùng của hiệp phụ thứ hai (Fabio Grosso và Del Piero là hai cầu thủ ghi bàn cho Azzurri). Đến trận chung kết thì hẳn nhiều người vẫn còn nhớ Italia đã thắng Pháp trên chấm luân lưu 11m đầy may rủi sau khi hoà 1-1 trong 120 phút thi đấu chính thức (sự kiện đáng chú ý khác của trận này là cú "thiết đầu công" lừng danh thiên hạ của huyền thoại Zidane dành cho Materazzi. Họ cũng là hai người đã lập công ở trận chung kết). Kỳ World Cup 2010 trên đất Nam Phi, trên đường đăng quang, TBN từng thắng Đức 1-0 ở bán kết nhờ pha lập công duy nhất của thủ thành Puyol. Nếu lấy xuất phát điểm xa hơn, từ World Cup đầu tiên thì duy nhất 3 kỳ (1994, 1978, 1962) là nhà vô địch không "dây mơ rễ má" gì với Đức (tất nhiên chỉ tính trực tiếp. Tức là sau khi thắng Đức thì thua ngay đội bóng sau đó giành chức vô địch chứ không phải qua một "trung gian" khác).

Đội vô địch không được phép có mặt ở bán kết của giải trước đó

Chính xác thì tính từ World Cup 1994 cho tới nay, duy nhất một lần có đội bước lên được bục vinh quang sau khi chẳng may lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất của kỳ World Cup liền kề. Đó chính là trường hợp của Brazil khi đã thua Pháp 0-3 ở chung kết World Cup 1998 khi Pháp là nước chủ nhà và đến khi giải đấu lần đầu tổ chức tại châu Á thì Brazil đã vô địch sau khi thắng Đức. Năm 1994, Brazil lần thứ 4 giành cúp vàng World Cup nhưng tại World Cup 1990, họ đã thua đại kình địch Argentina tại vòng 1/8. Cho đến nay, đó vẫn được xem là kỳ World Cup thảm hoạ bậc nhất trong lịch sử xứ sở Samba, không kém gì giải lần này khi Selecao bị hạ nhục 1-7 tại bán kết. Năm 1998, Pháp lần đầu ngự trị trên ngai vàng thế giới song 4 năm trước, họ thậm chí còn chẳng giành nổi quyền tham dự VCK.

Đến năm 2006, Italia lần thứ 4 vô địch thế giới và ở World Cup 2002, họ từng bị chủ nhà Hàn Quốc đánh bại sau 120 phút tại vòng 1/8 trong một trận đấu sặc mùi "thiên vị" của trọng tài dành cho quốc gia đăng cai. Còn nhớ, sau giải đấu, người hùng đã ghi bàn thắng quyết định cho xứ sở Kim chi, Ahn Jung-Hwan đã phải lập tức chuồn khỏi Italia, nơi anh đã thi đấu trong 2 mùa giải cho Perugia, do sợ bị trả thù. Ở World Cup 2010, câu chuyện này lại tái diễn khi chức vô địch thuộc về TBN, đội tuyển đã bị Pháp "đá đít" ở vòng 1/8 World Cup 2006. Vậy thì, hãy lưu ý rằng, World Cup 2014 là giải đấu thứ 4 liên tiếp Đức có mặt ở bán kết và tại World Cup 2010, chính Đức chứ không phải ai khác đã "đưa tiễn" .... Argentina khỏi giải đấu ở vòng tứ kết sau thắng lợi tuyệt đối 4-0 (Klose lập cú đúp, Muller đóng góp 1 bàn).

Bóng đá Hà Lan sẽ phải cải tổ đội hình sau World Cup 2014
Hà Lan mà đoạt hạng 3 thì .....

Đội vô địch và đội xếp hạng 3 nằm chung cặp đấu ở bán kết

Cũng từ World Cup 1994 thì chưa bao giờ, đội vô địch lại không phải vượt qua đội xếp hạng 3 ở trận bán kết. Đầu tiên, tại kỳ World Cup diễn ra trên đất Mỹ, Brazil đã vất vả thắng Thuỵ Điển với tỷ số sát nút 1-0 nhờ công của "quỷ lùn ma thuật" Romario, gương mặt thứ hai trong lịch sử bóng đá thế giới từ xưa đến nay sau Pele dám tự nhận đã ghi trên 1000 bàn thắng trong sự nghiệp (nhưng thực ra, chỉ có thành tích của Pele được công nhận chính thức). Về sau thì ai cũng rõ Brazil vô địch còn Thuỵ Điển đánh bại Bungari (đội đã thắng ... Đức ở tứ kết) tới 4-0 để đoạt HCĐ. Tiếp đó, Croatia, đội đã thua Pháp ở bán kết France 1998 và sở hữu trong tay thế hệ vàng, đã xuất sắc hạ gục Hà Lan được đánh giá cao hơn ở trận tranh 3-4.

Năm 2002, tới lượt Thổ Nhĩ Kỳ giành thành tích an ủi sau khi thua như dự kiến trước "ông lớn" Brazil ở bán kết bằng việc vượt qua một "hiện tượng" khác của giải đấu, Hàn Quốc với tỷ số 3-2. Điều kỳ lạ đó được nối dài ở World Cup 2006 khi Đức đã "tặng" khán giả nhà vị trí thứ 3 sau khi "tiêu diệt" Bồ Đào Nha 3-1 và chức vô địch giải đó tất nhiên thuộc về Italia, đội đã đánh đổ xe tăng ở bán kết. Nhưng thành tích năm đó vẫn làm các CĐV Đức hài lòng bởi ĐTQG nước nhà vừa tiến hành cuộc thay máu lực lượng và không hề được đánh giá cao trước giải. Tại kỳ World Cup gần nhất thì Đức đã bảo vệ được thứ hạng "đệ tam anh hào" của mình khi thắng sít sao Uruguay 3-2 như một sự an ủi lớn bởi không thể vượt qua nổi TBN quá mạnh ở thời điểm đó tại bán kết.

Như thế, kết quả trận tranh giải 3 sắp tới (diễn ra trước chung kết 1 ngày) giữa Brazil và Hà Lan biết đâu sẽ giúp tất cả dự báo chính xác về đội sẽ vô địch World Cup 2014. Mặc cho Van Gaal đã tuyên bố trận tranh 3-4 tai World Cup cực kỳ vớ vẩn, "vô thưởng vô phạt" và lẽ ra không nên tồn tại song tin chắc, ông cũng muốn tạm biệt người dân Hà Lan bằng một chiến thắng, đặc biệt lại trước quốc gia chủ nhà để vui vẻ cập bến Man Utd. Bên cạnh đó, Brazil chưa chắc đã có thể gượng dậy nổi sau thất bại quá tan nát ở bán kết và lại không có được sự phục vụ của ngôi sao sáng nhất Neymar. Vì thế, kể cả không quá quyết tâm thì chưa biết chừng Hà Lan vẫn dư sức đánh bại Brazil, nhất là khi Van Gaal rất giỏi trong khoản điều chỉnh chiến thuật, thay đổi nhân sự để hướng đến chiến thắng. Mà nếu khả năng đó xảy ra thì bóng dáng nhà vô địch coi như đã lộ diện và có lẽ, không cần phải nhắc đến tên ở đây.

Thiên Bình

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X