Mikel Arteta và bài toán khó Kai Havertz

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Bảy 28/10/2023 10:17(GMT+7)

Zalo

Mùa hè vừa qua, Arsenal đạt thỏa thuận chiêu mộ Kai Havertz từ Chelsea với mức giá 65 triệu bảng (tương đương 83 USD), gần bằng khoản đầu tư ban đầu mà The Blues phải trả Bayer Leverkusen 3 năm trước đó.

Di sản mà Havertz để lại Stamford Bridge khiến đại bộ phận người hâm mộ Chelsea có những phản ứng trái chiều. Bởi lẽ anh là người hùng ghi bàn thắng quyết định giúp đội bóng vô địch Champions League và FIFA Club World Cup, nhưng cũng thường xuyên bị phàn nàn vì việc chậm thích ứng với các hệ thống chiến thuật dưới các đời HLV. Đó chính xác là cảm nhận chung của Thomas Tuchel, Graham Potter và Frank Lampard. Việc Chelsea kết thúc Premier League 2022/2023 với vị trí thứ 12 chung cuộc một phần nguyên nhân cũng đến từ khả năng săn bàn kém cỏi của Kai Havertz ở vị trí trung phong (chỉ ghi 7 bàn sau 35 trận đấu).

Thế nhưng HLV Mikel Arteta dường như bị mê hoặc bởi tài năng của tuyển thủ người Đức. Bản thân chiến lược gia 41 tuổi đã thuyết phục BLĐ Arsenal chiêu mộ anh bằng mọi giá, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Havertz đồng ý chuyển đến Emirates. Sau một mùa giải hụt hẫng khi chứng kiến Manchester City bước lên ngôi vô địch tại Premier League, Arsenal rất muốn cải thiện chất lượng đội hình để hướng đến thành công ở mùa giải mới. Hơn nữa, đây sẽ là lần đầu tiên sau 7 năm mà Pháo thủ trở lại với Champions League. Họ cần một đội hình đủ chiều sâu để chinh chiến ở cả hai đấu trường quan trọng này.

Mikel Arteta và bài toán khó Kai Havertz 1
 Mikel Arteta từng quyết tâm đưa Kai Havertz về Arsenal bất chấp sự hoài nghi.

 

Về cơ bản, khi ấy phía Chelsea cũng không hoàn toàn muốn bán Havertz. Họ từng đề nghị cầu thủ 24 tuổi gia hạn hợp đồng với điều kiện là phải chấp nhận giảm một phần của khoản đãi ngộ 200.000 bảng/tuần đang hưởng, để phù hợp với quỹ lương, giữa bối cảnh The Blues sẽ vắng mặt tại cúp Châu Âu. Điều này đã không được Havertz và người đại diện của anh chấp thuận. Ngoài vấn đề về thu nhập, Havertz tin rằng quãng thời gian của anh trong màu áo xanh thành London đã kết thúc sau 3 mùa giải đầy thăng trầm. Anh cần chuyển đến một môi trường mới thích hợp hơn để phát triển sự nghiệp. Cả Real Madrid lẫn Bayern Munich từng có những động thái quan tâm đến Havertz, tuy nhiên cả hai đều không đáp ứng được mức phí chuyển nhượng mà phía Chelsea yêu cầu. Để rồi Arsenal đến với một lời đề nghị đủ sức nặng. 

Xét cho cùng, cuộc chia ly với màu áo xanh cũng diễn ra rất êm đẹp với Havertz. Việc thương vụ hoàn tất trước thời điểm 30/06/2023 cũng giúp Chelsea làm đẹp hơn sổ sách tài chính, đặc biệt là khi họ đã ném quá nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng trong năm đầu tiên Tod Boehly nắm quyền.

Bẵng đi một thời gian, khi mùa giải 2023/2024 đã trôi qua được 3 tháng, bất chấp Pháo thủ vẫn đang thi đấu tốt ở mọi đấu trường mà họ tham dự, sự kỳ vọng của các Gooners dành cho Kai Havertz đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngược lại, xuất hiện nhiều hơn những ánh mắt hoài nghi hướng về chàng trai từng có biệt danh "Alleskonner" (tạm dịch là cầu thủ của mọi giải pháp) trong quãng thời gian chơi bóng tại Bundesliga. 

Trong 3 trận đấu gần nhất của Arsenal, Havertz đều chỉ được tung vào sân từ băng ghế dự bị. Anh có vỏn vẹn 15 phút thi đấu trước Man City, 12 phút trước đội bóng cũ Chelsea và 17 phút ở chuyến làm khách tại Sanchez Pizjuan của Sevilla. Cả 3 trận đấu kể trên đều là những trận cực kỳ quan trọng với Arsenal, quyết định tham vọng của họ ở mùa giải này. Nhưng một lần nữa “cậu Kai” không được lựa chọn để điền tên vào danh sách 11 cái tên đá chính ngay từ đầu.

Đó là một điều bất thường. Và đối với bóng đá Anh, một khi xuất hiện điều gì đó bất thường thì chắc chắn khó lòng thoát khỏi sự tò mò của giới truyền thông. Ngay sau chiến thắng 2-1 trước Sevilla, câu hỏi mà cánh phóng viên quan tâm nhất không phải là về trận đấu, mà dành cho việc Havertz đã dự bị “3 trận thông”. Ngay lập tức, HLV  Arteta đưa ra lời động viên: “Chúng tôi tin tưởng Kai. Cậu ấy là cầu thủ có phẩm chất tuyệt vời, là một nhân tố sẽ giúp chúng tôi tiến bộ hơn. Chúng tôi hoàn toàn tự tin nơi cậu ấy”.

Tuy vậy, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Mới đây, cựu cầu thủ Chelsea là Frank Leboeuf lên tiếng cho rằng lý do Havertz phải dự bị liên tục trong thời gian gần đây đơn giản vì bom tấn này đang thích nghi quá chậm, đồng thời HLV  Arteta chưa thể tìm được một vị trí có thể phát huy hết tiềm năng của cậu học trò mới. Cụ thể, danh thủ người Pháp đã nói rằng: “Havertz là một chàng trai tài năng nhưng khó sử dụng. Chúng tôi (ý nói Chelsea) không biết nên sắp xếp cậu ấy chơi ở vai trò nào trên sân. Đó là vấn đề lớn. Cậu ấy thiếu tính ổn định. Với mức phí chuyển nhượng cao, Arsenal buộc phải sử dụng Havertz. Tuy nhiên, điều đó khiến Pháo thủ trở nên vô tổ chức. Arsenal có hai lựa chọn Eddie Nketiah hoặc Gabriel Jesus ở vai trò số 9. Ở hàng lang cánh, họ sở hữu Bukayo Saka, Gabriel Martinelli và Leandro Trossard. Arsenal không có chỗ cho Havertz trên hàng công. Ở khu trung tuyến, Arsenal có Martin Odegaard chơi sáng tạo, liên kết lối chơi. Họ cần thêm 2 tiền vệ mạnh mẽ để kiểm soát tuyến giữa và đoạt lại bóng. Do đó, hàng tiền vệ Pháo thủ không có chỗ cho Havertz. Theo quan điểm của tôi, Havertz nên xuất hiện trên băng ghế dự bị vì Arteta không tìm ra cách nào giúp cậu ấy có phong độ tốt nhất”.

k2
Kai Havertz vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm vị trí chính thức tại Arsenal.

 

Nhận định trên đã phản ánh rõ thực trạng của Havertz trong màu áo mới. Sở hữu một cầu thủ đa năng, có thể thi đấu nhiều vị trí trong đội hình, là ước mơ của mọi nhà quản lý. Tuy nhiên đối với cá nhân cầu thủ đó thì “thứ đặc ân” ấy chưa chắc đã là điều tốt. Chúng ta từng biết đến John O'Shea, James Milner, Emre Can hay Saul Niguez. Đó đều là những “Cascadeur” chính hiệu mỗi khi đội nhà cần tới họ. Tuy vậy sự nghiệp của những cái tên kể trên chưa bao giờ đạt tới đỉnh vinh quang ở một vai trò cố định nào hết. Họ được đề cao bởi sự đa năng, không có nghĩa họ giỏi hơn người khác khi đưa ra so sánh với các đồng đội ở cùng vị trí. Câu chuyện tương tự đang lặp lại với Havertz.

Kể từ khi cập bến Emirates, Havertz đã ra sân tổng cộng 14 trận cho Arsenal. Điều đáng nói là sự thiếu nhất quán trong cách HLV Arteta sử dụng Havertz. Chàng trai sinh năm 1999 được bố trí đá trung phong trong trận ra mắt tranh Siêu Cúp Anh với Man City. Một tuần sau, Havertz được kéo xuống đá tiền vệ lệch trái trong sơ đồ 4-3-3 ở chiến thắng 2-1 trước Nottingham Forest tại vòng 1 Premier League. Và đó cũng là vị trí thường thấy của Havertz trong hơn 1 tháng tiếp theo, thời điểm tân binh đến từ Chelsea vẫn được ưu ái trao cho một vị trí chính thức ở những cuộc đối đầu với Crystal Palace, Fulham, Man Utd và PSV Eindhoven. Thế nhưng kể từ sau trận thua 1-2 trước Lens tại lượt trận thứ hai vòng bảng Champions League, “cậu Kai” cũng biến mất luôn khỏi danh sách đá chính. Và trong những phút ngắn ngủi được tung vào sân từ băng ghế dự bị, người ta lại thấy Havertz có xu hướng dâng cao như một trung phong, thay vì vai trò mà Arteta đang gắng sức đào tạo anh trở thành phiên bản Granit Xhaka của mùa giải 2022/2023.

Chúng ta không phủ nhận dấu ấn chiến thuật của Arteta khi để Havertz đá cắm. Thể hình lý tưởng khi cao tới 1,93m, cùng khả năng không chiến tốt giúp cựu thần đồng của Leverkusen trở thành giải pháp tiếp cận trận đấu trực diện. Một trong số những tình huống chuyển trạng thái nhanh xuất phát từ bóng dài đã tạo ra bàn thắng vào lưới Man City. Trong pha bóng ấy, chính Havertz là người đã trực tiếp kiến tạo để Martinelli lập công đem về chiến thắng quan trọng cho Arsenal. Cũng chỉ sau đó 2 tuần, Havertz giúp Arsenal lấy lại thế trận trước Chelsea với 3/5 tình huống tranh chấp bóng bổng thành công chỉ trong vòng 12 phút. Đặc biệt, pha không chiến đánh bại trung vệ Levi Colwill của Havertz đã mở ra cơ hội để Saka tạt bóng chính xác giúp Trossard ghi bàn gỡ hoà 2-2. 

Khác với Trossard – mẫu cầu thủ được xem là “thần tài” của Arsenal mỗi khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị, đóng góp của Havertz thầm lặng và có phần khó “bắt mắt” hơn, dù cơ bản giá trị đóng góp vào đầu ra bàn thắng của cả hai là như nhau. Thậm chí đây chưa phải một phiên bản Havertz đủ tốt dưới nhiều góc độ. Giống như Leboeuf từng nói rằng có một Havertz đang khá lạc lõng tại Emirates. 

Mikel Arteta và bài toán khó Kai Havertz 2
Với Havertz trong đội hình, khả năng không chiến của Arsenal đang được cải thiện đáng kể.

 

Trong quá khứ, vị trí biến Havertz trở thành cái tên được các CLB lớn tại Châu Âu săn đón chính là “số 10” trong sơ đồ 4-2-3-1 tại Leverkusen. Thế nhưng khác với những “số 10” thành danh của bóng đá Đức, lối chơi của Havertz thiên về việc xâm nhập vòng cấm và ghi bàn, chứ không phải mẫu nhạc trưởng kiến thiết lối chơi. Bản thân cầu thủ này cũng chia sẻ điều này trong quá khứ khi được hỏi về phong cách chơi bóng của mình: “Tôi thích xâm nhập vòng cấm và ghi bàn, có thể từ lần chạm bóng đầu tiên hoặc thứ hai. Về cơ bản thì tôi vẫn là một tiền vệ, nhưng tôi thích đi bóng vào vòng cấm. Có lẽ đó là lý do không phải cầu thủ phòng ngự nào cũng chú ý đến sự xuất hiện của tôi. Tôi hướng đến việc vượt qua hàng tiền vệ đối phương để chiếm lĩnh không gian”. 

Thực tế cho thấy, trong 2 mùa giải cuối cùng khoác áo Leverkusen, Havertz đã làm rất tốt với việc ghi tới 38 bàn thắng. Trong đó 17 pha lập công tại Bundesliga 2018/2019 đã giúp anh đi vào lịch sử giải đấu khi trở thành cầu thủ U19 ghi bàn nhiều nhất trong một mùa giải.

Thế nhưng kể từ khi chuyển sang khoác áo Chelsea, Havertz không còn được chơi nhiều ở vị trí “số 10” như trước nữa. Thống kê cho thấy, các đời HLV trưởng của Chelsea sử dụng cầu thủ người Đức nhiều hơn ở vai trò trung phong với 63% thời lượng thi đấu, trong khi ở vai trò “số 10” chỉ là 23%. Đó là một trong những lý do khiến Havertz cảm thấy không hài lòng và muốn ra đi, đặc biệt là sau mùa giải 2022/2023 bị chỉ trích khá nhiều vì gây thất vọng khi được bố trí đá cao nhất trên hàng công.

Mikel Arteta và bài toán khó Kai Havertz 3
Có một Kai Havertz từng bùng nổ tại Bayer Leverkusen khi đá “số 10”.

 

Chuyển đến Arsenal, HLV Arteta khẳng định sẽ để Havertz đá tiền vệ. Cụ thể chiến lược gia người Tây Ban Nha nhắm tân binh 65 triệu bảng cho vị trí của Xhaka mùa trước. Bản thân ông tin rằng Havertz thậm chí sẽ trở thành phiên bản nâng cấp của tiền vệ người Thụy Sĩ bởi “cậu Kai” sở hữu tố chất thượng thừa của một vệ tinh xâm nhập vòng cấm. Tuy vậy giữa lý thuyết và thực tiễn luôn tồn tại một khoảng cách chẳng dễ gì san lấp.

Havertz bối rối với vai trò “số 8 lệch trái” của Xhaka để lại. Bản thân cầu thủ 24 tuổi không phải mẫu cầu thủ giỏi tham gia vào khâu phát triển bóng. Suốt hơn 1 tháng được trao cơ hội đá chính (giai đoạn giữa tháng 8 đến hết tháng 9), Havertz vẫn tỏ ra lạc lõng trong việc kết nối với các vệ tinh xung quanh. Ở trận đấu đầu tiên đá chính tại Premier League đối đầu Nottingham Forest, Havertz chỉ có 69 pha chạm bóng và 53 đường chuyền, con số thấp hơn rất nhiều so với Declan Rice (105 và 91) hay Odegaard (83 và 63). Ngay cả Thomas Partey khi được kéo về đá hậu vệ cánh phải cũng sở hữu thông số ấn tượng hơn (116 và 102). Trước Fulham, trận đấu đầu tiên Havertz bị thay ra giữa trận, anh chỉ có 28 lần chạm bóng, 22 đường chuyền sau 56 phút có mặt trên sân. Theo thống kê từ Whoscored, Havertz chỉ sở hữu trung bình 50 pha chạm bóng và 36 đường chuyễn mỗi 90 phút tại Premier League mùa này, con số có phần khiêm tốn so với 65 pha chạm bóng và 57 đường chuyền mỗi 90 phút của Xhaka ở mùa trước. Sự hiệu quả của Xhaka còn đến ở các thông số về tỉ lệ chuyền bóng chính xác 88%, 1,9 đường chuyền quyết định mỗi 90 phút, 2,1 pha đánh chặn thành công mỗi 90 phút.

Một trong những miếng đánh quen thuộc của Arsenal mùa trước bên hành lang cánh trái đó chính là các pha chuyền bóng có độ chính xác cao của Xhaka hướng đến khu vực hành lang trong. Đó có thể là một pha thả bóng để các chân sút trên hàng công tận dụng tốc độ băng xuống, cũng có thể là một pha phối hợp thoát pressing rồi tạt bóng vào vòng cấm. Xhaka chơi bóng không màu mè nhưng cực kỳ hiệu quả, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Con số 7 bàn thắng và 7 pha kiến tạo sau 37 lần ra sân tại Premier League 2022/2023 là minh chứng rõ ràng nhất. 

Mikel Arteta và bài toán khó Kai Havertz 4
Thay thế Granit Xhaka là nhiệm vụ không hề dễ dàng tại Arsenal.

 

Với Havertz, anh chưa tạo ra được sự kết nối người chơi phía sau là Oleksandr Zinchenko và người chơi phía trước là Martinelli. Trong một số tình huống hậu vệ người Ukraina bó vào trong để hợp với Declan Rice kiểm soát tuyến giữa với khối sơ đồ 3-2-5, Havertz lại có xu hướng “dẫm chân” Martinelli ở khu vực hành lang trong. Những tình huống xâm nhập vòng cấm để tận dụng khoảng trống dứt điểm của Havertz cũng đang khá tệ. Đó là hình ảnh quen thuộc đến đáng buồn của Havertz tại Chelsea, nhưng vẫn đang đeo bám cầu thủ người Đức trong màu áo Arsenal. Kể từ đầu mùa, Havertz mới chỉ tung ra vỏn vẹn 9 pha dứt điểm, chỉ 1 trong số đó đi trúng đích (bàn thắng vào lưới Bournemouth trên chấm penalty).

Có lẽ Havertz cần một cú hích tinh thần lớn để lấy lại sự tự tin trong từng bước chạy, trong từng pha dứt điểm, dù là đá tiền vệ hay tiền đạo. Trận đón tiếp đội cuối bảng Sheffield United tối nay chính là một cơ hội như vậy. Giữa bối cảnh chân sút chủ lực Gabriel Jesus dính chấn thương gân kheo, còn những trụ cột như Martin Odegaard, Bukayo Saka và Martinelli đã cày ải 2 trận đấu liên tiếp chỉ trong 4 ngày, Havertz cần tận dụng tốt cơ hội đến với mình. Một màn thể hiện tốt ngay tại Emirates trước sự chứng kiến của gần 60.000 CĐV có thể sẽ là liều thuốc tinh thần để Havertz vượt qua giai đoạn chông gai này. Hãy cùng chờ đợi trận đấu tối nay!

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow