Lê Tú Chinh: Điều tuyệt vời nhất là được lắng nghe Quốc ca vang lên!

Thứ Tư 05/05/2021 19:00
Aa

Sớm đạt đỉnh cao từ khi còn rất trẻ với ‘cú ăn 3’ HCV ngay tại kỳ SEA Games đầu tiên tham dự, Lê Tú Chinh đã là một nhà vô địch của điền kinh trong khu vực. Hàng ngày, cô vẫn dành thời gian thanh xuân của mình trên sân tập, nỗ lực hết mình cho xứng đáng với những kỳ vọng mà mọi người đặt vào một cô gái ở tuổi 23.

Gặp lại Lê Tú Chinh kể từ kỳ SEA Games 2019 tại New Clark City, Philippines, ngay sau khi cô vừa kết thúc cúp Tốc độ (22 – 24/4) với 3 chiếc HCV ở các cự ly tham dự - cô gái sinh năm 1997 lập tức chia sẻ sự không hài lòng với thành tích của mình ở giải đấu đầu tiên trong năm. Hàng giờ trên sân tập mỗi ngày bất chấp tiết trời nắng nóng hẳn xứng đáng với những mục tiêu cao hơn.
 
Vì nhiều lý do, đây không phải buổi tập lý tưởng với VĐV tiêu biểu của Thể thao TP HCM. HLV Thanh Hương không có mặt cùng cô học trò trên sân tập vì bận việc gia đình, còn bản thân Tú Chinh cũng phải đổi địa điểm luyện tập sang SVĐ Quận 8, bởi sân Thống Nhất đang tổ chức một sự kiện khác. Nhưng trên hết, cô vẫn đảm bảo đầy đủ những bài tập theo giáo án bởi ý thức chuyên nghiệp của một VĐV hàng đầu.
 
Và trái với ấn tượng về vẻ ngoài có phần rụt rè, ít nói, Lê Tú Chinh trên đường chạy luôn sở hữu tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, sự lỳ lợm và đôi mắt luôn hướng về phía trước.
 
Cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây về những khát vọng, mục tiêu cá nhân, cuộc sống, những sự thay đổi về tính cách và góc nhìn của "Nữ hoàng tốc độ" về sự nghiệp của mình.

SVĐ Quận 8, địa điểm Tú Chinh tập luyện
SVĐ Quận 8
SVĐ Quận 8, địa điểm Tú Chinh tập luyện
SVĐ Quận 8, địa điểm Tú Chinh tập luyện
Lê Tú Chinh luyện tập
 
 

*HCV 100m ở SEA Games 2019 là kỷ niệm đẹp nhất*



Thành tích của Tú Chinh tại cúp Tốc độ vừa qua như thế nào? Chinh có hài lòng khi giành cả 3 HCV ở 3 cự ly tham dự?
 
Thành tích của tôi ở cự ly 60m là 7 giây 43, 100m là 11 giây 79 và 200m là 24 giây 37. Chắc chắn tôi không hài lòng, vì giải đấu này không phải điểm rơi phong độ, cũng không phải mục tiêu chính trong năm của tôi. Đây chỉ là giải đấu đầu tiên trong năm để tôi lấy lại cảm giác thi đấu.
 
Cô Hương (HLV Nguyễn Thị Thanh Hương – PV) nói không đặt nặng thành tích ở giải này, cảm giác của Chinh khi bước vào giải có thoải mái không?
 
Khi chuẩn bị bước vào giải này tôi cũng xác định thành tích không được tốt, vì ban huấn luyện và cô Hương cũng không đặt nặng thành tích. Mục đích chính là duy trì cảm giác thi đấu, cho đến SEA Games cuối năm không phải tìm cảm giác thi đấu quá lâu. Tôi không thi đấu chính thức từ khi kết thúc giải VĐQG 2020, đến bây giờ là khoảng 5 tháng.
 
Chinh còn những giải đấu nào trong năm nay?
 
Sau cúp Tốc độ, tôi còn giải cúp TP HCM mở rộng (tổ chức vào tháng 6) và giải VĐQG (tháng 9) được coi như tiền SEA Games. Mục tiêu chính của tôi là đạt điểm rơi phong độ tốt nhất ở giải VĐQG.
 
Quay lại quá khứ một chút nhé, Chinh từng gục ngã trước VĐV nhập tịch Mỹ Kristina Knott tại SEA Games 2019 ở cự ly 200m, nhưng ngay hôm sau bạn đã hạ gục đối thủ ở nội dung 100m, cự ly được coi là danh giá nhất môn điền kinh. Cảm giác của bạn lúc đó?
 
Với tôi, chưa thi thì chưa biết ai thắng. Nên sau khi thua VĐV chủ nhà Philippines ở cự ly 200m, đến cự ly 100m tôi cố gắng không nản lòng và đã đạt được trái ngọt. Cảm xúc lúc đó của tôi là rất bất ngờ vì tôi và đối thủ về đích cùng lúc, chưa biết được ai thắng. 
 
Tôi phải đợi vài phút khi bảng điện tử xuất hiện thì mới biết mình giành chiến thắng đối thủ. Lúc đó tôi khóc luôn và không nói được gì hết. Tôi ôm chầm lấy cô Hương và khóc.

Lê Tú Chinh SEA Games 30
Tú Chinh để thua Kristina Knott cự ly 200m và chỉ giành HCB
Lê Tú Chinh SEA Games 30
Nhưng ở ngày thi đấu tiếp theo, nữ VĐV Việt Nam đã vượt qua đối thủ trong cự ly 100m
Lê Tú Chinh SEA Games 30
Thành tích của Tú Chinh hơn Kristina đúng 0,01 giây
Lê Tú Chinh ôm HLV Thanh Hương

Chinh nghĩ sao về biệt danh “Nữ hoàng tốc độ” mà mình được dành tặng?
 
Tôi rất cảm ơn mọi người khi đã dành tặng cho tôi cái tên rất đẹp. Với danh hiệu đó, tôi phải nỗ lực hơn nữa để không làm mọi người thất vọng.
 
Hôm nay HLV Thanh Hương không có mặt thì Chinh tự kiểm soát những bài tập của mình như thế nào? Khi vô địch cự ly 100m tại Philippines, Chinh đã bật khóc và nói rằng “Cô ơi, con làm được rồi”, Chinh có thể chia sẻ về mối quan hệ gắn kết giữa 2 cô trò?
 
Với tôi, đã là VĐV đỉnh cao thì ai cũng sẽ có ý thức tập luyện rất cao, bởi nếu lười biếng sẽ không có thành tích tốt, đồng nghĩa mình sẽ không ở trong ĐT để tham dự các giải đấu lớn, không thể hát Quốc ca trên nước bạn. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất với một VĐV điền kinh là ý chí.
 
Cô Hương đối với tôi như một người mẹ, vì cô gắn bó với tôi cũng hơn 10 năm. Mọi thứ trong cuộc sống tôi đều chia sẻ với cô. Cô cũng có những kinh nghiệm sống, những điều tôi không xử lý được thì vẫn phải hỏi cô, và cô sẽ chỉ dạy cho tôi nên làm thế nào sẽ ổn.

Những lần vô địch tôi ôm cô và khóc, vì công sức của 2 cô trò bao nhiêu tháng đã được đền đáp. Có khi cả năm tập chay không được thi đấu, rồi khi gặp những chấn thương đều có cô Hương ở bên cạnh động viên tôi mỗi khi nản lòng. 
 
Thực sự thì VĐV đỉnh cao nhưng cũng có những lúc nản, không phải khi nào tập luyện, thi đấu cũng được như ý mình. Có nhiều lúc tôi dính chấn thương liên tục, không hoàn thành được giáo án khiến tâm lý bất ổn, thi đấu không tốt, thì cô Hương cũng động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tôi.

Lê Tú Chinh và HLV Thanh Hương

Mục tiêu lớn nhất của Chinh ở SEA Games sắp tới có phải khẳng định vị thế Nữ hoàng điền kinh khu vực Đông Nam Á và đòi lại HCV cự ly 200m?
 
Với tôi, mục tiêu của tôi ở SEA Games 31 ở nước nhà là giữ được HCV 100m. Tôi đã vô địch 2 giải liên tiếp nên cố gắng giữ vững danh hiệu để có cơ hội hát Quốc ca trên sân nhà.
 
Một mục tiêu quan trọng khác mà tôi luôn đặt ra trong mọi giải đấu, đó là cải thiện thành tích tốt nhất, phá được kỷ lục của bản thân. Hiện tại thành tích tốt nhất của tôi ở cự ly 100m là 11 giây 40.
 
(Năm vô địch SEA Games 2019, thành tích của Tú Chinh ở cự ly 100m là 11 giây 54, nhanh hơn Kristina Knott 0,01 giây – PV)
 
Trước mỗi giải đấu lớn Chinh có hay tìm hiểu về các VĐV đối thủ trong khu vực mà mình phải đối mặt?
 
Tôi ít khi tìm hiểu, cập nhật thành tích của các bạn. Tôi ít khi quan tâm đến các đối thủ mà chỉ muốn dành thời gian cho bản thân mình. Ví dụ như tới giải thì tôi sẽ xem và cố gắng cải thiện những gì còn thiếu để đạt thành tích tốt hơn. Với những kỳ SEA Games căng thẳng, tôi cũng không tự tạo thêm áp lực cho mình. Tôi cố tránh những điều đó để tập trung tinh thần, để chơi sòng phẳng với các đối thủ trên đường chạy.
 
Lê Tú Chinh vô địch cự ly 100m
 
Lê Tú Chinh vô địch cự ly 100m
 
Lê Tú Chinh Tôi không tự tạo áp lực cho mình
 

*Tôi cởi mở hơn trước*

 

So với lần đầu dự SEA Games 2017, đến giờ Chinh đã nhận được sự kỳ vọng lớn từ mọi người. Bạn cũng sắp bước sang tuổi 24 và đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thi đấu trong vài năm qua, điều gì là thay đổi lớn nhất với cá nhân bạn?
 
Lần đầu tiên chuẩn bị SEA Games (2017 – tổ chức ở Malaysia), tôi chỉ như một tờ giấy trắng. Tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ, nhưng ngược lại đó cũng là điều thuận lợi vì các đối thủ trong khu vực không biết đến tôi nhiều. Việc không được chú ý quá nhiều giúp tôi đỡ áp lực. 
 
Đến giờ, tôi tham gia kỳ này là lần thứ 3, tôi được mọi người biết đến nhiều hơn, trông chờ nhiều hơn. Đó là nguồn động lực, nhưng cũng là áp lực với bản thân tôi. Đặc biệt, SEA Games cuối năm nay tổ chức ở nước nhà nên tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẽ chịu áp lực rất lớn.
 
Trong những tháng ngày thi đấu đỉnh cao tới nay, điều thay đổi lớn nhất với bản thân tôi là tính cách. Tôi cảm thấy mình cởi mở hơn với mọi người vì trước giờ tôi vẫn là một đứa ít nói, ngại chia sẻ. Đa phần chỉ có người thân thiết mới biết tôi như thế nào, chứ bình thường gặp người lạ tôi rất ít nói. Tôi được mọi người nhận xét là khá lạnh lùng. 
 
Chinh có kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp? Bạn có gặp khó khăn nào từ sự kỳ vọng của khán giả hay gia đình?
 
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là giành HCV nội dung 100m năm 2019, quá bất ngờ. Còn trong những giải đấu lớn, gia đình là nguồn động lực chính để tôi có thể cố gắng nhiều nhất. Mọi người ủng hộ, động viên tôi nhưng mặt khác, tôi cũng phải chịu áp lực để không làm mọi người thất vọng. 
 
Lê Tú Chinh điều quan trọng nhất là ý chí quote

Hiện tại Chinh đang theo học những môn nào và bạn sắp xếp thời gian cho việc học hành, luyện tập, thi đấu ra sao?
 
Chính xác là tôi đang học năm thứ 6 tại trường ĐH Sư Phạm Thể Dục Thể Thao TP HCM. Tôi còn khoảng 3 môn trước khi bảo vệ khoá luận và lấy bằng, nhưng không biết có được tốt nghiệp hay không nữa (cười).
 
Trong chương trình học của tôi, thời gian học cũng không ảnh hưởng đến việc tập luyện hay thi đấu. Tôi học từ 17h30 đến 20h30 nên sẽ không đụng đến giờ tập. Năm 2020 dịch Covid bùng phát, nhà trường không sắp xếp được để tổ chức học, nên những môn còn thiếu lại phải dời đến đầu năm nay. Đầu năm tôi có bị trùng lịch cả môn trả nợ lẫn lịch thi đấu nên tới giờ vẫn chưa xong.
 
Một câu hỏi về cuộc sống riêng tư nhé, sở thích lớn nhất của Chinh bên ngoài đường chạy?
 
Ngoài những khi thi đấu hay tập luyện, sở thích của tôi là đi cafe với các bạn. Tôi cũng không có quá nhiều bạn, nhưng có các bạn cấp 3 thân thiết là hay liên lạc, cứ rảnh là chúng tôi đi tán gẫu, giải trí với nhau.
 
Trong những buổi tập trong tổ điền kinh, ai là người bạn mà Chinh yêu quý nhất?
 
Hà Thị Thu là người bạn thân với tôi, cũng là đối thủ trên đường chạy. Sau khi thi đấu, chúng tôi là bạn cùng phòng. Hai đứa cùng tuổi, cùng tháng sinh nhật, ở cùng nên hay đi với nhau. Tính Thu khá hiền lành, ít nói nhưng 2 đứa hợp tính nhau, khi ở gần lại nói rất nhiều. Chúng tôi không cùng tổ nhưng được sắp xếp tập cùng khung giờ, và khi hết buổi tập thì chúng tôi đi thả lỏng cùng nhau.

Lê Tú Chinh và Hà Thị Thu. Ảnh: FBNV
Lê Tú Chinh và Hà Thị Thu. Ảnh: FBNV
Lê Tú Chinh SEA Games 30
Lê Tú Chinh cùng tổ điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30
Lê Tú Chinh luyện tập
Lê Tú Chinh luyện tập
 
 
Có ý kiến cho rằng thi đấu thể thao chuyên nghiệp thì không ai là không chấn thương, chỉ là bị ở mức độ nào mà thôi. Chinh có kiểm soát được tình trạng sức khoẻ của mình?
 
Với mỗi VĐV đỉnh cao đều sẽ bị chấn thương, thậm chí đến giai đoạn nhất định còn chấn thương liên tục. Tôi đã trải qua giai đoạn đó và đến thời điểm này, tôi vẫn kiểm soát được sức khoẻ, cơ thể của mình. Những bài khởi động, thả lỏng cũng giúp tôi tránh chấn thương đến mức tối đa. 
 
Chấn thương nặng nhất tôi từng gặp là năm 2018 tập huấn ở Mỹ. Tôi bị rách cơ đùi trước, tụ dịch và không thi đấu được. Đó là thời điểm trước thềm ASIAD nên càng thêm áp lực. Chấn thương đó tôi mất khoảng 2 tháng vừa điều trị, vừa tập hồi phục.
 
Điều gì là khó khăn nhất với một nữ VĐV so với một cô gái bình thường? Bạn có nghĩ mình có thể tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao sau khi lập gia đình trong tương lai?
 
Các nữ VĐV phải ngâm nắng, da tóc cũng không được đẹp như người thường, nhưng đổi lại chúng tôi có sức khoẻ, tinh thần mạnh mẽ hơn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
 
Tôi vô cùng khâm phục chị Huyền (VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền – PV). Với một người phụ nữ bình thường, khi sinh con xong sẽ rất yếu, nhưng chị vẫn quyết tâm quay lại đường chạy và vẫn vô địch SEA Games. Đặt trường hợp cá nhân tôi, tôi không biết mình có thể làm được điều đó hay không, còn chị Huyền quá tuyệt vời.

Lê Tú Chinh nữ VĐV
 
Lê Tú Chinh nữ VĐV quote
 

*Khoảnh khắc được nghe Quốc ca vang lên là điều tuyệt vời nhất*

 

Chinh có bao giờ tham gia những giải chạy marathon cự ly dài hay không?
 
Tôi cũng có chạy giải marathon. Tôi đăng ký cự ly chạy 5km thôi, chứ tôi chạy 10km không nổi (cười). Sức bền chắc chắn tôi không bằng mọi người, nhưng “lê lết” thì vẫn về được đích chứ tôi không bỏ cuộc.
 
Chinh có lời khuyên nào với những VĐV trẻ, hoặc những người bắt đầu tham gia bộ môn này?
 
Với những VĐV trẻ, tôi nghĩ các em cần cố gắng tập luyện để có thể đứng lên bục cao nhất, để quốc ca của nước mình có thể vang lên ở nước bạn. Đó là điều rất tự hào. Nếu xác định đặt chân vào con đường chuyên nghiệp, mình nên phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn. Chắc chắn sẽ có những hy sinh, nhưng đằng sau đó mình sẽ nhận được nhiều điều. 
 
Khoảnh khắc đứng trên bục cao, lắng nghe Quốc ca vang lên là điều rất tự hào, tôi luôn cảm thấy da gà nổi hết cả lên. Đó là điều rất tuyệt vời. Rất nhiều người không làm được vì không có khả năng.
 
Những bạn mới bắt đầu chơi, có ý định tập thể thao vui khoẻ thì tôi khuyên nên đi tập. Thể thao có nhiều lợi ích về sức khoẻ, nếu công việc stress cũng thoải mái đầu óc. Tôi thấy các anh chị doanh nhân vẫn bỏ tiền để đi chạy.
 
Điều quan trọng nhất với một VĐV điền kinh, theo tôi nghĩ là ý chí. Nếu không có ý chí, chỉ cần tập mệt thôi là buông hết, không tập nổi, chấn thương là bỏ ngay.
 
Chinh có đặt kế hoạch của mình trong vài năm tới hay không?
 
Tôi chưa nghĩ tới chuyện tương lai.
 
Cảm ơn Chinh vì cuộc trò chuyện!
 
Lê Tú Chinh Khoảnh khắc nghe Quốc ca là điều đáng tự hào nhất


Lê Tú Chinh sinh ngày 4/7/1997, là nữ VĐV điền kinh gốc TP HCM. Tại SEA Games 2017 tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia, cô giành HCV 3 cự ly 100m, 200m và 4x100m và được gọi bằng cái tên Nữ hoàng điền kinh Đông Nam Á.
 
Tại SEA Games 2019 diễn ra ở Philippines, Tú Chinh giành HCV cự ly 100m đầy kịch tính khi chỉ hơn VĐV chủ nhà Kristina Knott 0,01 giây. Cô là VĐV tiêu biểu của đoàn Thể thao TP HCM và là một trong những VĐV trọng điểm của đoàn TTVN.

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

top-arrow
X