Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

World Cup 2014: Sử dụng ngôi sao và câu chuyện về Totti, Del Piero

Thứ Sáu 30/05/2014 06:13(GMT+7)

Không phải cứ nhét thật nhiều ngôi sao vào là sẽ thành công. Quan trọng là xây dựng được một cỗ máy trơn tru, với các chi tiết tương thích và kết nối nhịp nhàng. Đó mới là bí quyết chiến thắng ở World Cup này.

Marcelo Lippi ngậm điếu xì gà phì phèo suy tư cả tháng trời, khi World Cup 2006 sắp đến mà ông vẫn chưa giải xong bài toán nhân sự. Giữa Francesco Totti và Alessandro Del Piero, hai số 10 tài giỏi của đội tuyển, nên chọn ai và bỏ ai? Del Piero đã 31 tuổi nhưng chất sáng tạo, sự tinh khôn thì không thể mất đi. Totti, kém hơn Del Piero 2 tuổi, vẫn ở đỉnh cao phong độ.

 

Nếu là hai người tiền nhiệm Dino Zoff và Giovanni Trapattoni, Lippi sẽ làm theo cách đơn giản nhất: chọn cả hai vì cả hai đều giỏi, và để hai anh đá chính. Nhưng cách làm đặc biệt hơn đã từng có tiền lệ.  HLV Ferruccio Valcareggi bước vào World Cup 1970 với câu hỏi chưa được trả lời: Chọn ai giữa Sandro Mazzola và Gianni Rivera – hai cậu bé vàng của đất nước? Valcareggi quyết định đề ra một hệ thống dùng người gọi là la staffetta: Cái rơ le: Mazzola sẽ đá trong hiệp một, Rivera đá hiệp hai, như một chiếc Role bật-tắt, tắt-bật, cứ Rivera vào thì Mazzola ra. Hiệu quả đến tức thì: Rivera gây ấn tượng mạnh trong trận thắng Mexico và Tây Đức rồi lại ngồi dự bị trước Brazil ở chung kết. Nếu năm đó, Brazil không phải một trong những đội bóng mạnh nhất mọi thời đại, thì Mazzola và các đồng đội hoàn toàn có thể vô địch.

Giờ thì, hãy nhớ lại cách Lippi giải quyết vấn đề của mình. Khi Totti bị chấn thương mắt cá vào tháng 2/2006 và phải nghỉ thi đấu suốt 4 tháng, ít người nghĩ anh đủ thể lực dự World Cup. Nhưng Lippi đợi anh bằng được, rồi sốc hơn nữa, cho anh đá chính ngay trận đầu gặp Ghana. Del Piero ngồi dự bị, và chỉ đá chính từ vòng 1/8 gặp Australia, nhưng thật thú vị là trước Australia, Totti mới là người tạo bước ngoặt khi ghi bàn những phút cuối. Gặp Đức ở bán kết, Totti vẫn đá chính còn Del Piero dự bị, nhưng ở hiệp phụ, đội trưởng Juve vào sân và ghi bàn quyết định hạ đội chủ nhà. Đến chung kết trước Pháp, Del Piero trở về… ghế dự bị cho Totti đá chính. Rất linh hoạt. Đó là la staffetta của Lippi.

Trong 1 thập kỷ, tuyển Anh gặp rắc rối lớn với Steven Gerrard và Frank Lampard, khi họ là những trụ cột tại Liverpool và Chelsea nhưng không thể kết hợp với nhau trên tuyển. Phong cách hai anh quá giống nhau, khiến mỗi khi đá cặp cùng nhau, tuyến giữa tuyển Anh luôn chơi với tốc độ cao và mất kiểm soát. Vấn đề rất rõ ràng: Hệ thống chiến thuật quyết định thành bại, không phải tài năng của từng cá nhân.

Đó là lý do tại sao một số HLV kiên quyết đặt chiến thuật lên hàng đầu. Jose Pekerman bất ngờ loại bỏ một loạt ngôi sao tấn công của đội tuyển Argentina trên hành trình đến World Cup tại Đức năm 2006. Ông dựng lên chiếc khung chiến thuật 3-4-1-2, đặt Juan Roman Riquelme vào trung tâm rồi mới nhặt nhạnh những cá nhân phù hợp. Xin nhấn mạnh, phù hợp chứ không phải tài năng. Tuyển Argentina của Pekerman dù bị loại ở tứ kết bởi chủ nhà Đức sau loạt luân lưu năm đó, đến giờ, vẫn là phiên bản tốt nhất của Argentina nhiều năm qua.

World Cup 2014 này,  Alejandro Sabella làm tương tự như Pekerman năm 2006: Quyết loại Carlos Tevez khỏi danh sách đến Brazil, dù anh ghi 19 bàn cho Juventus tại Serie A năm qua. Tương tự, tuyển Đức của Joachim Loew để ngôi sao Mario Gomez ở nhà để mang theo “ông già” Miroslav Klose. Tuyển Brazil dự giải với thành phần bị “châu Âu hóa” chưa từng thấy, bỏ Kaka, bỏ Ronaldinho và Robinho, nhưng lại mang theo một hậu vệ tưởng đã hết thời: Maicon.

Tất cả các HLV kể trên đều thấm thía bài học Rơ-le từ Lippi và Valcareggi. Không phải cứ nhét thật nhiều ngôi sao vào là sẽ thành công. Quan trọng là xây dựng được một cỗ máy trơn tru, với các chi tiết tương thích và kết nối nhịp nhàng. Đó mới là bí quyết chiến thắng ở World Cup này.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

Cách giải thích hợp lý nhất cho bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản

ĐT Nhật Bản vừa có trận đấu đáng nhớ khi xuất sắc thắng ngược Tây Ban Nha 2-1 để giành vé tham dự vòng 1/8 World Cup 2022 với tư cách đội đứng đầu bảng E. Ở trận đấu này, trọng tài đã có quyết định gây tranh cãi khi công nhận bàn thắng của Tanaka.

Xem thêm
top-arrow
X