Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Số phận trái ngược của 2 hậu vệ cùng tên Cường vô địch AFF Suzuki Cup 2008

Thứ Ba 18/11/2014 11:10(GMT+7)

6 năm sau khi ĐT Việt Nam đăng quang tại AFF Suzuki Cup 2008, nhiều thành viên của đội bóng áo đỏ giờ đây đã có những số phận trái ngược. Đặc biệt, hai cầu thủ cùng tên Cường và thi đấu hậu vệ phải là Việt Cường và Quang Cường như hai bức tranh đối lập. Có vẻ sau ánh hào quang là những số phận với cuộc sống đối lập đến kinh ngạc.

LÊN HƯƠNG NHƯ QUANG CƯỜNG

Có lẽ trong số các cầu thủ từng khoác áo ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch năm 2008, Quang Cường là trường hợp điển hình về sự thành đạt ở góc độ thành tích và sự ổn định ở mức “cực khá” về khía cạnh tài chính. Hai năm cùng SHB.ĐN vô địch V.League vào các năm 2009, 2012, Quang Cường trở thành công thần của bóng đá bên bờ sông Hàn.

Lên đỉnh cao, Quang Cường đi đến quyết định đầy bất ngờ đó là giải nghệ khi bước vào tuổi 30. Quang Cường nói rằng đó là quyết định rất khó khăn khi anh phải đứng giữa đam mê và gia đình. Số là năm 2010, Quang Cường lấy vợ nhưng gia đình phải sống trong cảnh “chồng ở Việt Nam, vợ làm ăn ở nước Mỹ”. Trong khi đó với một cầu thủ rất có ý thức giữ gìn về sự nghiệp, đời sống như Cường thì có thể thi đấu thêm vài năm nữa nhưng cuối năm 2012, hậu vệ sinh năm 1982 này vẫn chính thức nói lời chia tay sân cỏ.

So phan trai nguoc cua 2 hau ve cung ten Cuong vo dich AFF Suzuki Cup 2008 hinh anh
Nếu như Việt Cường phải chịu cảnh thất nghiệp và nghèo khó do lối sống phức tạp thì Quang Cường (ảnh nhỏ) đang khá đầy đủ về tiền bạc và hạnh phúc gia đình

“Tôi và vợ yêu nhau 10 năm rồi mới đi đến quyết định cưới vào năm 2010. Cưới xong, cô ấy phải theo gia đình sang Mỹ định cư còn tôi tiếp tục ở lại Đà Nẵng để thi đấu. Cảnh xa nhau biền biệt khiến tôi nghĩ rất nhiều, mình là chồng thì không thể bỏ mặc gia đình 1 nơi, ở phương xa như thế được”, Quang Cường nói về quyết định giải nghệ.

Chia tay sân cỏ, cựu hậu vệ này khăn gói sang Mỹ “tái hợp” với người vợ đã bao năm, suốt tháng đợi chờ mình. Bước sang chương mới, Quang Cường quyết định cùng vợ mở hệ thống spa, chăm sóc sức khỏe tại Mỹ.

“Gia đình nhà vợ đã có sẵn các cửa hàng spa nên giờ vợ chồng tôi chỉ mở rộng thêm và trực tiếp quản lý. Nói chung vừa từ đá bóng sang cái nghề này cũng nhiều thứ bỡ ngỡ lắm, nhưng được cái may là vợ tôi nhanh nhẹn nên công việc làm ăn thuận lợi”, Quang Cường chia sẻ. Ổn định về cuộc sống và tài chính dư dả, Quang Cường nói rằng mình cảm thấy may mắn khi có hậu phương vững chắc từ người vợ.

LẬN ĐẬN VIỆT CƯỜNG

Nếu xét ở góc độ chuyên môn thì Việt Cường có nhiều điểm nhỉnh hơn người đá cùng vị trí cánh phải ở ĐT Việt Nam năm 2008 là Quang Cường rất nhiều. Nhưng sự khác biệt trên sân cỏ lại không “vận” vào đời sống của hậu vệ người Đồng Tháp.  Sau đỉnh cao năm 2008, Việt Cường được vô số đội bóng sẵn sàng chi đậm để có được chữ ký của anh. Và năm 2010, Việt Cường đã về đầu quân cho N.SG với số tiền lót tay không dưới 10 tỷ đồng.

Tiền bạc, danh vọng có sẵn trong tay nhưng Việt Cường đã không biết giữ gìn đặc biệt thời điểm anh chuyển về đầu quân cho XMXT.SG, rất nhiều điều tiếng không hay về cầu thủ thuộc dạng không phổi này. Việt Cường cứ thế chìm dần vào những tin đồn và đời sống phức tạp của anh đã hủy hoại hoàn toàn những gì tốt đẹp trong quá khứ.

Đánh mất mình trên sân cỏ và nền tảng thể lực ngày càng yếu đi, Việt Cường khiến ngay cả những đồng đội năm xưa bất ngờ về sự xuống dốc của mình. Trong nhiều trận đấu, Việt Cường chỉ có thể đá 70 phút rồi sau đó toàn đi bộ trên sân. Và sau khi XMXT.SG giải tán, Việt Cường hầu như mất tích trong đời sống bóng đá nội.

Đi lên từ xứ bưng biền với cuộc sống vất vả, Việt Cường đã đánh bạc với số phận của mình khi lên Sài thành hoa lệ. Đời sống sinh hoạt phức tạp nên khá nhiều CLB dù thích tài năng của anh nhưng cũng không dám nhận cầu thủ này. Cuối mùa năm ngoái, anh đi hỏi khắp các đội bóng từ Bắc chí Nam để hy vọng được thử việc, nhưng hoặc là bị từ chối hoặc là sau vài buổi thử việc thì các HLV đành phải lắc đầu.

Rơi vào cảnh thất nghiệp suốt từ năm ngoái đến nay, Việt Cường cũng hy vọng sớm trở lại sân cỏ nhưng đến lúc này khi gánh nặng tuổi tác đã đè lên vai lại có nhiều điều tiếng không hay thì hậu vệ người Đồng Tháp rất khó để có thể mơ về bến đỗ mới trong sự nghiệp của mình.

Bóng đá chất chứa những số phận lạ kỳ nhưng việc sung sướng, có cuộc sống hạnh phúc hay lận đận sau ánh hào quang là do con người quyết định. Thế nên khi nhìn vào bức tranh phản chiếu mang tên Quang Cường – Việt Cường, chắc chắn nhiều cầu thủ trẻ sau này sẽ đúc kết ra những bài học bổ ích cho mình. Bởi có thể việc lên đỉnh vinh quang đã khó khăn nhưng để giữ, duy trì được nó để có cuộc sống sung túc là điều mà không phải bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể làm được.

Điển hình tiên tiến Công Vinh
Có lẽ trong đội hình ĐT Việt Nam vô địch năm 2008, Công Vinh là cầu thủ thành đạt nhất. Không chỉ có được sự nổi tiếng, yêu mến của đông đảo NHM mà ở góc độ gia đình thì Công Vinh xứng đáng được ngưỡng mộ. Sau 3 lần được chuyển nhượng với số tiền lót tay xấp xỉ 30 tỷ đồng, Công Vinh mua căn nhà gần 200m vuông tại TP.HCM và sau khi hoàn thành căn biệt thư này thì số tiền đã lên đến gần 20 tỷ đồng. Ăn ở trong biệt thự “triệu độ” và ý thức giữ nghề cao, Công Vinh được NHM ái mộ và kể cả có bị sa chân thì anh vẫn được nhiều đội bóng sẵn sàng đón về mà trường hợp B.BD vừa qua chi 7 tỷ đồng để mua anh là ví dụ điển hình nhất.

Nhiều cầu thủ đổi đời sau AFF Suzuki Cup 2008
Bên cạnh “điển hình tiên tiến” Công Vinh thì vẫn có hàng loạt các cầu thủ khác khoác áo ĐT Việt Nam năm 2008 đã đổi đời thực sự sau ánh hào quang. Có thể kể ra đây các trường hợp như Tấn Tài, Quang Hải những người có được cơ ngơi hoành tráng tại Khánh Hòa hay Việt Thắng cũng lên chức ông chủ với hệ thống nhà hàng tại TP.HCM và bây giờ đang là HLV tại trung tâm bóng đá PVF. Có thể nhận thấy điểm chung của các cầu thủ này đó là họ có ý thức vun vén cho cuộc sống gia đình và biết tích góp để có sau này giải nghệ thì vẫn có thể sống khỏe.

Theo Bongdaplus.vn

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X