Thứ Ba, 24/12/2024 Mới nhất
Zalo

Bao giờ Premier League tiến hành… “Anh hóa”

Chủ Nhật 12/10/2014 08:34(GMT+7)

 Một nền bóng đá được coi là mạnh khi và chỉ chi giải vô địch quốc gia của đất nước đó cung cấp cho ĐTQG những nhân tố đầy tài năng. Đáng tiếc là ở Anh, Premier League lại không thể làm tốt điều đó.

Không phủ nhận ĐT Anh đã có những nỗ lực cải thiện hình ảnh trong mắt người hâm mộ. Họ đã vươn lên vị trí thứ 18 ở BXH FIFA tháng 9 (trước đó tháng 7 và 8, ĐT Anh rơi tự do từ hạng 10 xuống 20). Và kể từ sau khi bị loại ngay khỏi vòng bảng World Cup 2014, đoàn quân của HLV Roy Hodgson cũng đã có mạch 3 trận toàn thắng, đáng kể trong đó là 2 cuộc chạm trán với Thụy Sỹ và San Marino ở vòng loại EURO 2016.

Chiến thắng trước San Marino không khẳng định ĐT Anh đang sở hữu lực lượng hùng hậu
Chiến thắng trước San Marino không khẳng định ĐT Anh đang sở hữu lực lượng hùng hậu

Thế nhưng điều đó không thể che lấp thực tế ĐT Anh yếu thế hơn nhiều so với những cường quốc bóng đá như Đức, Italia, Pháp hay Hà Lan,… trên bình diện châu Âu. Có thể Tam Sư sẽ sớm giành vé tới nước Pháp nếu cứ tiếp tục phong độ như hiện tại, song để mơ cạnh tranh chức vô địch với những “con ngáo ộp” kể trên thì thực sự là rất khó. Nguyên nhân là bởi Tam Sư không sở hữu một tập thể với nhiều cái tên xuất chúng trong đội hình.

Hãy nhìn những cái tên được coi là có "số má" trong tay của HLV Roy Hodgson lúc này. Đó chỉ là Danny Welbeck, Chamberlain, Jack Wilshere, Daniel Sturridge,… Không phủ nhận họ có tiềm năng, nhưng so với bình diện châu Âu thì đây chỉ là những cái tên thuộc dạng trung bình khá cả về chất lượng lẫn thương hiệu. Và ngay cả với Rooney, ngôi sao sáng giá nhất của ĐT Anh hiện tại cũng khó có thể ngồi “chung mâm” với những cái tên thượng hạng như Cristiano Ronaldo, Iniesta hay Frank Ribery về đẳng cấp.

Những bất ổn trên bắt nguồn từ chính Premier League, nơi được coi là nguồn cung cấp cầu thủ chính cho ĐT Anh. Xu hướng đa quốc tịch ở Premier League – giải đấu cao nhất của bóng đá Anh thực tế đã và đang… giết dần “bầy sư tử”. Theo thống kê của Transfermarkt, trong 6 giải đấu hàng đầu châu Âu gồm Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Italia), Ligue 1 (Pháp), Eredivisie (Hà Lan) và Bundesliga (Đức) thì Ngoại hạng Anh là nơi sử dụng ít nội binh nhất với chỉ 171/516 cầu thủ mang quốc Anh.

Xót xa hơn, những đội bóng mạnh nhất Premier League cũng chẳng mặn mà chuyện tạo điều kiện cho các nội binh phát triển là mấy. Cụ thể trong đội hình chính của Arsenal, chỉ có 6/29 cầu thủ xuất thân ở xứ sở sương mù. Con số này còn thấp hơn ở những Chelsea (3/24 người) và Man City (5/24 người). Liverpool và M.U là những CLB tin dùng các cầu thủ Anh nhất. Nếu The Kop có tới 8/25 cầu thủ Anh thì ở M.U, con số này là 10/28. Đấy là chưa nói đến chuyện trong số ít những cầu thủ này, không phải ai cũng có cơ hội cạnh tranh một suất đá chính.

Thực tế Liên đoàn bóng đá Anh đã nhận thấy nguy cơ này nhiều năm về trước. Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, chương trình Elite Player Performance Plan (EPPP) đã được xây dựng và phát triển với mực đích ươm mầm nhiều tài năng trẻ người Anh hơn. Tính tổng cộng đến thời điểm này, ở 72 CLB thuộc Championship, League One và League Two, có tới 95% trong tổng số 8.500 cầu thủ lứa từ 8-18 tuổi đang được đào tạo ở các học viện bóng đá mang quốc tịch Anh. Chiến lược này đã gặt hái được trái ngọt đầu tiên, khi U17 Anh bước lên bục vinh quang châu Âu cách đây 5 tháng trước.

Song nếu chỉ ươm mầm rồi để đấy thì không bao giờ có ngày trở thành đại thụ. Áp lực về thành tích quá lớn khiến các đội bóng và HLV thường sử dụng những ngôi sao thành danh hoặc các ngoại binh chất lượng, hơn là đặt niềm tin vào những tài năng trẻ do chính họ đào tạo ra. Không chỉ vậy, các đại gia không phải lúc nào cũng mua cầu thủ về và trọng dụng luôn. Họ có thể đem cho mượn, làm phương án dự phòng hoặc thậm chí là ngăn chặn đối thủ cạnh tranh trực tiếp có được cầu thủ tiềm năng.

Một vấn đề nữa là khác với Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia hay Tây Ban Nha, những cầu thủ Anh không có xu hướng đi… “du học”. Những trường hợp thất bại của Michael Owen, David Beckham, Jonathan Woodgate khi xuất ngoại trong quá khứ đã khiến các tài năng trẻ rơi vào nỗi lo “khôn nhà dại chợ”.

Và khi mảnh đất tài năng bị thu hẹp, những “măng non” này chỉ còn biết loanh quanh trong những CLB dạng trung bình. Tất nhiên, khi không có được môi trường “màu mỡ” để chơi bóng và hoàn thiện kỹ năng, những “mầm chồi” vừa được ươm lên đã chết yểu ngay cũng là điều dễ hiểu.

Premier League bao giờ mới "Anh hóa"? Với giải đấu mà các đội bóng chăm chăm vào thành tích, danh vọng, tiền bạc và ngôi sao như ở Ngoại hạng Anh thì chỉ có 2 câu trả lời thỏa đáng. Một, đánh vào tài chính các CLB bằng những quy định. Hoặc hai bản thân các cầu thủ nội địa tỏa sáng rực rỡ.

Song trong khi các tài năng trẻ không tìm được đất diễn thì những quy định siết chặt số lượng nội binh ở các CLB của FA cũng khó có thể áp dụng khả thi. Nên nhớ, giải Ngoại hạng Anh lúc này đã rất... ngoại, chứ không còn thuộc toàn quyền quản lý của những người thuần chất Anh như trước nữa. 

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X