Không thể phủ nhận sự thật rằng Carlo Ancelotti là một trong những HLV xuất sắc nhất Lục địa già, trong suốt quãng thời gian hơn 10 năm qua. Thế nhưng, sự nghiệp của ông lại cũng thuộc hạng lận đận bậc nhất.
Trong khi Van Gaal thích mua ai thì mua ở Old Trafford, Jose Mourinho toàn quyền về mặt nhân sự ở mọi nơi ông đặt chân qua, thì Carlo Ancelotti vẫn được coi là người bề tôi trung thành của mỗi vị Chủ tịch ở các đội bóng bằng việc luôn loay hoay tìm cách sử dụng những con người theo kiểu "được ấn vào tay", tức là ông chẳng mấy khi có được tiếng nói trong một đội bóng dù chuyên môn của Carletto xuất sắc khỏi bàn cãi. Thế mới thấy rằng để có được những gì ưng ý nhất trong sự nghiệp của một HLV, người ta cần phải có thêm cả cá tính nữa, bên cạnh việc giỏi sắp xếp đội hình, điều binh khiển tướng.
Sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ với tư cách là một tiền vệ trung tâm xuất sắc từng khoác áo những đội bóng lớn nhất Italia thời bấy giờ là Parma, Roma và Milan cùng với 26 lần khoác áo ĐTQG Italia, Carlo Ancelotti gia nhập trường Đại học Coverciano chuyên ngành HLV bóng đá. Ông tốt nghiệp với luận án về chiến thuật cây thông 4-3-2-1 mà sau đó đã giúp AC Milan thống trị châu Âu thời đầu thế kỉ XXI. Trong chặng đầu của sự nghiệp huấn luyện, Carletto đã thể hiện mình là một con người thực sự tài năng trên băng ghế chỉ đạo khi đư Reggiana lên hạng ngay trong mùa đầu dẫn dắt, đưa Parma về nhì Serie A mùa 96/97, phát hiện ra 2 tài năng mà về sau là trụ cột của ĐTQG Italia trong suốt cả thập kỉ trước là Gianluigi Buffon và Fabio Cannavaro. Dù chặng 1999 - 2001, Juventus của Carlo Ancelotti không mấy thành công, nhưng bù lại, nhiều người đánh giá Juve về nhì Serie A 2 lần của Carletto mạnh hơn thời Marcelo Lippi rất rất nhiều.
Ancelotti và Ronaldo đều không hài lòng về chính sách chuyển nhượng của Perez, nhưng thay vì "kêu ầm" lên như CR7, Carletto chỉ chấp nhận và tiếp tục loay hoay với những quân cờ không ưa thích |
Sau đó, Ancelotti kế thừa đội hình không danh hiệu của Fatih Terim rồi đưa AC Milan tới Bán kết UEFA Cup 2001/02. Tới đây, sự "chịu đựng khổ sai" của Ancelotti bắt đầu, ngay khi chương đầu của sự thành công trong sự nghiệp cầm quân mới bắt đầu. Lúc ấy, Chủ tịch lâu năm của Rossoneri, Silvio Berlusconi cực kì cáu giận với lối chơi thiên về phòng thủ của Ancelotti, dù cho với lực lượng ở thời điểm đó, chỉ có trên một nền tảng phòng ngự, AC Milan mới có thể thành công. Thế nhưng, Carletto vẫn im lặng, nhẫn nhịn nghiên cứu, tìm tòi và từ đó "phát minh" ra một lối chơi cực kì sáng tạo dưới nền tảng thay đổi chiến thuật nhân sự. Ông mạnh dạn để một Dida vụng về bắt chính, kéo Andrea Pirlo về chơi tiền vệ phòng ngự ngay sau lưng Rui Costa. Ông để cho Filippo Inzaghi và Andriy Shevchenko thống trị hàng công với tư cách của những chân sút xuất sắc. Nụ cười trên môi Berlusconi tươi rói, khi mùa 2003/04, Carletto mang về cú đúp vô địch Champions League và Coppa Italia. 1 năm sau đó, Milan giành Scudetto một cách vô cùng thuyết phục. Ancelotti mang lại thành công cho AC Milan dù cho giới chủ bắt ép ông phải chơi theo một lối chơi không phải của mình. Berlusconi vui, nhưng Carletto hiểu rằng những thành công này không dựa trên nền tảng vững chắc mà ông mong muốn. Thế nên phải tới năm 2007, khi Berlusconi cho phép Ancelotti được chơi theo cách mình muốn, AC Milan lập tức vô địch Champions League tại Athens một cách cực kì oai hùng theo một phong cách rất riêng, mang về cho các Milanista một cảm giác tự hào khó tả.
Thành Nguyễn
Chuyển tới Chelsea, lại một lần nữa Ancelotti phải nghe theo những quyết định độc đoán của giới chủ mà ở đây là "gã lắm tiền người Nga" Roman Abramovich. Lúc này, những gì mà Ancelotti không được quyền quyết định là vấn đề nhân sự, nói một cách nôm na giống như là "Abra mua người về và bắt Ance sử dụng được những người đó cho ông xem". Mùa 2009, Ancelotti cực kì thích mang một số học trò cũ ở Milan sang nhưng bị Ancelotti kịch liệt phản đối. Lúc đó, Abramovich đang cực thích những cầu thủ người Nga vừa tỏa sáng tại vòng chung kết EURO 2008, và ông đưa Yuri Zhirkov về Stamford Bridge, bên cạnh những Daniel Sturridge hay Ross Turnbull. Không ai trong số này là người mà Ancelotti nhắm tới trên "chợ chuyển nhượng", thế nhưng Carletto vẫn ngay lập tức giành Siêu cúp nước Anh và Cú đúp vô địch Premier League - FA Cup mùa 2009/10 với kỉ lục ghi bàn nhiều nhất với 103 bàn thắng.
Trong mùa bóng tiếp theo, Chelsea lại tiếp tục mua bán không hiệu quả khi đưa về Ryan Bertrand, Tomas Kalas, Yossi Benayoun, Fernando Torres và David Luiz. Thực ra nghe thấy cái tên Torres và Luiz cũng thấy rất "thích", nhưng khi đó người mà Ancelotti muốn chỉ là Luiz. Ông đã thuyết phục Abramovich rằng Torres sẽ không thể tỏa sáng được, nhưng ông chủ người Nga không nghe. Kết quả, Torres tắt ngóm, Ancelotti rời Stamford Bridge không kèn không trống. Thế nhưng ông chấp nhận, chẳng quay lại phàn nàn về đội bóng ấy lấy một câu, dù thực sự ông đã bị bạc bẽo.
Sau một quãng thời gian thành công ở PSG (thực sự để vô địch Ligue I không khó với HLV cỡ Ancelotti), Ancelotti tiếp tục chuyển tới Real Madrid, đúng vào lúc Perez đang muốn có những cầu thủ trẻ nổi lên từ VCK U21 thế giới. Perez 24 triệu euro cho Isco, 32 triệu euro cho Asier Illarramendi, và rồi Ancelotti quả thực đã không dùng tới 2 cái tên này. Người được Perez mua về mà được ông sử dụng nhiều nhất là bản hợp đồng kỉ lục của CLB, Gareth Bale (105 triệu euro). Vụ Bale có thể chấp nhận như một thương vụ đáng đồng tiền bát gạo, nhưng trong cùng năm đó, Perez bán Higuain cho Napoli để đổi lấy 40 triệu euro, bỏ mặc Ancelotti ở đó với bài toán nhân sự thiếu hụt trên hàng công với chỉ một mình Karim Benzema vốn không được chiến lược gia người Italia ưa chuộng. Đỉnh điểm của việc Ancelotti không được quyết định về mặt nhân sự là việc Perez bán luôn đôi học trò cưng Xabi Alonso - Angel Di Maria để đưa về Toni Kroos - James Rodriguez để thay thế, bất chấp Ancelotti thực sự đã kêu gào rằng Perez không được bán những người này, vì chất lượng chuyên môn đội bóng sẽ đi xuống một cách thê thảm.
Việc Real đi xuống đã được Ancelotti dự báo trước, nhưng Perez không nghe. Suy cho cùng hậu quả rằng Kroos và James cực kì nhạt nhòa trên sân, Real Madrid thua sấp mặt 2/3 trận đầu tiên tại La Liga mùa này cũng chỉ vì Carletto không được trao quyền. Nếu ông có quyền quyết định về nhân sự đội bóng, chắc chắn không bao giờ Carletto bán đi bộ đôi nói trên. Và bây giờ, một chương mới trước mặt Ancelotti lại bắt đầu, với những con người ông không mong muốn. Thói quen chiến thắng khi bị phản đối liệu rằng có được tiếp tục, hay ông lại ra đi không kèn không trống bởi quy luật đào thải khủng khiếp tại Bernabeu? Chẳng ai rõ, nhưng nếu Real có ra nông nỗi này hay tệ hơn nữa, xin đừng đổ tội lên Carletto bởi đơn giản đó không phải là lỗi của ông.
Thành Nguyễn