Chiếc ghế HLV tại Chelsea là một câu chuyện dài kể từ khi Roman Abramovich lên nắm quyền tại Stamford Bridge. Có những sự thay đổi của tỷ phú người Nga đem đến thành công, nhưng không ít trong số đó khiến người ta phải đặt câu hỏi.
Ai cũng biết Roman Abramovich là một tỉ phú dầu mỏ người Nga, tuy nhiên việc ông theo Do Thái giáo là điều mà chỉ có những ai chịu khó tìm hiểu về người đàn ông sinh năm 1966 này mới nắm được. Người Do Thái nổi tiếng với sự thông minh xuất chúng, và Abramovich chưa bao giờ là một ngoại lệ. Năm 2006, ở tuổi 40, Abramovich là người giàu nhất nước Nga và giàu thứ 11 thế giới. Nếu trong thời điểm hiện tại, Mark Zuckerberg, bằng phát kiến vĩ đại mang tên Facebook, đã trở thành tỉ phú ở cái độ tuổi mà với nhiều người sự nghiệp mới chỉ bắt đầu; thì có thể ví von rằng Abramovich chẳng khác gì Mark Zuckerberg của thế giới dầu mỏ và của nước Nga. Ông bắt tay vào kinh doanh từ những năm 1980, và trở thành một phần của giới siêu giàu vào giữa những năm 1990, khi chỉ mới xấp xỉ 30 tuổi.
Những quyết định thay HLV của Abramovich liệu có giúp Chelsea tốt lên? |
Roman thông minh là thế, nên ai cũng nghĩ đằng sau việc bỏ ra tới ngót nghét 70 triệu bảng chỉ để sa thải huấn luyện viên (HLV) trong hơn 10 năm trở lại đây đương nhiên là những toan tính kĩ lưỡng, những sự cân nhắc, nâng lên đặt xuống cẩn thận trong bộ não vĩ đại ấy. Tuy nhiên, khi nhìn lại những quyết định ấy, phải chăng bao giờ tỉ phú người Nga cũng làm đúng? Carlo Ancelotti bỏ túi 6 triệu bảng rời Stamford Bridge sau khi vô địch Premier League mùa 2009/2010 cùng một lối đá phóng khoáng như những gì Abramovich đã hằng ước mong và giúp The Blues ghi tới 103 bàn thắng trong mùa giải đó. Cuộc chia tay đầy mùi của sự thiếu kiên nhẫn xảy ra chỉ vì Abramovich muốn Carletto mang lại cho ông chiếc cúp danh giá Champions League ở mùa giải thứ 2 mà ông cầm quân. Rời Chelsea, chiến lược gia người Italia đến với Santiago Bernabeu và giúp Real Madrid hoàn thành cú Decima thần thánh. Đã bao giờ Abramovich tự đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu Ancelotti được cho thêm một và chỉ một mùa giải nữa?
Đến khi Roberto Di Matteo lên tiếp quản chiếc ghế nóng cuối mùa giải 2011/2012 để thay Andre Villas-Boas, đạp ngã Hùm xám Bayern Munich ở trận Chung kết Champions League để biến Chelsea thành ông vua mới của châu Âu (tức là hoàn thành công trình mà Carlo Ancelotti còn đang làm dang dở), thì Abramovich cũng không cần đợi đến 3 tháng kể từ khi mùa giải 2012/2013 khởi tranh để kí trát đuổi Di Matteo ra đường. Đến tận tháng 6/2014, Chelsea vẫn phải trả đều đặn cho Di Matteo số tiền lên tới 130.000 bảng mỗi tuần. Abramovich thông minh, nhưng phải chăng ông rất thiếu kiên trì trong cả cách tiêu tiền và cả trên con đường chinh phục danh hiệu? Người ta thường hay rất phung phí những gì mà người ta có; thú vị làm sao, Abramovich có tiền, rất rất nhiều tiền. Người ta coi Abramovich không khôn ngoan khi thương thảo hợp đồng với Di Matteo, Abramovich nghĩ 130.000 bảng một tuần… chẳng là cái gì cả.
Di Matteo mất việc chỉ nửa năm sau ngày giúp Chelsea đăng quang Champions League |
Khi tìm cách giải quyết cho một vấn đề bất kì, chúng ta thường nhìn vào gốc rễ của nó và triệt đi cái gốc ấy. Nhưng bộ não gốc Do Thái xuất chúng của Abramovich đã làm gì khi chứng kiến Diego Costa chỉ ghi được 2 bàn sau gần 20 trận, Cesc Fabregas kiến tạo không bằng 10% mùa trước, Eden Hazard trở nên vô cùng xuất sắc trong kĩ năng biến mất khỏi đường pitch và đi bóng vào chỗ tối, còn Chelsea của ông thì có lúc chỉ hơn nhóm xuống hạng vẻn vẹn 4 điểm? Ông sa thải Jose Mourinho, một “kẻ vốn không chung thuỷ” nhưng đã sẵn sàng ở lại Stamford Bridge lâu dài để cống hiến hết tâm sức mà không màng tới độ dài thời gian, một HLV có thể dẫn dắt những Maicon, Lucio, Samuel và Chivu trở thành bộ tứ vệ đáng sợ nhất châu Âu những năm 2010, đánh bại cả Barcelona và Bayern Munchen với đội hình toàn những “ông già thất sủng” - từ Diego Milito, Samuel Eto'o cho đến Goran Pandev để bước lên tột đỉnh vinh quang trong lịch sử tồn tại bằng cú ăn ba thần thánh. Gốc rễ của vấn đề ai cũng thấy, nhưng cách giải quyết của Abramovich, vẫn luôn như thế, là chặt đi phần ngọn.
“Quyền lực trong phòng thay đồ” chẳng phải điều gì quá lạ lẫm ở Stamford Bridge. Tuy vậy, nhóm Terry - Drogba - Lampard - Cech ngày trước giống “anh cả” của đội hơn là những kẻ cậy quyền trấn áp những người khác. Chưa một ai trong số này sẵn sàng bán rẻ màu áo xanh như cái cách mà Diego Costa hay Cesc Fabregas đã làm. Chỉ tới đó thôi là đã quá đủ để người ta không buồn đặt câu hỏi về khát vọng cống hiến của “nhóm quyền lực đen” cho Chelsea nữa, mà có thể khẳng định ngay, thứ khát vọng ấy dường như không tồn tại, hoặc là đã vơi cạn tới đáy. Ai đó có thể bênh vực nhóm ngôi sao này bằng cách lý luận rằng Mourinho chính là nguồn gốc của sự thiếu khát vọng ấy, rằng 3 năm về trước, chẳng phải Người Đặc biệt đã bị cả Iker Casillas và Cristiano Ronaldo công khai chống đối trong những ngày cuối ở Real Madrid?
Không. Cesc Fabregas và Diego Costa đã trở lại thật đấy; nhưng từ khi Guus Hiddink lên nắm quyền, Chelsea vẫn thua ngon lành từ PSG ở Champions League cho tới Everton ở FA Cup. Và thua ở đây tức là thua toàn diện. Nói không ngoa, Abramovich sa thải Mourinho cũng… chẳng để làm gì cả; Chelsea vẫn trắng tay, không hẳn là một đống đổ nát, nhưng vẫn lộn xộn và như con rắn mất đầu. Đến lúc này, người ta mới nhận ra rằng vấn đề chẳng hề nằm ở Mourinho, Hiddink hay Conte - người đang được đồn đoán sẽ nắm chiếc ghế nóng tại Stamford Bridge kể từ mùa 2016/2017. Vấn đề nằm ở một đội quân sẵn sàng phản bội cả ông chủ của mình, HLV của mình và cả những khán giả thân thương của mình để đổi lấy một vị thế, một “cái oai” trong phòng thay đồ mà không hiểu họ sẽ còn gắn bó bao lâu nữa.
Việc Abramovich sa thải Mourinho vấp phải rất nhiều sự phản đối |
Rồi tới năm sau, khi Antonio Conte về cầm quyền tại Stamford Bridge (nếu không có gì thay đổi), liệu rằng với một bộ khung rệu rã, kẻ có tuổi, người đá không đúng sức, người đàn ông trẻ đã lên đỉnh Serie A cùng với một Juve có chất lượng đội hình vượt trội so với mặt bằng chung giải đấu có thể hồi sinh một Chelsea cạn khô sức sống? Cứ giả định rằng tất cả những cá nhân “không ổn” được đề cập ở trên bị bán đi để Conte có một bộ khung mới hoàn toàn, thì những Pogba hay Cuadrado liệu có thể dùng 1 năm, thậm chí là 2 năm để thích nghi với Premier League, và để Abramovich - Conte trở thành một “mối tình” lâu dài, bền chặt?
Nếu họ thất bại thì Conte, hoặc bất kì ai đó khác, sẽ lại trở thành một nạn nhân tiếp theo của chiếc máy xay HLV Roman Abramovich như những gì “muôn năm cũ” đã xảy ra đến mức quen thuộc mà thôi. Kì lạ thay, khi mâu thuẫn giữa Mourinho và các cầu thủ dưới trướng bùng nổ, máy quay trên sân Stamford Bridge cũng chẳng mấy khi chiếu cận cảnh Abramovich trong khuôn khổ các trận đấu như ngày trước. Phản ứng của ông thế nào trước sự “rối như canh hẹ” của hệ thống vây cánh cũng chẳng ai hay. Báo chí lười đưa tin ư, báo chí bị Mourinho và các học trò làm cho quên đi Abramovich ư? Không, vì ai mà chẳng quen với cái cười ngạo nghễ và cách cảm ơn bằng những tấm séc hàng chục triệu bảng của tỉ phú người Nga rồi…
Thành Nguyễn - Trên Đường Pitch
Thành Nguyễn - Trên Đường Pitch
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan: