Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Man City mùa 2011/2012: Khi người ta trẻ

Thứ Hai 25/04/2016 20:06(GMT+7)

Premier League 2015/2016 đang chứng kiến cuộc đua hấp dẫn đến ngôi vô địch giữa Tottenham và Leicester, một cuộc đua khiến người ta phần nào nhớ tới mùa giải 2011/2012 lịch sử của Manchester City.

Man City mua 20112012 Khi nguoi ta tre hinh anh
Man City đã làm nên một mùa giải 2011 - 2012 đáng nhớ
Mùa 2015/16 đã đi tới vòng 34, Leicester City vẫn đang hơn Tottenham Hotspur 5 điểm. Người ta nói rằng 4 vòng còn lại với 12 điểm tối đa cũng vẫn là đủ để Gà Trống tạo nên một cuộc lật đổ vĩ đại. Thực ra năm nay, ai vô địch trong số hai cái tên này cũng sẽ vĩ đại cả thôi: Leicester City, nếu lên ngôi, có lẽ sẽ là một trong số những bất ngờ lớn bậc nhất của lịch sử Premier League, trong bối cảnh đã nỗ lực vươn mình lên thành kẻ thống trị từ ứng cử viên số 1 cho tấm vé xuống hạng. Còn với Tottenham, lần cuối họ lên ngôi tại xứ sở sương mù đã cách đây đúng 55 năm.
 
Thế nhưng, dù bất kì ai lên ngôi thì vẫn sẽ có những người nuối tiếc cho những kẻ chiến bại. Trong trường hợp Bầy Cáo giương cao chiếc cúp như lẽ xứng đáng phải thế, người ta vẫn sẽ xót thương cho những chú Gà Trống đã chiến đấu bền bỉ và kiên trì cho tới tận những vòng đấu cuối cùng. Tottenham năm nay trẻ, hừng hực khát vọng chiến đấu. Nhìn những Harry Kane, Dele Alli, Christian Eriksen hay Erik Lamela, Toby Alderweireld thi đấu, ta biết rằng việc không được nâng cao chiếc cúp sẽ là một bất công với họ. Những kẻ đã chiến đấu vì vinh quang ấy thực ra vẫn là những chàng trai trẻ măng, và nếu không thành công, họ có quyền gạt đi sự thật rằng mình đã là những người đàn ông và khóc như những đứa trẻ. Vì suy cho cùng, họ xứng đáng vô địch vì đã vượt qua tất cả những ông lớn của những năm cũ.
 
Tottenham của năm nay có những nét khiến người ta liên tưởng đến Man City của mùa 2011/12. Gạt vấn đề tiền bạc, áp lực từ phía giới chủ, mức lương… đi, Man City cũng đã quả cảm như thế, chiến đấu đến từng phút cuối trước QPR như thế. Khi người ta trẻ, người ta sẽ làm mọi thứ để theo đuổi lý tưởng của mình. Cũng như Tottenham mùa này, Man City đã tưới mát mùa 2011/12 theo cách như thế.
 
Một lực lượng trẻ, một trái tim trẻ

Nói không ngoa, ta đã từng nghĩ Man City mùa 2011/12 mà không vô địch, thì chẳng biết đến bao giờ họ mới vô địch. 44 năm đã qua rồi, nửa xanh thành Manchester phải núp dưới bóng của gã hàng xóm màu Đỏ vĩ đại; và giới chủ dầu mỏ đã phải đổ hàng trăm triệu bảng Anh để lột xác lực lượng cho đội bóng tầm trung ấy. Ở Ngoại hạng Anh, tiền không bao giờ mang lại thành công tức thì mà phải trải qua thời gian mới phát huy tác dụng. Mùa 2011/12 là thời gian chính xác nhất để Man City có thể lên ngôi, bởi ngày ấy họ có sự dung hoà của đồng tiền và sức trẻ.
 
Man City mua 20112012 Khi nguoi ta tre hinh anh 2
Balotelli và màn ăn mừng nổi tiếng
Những cầu thủ lớn tuổi nhất của Man xanh vào thời điểm đó mới chỉ 31, bao gồm có Wayne Bridge, Stuart Taylor, Gareth Barry, Owen Hargreaves và Kolo Toure. Không ai trong số này đóng vai trò trụ cột không thể thay thế ở Etihad. Ở chiều ngược lại, Sergio Aguero mới 23 tuổi, Samir Nasri 24, Joe Hart 25, Vincent Kompany, David Silva và Edin Dzeko cũng chỉ chạm mốc 26. 28 là số tuổi của Yaya Toure và Carlos Tevez, những người già nhất trong nhóm trụ cột. 26 đến 30 là tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ, và khi điểm rơi phong độ của những “lão làng” như Toure và Tevez kết hợp cùng với khát vọng được cháy của những Hart hay Aguero, người ta đã thấy một Man City cống hiến, đầy tính thống trị ở giải Ngoại hạng, nhất là trên sân nhà. Để đặc tả Man City mùa ấy, dùng những từ như “quyến rũ”, “rực lửa” có vẻ như khá chủ quan; chỉ dùng từ “hết mình” là đủ.
 
Sự hết mình ấy chứng tỏ những cầu thủ áo xanh mùa ấy không chỉ chiến đấu vì tiền, mà còn vì danh dự và danh hiệu. Bằng chứng rõ ràng nhất? 6 điểm trọn vẹn trước kình địch, kẻ ngáng đường lớn nhất, gã hàng xóm khó nhằn Manchester United. Trong đó có một chiến thắng 6-1 ngay trên thánh địa Old Trafford. Và cũng chưa ai quên màn ăn mừng được đồng đội hưởng ứng nhiệt liệt với chiếc áo lót in chữ “Why always me?” của Mario Balotelli.
 
Một chiến thuật "thời thượng"

HLV Roberto Mancini đã xây dựng một bộ khung “trông giống như” 4-4-1-1 cho Man City. Tuy nhiên, khi Aguero và Tevez (hoặc Dzeko) cùng ở trên sân cùng một lúc, đội hình này có thể chuyển thành 4-2-3-1 (với một tiền đạo mũi nhọn và một cầu thủ có kỹ thuật cùng khả năng quấy rối chơi ngay phía sau lưng) hoặc 4-4-2. Trong sơ đồ này, các cầu thủ của Man City di chuyển gần nhau, với việc hai tiền vệ cánh có thiên hướng bó vào trung lộ, tạo khoảng trống hai hành lang cho các hậu vệ cánh dâng lên. Điều này đảm bảo cho hệ thống vận hành bóng ngắn của Mancio phát huy tác dụng. Chúng ta không lạ với hình ảnh một Man City chơi “all-out attack” với Zabaleta và Kolarov dường như giao khoán nhiệm vụ phòng ngự cho bộ đôi Joleon Lescott - Vincent Kompany.
 
Man City mua 20112012 Khi nguoi ta tre hinh anh 3
Chiến thuật hợp lý giúp Man City tiến tới thành công
Chính cách chơi cuốn hút người xem này đã suýt vài lần cho Aguero và các đồng đội nếm trái đắng. Man City của ngày đó rất sợ phản công, nhất là đòn hồi mã thương từ cánh của đối thủ. Hai ví dụ điển hình nhất là trong các cuộc đụng độ với Sunderland và QPR tại Etihad. Đội quân tưởng như không biết thua mỗi khi về nhà đã bị The Black Cat dẫn 1-3 cho tới phút 80, nhưng rất may 2 bàn thắng muộn đã cứu sống họ. Tại vòng 38, QPR trong thế thiếu người đã dạy cho Man City một bài học về phản công với bàn thắng theo kiểu tạt cánh đánh đầu cơ bản do công của Jamie Mackie. Vẫn là 2 bàn thắng muộn theo 2 phong cách khác nhau mang về chiến thắng cho Man xanh: pha đánh đầu từ tình huống phạt góc của Dzeko và đường phối hợp ngay trước vòng 16m50 của đối thủ của Balotelli cùng Aguero. 2 pha lập công này ngọt ngào tới không tưởng khi nó mang về cho CĐV Man City chiếc cúp vô địch Premier League sau 44 năm chờ đợi, còn Aguero như đánh mất mình với pha cởi áo ăn mừng trong niềm vui tột độ ở phút 90+3.
 
Lại nói về sự đa dạng trong các miếng đánh của Man City. Mùa 2011/12 chứng kiến khả năng tạo và kết thúc cơ hội theo nhiều cách khác nhau: đánh biên dùng bóng bổng, chọc khe hay những pha solo mãn nhãn. Sự phong phú trong mảng miếng này đến từ trình độ của các cá nhân tiền tỉ mà Mancini sở hữu. Tuy không thể không khẳng định rằng chất lượng đội hình mà Man City sở hữu là vượt trội so với mặt bằng chung, nhưng phong cách thi đấu dồn dập ở nửa phần sân đối phương cùng với thiên hướng kiểm soát càng nhiều bóng trên sân càng tốt là chìa khoá để Man City thành công trong cả việc tìm kiếm danh hiệu và giành được tình cảm của khán giả.
 
Vĩ thanh

Đối với nhiều người, chức vô địch mùa 2013/14 của Man City ít cảm xúc hơn lần lên ngôi mùa 2011/12. Mùa 2013/14, tập thể Man City bản lĩnh hơn nhiều và lên ngôi có phần lạnh lùng. Họ có thể thua Liverpool ngay trong cuộc đối đầu trực tiếp, nhưng khi The Kop hụt hơi ngay sau trận ấy, không bản lĩnh và lạnh lùng thì Man City cũng khó có thể nắm bắt được thời cơ. Mùa 2011/12 chứng kiến một Man City vừa thống trị, nhưng cũng vừa tươi trẻ; vừa mạnh mẽ, nhưng lại có điểm rất mong manh. Thế nhưng với riêng các CĐV Man City mà nói, chứng kiến một chức vô địch tràn ngập cảm xúc và có phần “đau tim” như thế thì đáng nhớ hơn nhiều. 
 
Man City mua 20112012 Khi nguoi ta tre hinh anh 4
Chức vô địch dành cho Man xanh là hoàn toàn xứng đáng
Giờ đây, những chàng trai trẻ ngày ấy đã trở thành những cầu thủ già dơ hơn, thậm chí những Yaya Toure hay kể cả David Silva đã cho thấy những dấu hiệu của tuổi tác. Không ai nói lúc này Jesus Navas không hết mình, không cố gắng; nhưng người ta vẫn nhớ một Silva mùa 2011/12 chơi nghịch chân ở cánh phải với một chuỗi hành động không ai có thể đoán trước. Vận động viên điền kinh Yaya Toure giờ chơi cầm chừng ở tuyến giữa, còn Kompany vẫn chơi hay, nhưng việc anh đã ở lưng chừng dốc bên kia của sự nghiệp thể hiện ở việc hậu vệ người Bỉ lúc này dành nhiều thời gian hơn trong phòng hồi phục chức năng. Với những Joe Hart hay Aguero vẫn trẻ, vẫn khoẻ mà đầy kinh nghiệm, Man City lúc này có thế vào tới Bán kết Champions League; nhưng xem Man xanh lúc này người ta có cảm giác họ dễ bị bắt bài hơn và khó đá với những đội ở cửa dưới.
 
Người ta nói lúc này Man City cần thay máu. Họ cần một siêu dự bị như Edin Dzeko, một trung vệ trưởng thành hơn Mangala, một kẻ cầm trịch thay thế Yaya Toure, một cái tên đủ tầm chia lửa cùng Aguero hay những đôi cánh hoàn toàn mới trám vào chỗ của những đôi chân đã mòn phần nào tốc độ cùng sự sắc sảo. Điều đó đúng. Nếu những Guendogan hay Laporte dâng cao chiếc cúp vô địch Premier League cùng Pep Guardiola trong ít nhất một lần trong vài năm tới, đó sẽ không phải là hình ảnh lạ. Chỉ mong rằng, lần nâng cúp ấy, Man City của tương lai sẽ làm sống dậy những cảm xúc của một Man City nhiệt huyết và đầy sức sống của 4 năm về trước… 

Thành Nguyễn - Trên Đường Pitch
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X