Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Tiếng kêu ai oán của Hải “gà”

Thứ Bảy 27/10/2012 19:33(GMT+7)

Tuần qua, những lời than thân, trách phận của tiền đạo Quang Hải thực sự gây tiếng vang, nhưng là hiệu ứng ngược, không được chia sẻ, dễ bị chọc quê: Hải “gà”…oán ngâm khúc!

Chuyện của Hải “gà”

Cách đây mấy năm, vào Nha Trang, vì tò mò, người viết trên đường chạy xe máy ra bến đi Vinpearl, tranh thủ tạt qua nhà Quang Hải ở khu Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên để xem cơ ngơi của ngôi sao này thế nào. Bác xe thồ chỉ về phía cái quán nước ọp ẹp. Bạn tôi ngồi sau buột miệng: “Nhà ngôi sao thế này ư?”

Giờ đây, dĩ nhiên ngôi nhà tồi tàn đó đó đã biến mất sau khi Quang Hải hoàn tất vụ chuyển nhượng ngoạn mục về Navibank Sài Gòn với giá 9 tỷ đồng (năm 2011), hưởng lương 53 triệu đồng/tháng. Hải “gà” xây nhà cho mẹ, cho 3 chị gái 3 sổ tiết kiệm. Bản thân tiền đạo này xây nhà riêng 3 tỷ đồng, “bật mí” có hai lô đất. Riêng đàn gà chọi 30 con (như báo phản ánh), có con giá 50 triệu. Chỉ làm phép tính nhẩm, rõ ràng Quang Hải xứng với chết danh Hải “gà”, thậm chí có thể gọi là “vua gà chọi” ở miền Trung.

Quang Hải còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì biết dành dụm thu vén cho gia đình
Quang Hải còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì biết dành dụm thu vén cho gia đình

Vậy thì, cho dù đang bấp bênh ở N.SG, việc Quang Hải rên siết như thế liệu có quá đáng chăng? Hỏi đã là trả lời. Không hiểu tính cách của Quang Hải kể từ khi đổi đời thế nào, nhưng rõ ràng, kể từ khi khoác áo N.SG, phong độ của Hải đi xuống. Những chỉ số là bằng chứng xác thực nhất: năm bàn (2011), bốn bàn (2012). Sẽ lý giải sao đây, mùa bóng 2010, trong màu áo Khatoco Khánh Hòa, Hải “gà” ghi được 13 bàn. Nhớ lại, hầu hết 13 bàn thắng là sự bùng nổ ở lượt về.

Vì thời điểm đó, Quang Hải muốn làm thương hiệu cho bản thân để tìm bến đỗ lạc quan. Để đẩy được giá cao, ở giai đoạn nhạy cảm, phương thức hữu hiệu nhất của cầu thủ là cắn răng ra đá để thể hiện phong độ cao nhất. Nếu ở câu lạc bộ không gây hiệu ứng mạnh, cầu thủ đó buộc phải tìm mọi cách đánh bóng bản thân trong màu áo tuyển, nếu được vinh dự đó.

Nếu nói về hiệu quả, rõ ràng N.SG đã đầu tư không đúng địa chỉ với phi vụ Hải “gà”. Dấu ấn mà Quang Hải mang lại trong màu áo tuyển (sau Suzuki Cúp 2008) cũng không đáng kể. Tóm lại, về chuyên môn Quang Hải không đáng được ngợi ca đến tận mây xanh như thế.

Nhưng Hải “gà” không có lỗi, anh chỉ là nạn nhân của công nghệ lăng-xê, những biến ảo vi diệu và chụp giật của thị trường chuyển nhượng bát nháo như hiện nay. Rất nhiều bản hợp đồng không đổi lại hiệu quả, tương tự N.SG bỏ 9 tỷ đồng để có được Hải “gà”.

May mắn đã ghé thăm Quang Hải ở thời điểm phong độ anh đang tốt nhất. Nói theo kiểu ngôn ngữ cầu thủ thời điểm hiện tại là Hải gặp thời, thế thôi!

Chuyện của Quyến, Vượng

Còn may cho Hải “gà’, khi đa số tiền đá bóng anh đều dành để vun vén cho gia đình, và thỏa mãn niềm đam mê chơi gà chọi. Trong khi đó, không ít cầu thủ thuộc hạng sao, từng thành công sớm hoặc gây sốc trên thị trường chuyển nhượng, loanh quanh rồi trắng tay. Trung vệ Như Thành hiện đang rơi vào tình trạng đó. Người ta còn đồn rằng, Huy Hoàng, quán quân lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong giới cầu thủ thế hệ 8X, cũng đang rơi vào khó khăn, thậm chí khánh kiệt!?

Bóng đá xứ Nghệ còn hai cầu thủ khác đang thực sự khiến dư luận mủi lòng, Văn Quyến và Quốc Vượng. Nói, viết, luận bàn về Văn Quyến, thần đồng, cầu thủ duy nhất ở Việt Nam trong 12 năm qua từng có thu nhập cao nhất ở tuổi đôi mươi, đã quá nhiều. Cơ hội để Văn Quyến làm lại từ đầu cũng chẳng ít. Vậy mà, đến nay việc xin một nơi chốn để “tạm trú” buổi xế chiều của sự nghiệp, vẫn quá khó khăn. Sông Lam Nghệ An đang rơi vào thế khó xử, với “Thằng béo”, bỏ thì thương, vương thì nặng!

Quốc Vượng còn thảm hơn. Tiền vệ này xin đá bóng không lương cho SLNA, nếu được lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ chấp thuận. Kể cả lúc nguyện vọng đó được cụ thể hóa, Vượng “Cơ” còn phải vượt qua cửa ải khác, Thanh Hóa, đội bóng mà tiền vệ gốc Nghệ chưa hết hợp đồng.

Cả Quyến và Vượng tài sản trong tay giờ đây chẳng đáng bao nhiêu. Họ, và cả Huy Hoàng nghĩ gì, khi một đồng đội từng bặt tăm trong rừng sao xứ Nghệ là Thắng “đầu bò”, theo thống kê, đã sở hữu riêng tiền chuyển nhượng qua nhiều đợt là 11,1 tỷ đồng?

Dạy đá bóng trước hay dạy người trước?

Thế hệ cầu thủ trước đây, những người tài đức vẹn toàn không hiếm gặp. Nhưng sau 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, tìm một thần tượng đúng nghĩa, để bất cứ phụ huynh nào đó có thể yên tâm bảo con rằng: “thần tượng của con thật tuyệt vời”, biết tìm ai trong rừng sao bóng đá hiện tại?

Có những căn bệnh nhức nhối đang tồn tại trong cơ thể một bộ phận lớn cầu thủ hiện nay: sự thực dụng đến lạnh lùng, lối sống hưởng thụ, rất ngán ngại cống hiến cho xã hội, gồm các hoạt động thiện nguyện và rất coi thường khán giả khi ra sân. Bóng đá ngốn biết bao tiền, đổi lại đa số là dư vị đắng chát.

Khi phông văn hóa hạn chế, tiền bạc kiếm quá dễ nhưng không được dạy cách tiêu tiền, một bộ phận lớn cầu thủ đánh mất mình là chuyện tất yếu. Chúng ta cảm nhận rất rõ sự phấn khởi nếu thi thoảng được đọc, xem một tấm gương cầu thủ nào đó biết trân quý đồng tiền, biết chia sẻ những khó khăn cho xã hội.

Một thời gian quá dài, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ thiên về đào tạo cầu thủ đá bóng, mà quên đi vai trò đào tạo con người cho thế hệ cầu thủ trẻ. Cầu thủ là nhân nhân vật chính trên sân. Họ cũng là yếu tố quyết định thành bại của sự nghiệp phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Nếu không được uốn nắn từ sớm, dĩ nhiên để thành trễ rồi thì vô ích

Tiếng kêu ai oán của Hải “gà”, có lẽ xuất phát từ tâm trạng vốn quen sự sướng quá (giống như số đông cầu thủ), nay không được đáp ứng, chợt cảm thấy mình là khổ nhất thế gian!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X