Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Điểm danh những "Quỷ đỏ" có nguy cơ "ra đường" mùa hè này

Thứ Năm 15/05/2014 14:26(GMT+7)

Sau một mùa bóng thảm hoạ và tồi tệ bậc nhất trong kỷ nguyên Premier League, chắc chắn Man Utd sẽ phải trải qua cuộc biến động nhân sự mạnh mẽ trong hè 2014 nhằm mục tiêu xây dựng một đội hình chất lượng hơn, có sức cạnh tranh cao hơn hòng sớm giành lại vị thế đích thực trong mùa tới. Thủ quân Nemanja Vidic đã chính thức ra đi và chuyển sang Inter Milan còn Rio Ferdinand cũng vừa nói lời chia tay. Vậy thì, tiếp sau họ sẽ là những ai. Dưới đây là những "ứng cử viên tiềm năng" nhất.

Patrice Evra

Patrice evra
 

Giống như Vidic, hợp đồng của Evra chuẩn bị hết hạn và đến giờ, chưa xuất hiện động thái nào từ Old Trafford cho thấy rằng anh sẽ được giữ lại. Việc Man Utd vẫn "lừng khừng" là do chưa chiêu mộ được một hậu vệ trái mới đủ sức thay thế Evra. Tuy nhiên, hãy tin rằng, quãng thời gian Evra ở lại Man Utd chỉ còn tính bằng ngày mà thôi bởi đơn giản, chưa cần biết ai sẽ lên làm HLV trưởng đội bóng nhưng kiểu gì, vị trí của Evra cũng sẽ được lưu tâm đầu tiên trong kế hoạch mua sắm. Hậu vệ người Pháp đã già (32 tuổi), phong độ đã suy giảm đáng kể nên sớm muộn không còn đất sống ở một đại gia. Thậm chí, Man Utd thay sớm Evra chừng nào tốt chừng đó chứ giữ mãi anh trong đội hình sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của những gương mặt trẻ trung hơn hiện đang thuộc biên chế của đội như Buttner chẳng hạn. Cứ cho cầu thủ sinh năm 1989 người Hà Lan không quá tài năng và đẳng cấp như Luke Shaw, gương mặt được cho là mục tiêu số 1 của Man Utd cho vị trí hậu vệ trái nhưng rõ ràng, trong bóng đá, một cầu thủ mà không được ra sân thường xuyên thì khó có thể đưa ra cái nhìn chuẩn xác nhất. Đâu thiếu gì những con người từng khá mờ nhạt khi còn trẻ song đến tuổi trưởng thành, đã bùng nổ dữ dội.

Anderson

Có lẽ chẳng cần phải nói quá nhiều về trường hợp này vì Anderson quá xưng đáng là cái tên đầu tiên cần phải thanh lý. Gia nhập Man Utd vào năm 2007 từ Porto (Bồ Đào Nha) với mức phí không hề rẻ nhưng suốt những năm qua, cầu thủ người Brazil không làm sao thoát nổi cái vỏ bọc "sao tiềm năng" dù bây giờ, Anderson chẳng còn trẻ trung gì (26 tuổi). Không thể nói Man Utd đã không trao cho Anderson cơ hội. Hồi còn tại vị, Sir Alex luôn ra sức bảo vệ, bao bọc cậu học trò nhưng ông chẳng được đền đáp lại tương xứng. Anderson được ra sân không ít nhưng đa phần để lại nỗi thất vọng tràn trề và hoạ hoằn lắm mới đem đến sự hài lòng. Bên cạnh lý do thể lực (Anderson thường xuyên dính chấn thương và không có được sức bền cần thiết để thi đấu ở môi trường đề cao sức mạnh như Premier League) thì quả thật, tài năng của Anderson rất có hạn và cơ hội đột nhiên bứt phá trong tương lai gần là chuyện không tưởng. Bằng chứng, trong giai đoạn hai của mùa giải vừa rồi, Anderson đã bị đẩy sang Fiorentina theo diện cho mượn. Bản thân tiền vệ này rất hào hứng với cơ hội chứng tỏ mình ở Serie A và Fiorentina cũng rất tạo điều kiện song rốt cục Anderson chẳng để lại được ấn tượng nào nên giờ kể cả Man Utd có "biếu không" Anderson thì đội bóng Italia cũng chẳng thèm. Xem ra, Man Utd sẽ cố gắng "bán tống bán tháo" Anderson chứ khó có khả năng mở đường về nước Anh cho cầu thủ này.

Nani

Gia nhập Man Utd cùng thời điểm với Anderson và không đến nỗi quá tệ như người đồng đội song vấn đề của Nani nằm ở chỗ: anh quá phập phù dù xét về mặt năng lực, Nani có đầy đủ tố chất của một tiền vệ cánh đẳng cấp. Còn nhớ mùa bóng 2010-2011, sau vài mùa "lởm khởm", Nani đã chơi tuyệt hay và trở thành đầu tàu của đội bóng trong chiến dịch chinh phục thành công danh hiệu Premier League. Tưởng như với nền tảng đó, Nani sẽ bắt đầu "thăng" nhưng hoá ra, anh mau chóng quay lại đúng "hiện trạng" trước đó. Giống như Anderson, thể lực của Nani thực sự có vấn đề khi anh thường xuyên phải nhập viện điều trị chấn thương (cũng có thể sức khoẻ của Nani không phù hợp với Premier League nên chỉ cần phải hoạt động với cường độ cao, chạy nhảy nhiều trên sân đã khiến mọi thứ "phát tác"). Hãy nhớ rằng, những năm gần đây, Man Utd thiếu hẳn đi những tiền vệ cánh tầm cỡ như David Beckham hay Ronaldo ngày nào đồng nghĩa cơ hội phát triển dành cho Nani là cực lớn, đặc biệt kỹ năng tổng thể của anh còn được nhìn nhận toàn diện hơn hẳn so với Ashley Young hay Valencia song rốt cục, Nani đã chẳng nắm bắt được. Điều kỳ lạ, tại ĐTQG Bồ Đào Nha, Nani luôn giữ phong độ khá tốt và cùng Ronaldo tạo thành bộ đôi trụ cột không thể thay thế của Seleccao (nhiều bận Ronaldo vắng mặt thì Nani chính là người đeo băng thủ quân). Hồi tháng 9 năm ngoái, Man Utd đã ký hợp đồng mới có thời hạn 5 năm với Nani song đó không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai khi mà mùa này, đóng góp của Nani gần như bằng không. Bản thân Nani cũng cần tìm hướng đi khác cho sự nghiệp chứ không nên nhất quyết bám trụ ở Old Trafford. Biết đâu đấy, ở một nơi khác, một giải đấu khác (Serie A chẳng hạn), Nani sẽ thực sự toả sáng.

Anders Lindegaard

Anders Lindegaard
 

Được Man Utd đưa về hồi đầu năm 2010, lúc huyền thoại Van der Sar đã lên kế hoạch giải nghệ vào cuối mùa 2010-2011, thủ môn người Đan Mạch rất kỳ vọng sẽ được đứng vào khung gỗ đội bóng và tiếp bước tiền bối đồng hương Peter Schmeichel tạo dựng tên tuổi ở thành Manchester nhưng đến mùa hè 2011, Lindegaard đã không khỏi thất vọng khi Man Utd chiêu mộ David De Gea, thủ môn trẻ sáng giá bậc nhất thế giới vào thời điểm đó. Tất nhiên, Lindegaard trở nên yếu thế so với người đồng đội kém 6 tuổi (Lindegaard sinh năm 1984) nhưng anh vẫn kiên trì và nhẫn nại gắn bó với Man Utd để mong "ngày mai tươi sáng". Không thể phủ nhận, Lindegaard thường chơi rất tốt mỗi khi được trao cơ hội ra sân. Có thời điểm do De Gea liên tiếp mắc sai lầm (mùa 2012-2013), cờ đã đến tay Lindegaard và anh đã phất được tuy nhiên chừng đó là không đủ để anh thực sự chiếm lấy vị trí số 1 của "đàn em" bởi khi đó với Sir Alex, De Gea mới là tương lai lâu dài của đội bóng còn Lindegaard xét cho cùng chỉ xứng đáng sắm vai "dự bị" mà thôi. Việc Fergie vĩ đại trừng phạt và đe doạ "bỏ rơi" De Gea chẳng qua chỉ là chiêu trò khích tướng thủ môn này mà thôi. Quả thật, sau khi được thi đấu trở lại, De Gea đã thể hiện tuyệt hay, khiến Lindegaard lại phải mài đũng quần trên băng ghế huấn luyện. Đến mùa vừa rồi, phong độ và sự ổn định của De Gea còn được đẩy lên tầm cao mới, khiến vị thế của Lindegaard càng trở nên "bèo bọt". Bởi thế, không ít lần, thủ môn đã bày tỏ nguyện vọng ra đi để tìm kiếm chỗ đứng thường xuyên hơn khi mà anh đã bước sang tuổi 30, không còn nhiều thời gian thi đấu đỉnh cao và Man Utd có lẽ khó lòng giữ chân dù chẳng đời nào họ chịu mất một phương án dự phòng "xịn" đến thế cho khung thành.

Javier Hernandez

Chuyển đến Man Utd khi mới chỉ nổi tiếng trong phạm vi nhỏ hẹp của quê nhà Mexico, Chicharito mau chóng xác lập thương hiệu "siêu dự bị" tại Premier League. Quả thực, năm đầu tiên khoác màu áo Đỏ, Javier Hernandez luôn thể hiện bản năng sát thủ đáng sợ, đặc biệt sau khi được tung vào sân thay người. Hồi đó, "Hạt đậu nhỏ được xem là sự phối kết hợp hoàn hảo giữa hai hình mẫu tiền đạo từng thi đấu cho Man Utd: "ông vua vòng cấm" Nistelrooy và "cao thủ ghi bàn từ băng ghế dự bị" Ole Gunner Solsjaer. Thế nhưng hai mùa bóng kế tiếp, anh không còn tạo được ấn tượng mạnh và có phần dậm chân tại chỗ chứ không tiếp tục bứt phá dù rằng vẫn sở hữu hiệu suất ghi bàn không quá tồi. Đến mùa vừa rồi thì Chicharito thực sự chìm nghỉ. Anh chỉ còn là sự lựa chọn thứ yếu cho hàng công và khả năng chớp thời cơ siêu hạng cũng dần biến mất khi tiền đạo này thường xuyên bỏ lỡ những tình huống ăn bàn thuận lợi. Không những vậy, thay vì vui vẻ chấp nhận vai trò "diễn viên đóng thế" thì Chicharito lại đòi được ra sân thường xuyên dù rằng vào thời điểm hiện tại, anh chưa đủ sức cáng đáng trọng trách nặng nề trên hàng công giống như Rooney hay Van Persie. Dường như, Chicharito vẫn chỉ hợp với vai trò "ngôi sao từ băng ghế dự bị" mà thôi. Chính cái suy nghĩ đó khiến chân sút này ngày càng rời xa Old Trafford và dịp World Cup 2014 sắp tới sẽ là cơ hội để "Hạt đậu nhỏ" quảng bá thương hiệu nhằm tìm kiếm một bến đỗ mới ngon lành không thua gì Man Utd trong khi "Quỷ đỏ" sẽ rất khó giữ chân Chicharito, một khi đảm bảo được một suất đá chính ở mùa tới mà điều này nghe chừng rất mơ hồ.

Marouane Fellaini

Mùa hè này, Man Utd mà chấp nhận bán Fellaini thì chắc chắn phải chấp nhận gánh chịu khoản lỗ nặng bởi ngay từ thời điểm mua về hồi mùa hè năm ngoái, họ đã phải bỏ ra số tiền (hơn 27 triệu bảng) vượt xa giá trị thực của tiền vệ người Bỉ. Và rồi, mùa bóng vừa qua, Fellaini khiến tất cả phải thất vọng tràn trề khi trình diễn bộ mặt nghèo nàn và phong độ nhạt nhoà trên sân cỏ. Chẳng ai còn nhận ra một tiền vệ từng được xem là ông chủ tuyến giữa Everton, thậm chí sự thể hiện của Fellalini còn dưới mức trung bình. Được làm việc với người thầy thân thiết và hiểu mình đến "từng chân tơ kẽ tóc" mà Fellaini còn "lởm" như vậy thì thử hỏi khi rơi vào tay một nhà cầm quân khác, chẳng rõ Fellaini sẽ tụt xuống đến mức nào. Thêm nữa, sẽ chẳng biết bố trí Fellaini vào đâu. "Chiến binh tóc xù" đã hoàn toàn không cáng đáng nổi vai trò tiền vệ trung tâm, chịu trách nhiệm kiểm soát, phân phối bóng. Anh cũng không có kỹ năng của một tiền vệ biên, đương nhiên Fellaini càng không thể trở thành một "số 10" trong lối chơi, nhất là khi cái vinh dự sẽ phải thuộc về Juan Mata (hoặc Wayne Rooney). Tuy nhiên, có lẽ phải chờ đến những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa hè thì may ra tương lai của Fellaini mới được định đoạt vì còn phụ thuộc vào việc liệu nhà cầm quân mới có thể đưa về Old Trafford những tiền vệ trung tâm như ý. Bằng không, chưa biết chừng Fellaini vẫn được ở lại và tiếp tục trao cơ hội bởi ít ra, anh trẻ hơn Carrick, giàu kinh nghiệm hơn Cleverley và chưa hết thời như Fletcher.

Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X