Sân nhà, dự giải với lực lượng mạnh nhất nhưng Argentina cũng chỉ đi đến tứ kết Copa America 2011. Thất bại 4-5 trên loạt đấu súng 11m trước Uruguay khiến cho giấc mơ của Albiceleste thêm một lần nữa trở thành dang dở.
5 kì Copa America gần đây, chưa khi nào Argentina được đánh giá cao như là ứng cử viên số 1 cho danh hiệu vô địch đến thế. Trong khi đối thủ chính Brazil đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ, Argentina dự giải với tư cách chủ nhà. Họ còn có một lực lượng mạnh nhất với dàn sao thượng thừa đang chinh chiến ở châu Âu cùng "hiện tượng" của bóng đá thế giới trong vòng 3 năm qua: Lionel Messi.
Argentina có một giải đấu thất vọng tràn trề
Nhưng hi vọng thật nhiều thì cũng thất vọng thật nhiều, Messi đã không thể là chính anh như cái cách anh đã bùng nổ dữ dội trong màu áo Barcelona. Trước những đội bóng ở "chiếu dưới" của sự chênh lệch về đẳng cấp, Messi mờ nhạt trước Bolivia và Colombia, anh chỉ tỏa sáng trước "khách mời" Costa Rica. Nhưng 3 đường kiến tạo và không ghi được bàn thắng nào sau 4 trận đấu là một nỗi thất vọng ghê gớm. Messi vẫn là cầu thủ chơi hay nhất của Albiceleste. Anh chạy, anh sút, anh chuyền bóng vẫn nhiều nhất đội nhưng có lẽ, những gì tốt đẹp nhất của Messi đã ở lại với Barca. Còn ở Argentina, Messi chỉ là một vệt mờ. Anh bỏ lỡ ngay cả những cơ hội được cho là ngon ăn nhất...
Khi ngôi sao sáng nhất không thể hiện được mình thì đương nhiên người Argentina cũng không thể hy vọng vào những ngôi sao khác nữa. Pastore, Tevez, Aguero... những cầu thủ đang khiến cả thị trường chuyển nhượng châu Âu phải điên đảo với những lời đề nghị bom tấn chơi mờ nhạt. Di Maria hay Mascherano cũng không khẳng định được vai trò của mình. Chiến thắng trước một Costa Rica quá yếu làm người ta lầm tưởng về sự thức dậy của một con quái vật đã ngủ quên. Nhưng trước Uruguay, không có con quái vật nào cả. Argentina đã chơi hơn người trong phần lớn thời gian trận đấu nhưng lối chơi của họ không mang đến cảm giác của một đội bóng có lợi thế về mặt nhân sự. Họ bất lực trong việc định đoạt số phận trận đấu để rồi tự "hạ sát" mình trên loạt đá luân lưu.
Bao giờ Argentina vô địch?
Khó lắm. Đúng là rất khó để trả lời cho câu hỏi ấy. Argentina đang cùng với Uruguay là đội có được 2 chức vô địch thế giới cũng như 14 lần vô địch Nam Mỹ. Nhưng lần cuối cùng Argentina đăng quang ở cúp thế giới đã là năm 1986 và cũng đã 18 năm qua, "ngôi vua" ở Nam Mỹ vẫn là một danh hiệu mà Albiceleste không thể với tới. Giải đấu nào Argentina cũng không thiếu những ngôi sao, nhưng chẳng giải đấu nào họ đi hết chặng đường để hoàn thành những giấc mơ của chính mình.
Năm 2010, khi Argentina của Diego Maradona dừng bước trước Đức ở tứ kết, "cậu bé vàng" là người phải nhận cơn phẫn nộ từ phía Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA) cũng như người hâm mộ. Sau World Cup, Maradona bị sa thải và Sergio Batista lên nắm quyền. Khi Argentina có được những chiến thắng ở các loạt trận giao hữu, người Argentina bắt đầu đem Maradona và Batista ra để so sánh. Một số cho rằng "Cậu bé vàng" hay hơn, số khác lại cho rằng Batista mới là người xuất sắc. Con số ủng hộ Batista cao hơn so với Maradona bởi họ tin rằng dưới triều đại của cựu HLV đội Olympic Argentina, ông Batista sẽ giúp Messi tỏa sáng như cái cách ông đã đưa anh thăng hoa ở Olympic Bắc Kinh 2008 (Argentina là đội vô địch). Song rốt cuộc, Batista vẫn chỉ như Maradona, nếu không muốn nói là kém hơn.
Quay trở lại với câu hỏi "bao giờ Argentina sẽ vô địch?", sau World Cup 2010, chưa một Albiceleste nào dám đưa ra câu trả lời. Và với thất bại ở Copa America 2011, vấn đề ấy càng trở nên mông lung và mờ mịt hơn. Argentina không bao giờ thiếu những ngôi sao nhưng vấn đề của họ là tính tập thể cũng như sự định hình về mặt lối chơi. Cứ sau mỗi thất bại, AFA lại tiến hành thay tướng và khi mỗi một HLV mới lên thay, lại có một cuộc cách mạng mới được diễn ra. Xu thế chung của bóng đá thế giới phải thế nhưng liệu đã đến lúc AFA nên tính đến một sự thay đổi vĩ mô hơn, nhất là khi những giấc mơ của Argentina vẫn mãi dang dở?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Có thể bạn quan tâm
- Inter Milan phiên bản Gasperini: 3 hậu vệ, 3 tiền đạo và chạy như một lũ điên...
- Vụ Alexis Sanchez: Barca và Udinese đàm phán thất bại
- Chuyển nhượng ở Man City: Samir Nasri tiếp đạn cho Sergio Aguero
- Liverpool mua sắm rầm rộ: Từ bóng tối 2010 đến ánh sáng 2011
- Câu chuyện của Real Madrid: Castilla chỉ còn những người gác đền