Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Câu chuyện về "Ronaldo Việt Nam"

Chủ Nhật 28/09/2014 17:05(GMT+7)

 Rắn rỏi, đầy sức mạnh và có phong cách thi đấu rất giống ngôi sao đang khoác áo Real Madrid - C.Ronaldo, đó chính là tiền vệ Trần Phi Sơn.

Sơn cùng đồng đội đã lập nên kỳ tích mới cho bóng đá Việt Nam là lọt vào vòng 1/8 với tư cách là đội đầu bảng với hai trận toàn thắng. Đặc biệt là trận thắng đối thủ cực mạnh là Olympic Iran 4-1 ngay trong ngày mở màn.

 

Cánh chim mồ côi vững chãi

Nhiều người cảm thấy có một sự trùng lặp nào đó khi nhiều cầu thủ trẻ xuất thân từ những gia đình không thật sự êm ấm, thậm chí họ phải trải qua rất nhiều mất mát lại thi đấu rất giỏi. Chẳng hạn như Văn Quyến, bố mẹ chia tay nhau từ nhỏ, Quyến phải sống với mẹ. Rồi đến người em họ Tuấn Tài đang trong thành phần đội U.19 Việt Nam cũng sớm mất bố. Bố Tuấn Tài chính là cậu ruột của Văn Quyến. Bố mẹ Công Vinh cũng chia tay từ rất lâu. Rồi đến đàn em Công Phượng, bố mẹ thì nghèo, còn người anh trai từng chơi bóng cùng đã qua đời vì tai nạn đuối nước.

Ở đội Olympic trước kia cũng có tuyển thủ Văn Thắng mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng điều khá kỳ lạ là cả hai giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League các mùa giải 2012 và 2014 - Minh Vương và Trần Phi Sơn - đều là những cầu thủ trẻ vượt qua nỗi đau mất cha để tiếp tục thi đấu, cống hiến cho bóng đá. Lao Động & Đời Sống từng có bài về cầu thủ Minh Vương - cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2014 mất cha sau khi được nhận vào lớp năng khiếu bóng đá của HAGL. Trường hợp Minh Vương khá giống với Trần Phi Sơn - cầu thủ người Hà Tĩnh đoạt giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải 2012. Với Phi Sơn, bố anh là người có ảnh hưởng tuyệt đối tới niềm đam mê chơi bóng của anh. “Nếu không có bố, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ đến được với nghiệp cầu thủ”.

Sơn kể, hồi nhỏ thấy con suốt ngày gắn mình với trái bóng, một ngày bố của Sơn đã hỏi con: “Con có thích ba xin cho con học bóng đá ở SLNA?”. Đó chính là bước ngoặt của Phi Sơn, ngay sau đó, Phi Sơn và bố khăn gói lên Vinh để thi vào lớp U.13 của SLNA. Học ở SLNA được vài năm thì tai họa ập xuống. Năm 2010, khi Sơn đang thi tốt nghiệp PTTH, bố anh đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư vòm họng. Những ngày cuối cùng của bố, Phi Sơn không có mặt vì bận thi môn cuối. Đó cũng là điều Phi Sơn nuối tiếc nhất.

Bố mất, chỗ dựa về kinh tế và tinh thần cũng mất theo, kinh tế gia đình Sơn phụ thuộc vào nồi cháo mà hai bố mẹ Sơn vẫn bán hàng ngày ở khu vực thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Khi đó, Phi Sơn đã quyết định từ bỏ niềm đam mê của mình để về quê giúp mẹ mưu sinh. Sơn nghĩ, thôi thì mình hy sinh sở thích, đam mê của mình cho Hà (Phi Hà - em của Phi Sơn, cũng đang là học viên của SLNA) và giúp mẹ.

May mắn thay, chính những HLV ở SLNA đã quyết tâm không để mất “viên ngọc thô” Phi Sơn. Đích thân HLV đội 1 SLNA là Hữu Thắng đã tới tận Phố Châu để thuyết phục Sơn trở lại. Lúc đó, Sơn nghĩ: “Bóng đá là con đường để thoát nghèo”. Chính vì vậy chàng trai mới 17 tuổi quyết tâm quay lại với bóng đá và thầm hứa với người cha đã mất là sẽ trở thành một cầu thủ giỏi, một cầu thủ chuyên nghiệp.

Một “Ronaldo” của Việt Nam

Năm 2012, tại giải U.21 Quốc tế tổ chức ở Gia Lai, khán giả đã “nổi da gà” với những pha đi bóng “như rang lạc” của một cầu thủ trẻ. Hỏi ra mới biết đấy là Trần Phi Sơn. Cái cách Sơn đi bóng, sút bóng khá giống với Ronaldo, vì thế khán giả yêu SLNA ví Phi Sơn là Ronaldo của Việt Nam.

Hai năm sau ngày bố mất, Phi Sơn đứng lên bục nhận giải thưởng “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất 2012” tại lễ trao giải Quả bóng Vàng. Đó chính là bước đệm để Phi Sơn “lên thẳng” tuyển Olympic. Lẽ ra, cái tên Phi Sơn phải được biết đến nhiều hơn khi anh có 2 bàn thắng cực đẹp trong trận gặp Bangu ở BTV Cup 2013, thế nhưng đó lại chính là trận đấu mà dư luận đặt vấn đề với những cầu thủ Olympic Việt Nam. Khi Sơn bị thay ra thì những cầu thủ còn lại thi đấu chùng xuống để đội bạn gỡ 3-3, sau đó, HLV Hoàng Văn Phúc bị tạm đình chỉ công tác huấn luyện.

Một SEA Games không thành công trên đất Myanmar của cả đội U.23 Việt Nam, nhưng với riêng Phi Sơn, thêm một lần nữa anh có được sự thừa nhận của đồng đội và người hâm mộ. Tại Hàn Quốc, Sơn đã có một trận đấu “để đời”, ấy là trận Olympic Việt Nam gặp Olympic Iran. Trước trận đấu, không ai nghĩ Olympic Việt Nam có thể lấy được 1 điểm, chứ đừng nói là sẽ thắng. Ấy vậy mà Phi Sơn và các cầu thủ đã thi đấu thăng hoa, thắng Olympic Iran tới 4-1 tại cơn địa chấn trong môn bóng đá ở ASIAD 17.

Phi Sơn kể rằng, “khi HLV Miura đưa tôi vào sân ông cũng nói, hãy tự tin và hãy chơi bóng theo cách của cậu”. Và Sơn thành công, sau một pha chuyền bóng của đồng đội, Sơn thoát xuống, nhanh nhẹn y hệt Ronaldo, tung cú sút quyết đoán ghi bàn. “Tôi nhớ đến cha mình và muốn dành tặng bàn thắng này cho cha mình. Nếu còn sống, hẳn cha rất vui khi tôi làm được những điều này” - Sơn nói.

"Ronaldo của Việt Nam" chắc chắn thành công, không chỉ ở ASIAD lần này mà còn ở V.League, trong màu áo SLNA cũng như ĐTQG, bởi với Phi Sơn, “chơi bóng không chỉ là câu chuyện danh vọng và tiền bạc, đó là đam mê theo đuổi cả đời”.

Với một người nghị lực như Phi Sơn, tất cả đều có thể đặt niềm tin.
  
Theo Lao Động

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X