Thứ Ba, 13/05/2025
Zalo

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal?

Thứ Ba 13/05/2025 15:09(GMT+7)

Phút 95, Martin Ødegaard thoát xuống đối mặt thủ môn. Khán giả Arsenal bên khán đài Anfield Road đồng loạt chồm tới, nín thở chờ đợi. Ở đâu đó trên cái dàn bình luận bất tử nơi chín tầng mây, cố BLV Brian Moore chắc đang hắng giọng: “Mọi thứ giờ đều có thể xảy ra!”

Tiếc là khoảnh khắc vĩ đại ấy đã vuột khỏi tay Premier League khi Ødegaard sút ra ngoài. Mà thật ra, 15 điểm cách biệt giữa Arsenal và Liverpool cũng đã nói trước kết cục rồi. Có vào lưới cũng chẳng thay đổi gì.

Dẫu có đủ cả bàn thắng, thẻ phạt, va chạm, tranh cãi, kịch tính trước hai cầu môn, khán giả trung lập vẫn dễ dàng nhận ra cái sự thật phũ phàng: đây lẽ ra phải là trận quyết đấu cho ngôi vô địch, chỉ tiếc là... chẳng có chức vô địch nào để quyết. Một bữa tiệc đầy đủ món nhưng lại thiếu linh hồn.

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal 1
 

Nhưng cũng vì thế mà trận đấu lại vui. Cái nhẹ nhõm, vô tư của một trận vô thưởng vô phạt hóa ra lại tạo nên không khí bừng bừng tự do. Khi các đối thủ đang hụt hơi, Liverpool ung dung mở tiệc kéo dài cả tháng. Và cũng từ đó mà khoảnh khắc đáng nhớ nhất xuất hiện: giữa hiệp hai, Trent Alexander-Arnold từ ghế dự bị bước ra và nếm trải cảm giác bị quay lưng bởi chính gia đình mình.

Cách khán giả đối xử với Trent, thật ra cũng là tấm gương phản chiếu đúng nhất giá trị thực của trận đấu này. Nếu còn đua vô địch, đừng mong cổ động viên làm vậy. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu còn đua vô địch chính Trent cũng đã không xuất hiện trong tình thế này. Tại sao phải tự tay tạo nên cái bóng tiêu cực cho những trận cuối mùa? Sao không chờ đến trận hạ màn, nhận vòng hoa rồi rút êm như chưa từng có gì?

Còn Arne Slot lúc đó thì đúng kiểu mắc kẹt. Conor Bradley, thằng nhỏ được cả sân Anfield tung hứng nhưng thể lực thì không thể gồng đủ 90 phút. Thay người thì hỏng vui, không thay thì hỏng việc. Slot biết chứ, chỉ là phải chọn thôi. Và ông chọn đưa Trent vào sân.

Nhưng cái giá phải trả đến liền. Vừa thấy Trent xuất hiện, cả Anfield như bốc lên cơn sốt tự ái: kẻ la ó, người đứng dậy, người buông tiếng chửi thề, kẻ thì tặc lưỡi cười khẩy. Và đúng cái lúc ấy, Arsenal ra chân. Trong lúc cả Anfield còn đang bận “xử lý chuyện nhà mình”, Mikel Merino đứng trơ trọi trong vòng cấm, nhận bóng thoải mái, rồi gỡ hòa như một lẽ tất yếu.

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal 2
 

Mà thú thật, phải khen cho đúng. Cái cách người ta la ó Alexander-Arnold nghe thì nhỏ nhen, ích kỷ, vô ơn… nhưng tất cả đều là lời khen. Yêu bóng đá là phải thế: phi lý, cảm tính, thiên vị tới mức nực cười. Stoke đến giờ vẫn còn ghét Aaron Ramsey vì... gãy chân trong trận gặp họ mười lăm năm trước. Sunderland với Coventry thì ghét nhau đến tận bây giờ, chỉ vì năm 1977 ông Jimmy Hill dám cho chiếu tỉ số Sunderland thua lên bảng điện tử. Từ khoảnh khắc ấy, cầu thủ Coventry và Bristol City hiểu rằng họ chỉ cần câu giờ, đá cầm chừng là đủ để cùng nhau trụ hạng đẩy Sunderland xuống hạng Nhì. Cả sân bóng đứng nhìn nhau chuyền bóng qua lại, không ai buồn đá nữa. Với Sunderland, đó là vết nhơ không rửa nổi. Mà bóng đá là thế, vốn dĩ chẳng có luật nào cấm người ta nhỏ nhen hay thù dai cả. Mới vui.

Alexander-Arnold lớn lên ở Liverpool, nơi những mối ràng buộc vốn dĩ chẳng đẹp như người ta vẫn hay kể, nơi tình cảm thường đi kèm điều kiện và tính toán lẽ ra phải hiểu rõ mình đang dấn thân vào cái gì. Đây là chuyện của chúng tôi, là gia đình chúng tôi. Và ở đây, không có chỗ cho kiểu đứng nửa trong nửa ngoài. Cái cảnh bêu riếu giữa chốn đông người đó nghe đâu cũng phảng phất mùi mafia: xem đó là lời nhắc nhở cho những ai còn đang mơ hồ.

Và có lẽ từ góc nhìn đó, ta cũng hiểu hơn về Liverpool thời nay. Một đội bóng vừa vô địch Premier League lần thứ hai nhưng cũng đang trên bờ vực tháo dỡ chính đội hình đó. Người hâm mộ các đội khác hay châm chọc Liverpool là lũ ủy mị, suốt ngày sống trong hoài niệm và những cảm xúc quá khổ. Nhưng thử hỏi còn gì lạnh lùng, tàn nhẫn và thực dụng hơn việc la ó một công thần lò nhà chỉ vì anh ta không còn hữu dụng?

Liverpool hiện đại, khi đã muốn, vẫn có thể máu lạnh đến mức người ta không nhận ra. Bộ khung đầu tiên của triều đại Klopp, lần lượt bị tiễn đi trong im lặng: Fabinho, Henderson, Milner, Keïta,... Firmino từng kể, đầu năm 2023, anh vào phòng Klopp để nói mình sẽ ra đi. Và lúc ấy, ánh mắt Klopp đã nói hết: “Ông ấy biết rồi. Sẽ không có gia hạn nào cả. Thế là hết.”

Vấn đề đặt ra là: Arsenal có đủ lạnh lùng như Liverpool hay không?

Đây vốn là một đội bóng từng mất tới năm năm chỉ để chần chừ xem việc sa thải một HLV thất bại có phải là bất lịch sự không. Đội hình hiện tại của họ vẫn còn nhiều sức sống, vẫn có chất lượng, như cái cách họ lội ngược dòng trong hiệp hai đã cho thấy. Nhưng đi kèm với đó là hàng loạt vấn đề: quá nhiều lời bào chữa, quá sa đà vào quy trình, thiếu sự dứt khoát, thiếu định hướng rõ ràng và đặc biệt là còn quá nhiều cầu thủ không đủ trình độ để nâng tầm đội bóng, nhưng đội lại chưa dám mạnh tay thay thế.

Nhìn vào từng vị trí cụ thể, câu hỏi dồn dập xuất hiện: Martinelli sẽ còn được kiên nhẫn chờ đợi bao lâu nữa để thực sự vươn tầm? Ødegaard vì sao lại tụt dốc đúng vào mùa giải đội bóng cần anh nhất? Thomas Partey đã không còn phù hợp, vậy lý do gì Arsenal vẫn chưa thay thế?

Bạn thấy gì từ trận cầu thủ tục giữa Liverpool và Arsenal 3
 

Rồi những so sánh trực diện: nếu là Liverpool, họ có giữ Jorginho thêm một năm như Arsenal không? Saka từng là niềm hy vọng sáng nhất hai mùa trước sao giờ lại có dấu hiệu giậm chân? Và cuối cùng, câu hỏi dễ thấy nhất nhưng cũng khó trả lời nhất: tại sao Arsenal vẫn chưa chịu mua một trung phong thực sự đẳng cấp?

Những câu hỏi ấy tưởng như đơn giản, nhưng câu trả lời thì phức tạp hơn nhiều. Bởi trong một môi trường bóng đá ngày càng ồn ào: từ dữ liệu, từ dư luận, từ những lời khuyên răn trái chiều. Nguy cơ lớn nhất với Arsenal không phải là thiếu tài năng, mà là học sai bài học.

Chuyến hành quân tới Anfield lần này có thể không quyết định chức vô địch mùa này, nhưng nếu biết rút ra điều đúng đắn, nó hoàn toàn có thể quyết định tương lai mùa sau.

(Theo Jonathan Liew/The Guardian)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Lamine Yamal và khởi đầu vượt ngoài tầm với của cả Messi

Lamine Yamal và khởi đầu vượt ngoài tầm với của cả Messi

Lamine Yamal và khởi đầu vượt ngoài tầm với của cả Messi

Bóng đá là thế giới đầy cảm xúc, nơi người ta dễ dàng thổi phồng giá trị của một cầu thủ chỉ sau vài khoảnh khắc toả sáng. Nhưng với Lionel Messi, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Sẽ chẳng ích gì khi khen ngợi anh quá nhiều, bởi ngay cả những lời tán dương tưởng như phóng đại nhất cũng đều là sự thật.

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Barcelona: Khi phía trước vẫn là bầu trời

Thất bại cay đắng trước Inter Milan tại bán kết Champions League mùa này sẽ là “sợi dây kinh nghiệm” quý giá đối với tập thể trẻ trung mà HLV Hansi Flick đang gây dựng tại sân Nou Camp. Sau tất cả những gì đã thể hiện, các cules hoàn toàn có quyền mơ mộng về một tương lai xán lạn hơn nữa dành cho đội bóng xứ Catalonia.

Xem thêm
top-arrow
X