Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Alex Ferguson - Huyền thoại của những huyền thoại

Thứ Năm 09/05/2013 13:43(GMT+7)

Ghế HLV của MU tương lai sẽ có một chủ nhân mới, song chắc chắn còn rất lâu để người hâm mộ thôi nhớ về người đàn ông tóc bạc trắng, luôn mồm nhai kẹo cao su, mặt đỏ tía tai trước mỗi tình huống bất lợi của đội nhà và mừng rỡ như một đứa trẻ khi học trò ghi bàn.

Khi mà các cổ động viên Manchester United còn đang nghĩ xem họ sẽ ăn mừng chức vô địch Premier League lần thứ 20 như thế nào trên sân nhà trước Swansea ngày 12/5 tới thì tất cả phải sững sờ trước thông tin: Huấn luyện viên Alex Ferguson sẽ giã từ băng ghế chỉ đạo của MU kể từ cuối mùa giải này. Trận đấu với West Brom ngày 19/5 tới sẽ là lần cuối cùng người ta được thấy vị huấn luyện viên người Scotland ấy trên băng ghế chỉ đạo. Ở tuổi 71, Sir Alex Ferguson chia tay Manchester United để lui vào hậu trường, bỏ lại sau lưng 27 năm cống hiến với bao chiến tích hiển hách, 38 danh hiệu lớn nhỏ và bao tiếc nuối trong lòng người hâm mộ.

Với Alex Ferguson, điểm kết thúc của chu kỳ này là điểm khởi đầu của chu kỳ kế tiếp
 

Bước ngoặt trong lịch sử Manchester United

Các cổ động viên lâu năm của Scotland có thể nhớ tới cầu thủ Alexander Chapman Ferguson hay sau này là HLV Alex Ferguson với tư cách nhà vô địch quốc gia cùng hai CLB Mirren và Aberdeen; song với các fan của môn thể thao vua trên toàn cầu, cái tên ấy được gắn liền với Manchester United.

Mùa đông năm 1986, HLV Alex Ferguson - với bảng thành tích từng dẫn dắt các CLB East Stirlingshire, St. Mirren, Aberdeen cùng đội tuyển Scotland – đã được chọn để thay thế HLV Atkinson bị sa thải tại sân Old Trafford. Ngày 6/11/1986, nhà cầm quân sinh năm 1941 chính thức được bổ nhiệm vào ghế nóng của Manchester United, song có lẽ ngay cả chính ông cũng không thể ngờ rằng mình sẽ viết nên trang sử chói lọi bậc nhất lịch sử đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh này.

Tiếp quản một MU rệu rã, trận đấu đầu tiên của Alex Ferguson là thất bại 0-2 trước đội dưới cơ Oxford United. Với một đội bóng từng lên đỉnh châu Âu vào thập niên 1960 với sự dẫn dắt của Sir Matt Busby cùng những cầu thủ vĩ đại như George Best, Bobby Charlton hay Dennis Law ... vị trí áp chót bảng xếp hạng quả thực là không thể chấp nhận. Song Ferguson đã chỉnh đốn các học trò như Paul McGrath, Bryan Robson ... để vực dậy đội bóng và kết thúc mùa giải với vị trí chấp nhận được là thứ 11.

Tuy vậy, suýt chút nữa Ferguson đã bị sa thải nếu ban lãnh đạo Manchester United không kiên nhẫn sau ba mùa giải liền trắng tay trên mọi mặt trận. Về sau này, các fan của MU thường nhắc tới chiến thắng trước Crystal Palace trong trận chung kết cúp FA năm 1990 như một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đội bóng, bởi nếu thất bại, rất có thể Ferguson đã phải khăn gói ra đi và người hâm mộ sẽ chẳng được chứng kiến những thành công lớn sau này.

Những chức vô địch Premier League đầu tiên: Dấu ấn Cantona và thế hệ 1992

Dù đã có được FA Cup hay Cup C2 châu Âu sau chiến thắng trước Barcelona năm 1991, tài năng của Ferguson vẫn bị hoài nghi bởi ông cũng giống như bao HLV tiền nhiệm khác khi chưa thể tái lập thành tích của Sir Busby vĩ đại: vô địch nước Anh. Sau nhiều mùa giải liền chứng kiến sự thống trị của Liverpool, Ferguson đã cam kết đưa chức vô địch trở về sân Old Trafford và cụ thể hóa lời hứa đó bằng cách kí hợp đồng với Eric Cantona, “bản hợp đồng hời bậc nhất lịch sử MU”. Chỉ có giá 1,2 triệu bảng song huyền thoại người Pháp vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ cho tất cả bởi lối chơi kĩ thuật, giàu sức chiến đấu và cách truyền cảm hứng cho những đồng đội xung quanh. Cùng với tiền đạo tài năng Mark Hughes, Cantona đã đưa MU tiến một mạch tới chức vô địch Premier League đầu tiên (kể từ khi giải vô địch Anh chính thức mang tên mới) vào năm 1993, giải cơn khát danh hiệu trong suốt 26 năm liền và mở ra một chương mới huy hoàng cho MU.

Những mùa giải sau đó, người ta bắt đầu được làm quen với thành công đều đặn của MU. Mùa giải 1993-94, sự bổ sung tiền vệ trẻ sau này trở thành trụ cột Roy Keane để thay thế Bryan Robson đã đem lại quả ngọt cho MU. Họ tiếp tục đăng quang Premier League với đầu tàu Cantona, thủ thành Peter Schmeichel (đưa về từ năm 1991) và những cầu thủ tiềm năng như Keane, Ryan Giggs ... đồng thời tiếp tục vô địch FA Cup sau chiến thắng đậm 4-0 trước Chelsea. Một năm sau đó, mọi việc trở nên khó khăn hơn khi Cantona gây ra scandal kungfu nổi tiếng với cổ động viên của Crystal Palace và chịu án treo giò tám tháng. Việc trình làng lứa cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn” như Gary Neville, Nicky Butt, Paul Scholes hay Beckham cùng bản hợp đồng đắt giá 7 triệu bảng với Andy Cole không thế giúp MU dành chức vô địch Premier League lẫn FA Cup.

Mùa giải sau đó, Ferguson còn thực hiện sự thay máu mạnh mẽ hơn khi bán Paul Ince, Mark Hughes cùng Kanchelskis ... và tin dùng lứa cầu thủ trẻ kể trên, bất chấp Liverpool, Arsenal và Newcastle đều có những vụ tuyển mộ rầm rộ. Ngay trận đấu đầu mùa giải, MU đã thúc thủ 1-3 trước Aston Villa, khiến BLV Alan Hansen đưa ra câu bình luận nổi tiếng: “Bạn không thể vô địch với những đứa trẻ” để rồi sau đó, ông đã phải đưa ra lời xin lỗi vào cuối mùa giải. Dòng máu trẻ của những Giggs, Scholes, Becks cùng sự trở lại đúng lúc của Cantona đã giúp MU trở thành đội bóng đầu tiên hai lần giành cú đúp Premier League - FA Cup. Đáng kể hơn là kì tích đó được tái hiện chỉ sau một năm và mang nặng dấu ấn của Ferguson, người bắt đầu được coi như HLV tài ba nhất nước Anh.

Cú ăn ba và phong tước Hiệp sĩ

Khi nhắc về Alex Ferguson, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể đến cú ăn ba nổi tiếng mùa giải 1998-1999. Trước mùa giải lịch sử này, MU đã vô địch Premier League thêm một lần vào năm 1997-97 với bản hợp đồng quý giá Ole Gunnar Solskjær song lại thất bại trước Arsenal của HLV mới Arsene Wenger vào năm 1998. Bước vào mùa giải 1998-1999, MU có sự bổ sung chân sút Dwight Yorke cùng hậu vệ Jaap Stam và tự tin bước vào chinh phục đỉnh cao. Với một tập thể kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm, MU vô địch Premier League và FA Cup với những khoảnh khắc đáng nhớ, song khi nói tới mùa giải trên, các fan của MU luôn nghĩ ngay tới trận chung kết lịch sử với Bayern Munich tại sân Nou Camp.

Lễ đăng quang khó quên trên sân Nou Camp 14 năm trước.
Lễ đăng quang khó quên trên sân Nou Camp 14 năm trước.

Đánh bại Juventus tại bán kết một cách đầy khó tin với tỉ số 3-2 trong trận lượt về trên sân đối phương, MU bước vào trận chung kết Cup C1/Champion League đầu tiên kể từ năm 1968. Đối thủ của họ là Bayern hùng mạnh, và ngay từ đầu hiệp 1, pha đá phạt của Basler đã đem tới lợi thế dẫn trước 1-0 cho đội bóng đến từ nước Đức. Hùm Xám đã giữ vững thế trận trên cho tới hết 90 phút chính thức, song không ai có thể tin những chuyện xảy ra vào thời gian đá bù. Chỉ trong vòng 3 phút với 2 quả phạt góc, Teddy Sheringham và Solskjær lần lượt ghi bàn cho MU, đưa đội bóng này lên đỉnh châu Âu một cách ấn tượng nhất.

Chính cú ăn ba trên đã đưa Ferguson vào hàng ngũ những HLV vĩ đại nhất lịch sử nước Anh và vào ngày 12/6/1999, ông đã được phong tước Hiệp sĩ. Kể từ đó, các bài viết, thông tin nói về ông luôn được ghi đầy đủ: Sir Alex Ferguson.

Một cá tính và thành tích khó thể sánh bằng

Khi quyết định giải nghệ sau 26 năm dẫn dắt Manchester United, Alex Ferguson đã làm nên một kì tích trong bóng đá hiện đại, cả về thời gian cầm quân lẫn số danh hiệu ông giành được. 38 chức vô địch cùng MU là thành tích cao nhất mà một HLV từng đạt được tại Anh, song những dấu ấn ông để lại có lẽ còn lớn hơn.

Trong thời gian dẫn dắt MU, cái tên Ferguson và MU không hề gắn liền với một trường phái bóng đá nào, như Helenio Herrara với Cantenaccio phòng ngự đổ bê-tông nổi tiếng, Lobanovsky với lối chơi tổng lực hay Barcelona/tuyển Tây Ban Nha với phong cách tiki taka gần đây. Ông nổi tiếng bởi sự linh hoạt, biết thay đổi lối chơi, đội hình sau mỗi thất bại để hướng tới những đỉnh cao mới. Cứ sau mỗi mùa giải trắng tay, khán giả lại được chứng kiến một MU đứng dậy mạnh mẽ hơn, và tất cả đều nhờ công của người đàn ông 71 tuổi này. Sau giai đoạn 2004-2006 núp sau bóng của Arsenal bất bại và Chelsea của Jose Mourinho, Manchester United đã trở lại thống trị Premier League với ba chức vô địch liên tiếp. Hay gần nhất là mùa giải trước, Ferguson từng có ý định về hưu sớm sau khi giúp MU giành chức vô địch thứ 20 song bàn thắng ở những giây cuối cùng của Aguero giúp Manchester City đăng quang đã khiến ông thay đổi ý định. Quyết định ở lại thêm một mùa giải, chiêu mộ Kagawa và đặc biệt là Robin Van Persie, Ferguson đã có được chức vô địch Premier League thứ 13 trong 27 năm dẫn dắt Quỷ đỏ.

Bí quyết giúp vị HLV này thành công là nhờ ông được toàn quyền quản lý CLB, từ chiến thuật cho tới chuyển nhượng chứ không hề bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Với Ferguson, không có ngôi sao nào được phép lớn hơn CLB và ngay cả những ngôi sao lớn như Ruud Van Nistelrooy, Roy Keane ... cũng phải rời MU khi có xích mích với đồng đội hay chính HLV. Ở sân Old Trafford, Ferguson là ngôi sao lớn nhất mà theo Cantona nhận định thì “sẽ có những Cantona, Giggs, Scholes hay Ronaldo mới ... song sẽ chẳng bao giờ có thêm một Sir Alex Ferguson”.

Ngoài sự linh hoạt trong chiến thuật, Ferguson còn nổi tiếng về khả năng giữ đoàn kết trong phòng thay đồ cũng như cái uy với cầu thủ. Không phải HLV nào trên thế giới cũng đủ khả năng thuyết phục một ngôi sao lớn như Wayne Rooney chơi trái sở trường mà anh ta vẫn phải vui vẻ chấp nhận. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện đấu đá hay chỉ trích nội bộ khiến phòng thay đồ rối loạn như tại Real Madrid hồi đầu mùa giải này, bởi Ferguson sẽ chẳng bao giờ để điều đó xảy ra. Ông luôn đứng ra bảo vệ các học trò khi họ gặp vấn đề về phong độ (chuỗi 2 tháng tịt ngòi của Persie), bị dư luận ghét bỏ (Beckham sau World Cup 1998 và Ronaldo sau World Cup 2006) hay vì những scandal do chính họ gây ra (Rio Ferdinand quên thử doping năm 2004 hay khi Rooney đòi ra đi năm 2010). Người ta thường hay trách “ông già gân” luôn khơi ra những màn khẩu chiến, chỉ trích trọng tài sau mỗi thất bại của MU mà quên rằng mỗi lần như vậy, Ferguson đã tự đưa mình thành bia đỡ đạn, hướng sự chú ý của dư luận vào bản thân mình để các học trò có thể tập trung vào chuyên môn với trái bóng tròn. Chính vì lẽ đó, ngay cả những cầu thủ có xích mích với Ferguson khi rời sân Old Trafford hay thậm chí là đã giải nghệ sau này như Schmeichel mới đây tại Việt Nam cũng luôn dành những lời tôn kính để nói về người thầy cũ (trường hợp của Carlos Tevez là rất hiếm hoi).

Được toàn quyền điều khiển công tác chuyển nhượng, không phải Ferguson chưa từng mắc những sai lầm. Người ta vẫn nhớ tới những bản hợp đồng thất bại như Juan Veron, Bebe, Taibi ... song bù lại, HLV người Scotland này đã đưa về những Cantona, Rooney, Ronaldo, Nistelrooy, Van Persie, Sheringham, Cole, Van Der Sar ... để gây dựng hai thập kỉ thành công cho MU. Về khía cạnh cân bằng kinh tế, Ferguson cũng thành công khi biết đưa ra những quyết định hợp lý, mua bán sinh lời (mua Ronaldo với giá 12 triệu bảng trước khi bán anh với giá 80 triệu bảng năm 2009) và dùng số tiền thu được để tái đầu tư cho đội bóng. Sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sức mạnh đội bóng đã làm nên một MU giàu có và nhiều fan nhất thế giới hiện nay.

Kể từ năm 1986, Real Madrid đã thay 24 HLV. Inter, Chelsea, Bayern Munich cũng có những con số đáng giật mình: 19,18, 14. Những con số đó quá đủ để nói về sự vĩ đại của Ferguson. Hãy thử nhìn Pep Guardiola đã mệt mỏi ra sao sau 4 năm dẫn dắt Barcelona để rồi khi ông nói lời chia tay mới thấy được sự bền bỉ và khát khao chinh phục của Ferguson. Người đàn ông từng run run bàn tay sau thất bại trước Barca ở chung kết Champions League 2011 không bao giờ tự thỏa mãn với bản thân và luôn đặt cho mình những cột mốc chinh phục mới. Ông chính là HLV tại vị lâu nhất tại các giải đấu hàng đầu Châu Âu và đã dẫn dắt MU tổng cộng 1497 trận. Người ta có thể nhớ tới những sai lầm chuyển nhượng của Ferguson, vụ “chiếc giày bay” nổi tiếng với Beckham hay những lần chỉ trích trọng tài ... song sau tất cả, vị HLV người Scotland này xứng đáng được nhớ tới bởi những điều kì diệu ông đem tới cho bóng đá. Riêng tại Anh, ông đã đào tạo ra nhiều lứa cầu thủ trẻ với những cái tên xuất sắc từ nhiều thế hệ như Giggs, Scholes, Ronaldo ... và phá vỡ thế độc tôn của Liverpool. Trên đấu trường Châu Âu, ông đã đưa MU 2 lần vô địch Champion League với hai trận chung kết đáng nhớ.

Có bao mỹ từ được viết ra, biết bao bài báo, cuốn sách, cả bức tượng hay khán đài Sir Alex Ferguson’s Stand tại Old Trafford có lẽ cũng chả đủ để nói về vị thế của người thuyền trưởng vĩ đại trong mắt các fan Quỷ đỏ. Khi Ferguson quyết định dừng lại, ông để lại một tập thể MU hùng mạnh “có đẳng cấp để vô địch các giải đấu, có sự cân bằng về mặt tuổi tác, có sự tiếp nối thành công ở đẳng cấp cao nhất” như ông khẳng định, chứ không phải một đống đổ nát như khi ông tiếp quản đội bóng năm 1986. Ghế HLV của MU sau này sẽ có một tên tuổi nổi tiếng được chọn để thay thế, song chắc chắn sẽ còn rất lâu để người hâm mộ thôi nhớ về người đàn ông tóc bạc trắng, luôn mồm nhai kẹo cao su, mặt đỏ tía tai trước mỗi tình huống bất lợi của đội nhà và mừng rỡ như một đứa trẻ khi các học trò ghi bàn. Dù yêu hay ghét Ferguson, việc chia tay của ông là một mất mát lớn với thế giới bóng đá.

Các danh hiệu của Ferguson với Manchester United:

- Premier League (13 chức vô địch): 1992-93, 1993-94, 1995-96, 1996-97, 1998-99, 1999-2000, 2000-01, 2002-03, 2006-07, 2007-08, 2008-09, 2010-11, 2012-13.
- Cúp FA (5): 1989-90, 1993-94, 1995-96, 1998-99, 2003-04
- Cúp Liên đoàn Anh (4): 1991-92, 2005-06, 2008-09, 2009-10.
-Siêu cúp nước Anh (10): 1990 (shared), 1993, 1994, 1996, 1997, 2003, 2007, 2008, 2010, 2011.
- Champions League (2): 1998-99, 2007-08.
- Cúp C2: 1990-91.
- Siêu cúp châu Âu: 1991.
- Cúp Liên lục địa: 1999.
- FIFA Club World Cup: 2008.

(Theo Vnexpress)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X