Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp thì rõ rồi: Dựa trên cơ sở của luật mà hành xử. Nhưng giữa chuyện biết, hiểu cho đến hành động là một khoảng cách rất xa. Điều này thể hiện rõ nhất qua diễn biến của thị trường chuyển nhượng (TTCN) cầu thủ.
Nước đến chân mới nhảy
Công Vinh chuyển đến T&T HN với giá không dưới 7 tỷ đồng, nhưng SLNA chỉ được hưởng chút ít lại quả, gọi là tiền chè thuốc. Tình huống tương tự với Minh Đức. Trước đó, những Xuân Thắng và hàng loạt các cầu thủ có xuất xứ Nghệ An cũng ra đi theo cách này. M.Nam Định cũng đang đối diện với nguy cơ mắt trắng 5 trụ cột. Còn K.KH năm ngoái thì phải đứng nhìn 4 cầu thủ con cưng của mình về với V.Ninh Bình, mà tức anh ách. Một chừng mực nào đó, chuyện mà TĐCS.ĐT gặp phải với 5 cầu thủ hay nhất của họ ở cuối năm 2008, cũng na ná như thế.
![]() |
Công Vinh chuyển đến T&T HN với giá không dưới 7 tỷ đồng, nhưng SLNA chỉ được hưởng chút ít "lại quả" |
Người xứ Nghệ bảo, các đội bóng khác đã dùng tiền để rút ruột dòng sông Lam. Một cuộc chơi không công bằng. Nhưng rõ ràng là họ không thể cưỡng lại được, với cung cách quản lý bóng đá quá ư là cũ và lạc hậu, lụy tình. Phải, chơi cho đội bóng quê hương, mà lại là quê hương xứ Nghệ, thì hẳn phải là niềm tự hào lắm lắm. Nhưng mấu chốt quyết định lại là TIỀN. M.Nam Định còn “phủi” hơn, với lập luận: Chưa một cầu thủ nào rời thành Nam, mà thành danh cả, nên chắc chắn họ chả dại gì mà dứt áo ra đi?! Quả hết biết!
Làm bóng đá kiểu ngẫu hứng
Rất nhiều các trường hợp cầu thủ, dù mới qua được hợp đồng 2 – 3 năm, thậm chí là nhiều hơn, với đội bóng mới, nhưng chỉ năm sau, lại thấy họ có tên trong danh sách đăng ký của CLB khác. Dù là dạng cho mượn, chuyển nhượng hay gì gì đi chăng nữa, thì đội bóng vẫn mang tiếng là ném tiền qua cửa sổ. Đi đầu trong trào lưu này, hẳn phải là V.Ninh Bình, khi cứ mỗi năm họ ký và thanh lý đến vài chục con người.
(Theo TT&VH)